Sunday, January 24, 2016

NGÔI BIỆT THỰ TRẮNG





     Đã lâu lắm tôi không có dịp đi ngang khu vực này, có lẽ kể từ ngày tôi rời thành phố Costa Mesa và trường Orange Coast College (OCC), hay cũng có thể từ những ngày đầu, con đường Bolsa dần dà được biến dạng thành khu Sài Gòn Nhỏ, cho mãi tới bây giờ ngót ngét gần 30 năm sau, tôi mới có dịp sử dụng nó trở lại thường xuyên hơn, vào mỗi sáng chủ nhật, vì lớp chụp ảnh đã dời về đây. Thực ra tôi không phải là học viên, cũng chẳng có chân gì trong hội Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật, nhưng vì thằng con theo học lớp này, lại thêm hai ba anh bạn thân, là thành viên của hội rủ rê, nên tôi thường xuyên theo tới, nhân tiện sáng chủ nhật có dịp gặp gỡ bạn bè, nhâm nhi cà phê, tán gẫu, và lôi những mớ kỷ niệm thưở còn bồng bềnh sóng nước, ra ôn lại để cười đùa cho vui, may ra cũng giúp ích phần nào, trí nhớ kéo dài lâu hơn, được chút nào hay chút nấy. Hôm nay là ngày mãn khóa và triển lãm của khóa 1-2010, vợ chồng tôi tới tham dự ủng hộ tinh thần thằng con, và xem hình triển lãm, đây là khóa thứ hai nó theo học. Tôi chỉ nghe phong phanh là lớp dời về khuôn viên Tổ Đình MĐQ, nằm gần Centenial Regional Park, tuy hai anh bạn Nam và Thắng, đã cẩn thận chỉ đường vạch lối, nhưng tôi cũng chưa hình dung chính xác nó nằm ở địa điểm nào, và đây cũng là lần đầu tiên, tôi nghe nói có ngôi chùa trong khu này. Chúng tôi rời nhà từ lúc 7 giờ 30 sáng, xuôi nam trên con đường Fairview từ xa lộ 22, qua mấy chặng đường quen thuộc, khỏi công viên một chút là tới đường Harvard, vừa bẻ lái cho xe quẹo mặt, vợ tôi đã chỉ chỏ rồi nhanh miệng “chùa nè anh!”, tôi nhìn về góc trái theo hướng tay vợ tôi, trông bề ngoài không thể nhận ra, nếu không có tấm “băng-rôn” với hàng tên treo trên vách. Từ từ cho xe tiến vào sân, tôi thoáng thấy lố nhố vài ba người trong ban điều hành lớp, cùng hai anh bạn đang loay hoay sắp xếp, và treo ảnh trên những tấm bảng, xếp thành hai hàng dài dọc hai bên, ngay sân giữa có bạt che nắng, che mưa. Sau khi đậu xe ở phía sân sau, chúng tôi đảo bước một vòng ra mặt trước, nhìn ngôi nhà tôi lẩm bẩm trong bụng, thì ra đây là “ngôi biệt thự trắng”, không ngờ có ngày mình đặt chân vào đây!

