Sunday, January 24, 2016

BƯỚC THỜI GIAN


     
     Vài tháng qua kể từ khi tôi nghỉ làm, tôi có toàn thời gian để làm những việc tôi ưa thích cho cá nhân tôi, gia đình, cũng như chăm sóc nhà cửa và vườn tược, và cũng kể từ khi tôi bắt đầu dành thì giờ đi bộ hàng ngày, cố gắng kiểm soát sức khỏe, tốt chừng nào hay chừng nấy, điều mà trước đây tôi đã không thể làm được, vì không có thì giờ, tuy cũng đã là qúa muộn, nhưng muộn vẫn còn tốt hơn là không làm gì cả. Sau vài tuần lễ tôi cảm thấy rất thú vị, thoải mái và sức khỏe xem ra có phần khá hơn, nhưng tôi cũng phải thú nhận một điều, đi bộ một mình một hai tiếng đồng hồ, là một điều rất chán nản, đòi hỏi nhiều cố gắng, nếu không muốn nói là phải áp lực chính bản thân mình ghê lắm, điều này cũng có thể sẽ gây sự căng thẳng không tốt cho thần kinh. Ngoại trừ nếu có điều kiện thuận lợi, xu hào rủng rỉnh đầy túi, chịu khó đóng hụi chết hàng tháng cho phòng thể dục, vừa tập vừa có cơ hội đấu hót, rửa mắt tí ti, thì còn may ra kéo dài được lâu. Vì thế chỉ còn cách tôi khuyên vợ tôi cùng tham gia khi nàng có thể, nhất là ngày cuối tuần cần nên làm, đổi lại tôi sẽ làm việc nhà nhiều hơn, để nàng có thì giờ rảnh rỗi sau khi đi làm về, việc này không khó khăn gì đối với tôi, trái lại tôi vui vẻ là đàng khác, một công hai việc. Thật ra, vợ tôi cũng đã bước vào thời kỳ, mà người ta thường gọi là tuổi vàng của cuộc đời, giai đoạn mà cơ thể bắt đầu có nhiều thay đổi, dĩ nhiên không phải trở nên tốt đẹp hơn, nhưng sẽ suy thoái nhiều hơn, nếu không có sự luyện tập về thể chất; Nhất là với những người phụ nữ đã sinh nở nhiều lần, giữ gìn cho cơ thể khỏe mạnh và để tránh bật tật, theo tôi là điều quan trọng hơn bất cứ những gì khác. Kiêng ăn cữ uống không chưa đủ, còn cần phải tập luyện hàng ngày, mới hy vọng giữ được một vóc dáng thon thon gọn gàng, sớm chừng nào tốt chừng đó. Dù tôi không còn trẻ, nhưng trẻ hay già, mọi người đều có đôi mắt trần tục như nhau, ai cũng muốn thấy cái đẹp của người bạn đời, tuổi nào có cái đẹp của tuổi ấy, mà ngay kể cả chính bản thân mỗi người, chắc cũng không ai muốn thấy thân thể mình, mỗi ngày mỗi xù xì, xấu xí như cái bị gạo, ngoại trừ không có thì giờ và không thể làm điều gì khác hơn thì đành chịu. Tuy nhiên ngày cuối tuần chúng tôi cũng muốn dành thì giờ cho những buổi hội ngộ bạn bè, đặc biệt nhóm bạn nhỏ thân thiết, những người đồng quân ngũ ngày xưa, một số bây giờ lại có cùng sở thích về nhiếp ảnh, gặp nhau để chia xẻ, học hỏi thú tiêu khiển mới, và cũng để sưởi ấm hâm nóng tình bằng hữu, bằng không nó sẽ dần dà phai nhạt, các cụ chả nói “xa mặt cách lòng” hay sao! Nhưng thỏa mãn cả hai điều cùng lùc là việc làm kể cũng khó khăn, vì thế tôi muốn tạo một cơ hội cùng nhau đi bộ chia xẻ với bạn bè. May mắn thay! Phần lớn các bạn tôi là những người cũng có chút máu mê thể thao, và thích luyện tập, có chàng đệ tam đẳng Không thủ đạo, người Kung phu đầy mình chả thua gì Vô Kỵ, kẻ nội công thâm hậu ngang ngửa Dương Qúa, còn tôi thì thích đủ thứ, từ Nhu đạo, đến Taekwondo, qua võ Bình Định, mỗi thứ một tí ti, đủ múa rìu qua mắt thợ, chẳng cái nào hoàn hảo, cho nên không khó khăn mấy để các bạn tôi nhận lời tham gia. Mặt khác, vấn đề sức khỏe thường là mối quan tâm hàng đầu, về cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần, của những người thuộc giai cấp trung trung như chúng tôi, ai cũng hiểu cái gánh nặng của dịch vụ y tế, đè nặng trên vai, lỡ khi trời bắt phải dùng là phá sản như chơi, cho nên bằng mọi cách tránh được vẫn hơn!
