Chiếc xe lao vun vút trong đêm đen dầy đặc,
trên con đường thanh vắng, trống trơn, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe chạy
ngược chiều, dù vận tốc chỉ có 65 dặm một giờ, hoặc ít hơn, đôi khi qua khúc quanh
co tôi còn giảm tốc độ xuống nữa, chậm hơn bình thường lái ban ngày rất nhiều,
vậy mà đôi khi cũng thấy còn nguy hiểm, vì
không thể thấy xa hơn khoảng cách vài trăm sải, cái khoảng cách an toàn tối thiểu
trong trường hợp khẩn cấp. Những cột sơn lân tinh cắm dọc ven đường, và những bảng
hướng dẫn lưu thông đủ mầu, xanh đỏ vàng đen, phản chiều rực rỡ dưới ánh đèn
pha, nổi bật lên trong màn đêm tối đen như bưng, khiến tôi liên tưởng tới mầu sắc
của những cái bánh oản, được bọc bởi những tấm giấy bóng kính mầu trong suốt, không
thể thiếu trong những ngày cúng giỗ, hay lễ hội ở miền quê thửơ nhỏ, nhìn những
mâm oản xếp thành hình kim tự tháp trông quyến rũ làm sao, ngoài cái vị ngọt
ngào của bột bánh, cái màu sắc của nó càng thu hút những đứa trẻ con như tôi,
thèm đến chẩy nước miếng nước giãi, giống những viên kẹo sô-cô-la bây giờ hấp dẫn
trẻ con, nhất là trẻ con vùng quê thiếu chăm sóc về răng lợi, ăn ngọt đến răng
sún mà bố mẹ cũng không ngăn cản nổi. Ngày ấy chả mấy khi mà mỗi đứa trẻ chúng
tôi được trọn một cái oản, nếu được cắt làm đôi đã là may mắn lắm, bằng không
chỉ được một phần tư là cùng, ăn xong lại chia nhau miếng giấy bóng kính để dán
lên mắt, nhìn cuộc đời mầu sắc đẹp đẽ bội phần hơn.
Ngoài
hai vệt đèn pha quyét thẳng về phía trước, còn thấy được hình thù các vật thể, chung
quanh chúng tôi bao trùm một màu đen tối thẳm, tối đến độ hình thái tùy theo ảo
giác của mỗi người, muốn cho là gì thì nó thành cái ấy, tôi có cảm tưởng như xe
đang lao dưới những tàng cây cổ thụ, trong những cánh rừng trùng trùng điệp điệp,
mà khi nhỏ tôi thường nghe kể, chuyện những người thợ săn thú rừng về đêm, hay
của những người kháng chiến chống tây thời đó, len lỏi trong rừng gìa cả ngày
không thấy ánh mặt trời. Đen như các cụ thường ví von tối như đêm ba mươi, hay đêm
trừ tịch, tôi không biết chính xác cái đen đêm ba mươi nó tối cỡ nào, nhưng chắc
cũng chỉ đen như đêm nay là cùng, vì lúc nhỏ ở quê, đêm đêm thường có ánh trăng
vàng vừng vực sáng, mà mỗi khi nhìn ông trăng là tôi lại mơ ước, làm chú cuội để
được kề cận bên chị Hằng. Thật ra chả ai biết chị Hằng bao nhiêu tuổi, đẹp ra
sao, nhưng trong đầu óc trẻ con của tôi, tôi nghĩ chị Hằng phải đẹp lắm, đẹp
hơn những cô hàng xóm, hay những cô gái đẹp trong vùng mà thỉnh thoảng tôi gặp,
hoặc giả nếu đem so sánh thời điểm này, chắc cũng ngang ngửa với những nàng “Tiên
Nga” của vài anh bạn tôi, chứ không thua. Ờ mà cũng lạ! tôi cứ nghĩ thằng cuội chỉ mười mấy tuổi là cùng, sao người ta lại chọc
ghẹo nó là “Thằng cuội già ôm một mối mơ”? Không lẽ thằng cuội cũng già lắm rồi
hay sao! Nếu thế thì thật đáng buồn và tội nghiệp cho chị Hằng của tôi qúa! Và
khi lớn lên ở Sài gòn, cũng chỉ thấy ánh đèn thành phố sáng rực cả bầu trời, chứ
đâu có tối đen. Sau này vào lính tôi cũng có rất nhiều đêm thức trắng, không đi
ca “cách mạng” nửa đêm trên biển cả, thì cũng tuần tiễu trên sông, hoặc nằm phục
địch trong kinh rạch, nếu không có trăng sao vằng vặc, thì cũng có ánh sáng hoả
châu, những ngọn đèn trời treo lơ lững giữa không gian, bằng những sợi khói
mong manh, trông như những giải lụa đào, trắng nõn nà đong đưa trong gió, sáng
rực một góc trời, tuy không sáng choang choang như ánh đèn thành phố, nhưng
cũng đủ để các anh chàng mơ mộng, mượn làm đèn viết thư tình.