     Có lẽ cũng như tôi, phần đông người Việt tỵ nạn vào những năm 1975 - 1980, sinh sống ở vùng trung tâm quận cam, con đường này không xa lạ gì, phải nói là rất quen thuộc, trong những năm đầu đến lập nghiệp là đằng khác. Hồi đó số người Việt tỵ nạn, chỉ khoảng độ trên dưới chục ngàn, rải rác đó đây, duy có hai khu tập trung tương đối đông hơn cả, một ở khu nhà thờ Costa Mesa, nằm phía sau đường Baker và Fairview, gần trường OCC tận cuối phương nam, và một ở phía bắc con đường McFadden, được gọi lả khu chung cư Voltaire. Trên con đường này còn có chợ Mê-Kông, nghe nói đây là chợ VN đầu tiên trong vùng, mang cái tên quen thuộc khác của giòng sông Cửu, nhắc nhớ lòng người tha hương, nhớ về cố quốc, nằm ngay góc Edinger và Fairview, trong khu siêu thị Stater Bros. Thỉnh thoảng cuối tuần, tôi ghé qua mua một hai hộp sữa đặc hay chai nước tương, thế nào cũng gặp cô bé, con bà chủ phụ quầy tính tiền, cô bé trông rất dễ thương, tuổi độ trăng tròn, dịu dàng thùy mị, lúc nào cũng điểm nụ cười tươi như hoa, trên đôi môi hồng chín mọng, để lộ chiếc răng khểnh trông thật là duyên dáng, chắc cũng làm điêu đứng bao cậu con trai cùng trường không ít, tôi thầm mừng cho cô bé, chắc gia đình cô được bảo trợ thẳng về Cali, chứ nếu về mấy tiểu bang miền Đông Bắc, thì chiếc răng khểnh của cô khó mà giữ được, bởi với người Mỹ cái gì nhìn lệch lạc, không thẳng hàng ngay lối, là họ đưa đi Nha Sĩ nhổ cái rụp cho tiện bề sổ sách. Tiếp tục một chặng đường nữa sẽ gặp đường số 1, quẹo phải vài trăm thước là hội quán Việt nam, nằm bên tay trái, tôi thắc mắc sao không lấy một cái tên quen thuộc, của nhà hàng nào đó ở Sàigòn? Hay phải chăng chủ nhân là một cựu quân nhân, đặt tên này để nhớ về những hội quán, câu lạc bộ cũ trong đơn vị, tự an ủi lòng? Hội quán VN thật ra chỉ là một nhà hàng bình thường, tương đối rộng rãi, một nửa kê dăm bẩy cái bàn ăn, nửa còn lại để hai bàn bi-da, một bi-da sáu lỗ, và một bi-da ba trái, nên thu hút được một số thanh niên tới chơi. Nói về các món ăn, rất tiếc tôi không thể cất giữ được cái hương vị của nó, cũng không thể làm đông đặc đưọc khẩu vị của tôi, để có thể đem ra so sánh với các hàng quán bây giờ, bằng những con số 3, 4 hay 5 phần 10! Nhưng nếu nhìn vào mốc thời gian ngày ấy, khi con đường Bolsa còn là một vùng đồng ruộng hoang sơ, lèo tèo một vài của hàng, nằm rải rác từng quãng, và với gần phân nửa người tỵ nạn, là những chàng thanh niên độc thân như tôi, trong cơn hồng thủy 30 tháng 4, 1975, trở thành “Con bà phước” bất đắc dĩ. Vì thế suốt tuần chỉ có “Food 2 Go”: Hot dog, Hamburger, Taco và Burritto làm chuẩn, hay có nhiều gia đình mà các bà, các cô trước đây chưa từng bao giờ nấu phở, nấu bún, chỉ biết nấu cơm, thì đến đây thưởng thức vài món ăn VN: Một ly cà phê sữa nóng, phở, bún, mì, hủ tíu, kể cũng qủa là tuyệt vời rồi, biết đâu may ra lại còn gặp được bạn bè thân thích. Chênh chếch vài bước bên kia đường là sở An sinh xã hội, cũng là một điạ điểm rất quen thuộc, của nhiều gia đình tỵ nạn ngày ấy. Những người ở đầu bắc phải xuôi nam trên con đường này, để vào xa lộ 405 hoặc tới trường OCC, một ngôi trường tương đối có nhiều người Việt học, trẻ gìa, đàn ông, đàn bà đủ cả, vừa học Anh ngữ, vừa học nghề, biết nói, biết nghe tí ti, đi tìm việc dễ dàng hơn, và nhất là, không phải ghi những chữ “Bất cứ việc gì”, vào ô xin việc thích hợp trên tờ đơn. Rất may thời điểm này, ngành điện tử bắt đầu đi lên như diều gặp gió, hãng xưởng mở ra nờm nợp, kiếm một việc làm, thật không có gì khó khăn cho lắm; Các hãng xưởng điện tử thường xét khả năng ứng viên, bằng một hai câu trắc nghiệm đơn giản, chỉ cần biết vài ba công thức về định luật “Ôm” (Ohm), ôm eo, ôm ếch, ôm hãng nào cũng trúng mối; Thử hỏi! có cô cậu học sinh Việt nam nào, đã từng bước qua ngưỡng cửa trung học đệ nhất cấp, mà không biết? Cũng chính vì thế, người Việt ở đây làm về ngành điện tử khá đông. Sung sướng thay cho cặp vợ chồng nào, chộp được hai “Cái tách” thì qủa là tốt phúc, bằng không “Chồng tách, Vợ ly” (Technician và Assembly), mà mọi người đã vui đùa truyền miệng nhau, là coi như mãn nguyện lắm, chả mấy chốc thoát đời tỵ nạn, dư đủ tín dụng để mua xe cộ, nhà cửa, bắt đầu cuộc đời mới vững vàng, chỉ sau vài năm chịu khó cày Ô-Tê; 10, 12 tiếng một ngày, hay có nhiều người ôm luôn hai ‘dóp’ sáng, tối cũng là chuyện bình thường; Đối lại những người ở phía nam phải ngược lên hướng bắc để đi chợ, hay tới hội quán VN, đều phải di chuyển qua khu vực này, ngang ngôi biệt thự trắng.