     Tôi để đồng hồ báo thức lúc 6 giờ sáng, nhưng khoảng canh ba, canh tư, tôi đã chằn chọc, khó mà giỗ được giấc ngủ yên, tôi cảm thấy hồi hộp, và không an tâm nằm trên giường để chờ giờ báo thức, cuối cùng tôi trở dậy vào lúc 5 giờ 15, và ngay khi tôi dậy, tôi đã thấy vợ tôi đang ở trong bếp, chuẩn bị bữa ăn sáng để sẵn sàng dùng sau khi đi bộ về, nồi xôi đậu phộng đã nấu chín, và nàng đang hấp một khay bánh bột lọc nhân tôm thịt, gói bằng lá chuối tươi. Nàng cũng phấn chấn như tôi, vì hôm nay là ngày đặc biệt, ngoài vợ chồng tôi, còn có sự tham dự của cả năm gia đình, trong nhóm những người yêu biển cả nho nhỏ này; Tôi dự trù sẽ dẫn các bạn thám sát, toàn bộ con đường mòn của khu công viên Peter Canyon, hồi hộp bởi vì đây là lần đầu tiên, nhóm chúng tôi có một hoạt động khác với bình thường, điều chưa bao giờ xẩy ra từ trước. Thường hầu hết những người ở cùng thế hệ chúng tôi nói chung, ngày cuối tuần hay hẹn hò nhau tại quán cà phê, tiệm phở để hàn huyên tâm sự, và mỗi lần gặp gỡ là bao chuyện qúa khứ lại trôi về, lúc nào cũng chỉ có thế, tái đi diễn lại, những chuyện trước và sau chiến tranh, nhai đi nhai lại, tả tơi như cái rẻ rách. Dù chúng tôi rất vui với hiện tại, nhưng nói về hiện tại, thì chả có nhiều điều để nói, ngoài vấn đề sức khỏe luôn là đề tài chiếm phần lớn thời gian, và mỗi một người đều có những chuyện để nói: Người này cao mỡ, người kia cao máu, kẻ này tiểu đường, kẻ khác đau lưng, nhức mỏi, vân vân … là chuyện qúa bình thường. Đề tài này đôi khi đã khiến chúng tôi phải phá lên cười: “Trời! Nói gì chán qúa vậy, bộ không còn gì vui hơn để nói nữa hay sao!” người khác đề nghị “Lần sau kéo nhau đến mấy quán lú quán lẫn cho khỏe”, bác nọ chen vào “Để lên tăng-xông cho cao thì có!” Bởi thế cho nên trước sau gì cũng quay về câu chuyện thời trẻ, để tìm lại phong độ trong ảo tưởng, vừa giúp cho bộ óc làm việc nhiều hơn, may ra tránh được Al-dai-mơ. Tốt nữa là khoảng hơn năm trở lại đây, một số trong nhóm nhỏ chúng tôi, thường hay rủ nhau đi tìm nơi săn hình, đốt thời gian trên khắp nẻo đường đây đó, cũng là một phương thức tập thể dục, nhưng chưa bao giờ có mục đích cùng nhau đi bộ, hoàn toàn cho lý do sức khỏe như buổi sáng hôm nay.