Thỉnh thoảng chiếc xe chao nghiêng một bên
trong những khúc “cua” gắt, làm bạn Nam ngồi cạnh mở mắt ra hỏi một hai câu bâng
qươ “bác đã mệt chưa? ” hay “bác có buồn ngủ không?” Tôi thì đặc biệt không
quen ngủ trên xe, dù là cơ thể có mệt mỏi đến mấy, tôi vẫn thường thức trắng
đêm dù đôi mắt cay xè như đang cắt củ hành và đôi mí nặng chĩu như có qủa tạ
đeo vào, có thể tôi sẽ vật vờ cả ngày hôm sau, hay sẽ nằm liệt giường liên tiếp
mấy ngày sau cuộc hành trình, nhưng chẳng mấy khi tôi có thể ngủ ngồi trên xe, tôi
cũng chẳng hiểu tại sao, phải chăng vì cái ám ảnh tai nạn ngày xưa, đã cho tôi
thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, trên chuyến xe lô-ca-xông Sài gòn – Vũng tầu.
Hôm đó tôi ngồi ở hàng ghế sau bên cánh cửa trái, tựa đầu vào thành cửa sổ mà ngủ,
vừa tỉnh dậy được hai ba phút thì chiếc xe ngược chiều, lạc tay lái đâm ngay
vào cánh cửa trái chỗ tôi vừa gục đầu, may mắn tôi thấy và ép sát người qua bên
phải tránh kịp, cánh cửa bị lõm vào khá nặng và kính thì vỡ vụn, thế là từ đó
trở về sau, tôi không thể nào ngủ trên xe được nữa.
Vài
năm nay, kể từ khi mấy anh bạn tôi tham gia nhiếp ảnh, tôi có nhiều dịp theo
chân đi chơi xa, trong những ngày cuối tuần hay nghỉ lễ, dù tôi chỉ trực tiếp cầm
máy có mấy tháng gần đây, mấy nhiếp ảnh gia người nào cũng thích chụp đồi, chụp
núi, có thác, có suối, nhất là mấy ông cho thêm phần ướt át, nhưng ướt át không
cũng chưa đủ, họ còn thích những mùa cây cỏ đơm bông, thay hoa đổi lá, nhất là bình
minh và hoàng hôn thì không thể thiếu, cho cuộc đời thêm phần mầu mè sặc sỡ, nên
thường mỗi lần đi là mỗi lần phải lái thâu đêm, chúng tôi chia ca để mọi người
thay phiên nhau, tôi không ngủ nên lãnh ca cách mạng theo danh từ của các chàng
thủy thủ, những người lao động ở đây gọi là ca nghĩa trang, tôi đề nghị để tôi
lái suốt đêm, vì tôi tỉnh ngủ, một người thức còn hơn tất cả cùng thức, còn các
bác lái ban ngày, nhưng các bạn tôi phần lớn đều là dân lái tầu ngày trước, nên
dư kinh nghiệm máy bất khiển dụng là chuyện bình thường, nhất định không chịu
tôi lái thâu đêm, sợ cơ thể tôi mệt mỏi, lại vô hữu dụng gục lúc nào không hay.
Được cái may mắn, phần đông các bạn đều dễ ngủ, mới nói chuyện đó, nhưng chỉ một
phút sau tiếng nhạc cụ đã trổi dậy, mấy chàng so dây lẹ lắm, bạn Nam thì tế nhị
hơn khi ngồi ghế phía trước hay ghế thuyền trưởng, chàng thường thức để chuyện
trò giúp người lái khỏi buồn ngủ, nhưng nếu cần thì chàng cũng dễ dàng thiếp được
ngay, riêng anh trưởng nhóm, trời thương bà xã chiều, chị lái đêm cũng giỏi,
nên chị ít khi để chàng lái, thế là chàng tự do chơi trumpet, saxophone bất cứ giờ
giấc nào, ngày cũng như đêm, ngồi hay nằm không thành vấn đề.
