Sunday, January 24, 2016

CÁNH HỒNG TRÊN SA MẠC

                                   

                                                                                                
    Người thiếu nữ cuả mười sáu, mười bẩy năm về trước, mà hắn đã có dịp gặp và nghe nàng hát trong đêm văn nghệ Tất Niên tại trường Đại Học Long Beach, trẻ đẹp với khuôn mặt xinh xinh, và đôi mắt đen trìu mến, nàng dịu dàng duyên dáng trong chiếc áo dài vàng hoa cải, không kiêu xa đài các, nhưng thùy mị đoan trang. Năm ngón tay búp măng nhẹ nhàng nhảy nhót trên phím đàn Guitar. Giọng ca trầm buồn truyền cảm, khi u uất lúc véo von qua bài ‘Lời Tình Buồn’, đưa người nghe rời xa thành phố, ra khỏi cái lạnh cuối Đông, bỏ những ngọn đèn vàng hiu hắt, đứng quạnh hiu trên con đường nhỏ uốn khúc quanh co, với hàng anh đào vẫn còn trơ trụi lá, bao quanh khuôn viên trường. Tạm quên đi gánh nặng sách đèn, quẳng một bên những bài thi khó nhá, thả hồn theo những áng mây lãng đãng vượt trùng dương, trở về quê xưa đi trên những con đường có nắng ấm, có cỏ hoa giăng lối. Qua núi lên đồi, qua từng khe suối róc rách, đâu đây có tiếng chim kêu gọi tình. Căn phòng rộng lớn trong toà Đại Sảnh Sinh Viên như chìm trong sự tĩnh mịch, không một tiếng động nhỏ. Giọng nàng nhẹ nhàng thoát bay khi xa, khi gần, lúc thì thầm như với gió với mây ‘Trăng đã lên sao tình vẫn xa xôi!’ lúc rộn ràng thánh thót, ‘Trong giấc ngủ lung linh nụ cười.’ Giọng hát ngọt ngào đã làm bao con tim ngây ngất, thu hút cảm tình nhiều chàng trai hiện diện. Hắn nghe từng lời nhạc lắng đọng thấm sâu vào hồn, chảy trong dòng huyết quản đổ dồn tích tụ về tim, lênh đênh phiêu dạt trong dòng tình buồn lưu luyến ấy. Hắn cố ghi nhớ từng lời ca dịu dàng chỉ sợ nó tan loãng vào hư không, như người lữ khách trên xa mạc tìm sự sống bằng những giọt nước mong manh ở đầu lưỡi bờ môi. Như để phụ họa với giọng ca trầm buồn muôn thưở, là cả một trời Thu bàng bạc mông lung, thăm thẳm trong đôi mắt còn xanh tuổi đời, nhưng mang đầy nghị lực, ánh mắt ấy ẩn chứa điều gì vừa như ray rứt khắc khoải, vừa như ôm ấp một hy vọng tràn đầy, tương phản rõ rệt với nụ cười rạng rỡ lúc nào cũng sẵn sàng nở trên bờ môi. Hắn tạm quên nhọc nhằn cuộc đời lưu lạc để hồn chìm lắng trong giấc ngủ ngon, trong đáy sâu hồ Thu tình tự, cho những rung cảm khuyếch tán như những chấn động lan dần trên mặt nước. Tuy là lần đầu được nghe nhưng sao hắn có cảm giác cung đàn này, giọng ca này quen thuộc, quyến luyến và trìu mến như từ kiếp xa xăm nào.

Đáy sâu sóng mắt sợi buồn
Tím trời Thu ảm rũ hồn liêu trai,
Thanh tao mười ngó sen dài
Nhẹ buông tiếng dạo thiên thai gọi hồn
Giọng sầu kéo bóng hoàng hôn
Nghe sao nhung nhớ từ muôn kiếp nào! (*)