   Đã bao năm qua vì bận bịu gia đình và mải lo sinh kế, cũng không có dịp tới lui, tôi đã quên khuấy những nơi chốn này, không ngờ hôm nay, lại đang đứng giữa sân ngôi nhà, mà ngày xưa mỗi lần đi ngang tôi cứ tấm tắc khen thầm, và chép miệng “qủa là ngôi biệt thự đẹp, thơ mộng và kín đáo”, nhìn thì nhìn, nhưng chẳng có mảy may mong ước điều gì, mà có muốn chắc cũng không dám, bởi lẽ, mơ ước làm sao khi mình chỉ là một cư dân tỵ nạn, độc thân, với hai bàn tay trắng, và đồng lương lao động ít ỏi. Hơn nữa, tôi cũng đã nếm mùi đắng cay qua bao lần tản cư và di cư, nên tôi hiểu những khó khăn về vật chất là điều hiển nhiên, nhưng vẫn có thể vượt qua, còn sự cô đơn trong tâm hồn, mới là điều quan trọng, đáng sợ hơn cả, nó dày vò, gậm nhấm tâm hồn người ta từng đêm, từng ngày. Có lúc nó đưa tôi vào những cơn mơ tuyệt vời, còn gì sung sướng hơn là, được quây quần bên gia đình, cha mẹ anh em; hay cặp kè người yêu tung tăng dạo phố; khi lại say sưa bí tỉ với bạn bè, trong một góc phố nào đó. Có lúc bồng bềnh lướt sóng biển đông, dưới ánh trăng vàng vằng vặc giữa đêm khuya, tai nghe tiếng vẫy phành phạch của lá cờ trên cột radar, đã tả tơi vì sương gió ngày này qua tháng khác, lại còn tiếng sóng vỗ ì ầm vào mạn tầu, xen lẫn tiếng bập bùng phì phọp từ bốn cái ống bô đang ngụp lặn theo từng cơn sóng nhồi lên, thụp xuống, lắc lư như chính cuộc đời nổi trôi, của những người đã nhận nó làm bạn hải hành, rồi cứ thế mà nhìn trăng đếm sao, rầu thối ruột thối gan, chứ còn khuya mà mơ tưởng, nhặt hoa biển chờ ngày về bến, mang tặng người yêu bé nhỏ hậu phương. Đôi khi lại dìm tôi vào những cơn ác mộng, kinh dị hãi hùng, phải trốn chui, trốn nhủi vì đang bị những người anh em, bên kia chiến tuyến đuổi bắt. Những giấc mơ, chẳng đầu, chẳng đuôi, đầu gà đuôi vịt, không chuyện nào ăn khớp với chuyện nào, để rồi giật mình tỉnh giấc, là những nơm nớp lo sợ, những nhung nhớ khôn nguôi, có nhiều khi sợ đến vã mồ hôi hột, tỉnh dậy mà vẫn chưa hoàn hồn, chả biết người yêu, thân nhân bạn bè bây giờ ra sao, phiêu bạt nơi nào, ai còn, ai mất? Vì thế điều mơ ước chính, là làm sao cho vơi bớt nỗi cô đơn, tâm hồn thanh thản, còn mọi thứ khác không cần thiết, chỉ cầu sao có được chỗ trú ngụ, ngày hai bữa cơm no, áo ấm trên xứ lạ quê người là mừng lắm rồi.