Con
đường 395 vắng lặng, đã lâu lắm tôi không qua con đường này, nên quên khuấy mất
những cảnh vật chung quanh, không biết hai bên đường là núi đồi, vực thẳm hay đồng
bằng. Đêm đã về khuya, yên tịnh qúa, không nghe tiếng giun kêu, dế khóc, nhưng
thay vào đó là tiếng bánh xe lăn đều đều trên mặt đường nhựa êm ả, phát những
âm thanh o o nghe thật vui tai, xen vào tiếng gió ù ù bên ngoài, và tiếng nhạc
cụ của ban đại hòa tấu “bất tự nhiên thành”, trong bản “Đường vào mộng”, của
tác gỉa vô danh từ phía sau vọng tới, mỗi người một nhạc cụ riêng, có lúc nghe như
những tiếng sóng vỗ bập bùng của cái ống bô tầu, pha tiếng lóc cóc dòn tan như
pha lê của cái điếu cày, mà mấy bác tiều phu kéo lót dạ buổi sáng, thỉnh thoảng
xen vào tiếng gió rít của đại dương gào xiết bên ngoài, nghe mà phát thèm. Đoạn
đường ngang khúc xa mạc Mojave có nhiều gợn sóng nhấp nhô, đưa chiếc xe cuốn vút
lên rồi ngụp lặn xuống thật sâu, vỗ về trong tôi cái cảm gíác lênh đênh nhồi lên,
thụp xuống trên triền sóng mênh mông cao chất ngất, trong chuyến hải hành cuối
cùng, với con tầu cận duyên tí hon ngày nào băng vịnh Thái lan, đó là lần đầu
tiên và cũng là lần cuối cùng vượt biển không có nơi đến, và không hề tí ti mảy
may chuẩn bị, tôi chắc bác Nam cũng có cảm giác này trong huyền thoại “Boat
People” ngày nào mà chàng đã trải qua.
Nhìn
qua kính xe hằng hà xa số những vì sao lấp lánh trên nền trời đen thẳm, tôi cố
gắng moi óc tìm kiếm xem những chòm, vì sao nào tôi còn nhớ? Nhưng tôi chịu
thua, chả còn biết sao mô! sao tê! sao răng! sao rứa! những vì sao đã bay bổng
về trời hay đã tả tơi, rơi rụng chìm sâu dưới lòng sông Vàm Cỏ, trên khúc sông
Trà Cú, Đức Hoà, Đức Huệ, con kinh Ngang, hay rạch Thủ Thừa. Tôi gợi chuyện với
Nam: “Bác nhìn kìa! Ở quận Cam có bao giờ mình được thấy những vì sao như thế
này nhỉ” Rồi câu chuyện những sao rơi, sao băng ở miền quê Việt Nam ngày xưa lại
nối nhau bay xoẹt về, không biết ngày nay có còn dễ thấy hay không, nhưng ở đây
thì hiếm thấy lắm. Nam mở cửa sổ xuống lưng chừng nhìn lên bầu trời, tiếng gió
vù vù thổi vào bên trong khiến cho ba người ngồi phía sau tỉnh dậy, anh bạn Thắng
luôn có thói quen tráng miệng bằng câu “Tới đâu rồi hả bác?” sau khi vừa chấm dứt
nhạc hòa tấu cho bản trường ca đêm. Chị Dung
người phụ nữ trẻ nhất nhóm và duy nhất trong chuyến đi săn hình lần này
tỏ ra khá hiểu biết về các vì sao, chị tham gia với hai bạn Nam và Thắng luận
bàn các vì sao Aries, Gemini, Venus, Constellation, vân vân và vân vân, khiến
tôi hơi ngạc nhiên, buột miệng “Trời! Chị không là lính Hải quân mà sao chị rành
sao qúa vậy”! Chị trả lời giọng pha chút mát mẻ “Đâu phải chỉ Hải quân các
anh mới biết sao đâu? Chớ coi thường người khác à nhe”! Tôi vội vã chữa lửa
“Không dám đâu thưa chị, chẳng qua vì tôi nghĩ, người ngoài không có cơ hội dùng
thường, nên ít ai để ý thôi, nhất là phái nữ”! Ừ mà tôi cũng biết tại sao rồi,
tại vì ông anh ruột và ông chồng hải quân tài hoa của chị nên chị mới biết nhiều
sao như vậy, đúng không? Mặc dù thường thì các bà, các cô luôn đã có sẵn rất nhiều
vì sao trong đầu, biết bao là những “tại sao và vì sao”! Nhưng những sao đó khó
mà tìm thấy trên bầu trời, bái phục chị lắm lắm!