     Mười phút kém 7 giờ, hai chúng tôi đã sẵn sàng lên đường như thường lệ, tôi lủng lẳng trên vai, một cái túi đựng chai nước, hai cái kẹo Trail-Mix, một nắm giấy lau, mà nó sau này vô hình chung trở thành đề tài vui đùa cho các bạn, vợ tôi một dây đeo chai nước nhỏ ngang lưng; Chúng tôi ra trước cửa nhà chờ đón các bạn, thoang thoáng chút ưu tư, ưu tư vì không biết mọi người có tới kịp giờ hay không (?) Sợ trễ qúa trời sẽ nắng gắt, tôi cũng hơi e ngại vì đây là lần đầu tiên, vả lại người Việt mình vốn dĩ có thói quen tập tục thông thường, thời gian như sợi giây thung, nhất là lại qúa sớm cho buổi sáng chủ nhật, khi cái lười và bệnh ngủ nướng, đã là mẫu số chung của mọi người, lại nữa qúy bà thường cần nhiều thời gian sửa soạn hơn qúy ông. Nhưng tôi hy vọng các bạn tôi không quên, là chúng ta sẽ đi trên những con đường mòn, quanh co giữa rừng cây và lau bụi, hơn nữa tôi cũng có thể nói, những phu nhân của các bạn tôi, vẫn còn đầy đủ phong thái và đẹp, chả thua gì những đóa hồng nhung đang rộn nở, các chị dư biết cái đẹp tự nhiên và trong sáng như những giọt sương, lóng lánh treo trên đầu cánh lá buổi ban mai, sẽ luôn là cái đẹp các đức lang quân ngưỡng mộ nhất. Nghĩ đến nét đẹp của người thiếu nữ một sớm ban mai, tôi lại chợt nhớ hình ảnh của người thiếu phụ trẻ láng giềng ngày xưa, khi tôi vừa bước ra khỏi ngưỡng cửa tuổi xuân thì, một buổi sáng thật tình cờ, nàng hiện ra thấp thoáng giữa những tia nắng vàng nhè nhẹ óng ả, vừa xuyên khỏi màn sương sáng, len lỏi qua những kẽ lá tàng cây điệp trước sân, vẽ vải vệt sáng dài trên khuôn mặt trái xoan, lướt trên đôi gò hồng đào mơn mởn, dưới lớp áo soan cánh trắng. Nhìn mái tóc dài nhẹ bay trong gió, vương trên nửa khuôn mặt sáng tươi, đôi mắt nàng nhấp nháy long lanh dưới nắng, như những vì sao sáng giữa bầu trời đêm, tôi mê mải ngắm nhìn, cái nét đẹp hồn nhiên qúa, như những nàng tiên trong thần thoại Hy-Lạp, rạng rỡ tươi mát như cánh đồng xanh rộng mở buổi bình minh. Hình ảnh đó đã thu hút hồn tôi, dìm tôi ngụp lặn trong tận cùng tình yêu nhiều năm sau đó.
    Đúng 7 giờ sáng, thật là ngạc nhiên, anh chị Tr-D người ở xa nhất, cách hơn 70 dặm về phía nam lại là người tới đầu tiên, điều này làm cho tôi hơi cảm thấy áy náy, tội nghiệp bạn tôi, có lẽ đã phải dậy từ 5 giờ sáng chứ không ít. Các anh chị còn lại cũng lần lượt đến, liên tiếp theo sau vài phút, kể cả một người, mà theo bác sĩ của anh, cơ thể anh chỉ đi bằng nửa con tim, nửa phần còn lại không biết để nơi đâu (?) chắc đã trao cho chị nhà giữ hộ, hay chàng đã tặng cho người đẹp lỡ chuyến đò ngang trong lớp nhiếp ảnh rồi chăng! Tôi cảm thấy vui sướng vì mọi người đều đến đúng giờ, và hình như ai cũng thích thú, nhất là các chị người nào cũng nở nụ cười rạng rỡ trên môi, hào hứng về chuyến đi bộ sáng nay, dù nhiều anh chị vẫn đi bộ hàng ngày, đi với gia đình vợ chồng con cái chung quanh khu phố, tại sở làm hay công viên gần nhà. Nhưng cuộc đi sáng nay đặc biệt hơn, đi cho tình bạn, cho niềm vui, cho sự thử thách với cơ thể chính mình, trên những ngọn đồi lên xuống đến gần như thẳng đứng. Mặt trời đã lên phía sau rặng cây đối diện bên kia đường, e thẹn bởi những nụ cười tươi sáng của các chị, chen lẫn phảng phất giữa màn sương lạnh qua đêm, vẫn còn lảng vảng trên mái nhà. Mùa hè rồi sẽ chấm dứt, dường như đang kề cận ở cuối đường, cái nắng tuy chưa lên, nhưng chúng tôi biết cái nóng sẽ đến rất nhanh, dù rằng thời tiết đang bước vào ngưỡng cửa mùa thu, tam cá nguyệt cuối cùng của một năm, nhưng ở miền nam Cali, mặt trời vẫn nướng khô mặt đất trong ngày, chúng tôi ý thức điều đó, nên ngay tức khắc tất cả bắt đầu, ném mình lên xe, một xe van tôi lái cho sáu phu nhân, còn hai xe nhỏ mỗi xe 3 anh, mong mỏi sẽ thắng được cái nóng, trở về trước khi mặt trời lên cao! Bây giờ tôi có thể nghe rõ hơn những tiếng nói cười dòn tan, vỡ òa quanh tôi, như âm thanh cuồn cuộn thoát ra từ những chiếc bình pha lê khổng lồ trong suốt, tràn ngập khoảng không gian ấm cúng bé nhỏ trong xe, đặc biệt từ các chị D, L và Ch, khó mà phân biệt giữa tiếng cười và tiếng chim kêu của đàn chim két xanh bay ngang, hay những con qụa đen đang gọi nhau vang vang trên đỉnh các cây thông chung quanh.