    Trong lúc chờ đợi ban tổ chức, chuẩn bị chương trình cho ngày bế giảng, và triển lãm ảnh của học viên, tôi bước ra phía sân sau, thả mình ngồi trên một phiến ghế dài, nhìn những áng mây bàng bạc, lững lờ trôi, giữa bầu trời trong xanh cao vút, những giọt nắng mong manh rớt qua kẽ lá, trải trên mặt đất, như những hòn cuội đủ cỡ, đủ hình, đong đưa nhẩy múa, sau những cơn gió thoảng nhè nhẹ, như đùa dỡn, cười cợt, trước những thăng trầm thay đổi của cuộc đời. Tôi đưa mắt đảo bâng quơ một vòng, ngôi biệt thự bây giờ đã khác xưa nhiều lắm, tuy phần trên kiến trúc vẫn còn giữ được hình dáng xưa, nhưng mầu sắc đã bạc phai, mất đi vẻ e ấp, mộng mị ngày nào. Những cây điệp, cây maple thưa thớt lá và kém xanh tươi, hàng dậu cây xanh um tùm, bao bọc chung quanh ngày nào, cũng đã không còn. Ngay cả con đường Harvard chạy ngang mặt tiền, trước đây chỉ là một ngõ cụt, ngắn ngủn, bây giờ chạy thông suốt, những cánh đồng rau trái, ngũ cốc quanh vùng, được thay bằng những khu nhà công nghệ tươm tất, to lớn, tất cả mọi vật đã thay đổi hoàn toàn, và cái tên quận Cam chỉ còn cái vỏ trống rỗng, chứ chả tìm thấy cam nơi nào.

     Từ hai cái loa, tiếng nói ngọt ngào của chị điều hợp chương trình, mời mọi người vào ghế, chương trình buổi mãn khóa bắt đầu, tôi quay vào tìm một chỗ ngồi cạnh vợ con, cùng anh chị Thắng-Nguyệt, Nam-Oanh, nhưng mặc cho những tiếng bàn tán ồn ào xung quanh, hay đôi khi tiếng hú rít chói tai của cái loa, khi cái microphone vô tình bị đặt không đúng chỗ, tâm trí tôi đang bị giòng thác lũ dĩ vãng, cuốn chìm vào những ký ức của những ngày đầu mới đến, thoáng chốc mà đã 30 năm, cả một thế hệ mới đã trưởng thành, thời gian đi nhanh qúa, nhanh đến độ tôi chưa kịp nghĩ nó đã trôi qua, chưa bắt đầu những gì tôi mong ước, mà e đã muộn màng, đôi khi ngồi đếm thời gian mà nuối tiếc, nhưng dù sao tôi cũng phải cố, tuy là những cố gắng èo uột. Cái đẹp bóng bẩy sang trọng của ngôi nhà ngày nào, cũng đã nhường chỗ cho những tàn phai, những mảng sơn, loang lổ trên các khung cửa, trên vách, những vết nứt nẻ trên từng cây cột, cây đà, cho dù có được bảo trì, sơn phết cách mấy, nó cũng không giữ được cái phong thái cũ! Tôi bỗng cảm thấy một nỗi buồn, nhè nhẹ len lén vào hồn. Cỏ cây gỗ đá cũng phải đổi thay với thời gian, huống chi con người! Những giấc mơ trong tôi cũng dần dà phai nhạt, hay nếu có cũng đã khác xưa nhiều lắm, tôi tự nhủ liệu những mùa thu tới, có còn đẹp như ngày nào vừa mới bắt đầu yêu.

Thu sang đồi núi khoe vàng,
Chìm trong mắt biếc mênh mang thu sầu
Xưa, nay thu vẫn một mầu
Yêu em anh thấy thu vàng cũng xanh!