Lần đi
săn hình kỳ này vô tình có đến ba chàng độc thân tại chỗ, ngoại trừ Nam, người
hùng hơi cứng đầu một chút, và có bản lãnh thuyết phục chị nhà, lại có được lý
do để đi lẻ rất nhiều và rất ư là chính đáng, vì “Tham mưu trưởng” của anh luôn
luôn mắc kẹt dạy kèm ngày cuối tuần, không thể đi xa, còn lại hai người Thắng
và tôi, được vợ cho đi thực tập “Tự sống còn” xem đã thấm nhuần bài học được tới
đâu, sau bao năm thụ huấn bên cạnh các xếp lớn, Thắng vì lý do chị Nguyệt còn bịnh
sau chuyến đi Oregon tuần trước nên không đi, nhưng chàng thỉnh thoảng cũng đi
đây đi đó một mình, vì gia đình đông anh em, bà con họ hàng ở xa. Riêng tôi,
thú thật! từ ngày tự nguyện ký vào tờ giấy chung thân cùng nàng, sơ sơ mới có
23 mùa hè ấm cúng trôi qua, đây là lần đầu tiên đi xa mà thiếu “má bầy trẻ” kiêm
“chị vú” ở bên cạnh, cũng vì má bầy trẻ có thể phải làm ngày thứ bẩy, và cũng bởi
vì tôi đã hẹn với vài anh chị bạn đi leo đồi cuối tuần, nên nàng phải ở nhà để
lo nghĩa vụ, cá nhân tôi đánh liều đi đại, vì suy đi tính lại, đi chung với bạn
bè vừa vui, thảnh thơi lại vừa ít tốn kém, nhất là tôi có thì giờ rảnh, ở nhà
cũng không làm gì, nhưng cũng phải ca bài con cá dữ lắm, nào là “Em đừng lo! anh
Truyền nói chị Dung đã lo thức ăn cho cả nhóm rồi, đủ cả hai ngày, sáng trưa
chiều tối không thiếu bữa nào, còn nữa, chị Oanh, chị Nguyệt cũng làm bánh mì
ăn sáng, bánh chưng ăn trưa để các bác mang theo, nên anh không đói đâu mà sợ, nàng
cũng an tâm, vả lại thấy tôi rất say mê mùa thu, và e cũng chả còn mấy mùa thu
trong đời, nên đành để tôi đi một mình, dù lòng nàng cũng muốn đi theo bảo vệ
và canh chừng “Đồ cổ, dễ vỡ, xin cẩn thận” lắm lắm.
Nam và tôi thay phiên nhau lái, sau gần 6
tiếng đồng hồ trong đêm khuya, chúng tôi tới nơi sớm hơn dự định, mới 4 giờ 30
sáng, còn phải chờ tới hơn hai tiếng nữa mặt trời mới mọc, nên dừng lại ở bãi đậu
của một khu khách sạn nghỉ ngơi cho an toàn, chờ gần bình minh sẽ vào hồ June
lake. Thời tiết trên cao nguyên khá lạnh, nhất là bây giờ trời đã vào cuối thu,
và bình nguyên này lại nằm trên cao độ gần bẩy ngàn bộ (6781”), cũng may nhờ đã
chuẩn bị kỹ lưỡng, ai cũng đem theo áo lạnh, đó là công của anh trưởng nhóm
Truyền nhắn nhủ, nên cũng không đến nỗi lạnh lắm. Chàng đã nghiên cứu kỹ lưỡng
và còn in hình mẫu, của những tay nhiếp ảnh gia lão thành ra xem vị trí, để anh
em dễ dàng tìm vị trí, chụp được những tấm ảnh đẹp mắt và ưng ý, trong nhóm nhiếp
ảnh tài tử nho nhỏ chúng tôi, anh chị Truyền-Dung là cặp xay mê nghệ thuật nhất,
nên chàng luôn sốt sắng đứng ra lãnh trách nhiệm tìm tòi, sưu tầm những nơi chụp
hình, và đứng ra tổ chức những chuyến săn hình cho nhóm, số còn lại, nhất là
tôi chỉ ham vui, chỗ nào lạ, cảnh đẹp và có bạn bè là có tôi.