    Chỉ cần bẩy phút lái xe, chúng tôi đã tới công viên Cedar Oak Tree, nằm ở đầu con đường Tustin Ranch về phía Bắc, cách nhà tôi khoảng 3.5 dặm, ba chiếc xe vừa đậu, mọi người ùn ùn nhẩy ra khỏi xe, theo nhau vòng quanh cái hàng rào dẫn vào con đường mòn, thẳng tới công viên lớn cách đó chừng nửa dặm. Khúc đường này giúp chúng tôi hâm nóng cơ thể và chuẩn bị đôi chân, trước khi leo lên những ngọn đồi chính. Con đường chia làm đôi, bằng ba hàng cột gỗ ở hai bên và chinh giữa, một bên dành cho những người kỵ mã, còn một bên cho người đi bộ và xe đạp, chạy song song uốn khúc ngoằn ngoèo, dưới bóng mát của những tàng cây tùng bách, và hùynh diệp lớn dọc các con đường lân cận. Chỉ cần vài phút trên đường mòn, chúng tôi dần dần chia thành ba nhóm lúc nào không hay, nhóm đầu toàn nam gồm H, N, Tr, Q và tôi, nhóm giữa gồm toàn nữ các chị L, Ch, D và H bà xã tôi, nhóm cuối thoải mái nhàn hạ vừa nam vừa nữ có chị O, anh chị Th-Ng, và anh PĐC. Vài phút sau, chúng tôi tới cửa công viên chính, từ đây, nhóm nam bắt đầu leo lên đồi theo con đường mòn phía đông, hai nhóm khác sẽ đi dọc chân đồi về hướng bắc, uốn khúc ngoằn ngoèo qua những khóm cây sồi độc, những bụi hoa hoang dã, từng nhóm cây rừng cao thưa thớt mọc rải rác loanh quanh. Tôi nhìn lại phía sau, nhóm nữ đang hăng hái tiến tới, H xông xáo như một hướng dẫn viên đi đầu, quẹo trái qua lối vào chính, xa xa đằng sau hai anh Th và PĐC, thong dong đi rất nhàn hạ, vì hình như có qúa nhiều chuyện để nói. Còn hai chị D, Ng họp thành nhóm khác, hai nhóm đi hai bên bờ của một cái hồ đã cạn khô trơ đáy, với những cây cỏ dại chen chúc nhau hai bên cái rãnh nước hẹp. Nhưng dù nhanh hay chậm, tôi thấy mọi người đều thú vị và chuyện trò như bắp rang, pháo nổ. Nhóm toàn nam cả năm rảo bước như đang rượt đuổi nhau lòng vòng, quanh co sau những gốc cây, hướng lên đỉnh đồi, từ lúc này, mọi kỷ niệm trong qúa khứ bắt đầu kéo về, như chuỗi bọt bong bóng xà bông dài lòng thòng bay trong không gian, phơi dưới ánh mặt trời, đọng trên từng phiến đá, rớt trên từng lá cây, và theo mỗi bước chân đi. Tôi đi phía sau nhưng vẫn nghe rõ mồn một những chuyện của H và N; H vóc dáng cao to như anh chàng tây lai, giọng nói lúc nào cũng oang oang, N người tầm thước, hai chàng ngược giòng thời gian trở về qúa khứ trong những ngày cải tạo tù đầy, những câu chuyện chung của hàng trăm ngàn quân dân cán chính miền nam, bị bắt lao động khổ sai trong những cái, mà cộng sản gọi là “Trại cải tạo”, nhưng thực chất chính là những trại tù nhốt người giữa rừng già, trên toàn đất nuớc Việt Nam. Những bước chân hôm nay đã đưa hai bạn tôi len lỏi về tận chốn rừng sâu ở Phước Long, Suối máu, Kàtum, những ngày vào rừng đốn củi, chặt tre, tìm nguyên vật liệu về tự dựng mái nhà, che nắng che mưa cho chính bản thân, và bạn đồng tù, ngay cả bọn quản giáo cũng thừa nước đục thả câu, lợi dụng sức lao động của người tù cải tạo, bán lấy tiền thủ lợi riêng. Chuyện những người tù cải tạo, chẳng ai được ở không, mỗi người mỗi toán mỗi công việc riêng, công việc gì có chuyện khổ nấy, vào rừng thì vất vả, nhưng cũng được thênh thang đi lại đôi chút, ngoài công tác chính tìm vật liệu kiến trúc, cũng là cơ hội để tự tìm cho mình, một chút chất đạm bồi dưỡng cơ thể, giúp cho đôi chân khẳng khiu đủ sức đứng, giữ cái bộ xương cách trí khỏi bị gẫy đổ, vì thiếu dinh dưỡng, bởi mọi dự trữ trong cơ thể đã bị tiêu hủy qua thời gian. Khi vào rừng thì đôi mắt phải tinh, chân tay phải lẹ, lúc nào cũng chằm chằm nhìn quanh nhìn quẩn, xem có con vật nào có thể bắt ăn được, thằn lằn, cắc ké, kỳ đà, cóc nhái, rắn mối ăn tuốt. nhưng bắt thú hoang cũng phải cẩn thận, vì nếu vô tình bị bọn quản giáo khám phá, sẽ bị gán tội ăn cắp thú rừng của nhân dân, không những bị phạt tiền, khấu trừ phần lương thực, vốn dĩ đã ít ỏi, không đủ trám đầy cái bao tử luôn luôn đói, còn phải bị kiểm thảo, đôi khi còn bị nhốt xà lim. Nhưng phải chăng trời sinh voi, trời sinh cỏ, trong cái khốn cùng lại nẩy sinh nhiều cái đặc biệt lạ, như câu chuyện người thầy thuốc tài ba, được khai sinh trong những trường hợp cực kỳ khó khăn, dùng kim tự chế châm cứu chữa bệnh, không cần thuốc tê, không y dược, cũng không có vệ sinh tối thiếu, mà người bệnh không hề thấy đau, và bệnh cũng thuyên giảm. Rồi chuyện bề hội đồng những kẻ phản bội, làm ăng-ten lén lút thu thập tin tức của bạn tù, báo cáo cho bọn quản giáo trại, để mong lấy điểm, đánh đổi lấy chút lợi lộc riêng tư. Tội nghiệp đôi khi cái khổ, cái đói cũng có thể biến người ta trở thành đê tiện, hèn hạ, không phải ai ai cũng có tính khí anh hùng, khí phách, những câu chuyện trại tù kể không bao giờ hết, và sẽ mãi mãi tồn tại trong cuộc đời của một số các bạn tôi.
     Những con đồi dốc ở đây không đến nỗi dài lắm, một vài chổ bao phủ bởi những cây hùynh diệp cao to, mà thời tiết khắc nghiệt của vài thập niên trởi lại đây, chúng không xanh tươi cho lắm, nhưng cũng đủ che bóng mát cho người bộ hành. Đôi lúc con đường mòn ngoằn ngoèo và thật dốc, một vài chỗ độ dốc có thể đến hơn 20 độ, lên cũng như xuống. Trên hai ngọn đồi đầu tiên, mọi người còn đủ sức khỏe để theo gót gần nhau, tuy nhiên, càng đi chúng tôi càng rời rạc xa nhau sau mỗi ngọn đồi. N dẫn đầu nhóm, bước chân của chàng rất đều, và khoảng cách vẫn bình thường ngay cả lúc lên đồi, H theo sau vài bước, rồi đến Q và Tr, tôi luôn bao bọc đoạn hậu theo hàng một, như khi chúng tôi đi di hành chiến thuật. Thỉnh thoảng khi điều kiện môi trường cho phép, tôi chạy lên để bắt kịp bạn bè, nhưng cũng chỉ được vài phút, để rồi lại bị bỏ rơi phía sau. Điều đó cũng không sao, tôi cảm thấy rất sung sướng, nhất là bây giờ tôi có thì giờ thực tập thường xuyên hơn, phần khác tôi cũng hơi lớn tuổi, lớn nhất trong nhóm, các bạn tôi lại có thể lực to lớn hơn cái vóc dáng rất Việt Giao Chỉ của tôi, tuy nhiên mọi người đều công nhận, mới chỉ sau vài tháng luyện tập, tôi bây giờ trông khá hơn, khỏe và nhanh nhẹn hơn kỳ đi Yosemity hai năm trước đây. Mặt trời đã lên cao, trên đồi lại không có cây cối, nên khá nóng, mồ hôi bắt đầu nhễ nhại thắm trên lưng áo mọi người, bây giờ chúng tôi cách nhau cả mấy