    Chẳng hiểu sao, với tôi con đường Fairview, và những địa điểm mang trên nó, là những hình ảnh cuối cùng gắn liền vào đời tỵ nạn, kể từ khi theo chân gia đình người bạn gái xuống Cali vào mùa thu năm 1977, từ vùng biển hồ Chicago lạnh gía. Nhớ lại ngày ấy, cuộc sống thật cô đơn và buồn, vì phải xa quê hương, gia đình, nhưng bù lại cũng cảm thấy đôi chút ấm lòng, vì ai ai cũng đầy ắp tình người. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” qủa thật bấy giờ mới thấy thấm thía, đầy ý nghĩa! Chả cần biết thân hay sơ, ruột thịt hay bạn bè, mới hay cũ, chỉ gặp nhau một khoảng thời gian ngắn ngủi, trong trại tỵ nạn, cũng trở thành thân tình qúy mến. “Đất lành chim đậu”, chỗ nào dễ sống, dễ thở là rủ rê nhau tới, dù ở tận đâu đâu, cũng lần mò tìm đến bên nhau cho bằng được, sống quây quần từng khu, để khi ra vào nhìn thấy nhau, thấy người Việt là vui lắm rồi. Sau khi tới Cali, tá túc ở khu Costa Mesa, tôi tìm trường học nghề, tôi chọn nghề thợ tiện, vì nghĩ đây là nghề học nhanh nhất, và cũng tương đối dễ kiếm việc, với đồng lương khá hơn mức lương lao động tối thiểu, “Có thực mới vực được đạo” mà, lo cái dạ dày trước đã. Trường dạy nghề mang cái tên OIC, “Opportunities Industrialization Center” là một cơ sở tư nhân, có hợp đồng với chương trình huấn nghệ của tiểu bang, xưởng bé tí ti chỉ có hai gian, nằm ngay trên đường số 1 giữa con sông Santa Ana và đường Harbor, vì thế ngày ngày đi học, tôi phải xử dụng con đường Fairview. Con đường thẳng tắp khá dài, chạy theo hướng bắc nam, suốt từ thành phố Newport Beach lên tới xa lộ 22. Đi từ hướng nam qua khỏi Costa Mesa, vượt cầu xa lộ 405, là thấy những thửa ruộng rau, dâu và  bắp, thênh thang dọc hai bên đường, tuy chỉ có bốn lằn, nhưng xe chạy rất thoải mái, rộng rãi vì thưa thớt. Khỏi đường Warner bắt đầu tới khu dân cư Santa Ana, điều khiến cho mọi người phải chú ý khi đi ngang đây, là ngôi biệt thự mầu trắng, khang trang nằm sâu trong một khu đất riêng biệt, ở bên trái con đường, sau những lùm cây xanh chắn ngang, đối diện với khu cư dân bình thường, cũ kỹ và chật hẹp, trước khi tới công viên chính của thành phố Santa Ana. Ngôi nhà trắng thật ra chẳng phải là một địa danh nổi tiếng, cũng không phải một tòa lâu đài ma, hay chủ nhân là một nàng tiên kiều diễm, một mệnh phụ phu nhân đẹp não nùng, như thường thấy trong các tiểu thuyết trữ tình hay phim ảnh, nhưng nó gây được chú ý, bởi cái tương phản với những căn nhà trong khu vực, tôi nghĩ chắc có lẽ, chủ nhân là một trang chủ, của những cánh đồng ruộng nào đó quanh đây, hẳn là gốc Á hoặc Âu, vì lối kiến trúc khác kiểu Bắc Mỹ La Tinh, với bốn sân thượng lộ thiên nho nhỏ, nằm bốn góc, trông rất ấm cúng, pha chút tình tứ lãng mạn. Ngày qua ngày, nhìn ngôi biệt thự riết rồi thành quen, tôi chợt nhớ về ngôi nhà lầu vôi vàng, mái đỏ trên đồi rau Đà-Lạt, những năm còn là sinh viên Khoa Học, có lần tôi theo thằng bạn về thăm nhà nó, vì nó hứa giới thiệu tôi với cô em họ, Thục Quyên, thoạt nghe tên tôi đã thấy có cảm tình, đến khi gặp người thì tôi lại càng say đắm hơn, nàng có nét đẹp dịu dàng, trong sáng, đoan trang và dễ mến vô cùng, khác với các cô gái