Sunday, January 24, 2016

Cơn Mộng Dữ

                                    


        Khi nhận được cú điện thoại từ văn phòng Bác Sĩ  Amin yêu cầu chàng lấy hẹn, Duy đã linh cảm có gì không ổn, vì thường thì văn phòng gởi giấy thông báo kết quả là đủ, chứ ít khi yêu cầu hẹn gặp Bác Sĩ, gặp chắc là có chuyện rồi. Duy vội xin hẹn ngay, và may sao buổi chiều đó có chỗ trống, một bệnh nhân hủy bỏ vì không đến được. Mặc dù đường từ sở đến phòng mạch chỉ mất độ 30 phút, Duy đã rời sở 1 tiếng rưỡi đồng hồ sớm hơn, để đề phòng trường hợp kẹt xe cộ. Trên đường đi, chàng nóng lòng muốn tới cho thật nhanh, mong sao con đường thu ngắn lại, nhưng càng mong thì hình như con đường càng dài ra, và buổi xế trưa xa lộ vắng vẻ, lại càng làm cho nó rộng hơn, mặc dù đồng hồ tốc độ đã chỉ 75 miles, Duy vẫn đạp chân ga cho nhanh hơn chút nưã, những lằn kẻ trắng trên mặt đường vùn vụt chạy ngược chiều đến hoa cả mắt, mà sao Duy thấy  vẫn còn chậm, không thể chạy nhanh hơn vì sợ bị ‘chốp’, Duy miên man suy nghĩ về trường hợp tai bên phải bị nghẹt khoảng hơn hai tháng nay làm nước trong tai ứ đọng không thoát được, vì cớ gì, không lẽ một cái bướu mọc chắn ngang, nhưng bướu lành hay dữ (?), mà Duy không hề cảm thấy đau đớn gì cả, về cái mũi bị dị ứng từ mấy năm nay, uống thuốc hoài mà không hết, và cứ về đêm hai lỗ muĩ tắc nghẹt không thở nổi, rất có thể bị viêm muĩ. Mãy hôm trước Bác Sĩ Amin đã làm giải phẫu ngoại khoa để hút nước và đặt một ống thông nhỏ trong tai, đồng thời ông cũng làm thử nghiệm tế bào chỗ bị nghẹt, hôm nay đã có kết quả, không hiểu tin xấu tốt, lành dữ ra sao. Đang mải mê suy nghĩ, thì đã tới nơi, chàng tới đúng như dự liệu sớm một tiếng đồng hồ, nhân viên văn phòng phải ngạc nhiên vì quá sớm, nhưng Duy an tâm, thà sớm còn hơn trễ, lại phải hẹn ngày khác, mấy văn phòng Bác Sĩ chuyên khoa, lấy hẹn thường phải chờ mấy tuần mới có, ít khi gặp trường hợp bệnh nhân bỏ hẹn vào giờ chót như hôm nay.