chục sải, không ai nói chuyện với ai được nữa, N đã gần lên đỉnh đồi cao phía trước, H và Tr đang cố chạy để thu khỏang cách, tôi cảm thấy khá mệt, đầu gối và chân tôi uể oải, không nhấc nổi bước lên đồi, cơ thể tôi muốn nghỉ, nhưng đầu óc tôi cố nói không, tôi phải cố gắng hơn nữa, hy vọng ngày mai sẽ khá hơn. Thỉnh thoảng từng nhóm học sinh, thanh niên, thiếu nữ chạy ngang tôi, mồ hôi chảy dài trên mặt, đổ trên lưng họ, nhưng đôi chân vẫn nhanh, nhấc cao và chạy đều, tôi nhìn mà thèm thuồng cái sinh lực đó, cái dẻo dai của đôi chân, tôi ước ao chỉ cần một phần mười cái khả năng ấy, nhưng tôi biết thời gian của tôi đã qua từ lâu. Hình ảnh những người chạy marathon thỉnh thoảng thấy trên TV, ngay cả những người về đầu, trông họ cũng mệt mỏi lắm chứ, nhưng cái sức mạnh khác thường vẫn thể hiện trong đôi mắt họ, hình như điều đó đã giúp họ tiếp tục tới được làn mức cuối cùng, đó là những tấm gương tôi cần học hỏi. Tôi cố thu hết sức, để tâm trí thanh thản, nhìn thẳng trước mặt và cố bước đều tới, giữa hai hàng cây bụi dại khô héo bên lề, cho đến khi tới đầu con dốc xuống, tôi bắt đầu chạy đuổi cho kịp các bạn tôi. Khi tới gần Trung cất tiếng chọc quê cái thân hình nhẹ dưới trăm cân Anh của tôi, “Nhìn bác D kìa, bác ấy nương theo gió thổi mà bay chứ đâu cần chạy!” H phụ họa “Nó đâu cần chạy chỉ cần đứng trên đồi là gió thổi bay xuống tới chân đồi rồi” thế là cả đám cùng phá lên cười òa. Khoảng giữa đường chúng tôi gặp nhóm các chị từ con đường tắt đi lên giữa đỉnh đồi, H buột miệng la lớn “Trời mấy bà đi sao mà lẹ qúa vậy!” vợ tôi muốn để các chị thấy các chị cũng không thua, cũng dẫm nát những ngọn đổi này như các anh, như ngầm nhắn nhủ các chị từ nay tiếp tục đi hàng tuần nhe! Chị D buột miệng nói lớn kèm theo nụ cười tươi “Không ngờ tụi này cũng leo lên được tới trên này để gặp các anh”, chị L thêm vào “Nhờ H dẫn đi đường tắt, chứ không làm sao mà mình qua mặt mấy anh được!”, H lanh chanh “Em nói mà thế nào mình cũng tới trước mấy ảnh mà!”
    Chúng tôi đã đi hết vòng lên bãi đậu xe phía bắc và trở về lại chân đồi cao, N dạo này cũng thường đi bộ trên đồi núi nên cũng đã quen, muốn tiếp tục đi trên đồi, H và Tr nhìn đã thấm mệt, vì đây là lần đầu tiên, nhưng xét về vóc dáng vẫn bề thế hơn N nhiều, nên đâu dễ dàng chịu thua, H gắng gượng nói “Đi thì đi, mày tới đâu tao tới đó!” Thế là bộ ba lại hì hục lên đồi, còn tôi lượng sức mình cũng đã thấm mệt, nếu cố gắng tôi vẫn có thể vượt được, nhưng sẽ phải mất thời gian lâu hơn mới có thể đi được ráp vòng, vả lại bây giờ trời cũng đã khá nóng. Tôi đứng tại chỗ nhìn lên con đường dốc, N đang rảo cẳng bước lên, H lê bước chậm chạp hơn, còn Tr ì ạch theo. Tôi và Q chịu thua các bạn, không cần thiết phải tự ép mình, lỡ chẳng may cơ thể không nghe theo ý muốn thì phiền, Q và tôi rẽ phải theo con đường mòn dưới chân đồi, thoải mái và nhiều bóng mát hơn, Q nhìn tôi cười nói “Đi dưới này thấy khỏe hơn nhiều! luyện sức từ từ thôi, chứ gấp rút qúa lại gẫy nửa chừng, thì kẹt à”, tôi trả lời “Đúng vậy, không nên dùng qúa sức