Sàigòn, gái Đà Lạt có làn da đẹp qúa. nước da trắng hồng, đôi má, đôi môi, lúc nào cũng ửng đỏ tựa như trái đào vừa chín, khiến cho con tim tôi ngây ngất, ngay hôm đầu gặp mặt, và suốt gần hai tuần lễ nghỉ hè, Lạc bạn tôi, Hương, bạn gái hắn, Quyên và tôi, ngày nào cũng rủ nhau, đi thăm đây thăm đó, suối này thác nọ. Những buổi tối cùng nhau ra ngồi uống cà phê ở nhà Thủy Tạ, nhìn mặt hồ Xuân Hương, sương khói tỏa mờ bay, phủ ngập mặt hồ, vây kín cả chúng tôi, tôi ôm ly cà phê nóng vào lòng hai bàn tay, đưa lên trước mặt để mùi cà phê đen sánh, bay xông vào khứu giác thơm phưng phức, tôi nhấp nhấp từng tí một, chất càphê sền sệt, quanh quánh, vừa ngọt, vừa đắng, quyện vào đầu lưỡi bờ môi, ngon làm sao! đó lần đầu tiên tôi biết hương vị “Cà phê cứt chồn”, tôi buột miệng khen “Cà phê ngon qúa!”, Lạc cười châm chọc “Mày bây giờ uống cái gì mà chẳng ngon!”, Hương phá lên cười, Quyên cũng mỉm cười, ngượng ngùng vì mắc cở, tôi liếc nhìn Quyên, nháy mắt đánh trống lảng để Quyên khỏi e thẹn: “Mày nói cũng đúng, nhưng chỉ đúng phân nửa thôi, nửa còn lại là vì cà phê Thủy Tạ đã nổi tiếng sẵn, vả lại ngồi ở hồ Xuân Hương cùng bạn uống thì lại càng thú vị hơn”, nói thì nói trong lòng tôi cũng ngầm công nhận, Lạc nói đúng thật. Bốn đứa chúng tôi ngổi sát bên nhau cho đỡ lạnh, có lúc quay qua nói chuyện, tôi có thể cảm nhận được cả hơi thở của Quyên âm ấm, ngòn ngọt, cho tôi một cảm xúc lâng lâng, sung sương khó tả, phải chi tôi có thể làm thời gian ngưng đọng được, và tôi cảm thấy đã yêu nàng. Mặc dù bên ngoài tôi cố gắng cư xử, như người khách thân của gia đình, nhưng vì cái nụ tầm xuân đả nở từ trong tâm hồn, nên không thể dấu hết được, những ánh mắt trùi mến, nửa như người anh trai che chở em gái, nửa khác thì đắm đuối tha thiết, và những quyến luyến bồi hồi, khiến cho gia đình bạn tôi phải chọc “Đất này trồng cây xi mau tốt qúa!”. Ngược lại, tôi biết nàng cũng rất có cảm tình với tôi, vì nàng không tránh né, những cái nhìn âu yếm của tôi, như mấy ngày đầu. Hôm chia tay, chân tôi như không muốn rời, nàng sang nhà Lạc chào từ giã chúng tôi, rồi quay trở về, lên ban công tựa lan can đứng nhìn. Tôi ngước mắt nhìn lên sân thượng lộ thiên, bắt gặp ánh mắt nàng trìu mến, nàng khoác chiếc áo len mầu hoa sim tím, nổi bật trên nền trời xanh nhạt, giòng tóc đen huyền xõa ngang bờ vai, nàng dơ tay vẫy chào nhè nhẹ, nhìn tôi khẽ mỉm cười, nhưng không dấu nổi một chút buồn vương trong ánh mắt. Tôi dơ tay chào nàng và nói với lên, cố giữ giọng thản nhiên như một người bạn của anh, để tránh cho nàng khỏi cảm động chia tay “Khi nào có dịp xuống Sàigòn, em nhớ viết thơ cho anh Lạc, anh và anh Lạc sẽ đi đón em”. Thấy tôi cứ chần chừ, Lạc thúc giục “Lẹ lên, không có lại trễ chuyến xe bây giờ”, “Hè tới muốn lên thì theo tao”. Tôi lên xe, chiếc Taxi từ từ lăn bánh, tôi ngoái cổ ra ngoài nhìn lại, chúng tôi vẫy tay từ biệt nhau, nhìn nhau cho đến khi đám bụi đỏ cuốn theo đằng sau xe, che khuất hình bóng nàng, dựa đầu vào lưng ghế, tôi thẫn thờ như người mất hồn! Tôi nhớ mãi hình ảnh Quyên trên ban công, căn nhà lầu mái đỏ, nổi bật trên nền trời xanh lơ, giữa đồi cải xanh bát ngát.