Sau
hơn hai tiếng đồng hồ ngồi co ro trong xe, mọi người cố nhắm mắt nhưng không ai
ngủ được, phần vì lạnh, phần vì háo hức chờ bình minh. Cuối cùng thì cũng đã đến
giờ, chúng tôi dời xe vào điạ điểm, mọi người loay hoay lấy đồ nghề, mũ nón,
túi máy, chân ba càng lủng lẳng trên vai, nối đuôi nhau theo ánh đèn pin, len lỏi
giữa những lùm cây ven hồ, trời vẫn còn tối, anh Nam với cái đèn pin thợ hầm mỏ
gắn trên đầu, thật tiện dụng và hữu ích, có được đôi tay tự do, chàng xông xáo
len lỏi, tìm vị trí góc cạnh đặc biệt cho riêng mình, mỗi người một chỗ, cấm
chen lấn, hồn ai nấy giữ. Càng vào gần hồ, gía lạnh càng tăng, sau khi tìm được
chỗ và dựng máy xong, thì cái lạnh cũng đã ngấm qua đôi găng tay, chui vào đôi
giầy, xuyên qua làn vớ, khiến mười đầu ngón tay, mười ngón chân bắt đầu lạnh
cóng, thân mình thì còn đơ đỡ nhờ cái áo lạnh vợ tôi đã chọn. Cám ơn em nhiều lắm,
cái lo của em trước khi anh đi rất có lý, vì nếu có em bên cạnh, hai bàn tay
này đã được em xoa bóp và truyền hơi ấm từ đôi bàn tay của em, chắc chắn là đỡ
cóng nhiều lắm. Ánh trăng, ánh sao từ từ biến mất, nhường chỗ cho ánh sáng mặt
trời lên, giữa cái tranh tối tranh sáng, tôi thấy rõ mặt nước hồ phẳng lặng,
trong veo in bóng những rặng núi, hàng cây, bầu trời trong xanh dưới đáy hồ, hồ
không lớn lắm, nhưng đủ thấy hết ngọn núi chìm sâu dưới đáy, đứng ven bờ hồ chúng
tôi không nhìn thấy mặt trời mọc, vì chung quanh bao bọc bởi núi cao, điều
chúng tôi chờ là ánh bình minh chênh chếch phủ đầu non, cuối cùng thì một vệt nắng
nhỏ tí đã hiện ra tuốt trên đỉnh ngọn núi giữa, bên tai văng vẳng tiếng máy bấm
lách cách cạnh tôi, bác Thắng đứng kế bên trái, bác Nam ngồi thụp cách đó hai ba
bụi, chị Dung, anh Truyền bên phải, trông gồ ghề, chuyên nghiệp hơn, với những
bộ kính mầu hai phần phân ánh sáng, tuy cái lạnh đến thấu xương, nhưng mặt mày
ai trông cũng tươi rói, hớn ha hớn hở, cứ như bắt được vàng, mà vàng thật, nhìn
kià. Ánh bình minh dần dà sáng rõ hơn, lúc đầu còn hanh vàng mờ ảo, sau đổi
thành mầu vàng cam, rồi sáng đỏ rực quyét một vệt ngang trên đầu núi, phản chiếu
dưới mặt hồ trông càng đậm nét rạng rỡ hơn, một màn sương mỏng nhẹ nhàng, lơ lửng
treo lưng chừng núi, cảnh đẹp tuyệt vời, trông như một bức tranh thủy mạc thần
tiên.
Tôi
ráng canh theo kinh nghiệm qua máy chụp phim ngày xưa, cộng sự hiểu biết lõm
bõm đọc sách, và đặc biệt sự hướng dẫn từ các bạn bè, hết bấm rồi chỉnh, chỉnh
xong lại bấm, lại chỉnh càng nhiều càng tốt, vừa để học hỏi thêm, vừa may ra
chó ngáp phải ruồi cũng được một vài tấm ưng ý, thời gian càng lâu thì mười
ngón tay tôi càng tê cứng, đau nhức đến lúc không còn cảm giác, không thể chỉnh
máy được nữa, thì cũng vừa lúc nắng đã lên cao, tôi xếp máy chui vào xe ngồi
cho đỡ lạnh, các bạn vẫn loay hoay chụp bên ngoài, cố thu mọi khía cạnh, mọi
góc độ ánh sáng. Thục hai tay vào túi áo cho ấm, tôi đưa mắt nhìn mặt hồ, hang ngàn
con rắn bạc li ti mầu xám đuổi nhau dưới ánh sáng phản chiếu, trên những gợn
sóng lăn tăn, theo gió nhè nhẹ lùa trên mặt hồ, những chú vịt trời săn mồi buổi
sáng đua nhau bơi, vừa lặn vừa vẽ những vòng giao ước cộng hưởng. Từ những lùm
cây, những người thợ câu đầu đội mũ lông, mình áo bông dầy cộm, đủ mầu, chân đi
ủng cũng bắt đầu chui ra, sửa soạn cần câu, đồ nghề chờ những chú cá trout đói bụng
dại khờ. Tôi ngả lưng vào thành ghế, buông lỏng tâm hồn hòa cùng cảnh vật chung
quanh, bất chợt tôi ao ước, giá mà có một ly cà phê sữa nóng, một điếu ba số 5
thì hay qúa, qủa là tuyệt vời, nghĩ vậy tôi tự mỉm cười một mình, ai bảo sống ở
đất nước này là tiên, muốn gì có đó, một thứ rất tầm thường, nhưng bây giờ kiếm