mình”. Vài phút sau chúng tôi gặp Th và C đang đứng nghỉ ngơi dưới bóng của tàng cây huỳnh diệp, C nhìn tôi với nụ cười rộng: “Bộ hai bác đầu hàng rồi hả?” “Ừ! chịu thua, đi không lại mấy ổng, để dành chút năng lực đề phòng trường hợp khẩn cấp!” tôi thú nhận, Th xen vào “Còn mấy ông kia đâu rồi?” vừa nói Th vừa chìa bọc bánh ngọt “Nhai cái này để lấy lại sức!” Tôi chỉ tay lên đồi “Mấy ổng đi trên đó, cám ơn bác, tôi cũng có thanh kẹo Trail Mix!” Th không chịu nhường, cánh tay vẫn hướng về phía tôi và Q “Cái này dễ nuốt và ngon hơn!” Tôi thầm cảm ơn, những người bạn tôi luôn đối xử với nhau như vậy, đôi khi chúng tôi cũng có tranh luận, bàn thảo nhiều vấn đề, nhưng bàn để học hỏi, chứ không phải để tranh nhau sự hơn thua, không ai tự cho mình là đúng, và người khác là sai. Sau khi ăn miếng bánh ngọt, bốn chúng tôi đi xuống con đường mòn phía dưới, dọc theo giòng suối nhỏ, gọi là giòng suối thực ra đã thuộc về qúa khứ xa xưa, vài thập niên trở lại, nó chỉ còn là một rãnh nước nhỏ, nước ngấm ra từ cái hồ cũng gần cạn khô ở phía Bắc của khe núi thiên nhiên này, nước không đủ để có thể tạo được một âm thanh nào đó về sự hiện diện của nó. Những bụi cây gần bờ nước còn xanh tươi, nhưng chỉ cách xa khoảng mươi thước là khô cằn, ngã mầu nâu thậm, nhiều cây đã chết, gẫy đổ, nằm ngổn ngang, vì mối mục, đó là luật sinh tồn của tạo hóa, không chừa bất cứ một sinh động vật gì trên mặt đất, điều đó ai cũng biết. Tôi thầm nghĩ bản thân tôi, vài năm trở lại đây, hiện tượng lão hóa đã thể hiện từ đầu tới chân, tóc tai loe ngoe vài sợi, da dẻ nhăn nheo, ngay cả Th ngày nào tướng tá to lớn, đẹp trai, bây giờ càng ngày trông càng bệ vệ và lụ khụ, đi đứng chậm chạp thấy rõ, H con người khỏe mạnh nhất, lúc nào cũng khoe bắp thịt cuồn cuộn, vài năm trước còn khoe khoang đá bật ngửa một chàng Mỹ to lớn, khiến cho nó phải nể mặt, còn mấy đứa trẻ thì súm sít khen “Chú còn phong độ qúa, tụi cháu thua xa!”, bây giờ mỗi lần gặp là thấy than “Mẹ chân tay dạo này đau nhức qúa, đứng lên ngồi xuống không nổi 20 cái, bắp thịt thì càng ngày càng nhão nhẹt”. Th, PĐC và tôi cuối cùng quay qua chuyện chuyến đi chụp hình Oregon kỳ tới, vừa đi vừa tán gẫu, chả mấy chốc đã ra tới cổng ngoài, tới nơi cũng đã thấy H, N và Tr lảng vảng ngoài hàng rào chờ, thấy tụi tôi bước ra H chọc ghẹo “Sao mà đi lâu qúa vậy, tụi này tới cả mười mấy phút rồi”, Th chống chế “Tụi tao vừa đi vừa dạo chơi”. Cuối cùng sau khoảng hai tiếng rưỡi tới ba tiếng, tất cả chúng tôi, dù nhanh hay chậm đều đã hoàn tất một vòng công viên, tôi cảm thấy sung sướng và thoải mái, vì chúng tôi đã có một sáng đi bộ thật thú vị, công viên này không dài lắm, những ngon đồi không cao, không thấp, mọi vật vừa phải, vừa đúng sức. Tôi hy vọng từ nay chúng tôi sẽ tiếp tục đi hàng tuần, cho nhóm có một hoạt động hữu ích chung, hơn là chỉ có tụ tập ăn với nhậu, dù gần đây hơn phân nửa đã có hoạt động nhiếp ảnh chung, riêng N và tôi thỉnh thoảng rủ nhau đi bộ cuối tuần, tôi nghĩ với cái đà này, cái nhóm bẩy gia đình hải hồ sẽ càng có ít thì giờ gặp gỡ.