     Ngoài ngôi biệt thự, chợ Mê Kông, hội quán VN, nếu tiếp tục hướng bắc trên đường Fairview chỉ vài ba bước tới đường số 5, bên góc trái cũng là một địa điểm khó quên, ít nhất với tôi, đó là trung tâm Goodwill. Bây giờ dĩ nhiên không còn ai là người tỵ nạn, nên cái tên này, kèm theo cái tên K-Mart, với phần đông đã trôi vào dĩ vãng xa xăm, tuần tự theo tiến trình an cư lạc nghiệp, và ổn định của đời sống mới, Goodwill ngày nay đã được xây cất lớn, nguy nga đồ sộ hơn nhiều. Trước đây nó chỉ là một gian nhà nhỏ, và khu chứa đồ nằm xát cạnh bên, sườn nhà bằng sắt, bốn bề trống trơn, có mái tôn che trên nóc, dưới là nền xi măng, bao quanh bởi hàng rào kẽm dát những thanh gỗ sơ xài. Bây giờ thỉnh thoảng đi ngang, tôi lại hồi tưởng đến ngày ấy, chẳng khác gì một gã du mục, nay đây mai đó, cũng dăm lần bẩy lượt, tôi tới đây tìm mua quần áo và đồ cũ về dùng, vừa bước qua cánh cổng gỗ là nhìn thấy đồ đạc, quần áo, bàn ghế người cho mang tới, đổ đầy ngổn ngang, chất thành đống hầm bà lằng, nói không qúa đáng, trông chẳng khác gì một đống rác, người mua cứ việc tự tiện tìm lựa tha hồ, họ nhặt chỗ này, bỏ chỗ nọ, quăng liệng lung tung, tung tóe cả ra ngoài đất, ấy thế mà tìm được một món cần thiết cũng thấy thú lắm, có lần tôi tìm được một cái áo khoác mùa đông, dĩ nhiên đã cũ, nhưng cũng còn tốt, choàng vào vừa vặn, lòng tôi cảm thấy hớn hở như ngày nhỏ, được mẹ đi chợ mua về cho tấm mía, hay một cái bánh khảo không bằng. Gía cả thì thật rẻ, quần áo chỉ vài chục xu, tới một hai đồng là cùng, không giống bây giờ, chả thua gì Wall-Mart.

     Sau hơn tiếng đồng hồ, với những nghi thức thường có cho một ngày bế giảng, buổi mãn khóa rồi cũng kết thúc nhanh chóng, với phần trao chứng chỉ khóa học cho các học viên, và cuộc triển lãm bắt đầu, chị Dung một trong hai MC khả ái và hoạt bát, duyên dáng trong tà áo dài mầu Hoàng anh, giới thiệu đến mọi người những thành qủa, mà các học viên đã gặt hái được, sau vài tháng học tập và thực hành, qua gần 60 tác phẩm đang được trưng bầy trước mắt. Phải công nhận tấm hình nào cũng đẹp, cũng có sắc thái đặc trưng riêng của nó, đủ mầu, đủ sắc, những khoảnh khắc của hiện tượng, xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, dù là thực hay dàn dựng lại, đã được lưu giữ lại qua các lăng kính, dưới những góc cạnh, nghệ thuật khác nhau, đầy cá tính của mỗi người cầm máy, trong đó có những ý tưởng âm thầm gói ghém, chẳng khác gì những kỷ niệm riêng tư, khép kín trong tiềm thức mỗi con người. Thằng con tôi với bức hình một thiếu nữ trẻ, trong chiếc voan mầu xanh lá mạ, hướng mặt nhìn lên, đôi mắt long lanh như hai vì sao sáng, trên môi điểm một nụ cười tươi, nhẹ nhàng, ngây thơ, e ấp, pha chút ngạo mạn của tuổi trẻ. Nhìn con, tôi bỗng chợt thoáng nghĩ về tuổi thanh xuân của mình, ngày tôi vừa tròn 20, bằng tuổi con tôi bây giờ, tôi đã