   Những năm của thập niên 80, trường này là nơi tập trung nhiều sinh viên Việt nhất trong vùng, khoảng trên ngàn người, đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần, từ những Sinh Viên thuần túy vừa hết Trung Học, đến những người ngoài ba mươi phần lớn vừa đi làm vừa đi học bán thời gian. Nơi đây nghe kể từng là một trong những trung tâm phản chiến của sinh viên Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Bây giờ ngược lại, là một trường hoạt động xã hội hăng say náo nhiệt nhất của sinh viên tỵ nạn, so với các trường khác trong vùng. Đặc biệt về các công tác phát huy và bảo tồn nền văn hóa Việt. Trong đó phải kể đến các sinh hoạt ‘Hoa Hậu Áo Dài’, ‘Giải Khuyến Học về Văn Học và Lịch Sử Việt Nam’ và tham gia công tác dạy Việt Ngữ cho các em nhỏ những ngày cuối tuần. Qua những sinh hoạt này hắn đã thấy được những tâm hồn đẹp đẽ nơi thế hệ trẻ, kẻ đến trước người tới sau, dù tỵ nạn 75 hay vừa mới vượt biển, họ chia nhau những ngọt bùi cay đắng, khổ cực của cuộc đời, những khó khăn trong xã hội mới, và những thao thức hướng về tương lai. Họ gạt bỏ tinh thần vị kỷ cá nhân, và học hỏi phương thức làm việc tập thể chung nơi xã hội mới, chẳng nề hà săn tay áo trong những buổi rưả xe, cho đến cả vai trò kịch sĩ , ca sĩ trên sân khấu. Hắn đã thấy ở tuổi trẻ trên đất khách quê người, tâm hồn họ là những đoá hoa hồng thật đẹp, mà cả quãng đời niên thiếu ở quê nhà hắn ít thấy những sinh hoạt tương tự nơi học đường. Không phải vì tuổi trẻ ngày xưa không biết sinh hoạt, nhưng vi` trong khoảng thời gian phần tư thế kỷ đó, thanh niên Việt đã phải sống trong bối cảnh chiến tranh binh lửa, trực diện và bị lôi cuốn bởi những xáo trộn, hỗn loạn hàng ngày trên mọi lãnh vực từ kinh tế, xã hội đến chính trị. Mặt khác sự nghèo khó cũng là nguyên nhân chính ngăn trở mọi sinh hoạt của tuổi trẻ. Nơi đây các em sống trong khung cảnh thanh bình, tự do, no ấm cho nên sinh hoạt học đường mang một sắc thái vui tươi và sinh động hơn. Ngoài các sinh hoạt trên, thỉnh thoảng cũng có những đêm cà phê gây qũy và văn nghệ Tất Niên, mà các ca sĩ là chính các anh em sinh viên trong trường, nhưng nhiều người hát thật hay và điêu luyện chẳng thua gì ca sĩ nhà nghề là mấy, và nàng là một trong những khuôn mặt quen thuộc cùng LyLy, Bích-Ngọc và còn nhiều nữa mà hắn không thể nhớ hết. Thường thì những buổi văn nghệ này, bài được anh chị em yêu cầu ở nàng nhiều nhất vẫn là bài ‘Lời Tình Buồn’. Vì phải nói nàng đã diễn tả trọn vẹn lời nhạc này bằng tất cả tâm hồn mình, như Khánh Ly với ‘Diễm Xưa’ hay Thanh Thúy qua ‘Tàu đêm năm cũ.’ Những đêm văn nghệ này cũng không thể thiếu hắn, hắn đến phần tìm quên những ngày làm việc cực nhọc và học hành bù đầu, đến để tán gẫu với những bạn trẻ cho khỏa lấp nỗi cô đơn, và nhất là đến để nghe giọng ca trầm ấm đầy truyền cảm của nàng, bên hương vị đậm đà của những ly cà phê nóng sưởi ấm cả tâm hồn, hay những ly chè đậu xanh ngọt lịm bờ môi từ tay các anh chị em sinh viên thuần túy pha chế và nấu nướng. Nhờ những sinh hoạt này hắn cũng quen biết nhiều, tuy không thân tình hay tri kỷ, nhưng cũng không đến nỗi xa lạ hững hờ. Nhưng nàng, trừ những buổi văn nghệ, hắn không hề gặp trong các sinh hoạt khác tại trường. Sau này mới được biết nàng bận ở một khung trời khác bên đàn chim nhỏ của riêng nàng tại một trung tâm Việt Ngữ. Sau giờ đèn sách nàng muốn dành thì giờ cho các em và chỉ thỉnh thoảng đến hát giúp vui cho những buổi văn nghệ Sinh viên mà thôi.