    Khi chúng tôi quay trở lại nhà, thì cũng là lúc cơn mưa ập tới, bầu trời bỗng đầy mây đen kéo về, và sớm chớp ầm ầm như những tiếng pháo rền vang trong ngày lễ Độc lập, thật ngạc nhiên mưa mỗi lúc một nặng hạt, đã lâu lắm trời nam Cali không có mưa như thế này, kể ra cũng là một hiện tượng lạ, một sự trùng hợp qúa ngẫu nhiên. Chúng tôi ngồi quây quần chung quanh hai cái bàn dài, H, Q, Th, C, Tr và tôi ngồi một đầu, các chị Ch, D, L, Ng, O và H một đầu, nhấp từng ngụm cà phê nóng, vừa ăn sáng, vừa nói chuyện và cười vang, nghe mưa rơi đồm độp trên mái tôn, nhìn mưa chảy thành giòng từ mái hiên sau xuống sân, đưa tôi trở về những ngày thơ dại nơi quê mẹ mến yêu, mỗi lần trời mưa lại rủ mấy đứa bạn cùng xóm, nô đùa tắm mưa tuổi nhỏ hồn nhiên qúa, những kỷ niệm sao còn qúa mới, qúa gần như vừa mới xày ra hôm qua, thế mà bây giờ đã mấy chục năm trôi qua. Nơi đó ngoại trừ kiếm tiền và làm giầu là khó, còn cái gì cũng dễ, mưa kéo dài cả sáu tháng mỗi năm, gặp gỡ bạn bè cà phê cà pháo là chuyện cơm bữa hàng ngày, không giống phần đất này trên thế giới, mưa qúa ít, hầu như không có, giòng sông Santa Ana lúc nào cũng cạn khô, quanh năm ngày tháng nằm phơi đáy dưới áng nắng mặt trời, còn gặp bạn bè cũng thật khó khăn, kiếm được người bạn tốt, hiểu biết nhau thì lại càng khó hơn, như mò kim đáy biển, bởi mỗi con người là một cái bánh xe nhỏ nằm trong bộ máy vĩ đại, thời giờ qúa hạn hẹp, không đủ dành cho bản thân, gia đình thì còn nói gì cho bạn bè. May thay trong nhóm nhỏ này, phần lớn chúng tôi đã cùng nhau đồng hành nhiều giai đoạn trong cuộc đời, có người từng là bạn học cũ, rồi cùng nhau vào lính, cùng thụ huấn quân sự, hải nghiệp, từ biển cả đến sông ngòi, trên khắp mọi nẻo đường đất nước, có bạn cùng chia những cay đắng ngọt bùi trong các lao tù tập trung cải tạo, chia sống xẻ chết trên các con thuyền vượt biển, nên hiểu biết nhường nhịn nhau dễ dàng hơn. Thời gian qua qúa nhanh, nhưng chúng tôi đã phải làm việc cực nhọc, để tranh thủ thời gian trả nợ tiền nhà, trả tiền hóa đơn hàng tháng, lo việc học hành cho con cái, cái gánh qúa nặng qúa lớn, khi sự nghiệp khởi đầu qúa muộn. Dù biết trên đầu tóc càng thưa và mỏng, tuyết đã phủ nhiều, và cỏ thì héo úa, nhưng chẳng ai có thể làm ngưng đọng được thời gian, cũng chẳng thay được cái luật đào thải, nhanh hay chậm tùy theo số mạng, phước đức mỗi người. Đức năng thắng số, ai cũng biết con người đôi khi có thể cải đổi được số mạng đôi chút, tập luyện nhiều sẽ đỡ bệnh tật, giảm được chất béo, kiểm soát được cao máu, tiểu đường đó là chuyện tất nhiên, bác sĩ nào chẳng khuyên bệnh nhân như thế. Nếu khéo léo chuẩn bị, chúng ta vẫn có thể cùng nhau bước, những bước dài thong thả tới trước, như chúng ta đã cùng nhau bước, những chặng đường dài vui buồn và nghiệt ngã, và những nụ cười luôn rạng rỡ! Trong lòng tôi tràn trề hy vọng khởi đầu một chu kỳ mới tốt và khỏe mạnh hơn.

Nctd - 2011

No comments:

Post a Comment