tạm gác bút nghiên để bước chân vào đời, làm Huấn luyện viên trong một trung tâm huấn luyện ở Vũng Tầu, mong tìm một cuộc sống tự lập, đỡ cha đỡ mẹ, bớt một phần gánh nặng phải lo cho con cái, và cũng để cho tâm hồn tôi, tạm thời lắng đọng, vì cuộc tình ngang trái. Mỗi buổi chiều tôi hay lang thang thả bộ, dưới những tàng cây xanh bóng mát, lần mò theo những con đường nhỏ, dưới chân ngọn núi hải đăng, ra tận ghềnh đá bên bờ biển, ngồi nghe sóng vỗ ì ầm dưới chân, lẳng lặng thả hồn theo những bọt sóng, cuộn sau những con tầu xuyên đại dương, cho đến khi con tầu nhỏ dần, rồi từ từ chìm lỉm ở mãi cuối chân trời thăm thẳm; Nghĩ cho thân phận mình, thương cho người yêu, tuổi còn đang độ hương xuân, đã phải chịu một đời dang dở, chỉ tại chiến tranh, tôi tự hỏi thầm không biết tình yêu tôi rồi sẽ về đâu! hay cũng như những con tầu kia, một ngày nào đó tách bến ra khơi, trong lòng tôi nỗi buổn, mỗi ngày chất ngất lên cao, và viễn ảnh tương lai cuộc đời, cũng chẳng khác gì bầu trời bao la, trống không trước mặt. Tuổi trẻ của tôi, của thế hệ tôi ngày ấy, không có nhiều chọn lựa! Tôi thầm mừng cho các con tôi, sống ở đất nước này, không phải trải qua những đoạn đường chông gai như tôi, không biết chúng có thấy kém phần hứng thú. Tôi cầu mong chúng học hỏi được những kinh nghiệm của đời, và cũng cám ơn cuộc đời tôi đã đi qua, chiến chinh, di cư, tỵ nạn, cho dù gian truân, vất vả, nhưng đó chính là những nguyên liệu, những ngọn lửa hồng giúp “tôi luyện” ý chí phấn đấu, để tôi khắc phục!!! Như những cung đàn, lúc thăng, lúc trầm, lúc thánh thót bay bổng, lúc dập dồn, lúc khoan thai. Kể từ ngày đặt chân lên đất Mỹ, 7 năm lao động chân tay, 7 năm sách đèn lăng nhăng, để cuối cùng bán óc nuôi thân, cũng là kiếp ngựa trâu! cho đến giờ phút này cũng vẫn phải đi cày. 13 năm độc thân, 18 lần di chuyển cho đến khi lập gia đình mới may mắn tạm yên, dẫu sao cũng là nhờ công em phụ gíup, cám ơn vợ tôi! Nghẫm nghĩ cho cùng cuộc đời chẳng ai biết trưóc những gì sẽ xảy ra, những cái tên quen thuộc một thời, Hội qúan VN, chợ Mê-Kông, những công việc mới “chồng tách, vợ ly”, và còn một cái tên rất đặc biệt “Cảnh vịt”, đã mang cái hương vị Việt nam đến cho nhiều gia đình, hay tìm về một góc hè phố nào đó của một Sàigòn ăn nhậu cho những tay lưu linh, quên đi những nhọc nhằn, cay đắng của một tuân lễ dài đằng đẵng, giờ đã hoàn toàn đi vào quên lãng. Vẫn địa điểm này, vẫn căn nhà kia, và cũng vẫn là tôi, nhưng tất cả đều đã đổi thay, liệu hai mươi năm sau các con tôi có chạnh lòng nhớ đến hôm nay? và tôi có còn dịp quay trở lại? Văng vẳng tai nghe tiếng niệm kinh Phật từ trong chánh điện vọng ra, tôi chợt nhớ mang máng, ngày xưa khi tôi còn nhỏ, cha tôi cũng thường hay nói ‘Cõi trần là chốn tạm dung’ nghĩ vậy cũng thấy vơi bớt phần nào nỗi buồn viễn xứ!



Nctd - 2010

No comments:

Post a Comment