    Chờ đợi hơn tiếng đồng hồ rồi cũng tơí lượt được mời vào, ông Bác Sĩ chuyên khoa Tai mũi họng người Ấn đã đứng tuổi hỏi han Duy từng chi tiết về tình trạng sức khoẻ, và hỏi có thấy khó chịu về cái ống thông đặt trong tai hay không, Duy trả lời không thấy một cảm giác gì  về cái ống đó cả, và hốc muĩ cũng thấy sạch sẽ hơn rất nhiều. Ông khám lại tai, nhìn vào muĩ, và soi trong cuống họng, nắn bóp các hạch ở cổ Duy rất kỹ lưỡng xem có khám phá  gì không, nhưng chẳng có gì khác lạ, rồi ông từ từ mở hồ sơ, lấy kết quả thử nghiệm và nhỏ nhẹ cho chàng biết là tin không vui, thử nghiệm cho thấy có sự xuất hiện cuả những tề bào ung thư. Vưà nghe đến hai chữ ung thư, Duy bỗng thấy bàng hoàng, ung thư! chứng bệnh quái ác này bây giờ chàng đã mắc phải sao, như vậy thì nguy hiểm thật, Bác sĩ đưa cho chàng tờ kết quả của phòng thử nghiệm và cắt nghĩa những chữ thuộc về chuyên khoa cho chàng nghe, rồi ông đứng lên tiến lại bức hình mặt và đầu treo trên tường chỉ cho chàng xem vị trí tế bào được thử nghiệm. Cầm tờ giấy vơí những giòng chữ: ‘các tế bào ung thư khác biệt đã phát hiện rõ rệt’ Duy cảm tưởng như có một luồng điện chạy từ những chữ in trên đó chuyền vào tim rồi lên não và lan nhanh đến khắp tứ chi, nỗi hoang mang lo sợ bắt đầu xâm lấn tâm trí, Duy thoáng rùng mình, ngoài khuôn cưả sổ, vẫn ánh nắng chiều cuối Thu vàng óng lay động trên các tàng cây, ngọn cỏ, phản chiếu trên từng khung cưả sổ cuả các tòa cao ốc bên cạnh, nhưng bây giờ Duy thấy khung trời trước mặt như đã bị đám mây đen che khuất, đôi mắt vẫn mở, nhưng sao bất động, chàng không còn ấn tượng những sinh động trong đời sống chung quanh. Bác Sĩ vỗ vai chàng trấn an. "Anh hãy an tâm, với kỹ thuật tân tiến về y khoa hiện đại, ung thư không còn là chứng bệnh nan y nưã, rất nhiều bệnh nhân được chưã dứt hẳn, có bệnh nhân tái phát sau một thời gian, lâu mau tùy theo từng cơ thể, có thể sáu tháng, một năm, năm năm , hay lâu hơn nưã không chừng". Duy cố gắng tĩnh tâm để nghe ông nói thêm về những điều cần phải làm, rằng chàng vẫn nên sinh hoạt đều đặn, vẫn giữ mọi sự liên hệ với vợ con như bình thường, và cứ tiếp tục đi làm, rằng điều nên biết là bệnh ung thư không phải là căn bệnh truyền nhiễm, không xâm nhập từ bên ngoài, mà nó do chính cơ thể bệnh nhân phát sinh ra, nên không có gì phải kiêng cữ, và kết quả thử nghiệm này không thể định rõ bệnh trạng nặng nhẹ, phải chờ chụp MRI (Magnetic Resonance Imaging) mới biết rõ (đây là một phuơng pháp chụp các tế bào mềm bằng phóng xạ trường liên tục mấy chục tấm hình trên những mặt phẳng khác nhau cách khoảng hai centimeters một), ông sẽ gởi báo cáo về Bác Sĩ  gia đình để cho chàng chụp hình và điều trị. Nghe tới đây, Duy vội quay về với thực tế  hiện hữu, với căn bệnh hiểm nghèo vưà phát giác, Duy nghĩ  sự định bệnh kịp thời và điều trị sớm là điều quan trọng không thể chần chờ, nếu để văn phòng gởi thư đi thì chắc phải đợi một hai tuần mới chụp hình được, và chưa biết đến bao giờ mới bắt đầu điều trị, trong khi đó ung thư có thể biến chuyển rất nhanh, chàng vội yêu cầu Bác Sĩ cho chàng bản sao kết quả thử nghiệm, và xin ông viết cho một toa chụp hình, chàng sẽ mang tay về đưa cho Bác Sĩ gia đình, ông ta chấp thuận ngay không một chút do dự.
    Rời văn phòng Bác Sĩ  Amin, chàng phóng xe tới văn phòng Bác Sĩ  Solow, đường về gặp giờ tan sở, nên xe cộ khá đông, lách qua bên trái, tránh về bên phải, Duy cố lái nhanh để kịp đến nơi trước khi văn phòng đóng cưả, đồng thời cũng phải cẩn thận canh chừng mấy chú bạn dân nưã, nếu bị sì-tốp lại bây giờ thì mọi việc sẽ phải chờ đến ngày mai, nên Duy chẳng bận tâm đến căn bệnh nưã. Cũng may trên đường chẳng gặp trở ngại gì, tới nơi Duy trao giấy cho nhân viên và nhỏ nhẹ yêu cầu cô đưa dùm cho Bác Sĩ ngay, và chàng sẽ liên lạc với văn phòng vào sáng mai, người nữ tiếp viên quen thuộc cầm giấy và biến sau cánh cửa khu vực bác sĩ khám bệnh.

    Đã hơn ba giờ sáng Duy vẫn trằn trọc không giỗ nổi giấc ngủ muộn, đêm nay là ba đêm mất ngủ kể từ hôm biết tin bị ung thư, mặc dù rất mệt mỏi, và đã mất sức rất nhiều, nhưng hễ cứ nằm xuống là nước mắt lại tuôn rơi, và dù biết phải trấn an tinh thần, tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi hầu giữ gìn sức khỏe để chống lại bệnh tật là điều thiết yếu, nhưng làm sao Duy có thể ngủ yên khi mà trách nhiệm còn quá nhiều và căn bệnh thì chưa biết ra sao. Con người ai cũng một lần chết,  Duy không sợ chết, ‘sinh, lão, bệnh, tử’’ là lẽ thường tình của con người, nhưng chết mà bổn phận chưa tròn thì ra đi không được thảnh thơi. Vợ dại, ba đứa con thơ, mẹ đã già yếu, nghĩ dại nếu chẳng may số chàng...thì con cái sẽ ra sao, ai là người sẽ hướng dẫn, giáo dục chúng cho đến khi trưởng thành, vợ chàng không thể cáng đáng nổi, nàng sẽ vất vả trăm bề, nhất là lúc con cái ốm đau, mẹ già trái nắng trở mưa thì sao. Nên Duy cứ lo lắng khôn nguôi, càng nghĩ càng không cầm nổi nước mắt. Mãy hôm nay Duy đã ghi lại tất cả những gì phải làm hàng tháng, hàng năm cho Quyên, hướng dẫn Quyên ký từng hoá đơn nhà cưả, điện, nước...., từ bảo hiểm xe cộ cho đến trương mục ngân hàng, qũy hưu bổng và an sinh, mong sao cho Quyên hiểu và tự làm rành rẽ công việc trong đời sống hàng ngày trước khi quá muộn, và đừng để mất mát hay quên lãng những quyền lợi nếu có, vì nếu không có chàng, thêm được đồng nào là các con sẽ no thêm được bưã ấy. Công việc giấy tờ sổ sách hoàn toàn xa lạ đối vơí Quyên, vì từ ngày lấy nhau mười năm nay Quyên không hề mó tay vào, thứ nhất đã có chồng lo, thứ hai cũng vì chữ nghiã ít ỏi nên Quyên rất lúng túng. Duy cẩn thận căn dặn Quyên những khi gặp khó khăn thì sẽ hỏi ai, ai là người có thể tin cậy được về mặt tinh thần..., vì Duy nghĩ tính Quyên quá bình dị và thành thật nên không thể hiểu nổi cuộc đời, nhưng cho dù dặn dò hết mọi thứ, chưa chắc Quyên đã làm được chu đáo, vì vậy nên Duy cũng đã nhờ cậy vợ chồng một người bạn giúp đỡ cho Quyên trong trường hợp vắng chàng.