đâu ra. Rồi lại nhớ những mùa đông thơ dại trên đất Bắc, mỗi sáng phải đi băng ngang
qua mấy cánh đồng để đến trường, cỏ cây còn phủ đầy những giọt sương trong sáng
long lanh, lơ lửng trên đầu cây hoa gạo một màn sương dầy đặc trắng như bông,
mình mặc hai lớp áo, cộng chiếc áo len, tay đeo găng và chân mang bít tất do mẹ
tôi đan, thế mà những ngón chân, ngón tay cũng lạnh cóng và đau điếng như lúc
này. Cạnh đó thật tội nghiệp các bà mẹ quê, những người nông dân, chân đi đất mới
sáng tinh sương đã phải ra đồng làm ruộng, cầy sâu cuốc bẫm, trên mình chỉ mỗi một
manh áo tơi bằng lá, để che gió ngăn sương, đầu một chiếc nón rách, và chị nuôi
của tôi đâu có được găng tay, mang vớ như tôi, chị còn phải cõng tôi, vì đôi
bàn chân bé bỏng của tôi thường bị nứt nẻ, chảy máu mỗi mùa đông, đau đớn lắm không
thể đi được. Nghĩ lại cuộc sống thật qúa khổ cực, nhưng tôi lại thấy thật êm đềm,
giản dị và thơ mộng qúa, không bon chen, không sô bồ hỗn tạp như thời nay.
Mặt trời đã lên cao, Truyền hối thúc chúng
tôi thu xếp đồ nghề dời địa điểm đến các hồ thác lân cận, Silver lake, Lundy
Fall, ban ngày anh Truyền và chị Dung thay phiên nhau lái, vì chàng là người sắp
xếp cuộc hành trình, đường đi vào rừng tuy không bằng phẳng, không trải nhựa,
nhưng xe dễ dàng chạy vào tới nơi, không phải lội bộ, duy chỉ có đường tới thác
ít người lui tới, con đường mòn leo lên núi ngưng ở cao độ khoảng chừng hơn
trăm bộ, và cách thác khoảng nửa dặm, tuy thác không cao nhưng muốn tới gần, phải
leo vách núi đá hơi khó đi, vì không có lối mòn, Thắng dừng lại ở cuối con đường
mòn, bác Nam lủi thủi một mình đi trước, sợ bác Truyền dành phần chụp hết hình
đẹp, tôi đuổi theo sau cùng, vừa đi vưà nghỉ, nhưng cũng tới nơi, đi cho biết
và thử sức trai già, chứ thực ra thác này rất bình thường, không hùng vĩ và mùa
này còn rất ít nước, cảnh trí không hấp dẫn cho lắm. Leo núi trên này mới thấy ảnh
hưởng của cao độ, tôi leo vài phút đã thấy mệt, tim đập thình thình, khác với
leo đồi Peter Canyon gần nhà, đi cả 5, 6 dặm mà tim cũng không đến độ đập như
thế này.
Xế
trưa chúng tôi kéo về Lee Vining một thị trấn cao nguyên rất nhỏ, dân số theo
thống kê 2010 chưa tới 300 hộ, sinh hoạt nhờ du khách phần đông vào mùa hè và thu,
còn mùa đông con đường này không di chuyển được, vì thường bị đóng băng. Sau
khi lấy phòng khách sạn, chúng tôi bắt đầu ăn trưa, chị Dung phát mỗi người một
chén sôi gà, lạp xưởng, vừa ăn vừa bàn bạc cho chương trình buổi chiều chụp
hoàng hôn tại Mono lake, ăn xong chia tay nhau nghỉ mệt lấy sức, lợi dụng giờ nghỉ
ngơi, tôi ra ngoài thả bộ lòng vòng, tiết trời lành lạnh, tôi kéo xụp chiếc mũ
nỉ chùm kín hai tai, thọc tay vào hai túi áo, gió cao nguyên hiu hiu nhè nhẹ,
đưa cái lạnh của núi đồi len lỏi vào tận trong lòng, tâm hồn tôi cảm thấy thoải
mái, lâng lâng, cùng lúc những nhung nhớ khôn nguôi chợt kéo về, nhớ những chiều
thu cuối tuần ở New Port, RI, lúc tuổi xuân đang rộn nở huy hoàng, tràn trề sức
sống, và hướng vọng về tương lai nhiều nhất, nhung nhớ một cái gì đó bâng
khuâng. Duỗi tầm mắt bồng bềnh trôi trên núi đồi bạt ngàn bao bọc xung quanh,
phủ dưới thảm nắng hanh vàng óng ả, những rặng núi không nhọn, không đá lởm chởm
như vùng San Bernadino, hay dọc miền duyên hải Cali, không có vực sâu thăm thẳm
như đường lên Big Bear, ở đây cũng không có những rừng thông cao bạt ngàn của
miền Oregon, mà là những ngọn núi hiền hòa, vươn cao trên những đồi cỏ dại thoai
thoải thênh thang, ấp ủ mầu sương lam, bắt tay nhau chạy dài tử núi này qua núi
nọ, núi rừng cây cối thưa và thấp. Thật tiếc! không còn những cánh rừng thu
vàng mênh mông gợi tình, chúng tôi đã đến chậm mất một hai tuần.