    Người ta thường nói ‘Trời sinh voi, trời sinh cỏ’ với Duy đó chỉ là câu nói chơi , bông đuà, chứ không thể áp dụng vào đời sống thực tế được, bởi trên thực tế voi thích ăn miá, chứ không thích ăn cỏ, mà ngay cả cỏ ở xứ Mỹ này cũng phải mua, chứ có lấy không ở đâu được. Rồi những buồn vui, những may rủi, những thăng trầm cuả cuộc đời, ai là người chia sẻ, an uỉ vợ con. ‘Vắng cha như nhà không nóc’, nhà không nóc thì đủ hiểu, những khi mưa gió, giông bão sẽ ra sao. Nếu như chàng phải ra đi, không biết các con sẽ khóc và buồn biết bao! rồi Duy tự nhủ thầm kể từ nay trở đi, dù còn sống được bao lâu chàng sẽ hết lòng thương các con, nhất định sẽ không rầy la các con nữa, chàng mong cho mau đến cuối tuần để đưa các con đi mua cho mỗi đưá một món đồ chơi, mấy tấm Pokémon mà các con thích từ lâu, sợ như cuối tuần sẽ không bao giờ đến, lại nhớ đến bài thơ tiếng Anh được luân chuyển qua điện thư, ‘‘If tomorrow never come’’.

Nếu biết ngày mai không bao giờ tới,
Tôi sẽ ôm con tôi thật lâu hôm nay
Nếu biết ngày mai không bao giờ tới
Tôi sẽ hôn vợ tôi thật dài bây giờ
Nếu biết ngày mai không bao giờ tới
Tôi sẽ cho bạn nụ cười mãi mãi

    Duy sợ không dám đọc thêm nưã vì nước mắt cứ tuôn trào, trong cuộc đời, chàng đã chứng kiến và đã thấy nhiều những trẻ thơ mồ côi, không cha, không mẹ, đời sống đâu thấy tương lai, Duy vẫn thường trách ông trời oái oăm quá, sao không hành hạ người lớn, mà lại bắt những trẻ thơ phải lìa cha, mất mẹ, mất tình thương thiêng liêng qúa sớm, chẳng phải ai xa lạ, chính vợ chàng, Quyên cũng là một trong những trẻ thơ kém may mắn đó, mất cha và xa mẹ ngay từ thưở thiếu thời, Quyên đã đếm tương lai mình không ở trên những trang giấy học trò như những trẻ em khác.
   Ở xã hội Mỹ mặc dù có cơ quan chính quyền hay các hội từ thiện giúp đỡ gia đình có con nhỏ mà chỉ có một cha hay một mẹ, hoặc nhiều gia đình nuôi con nuôi y hệt như con ruột, nhưng thành thực mà nói bất cứ sự giúp đỡ nào từ bên ngoài dù tốt đến đâu chăng nữa cũng chỉ có giới hạn và tạm bợ, trên cõi đời này không có gì có thể thay thế tình thương ruột thịt cha mẹ được, không có sự liên kết máu mủ thì không thể có tình thương chân thật và gắn bó dài lâu. Nhất là với nguờI Việt, Duy đã thấy nhiều gia đình kể luôn cả bà con thân thuộc nuôi cháu rất thờ ơ, hay nhận con nuôi hoàn toàn chỉ là một hình thức che đậy bên ngoài. Duy cũng chẳng thể trông mong vào các em chàng, vì mỗi người một hoàn cảnh, ai cũng có gia đình riêng, và con cái đều còn nhỏ, vả lại các em Duy mới qua Mỹ được vài năm, chưa hoàn toàn thông hiểu xã hội mới này, cuộc sống rất vất vả, còn phải vật lộn nhiều, thì làm sao có thể giúp đỡ con chàng được.
    Trong mấy năm qua Duy cũng có vài người bạn thân đã ra đi, hai trong số đó bị ung thư, một ung thư máu và một ung thư ngũ tạng, cả hai đều qua đời vỏn vẹn trong vòng hơn một năm kể từ khi khám phá căn bệnh, mỗi người để lại một con thơ trên một tuổi, hai người bạn đã khóc thật nhiều, không an tâm bỏ con bơ vơ giưã chợ đời, nhưng chỉ vì không cãi nổi mệnh trời, các bạn Duy đã ra đi trong niềm ray rứt khôn cùng. Nhìn hai đưá trẻ thơ vô tội, ngây ngô bập bẹ dăm chữ ‘bố đang ngủ’ Duy đã không thể cầm nổi nước mắt.
    Con người ta bình thường mạnh khoẻ, vui vẻ thì chẳng mấy ai nghĩ đến Trời, Phật hay Thiên Chúa, nhưng khi bệnh hoạn ốm đau thì lại hay cầu cứu và bấu viú đến các đấng linh thiêng, hình như đó là liều thuốc an thần để tự lưà dối và an uỉ chính bản thân, Duy cũng không tránh khỏi cái bản tính bẩm sinh ấy, mấy đêm nay đêm nào chàng cũng khẩn cầu Trời, Phật, cả Chuá Jesus lẫn Đức Mẹ Maria nưã, mặc dù bình thường Duy chẳng phải là một Phật Tử thuần túy, lại càng không phải một con chiên ngoan đạo, chàng chỉ đi lễ chùa vào những dịp lễ lớn hay tết nhất mà thôi, Duy thầm khấn vái trong đầu, cầu xin các đấng linh thiêng phù hộ, che chở, cho chàng thoát qua căn bệnh hiểm nghèo, cho dù có phải cực nhọc thế nào chăng nữa miễn sao sống để chu toàn xong bổn phận làm cha, làm chồng, nuôi con cái đến khi chúng trưởng thành, khôn lớn.
     Càng cầu nguyện bao nhiêu thì nước mắt lại càng tuôn ra nhiều bấy nhiêu, mà tâm tư cũng chẳng yên ổn được chút nào, thật ra Duy không có niềm tin nhiều vào sự cầu nguyện sẽ đem lại kết qủa, vì nếu cầu mà được ý nguyện được thì trên đời này không ai chết cả, và chẳng ai gặp hoạn nạn, nhưng tại sao vẫn có người sống và vẫn có người chết, chắc chắn phải có những sự huyền bí linh thiêng mà con nguời không thể thấu triệt được, hẳn con người ta có số mệnh, hoặc là hưởng phúc đức cuả tiền nhân, hoặc là do căn nguyên thiện ác từ tiền kiếp cuả chính người đó, vậy có thể những người ăn ở hiền lương lời cầu cuả họ được hưởng ân độ hơn chăng. Duy không tin là Trời, Phật hay Thượng Đế lại có thể bất công cho người này được sống và bắt người kia phải chết, nhưng chẳng còn cứu cánh nào khác, Duy định bụng sẽ không cầu xin nữa mà chỉ niệm Phật và Bồ tát để cho tinh thần được thư thái mà thôi.

   Hôm nay Duy làm có nưả ngày, chiều nay chàng có hẹn mang phim đến bác sĩ xạ tuyến, nên ra về lúc trưa, trở xuống tận thành phố Newport Beach, cách xa 30 dặm đường để lấy phim MRI rồi mang ngược trở lại Orange trung tâm điều trị xạ tuyến, qua phim bác sĩ  tìm ra vị trí một cái bướu nhỏ mọc trong vùng sau cạnh hốc mũi gọi là vùng Nasopharynx, ông cho biết bướu còn trong thời kỳ phôi thai, to bằng đầu ngón tay út, và chưa thấy lan xuống các hạch (lymph nodes) ở cổ, Duy mừng thầm và cảm thấy nhẹ nhõm. Nếu như trong cái ruỉ có cái may, thì đây đúng là trường hợp cuả chàng, mặc dù vẫn là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng biết sớm thì cơ hội điều trị sẽ dễ dàng hơn và kết quả sẽ có nhiều hy vọng hơn, chàng tự nhủ sẽ cố gắng chuẩn bị tinh thần thật bình tĩnh, giữ gìn sức khoẻ trong những tháng ngày kế tiếp để trị bịnh, Duy thầm tạ ơn Trời, Phật, Thượng Đế đã cho chàng những dấu hiệu sớm để khám phá kịp thời, có thể là lời cầu khẩn cuả chàng đã được các đấng thiêng liêng đáp ứng, cảm ơn các vị bác sĩ, các nhân viên y tá và cô Rosa người Mễ, nhân viên liên lạc bệnh nhân cuả công ty y tế nơi Duy khám bệnh đã làm giấy giới thiệu đến các bác sĩ chuyên khoa và giúp chàng lấy hẹn chụp hình thật nhanh chóng, và tất cả đều đưa Duy trao tay hết, nhờ vậy mà hôm nay chàng đã rõ căn bệnh và có đôi chút an tâm.