Con
đường 395 trước mặt dài như giòng tóc tiên nữ uốn lượn quanh co, hun hút giữa
bình nguyên cao nguyên, lúc thoai thoải lên cao, khi mất hút sau ngọn đồi kế cận,
tôi chạnh lòng nhớ những buổi chiều một lần lên Pleiku, bồi hồi pha chút buồn
man mác, bất chợt tôi nhớ vài câu trong bài Còn chút gì để nhớ: “Em Pleiku má đỏ
môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông” (Thơ Vũ Hữu Định, nhạc PD). Rồi thấp
thoáng cô bé má đỏ hây hây trên Đà Lạt mờ mờ ảo ảo trôi về, mới gặp một lần mà
vương vấn mãi về sau. Tôi rất thích Đà Lạt, và cao nguyên trung phần, nhưng chưa
bao giờ có cơ may ở đó lâu, nên bây giờ cứ mỗi lần thấy núi, thấy cao nguyên là
lại nhớ về quê cũ, chắc bây giờ nó đã thay đổi nhiều lắm, không biết có còn thơ
mộng, lãng mạng như xưa. Lại nhớ cuối đông 1971, khi đến Mare Island, không hiểu
sao tôi đã cảm thấy yêu mến ngay cái thành phố nhỏ bé mang tên Vallejo, nằm về
phía Đông Bắc của vịnh San Pablo, phần nối tiếp phía bắc của vịnh Cựu Kim Sơn,
thành phố với những con đường lên xuống nhấp nhô, với sương mù bao phủ dù chỉ đến
có một lần. Thật tình tôi không hiểu tên này có nghĩa gì không, nhưng trong đầu
óc tôi cứ liên tưởng, như tên của một người thiếu nữ Tây Ban Nha xinh đẹp tuyệt
vời, mà nó in đậm mãi mãi trong hồn tôi. Bây giờ Lee Vining cũng cho tôi cái cảm
giác “Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông”, thơ mộng, lãng mạng và hiền hòa, chỉ
tiếc một điều tôi không còn trẻ, để có thời gian ấp ủ những mộng với mơ nữa, có
chăng cũng âm thầm lắng đọng trong tim.
Chiều
ra Mono lake, nhưng rất tiếc trời không có mây, cũng không có ánh hồng hoàng
hôn rực rỡ, bầu trời âm u, và bóng tối nhá nhem ụp xuống thật nhanh, những loại
đá ở đây giống như đá ong và cũng không có mầu sắc đẹp đẽ, chỉ một mầu xám tro,
nên tôi không có được tấm nào ưng ý. Chiều tối trở về khách sạn, mấy anh em được
ăn bánh mì cà-ri gà, thú vị và rất ngon, lần này thiếu bà xã tôi và chị Nguyệt,
nên mình chị Dung phải cáng đáng hơi vất vả, nhưng cũng chu đáo lắm. Hôm sau theo
đề nghị của anh trưởng nhóm, một người tham lam chụp và luôn đói hình hơn cả
đói ăn, mọi người lại vui vẻ hớn hở lóp ngóp bò dậy từ 5 giờ sáng, điểm tâm qua
loa với cà phê và bánh chưng tại phòng, chứ không chờ phòng ăn khách sạn mở cửa,
vì sẽ lên đường trở lại Silver lake để chào đón bình minh, hy vọng cũng đẹp như
tại June lake sáng hôm qua, lại tiếc thay sáng nay trời không có mây thu bàng bạc,
cũng chẳng có ánh bình minh rực rỡ. Trên đỉnh núi từng khoang tuyết trắng, chắc
sót lại từ mùa đông năm trước vẫn còn tích tụ nằm rải rác lưa thưa, như hững hờ
nhắn nhủ lữ khách, hãy trở lại đây tìm đôi giây phút lắng đọng tâm hồn, hồ nước
không sâu nhưng thật trong xanh, có bãi cát trắng trải dài thoai thoải, những
hòn đá nằm ngổn ngang chơ vơ, thi gan cùng tuế nguyêt, cảnh trí hồ lúc này