    Khác hẳn ba đêm trước, đêm nay nước mắt đã không tuôn lả chả, mặc dù vẫn khó mà giỗ giấc ngủ yên như bình thường, nhưng bệnh trạng còn nhẹ, chàng hy vọng sẽ điều trị dứt hẳn được, bớt đi những lo sợ viển vông, tinh thần cũng bớt căng thẳng. Duy chú tâm ghi nhớ những việc phải làm cho từng ngày tới. Ngày mai sẽ có buổi hẹn với bác sĩ  về đầu và mặt để khám xương hàm và răng lợi, rồi phải xin hẹn chụp X-ray xương quai hàm xem có bị hư hỏng hay nhiễm trùng không, vì theo lời bác sĩ nếu như xương hàm và răng bị nhiễm trùng thì phải chưã cho khỏi đã mới làm xạ tuyến được, nếu không vết thương sẽ khó lành một khi điều trị xạ tuyến qua những vùng đó, vì xạ tuyến sẽ làm cho các mạch máu teo nhỏ lại, lượng máu dẫn đến các nơi thương tích sẽ giảm thiểu rất nhiều, xương sẽ bị rỗng và cơ thể sẽ khó chống lại sự xâm nhập cuả vi khuẩn vào vùng thương tích. Tất cả những công việc này, Duy phải cố gắng hoàn tất trong vòng vài ngày để sự điều trị có thể bắt đầu sau tuần kế tiếp. Đồng hồ đã chỉ  2 giờ sáng, Duy vẫn chưa ngủ được, quay qua nhìn Quyên trong giấc ngủ say, chàng mừng thầm cho tính vô tâm của Quyên, mấy hôm nay nàng cũng lo lắng lắm, chịu khó theo dõi những điều chàng hướng dẫn. Duy nhỏm dậy qua phòng các con, chàng nhẹ nhàng kéo chăn lên đắp cho con và hôn trên trán các con, nước mắt lại rưng rưng, ngang qua phòng mẹ, mẹ già trở mình chưa ngủ, bình thường mẹ cũng ngủ trễ và rất ít, mấy hôm nay lại càng thao thức nhiều hơn, vì thêm nỗi lo lắng buồn phiền, Duy trở về phòng, ngả lưng nằm xuống cạnh vợ, trong đầu lại miên man suy nghĩ, phải chi cách đây vài tháng khi có anh bạn mời mua bảo hiểm nhân thọ chàng mua quách cho rồi thì dù có xảy ra chuyện gì Quyên cũng đỡ phải lo lắng về mặt tài chánh, bề gì vợ con chàng cũng được bảo đảm có mái nhà che nắng che mưa, chứ bây giờ thì quá trễ, hồ sơ y tế đã ghi rõ bệnh trạng, khó mà có nơi nào bán cho chàng nưã.  Nghĩ quanh nghĩ quẩn, nghĩ lung tung rồi lại nghĩ đến mẹ già, không lẽ chàng lại ra đi trước mẹ, ngày xưa khi bà nội mất, chàng đang thụ huấn ở Mỹ, nên không có mặt, rồi lần lượt đến mẹ lớn, và phụ thân chàng qua đời năm 1983, Duy cũng không về được, vài năm trước người anh cả qua đời Duy cũng không về, không lẽ bây giờ còn một mình mẹ, chàng lại bỏ ra đi trốn nợ hết cả mẹ cha? Duy cố nhắm mắt thì thầm những lời khấn niệm Trời, Phật, Chuá và niệm Quan Thế Âm Bồ Tát để dỗ giấc ngủ muộn màng, hy vọng sau cơn mưa trời lại sáng!


Từ Linh Nctd
02-2000


No comments:

Post a Comment