không có gì đặc sắc, chúng tôi dựng máy mỗi người mỗi góc, chạy tới chạy lui,
thu vội những hình ảnh lạ mắt để giữ làm kỷ niệm, bác Nam luôn luôn thích nhìn sâu
vào chi tiết, lom khom qùy trên bãi cát, cố bắt cho được sự sống trong hàng lau
sậy đã khô ở một góc hồ, chị Dung, anhTruyền ngắm nghía, điều chỉnh để ghi lại thật
linh động từng chi tiết, mầu sắc, ảo ảnh của từng sợi nắng, trên núi trên mây
phản chiếu dưới đáy hồ. Thật may mắn bây giờ có máy chụp hình, nên chàng không
đến nỗi phải nhẩy xuống đáy hồ để chụp, như nhà thơ Lý-Bạch ngày xưa nhẩy xuống
mò trăng. Bác Thắng thì thong thả hơn, chàng đi đi lại lại từ đầu này tới đầu
kia, thăm dò chờ tìm kiếm những cái bất thường, tôi thì thấy cái gì thích là chụp,
đủ cả, cỏ cây hoa lá đá cùng mây! Loay hoay ở đây cho tới 10 giờ, chúng tôi lên
đường trở về, bác Nam dành lái trước, nhưng hình như đêm qua phải chia giường với
người lạ, mà lại không là một siêu mẫu mỹ miều, nên không đã giấc, hay tại sáng
nay chưa được “liều một đám, làm hai điếu” và thiếu cà phê, mà cái khách sạn
nay cũng kẹo thật, bình cà phê trong phòng chỉ có một gói, mà chúng tôi tới ba
khứa lão chia nhau, nên bác buồn ngủ sớm là phải.
Càng
xuôi nam, cao nguyên hạ dần cao độ, thời tiết trở nên ấm áp hơn, ngang qua
Bishop, may mắn thay rừng thu còn nguyên vẹn, lá vàng óng ả tươi thắm chạy dọc
hai ven đường, dài cả mươi dặm, trải vào tút tận chân núi xa xa, phong cảnh thật
đẹp, thật hữu tình, không giống như ở Inyo National forest, mùa thu đã bắt đầu cất
bước ra đi, hay như ở Oregon hai tuần trước thì mùa thu lại chưa kịp đến, tôi gọi
bác Nam dậy xem lá vàng, hỏi xem có nên dừng lại không? Nhưng thấy mọi người
còn đang thiêm thiếp giấc nồng, nửa mê nửa tỉnh, không ai hào hứng, nhất là trời
đã xế trưa, nắng ngà chênh chếch ngả về tây, theo kinh nghiệm của những tay
chuyên nghiệp, nếu không có kính lọc ánh sáng thích hợp, thì hình sẽ không đẹp,
nên chúng tôi bỏ qua và tiếp tục đường về. Hai ngày đi hơi thấm mệt, nhưng thật
vui, thật thú vị, và riêng tôi đã có những khoảnh khắc hòa hợp được vào mùa thu
của đất trời, qủa thật không uổng một chuyến đi, mùa thu rồi sẽ qua đi, và mùa
đông chực chờ, tôi thầm ước từ nay sẽ cố gắng tận dụng mọi cơ hội thả hồn hòa
nhập với thiên nhiên, đền bù những mất mát thời son trẻ, những mùa xuân trong đời
đã lỡ để trôi qua, mà không cách gì cứu vãn được! Tôi thấy trong lòng lâng lâng
một thứ tình cảm nhẹ nhàng, và mùa thu hình như vẫn còn đâu đó sâu kín trong hồn
tôi!
Ta
thấy gót thu đang nhẹ nhàng
Lìa
từng cánh nhỏ khắp sơn lam
Thu
vàng lưu luyến vương đầy lối
Lòng
buồn se sắt bóng đông sang
Mỗi
năm nhìn cánh rừng thay sắc
Bồi
hồi luyến nhớ tuổi xuân xanh
Sơn
khê xin giữ hồn thu lại
Kẻo
lỡ thu sau quá muộn màng!
(Trích
bài “Thu Cảm” cùng tác giả)
Nctd
No comments:
Post a Comment