    Thời gian đều đặn trôi qua, mỗi năm mỗi độ Hè về, những con chim Lạc Việt trên nhiều nẻo đường lưu vong tụ hội về đây học tập, tạm thu thập đủ vốn liếng làm hành trang bước chân vào cuộc đời mới tháp cánh tung bay, những người sinh viên của ngày nào mỗi năm một thưa dần, họ ra trường mỗi người mỗi ngả, đời thư sinh rồi cũng qua nhanh. Hắn cảm thấy tiếc nuối, mới đó mà đã bốn năm, bốn năm lúc nào cũng phải đóng vai một người anh đứng đắn, như lời một bạn trẻ: ‘Trông anh lúc nào cũng đạo mạo như một ông giáo già.’ Vì tuy chẳng phải đã già, nhưng hắn cũng không còn ở trong thế hệ của các em, đúng ra hắn ở thế hệ người anh cả. Ngày ra trường của hắn rồi cũng đến và chấm dứt cũng nhanh, những người bạn trẻ vội vã chia tay để về chung vui với gia đình và bạn bè. Riêng hắn gia đình không có, bạn bè thân thích cũng không nốt, hắn nấn ná ở lại mong tìm một chút lắng dịu của tâm hồn. Tương lai hay ít ra ngày mai trong khoảng thời gian gần trước mặt, cuộc sống sẽ thay đổi, hắn không còn phải bận rộn, vất vả vì vừa đi làm vừa đi học. Hàng ngày sẽ không còn dịp gặp gỡ những người bạn trẻ, những người anh em tuy xa lạ không chung huyết thống, nhưng cũng đủ thân tình khi gặp gỡ để xóa bớt nỗi cô đơn trong lòng hắn. Ngang lứa thì các anh Tường, Lân, nhỏ hơn thì có Lý Hiệp, Thắng, Huy, Khanh, Giám, Hồng Chi ... phái nam, nữ thì có Thu-Hà, Hồng-Linh, KIm-Phấn, Kim-Thoa ... qủa đúng như dân gian ta thường nói: ‘Bán anh em xa, mua láng giềng gần’. Giã từ ngôi trường với nhiều kỷ niệm buồn vui, cô đơn hòa lẫn gắn bó, âm thầm đứng bên sinh động. Hắn bỗng thấy lạc loài như giọt nắng hè mong manh xuyên qua những tàng cây rơi rớt loang lổ trên lối đi, rõi tìm dấu chân quen trên thảm cỏ. Lang thang về phía khu nhà Đại Sảnh mong tìm gặp một bóng người quen. Sân trường chiều thứ sáu lúc nào cũng mang vẻ ảm đạm mênh mông, hắn đếm bước trên từng bậc tam cấp hun hút sâu dẫn vào trong tòa nhà, thấp thoáng vài sinh viên ngoại quốc xa lạ. Tuy không có tiếng ve kêu gọi hè, tuy không thấy những cành Phượng nở, nhưng lòng hắn buồn vô tả. Bước vào khoảng sân lộ thiên giữa khuôn viên, nơi đây những buổi trưa nắng rọi vào ấm áp lúc nào cũng đông nghẹt, nhưng giờ này im lìm, không cả chút nắng, bàn ghế lạnh tanh thưa thớt, bên trong hành lang những ngọn đèn vàng âm u từ trong hốc sâu trên trần nhà không đủ đào sâu bóng tối, bình thường trông hoà hợp tình tự của những tâm hồn lãng mạng, bỗng dưng vô tình đồng lõa với cô đơn. Những căn phòng nhỏ, xung quanh những cái bàn tròn vẫn còn thấp thoáng bóng Thu-Hà, Tuấn, Hồng Linh, Đức, v.v.., hay ‘cắm dùi’ mỗi buổi trưa, hoặc chờ giờ đổi lớp. Hắn thầm ước phải chi có buổi cà phê văn nghệ đêm nay thì hay biết mấy.

   Thời gian tiếp tục trôi qua và đời người còn đi mau hơn nữa, cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải ngưng, nhất là những cành hoa biết nói.

                Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
                Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi
                              (Mùa Xuân Chín / Hàn Mạc Tử)

    Chỉ vài năm sau ngày ra trường, những người tuổi trẻ của bao năm cũ kẻ trước người sau, cả nam lẫn nữ người nối người, chẳng phải chỉ ‘có kẻ’ mà dần dần ‘tất cả’ đã ‘theo chồng bỏ cuộc chơi’ để nhập cuộc với đời. Nhưng ‘Hình như chưa!’ vẫn là câu nghe khi hỏi thăm về người thiếu nữ của ‘Lời tình buồn’.

   Bẵng đi có đến mười năm, mười năm là cả khoảng thời gian dài đủ để thay đổi một đời người, thay đổi cả thế giới, hắn tình cờ gặp nàng ở một trung tâm Việt Ngữ cũng là một gia đình Phật Tử. Trong tà áo Xanh Lam của người Nữ Huynh Trưởng, trông nàng thùy mị đoan trang, và thật dịu dàng. Với cây đàn trên tay, nàng tập cho các em Oanh nữ những bài hát nhớ về cội nguồn, nhớ công ơn Tổ Tiên, năm ngón tay nhẹ nhàng dạo trên phím đàn khúc mở đầu, rồi nàng cất giọng thanh cao.

                    Cây có cội, nước có nguồn
                    Cội nguồn ta trong tiếng nói Việt Nam
                              (Vang Vang Tình Việt Nam / Trầm Tử Thiêng)

Nàng hát từng câu, mười mấy em Oanh nữ cất giọng hát theo, hình ảnh thật là đẹp. Hắn thầm nhủ với số tuổi cuả nàng trước năm 75 thì nàng đã học và biết được bao nhiêu công lao của Tổ Tiên để ghi ơn. Còn sau 75 người ta đã phải kêu than ‘Nếu cái cột đèn biết đi, nó cũng sẽ bỏ ra đi’, thì đất nước ấy có gì cho nàng lưu luyến. Tại sao nàng lại tha thiết đến thế, nàng còn muốn truyền cái tình cảm của mình cho các em, để các em hướng về quê hương nơi mà nhiều em chưa hề biết đến, còn bao nhiêu em khác đã phải theo cha mẹ đánh đổi mạng sống ra đi tìm Tự Do. Trong khi biết bao người đã từng thừa hưởng ân sâu nghĩa nặng và bổng lộc từ quê hương ấy thì lại đang cố chối bỏ giòng máu chảy trong huyết quản họ. Hắn còn được biết thêm vài trong số các em này là do nàng vận động tìm cha mẹ nuôi bảo trợ từ các cô nhi viện tại Việt Nam đưa sang trong những năm qua, và công việc này vẫn đang tiếp tục. Những tâm hồn sống cho tha nhân trên cõi đời này qủa thật là hiếm hoi.

    Trong dịp tết Nguyên Đán gần đây, gia đình hắn đi thăm hội chợ xuân, trai thanh gái lịch đông đúc, quần áo muôn màu tươi thắm, người người tấp nập vui xuân, hắn gặp lại nàng, nhưng nàng không đi để vui xuân, mà nàng đang trông một gian hàng gây qũy cho các em cô nhi mồ côi. Vẫn là người thiếu nữ năm xưa, vẫn duyên dáng đài trang, vẫn nụ cười vị tha cho đời, duy chỉ có một chút đổi thay, mà tinh ý mới thấy mái tóc xanh huyền ngày nào đã bắt đầu điểm tuyết pha sương, chỉ một chút thay đổi nhỏ làm hắn chợt thấy xót xa. Có lẽ trong đời không ai mong muốn những người thiếu nữ dấn thân mà quên chính bản thân mình như vậy. Nhưng hắn chưa bao giờ được là người bạn thân hay người tri kỷ, lại chẳng phải người thân thích để có thể cho nàng những khuyên nhủ, chia xẻ những ưu tư, hay những che chở. Hắn chợt nhớ đêm cà phê Biển dài ngày nào, nhớ giọng ca trầm ấm truyền cảm, ru ngủ lòng nguời và đôi mắt buồn muôn thưở mà hắn vẫn lưu luyến mãi không quên. Hắn ao ước như niềm mơ được là người anh trai cả:

              Sao tôi không phải là người anh trai cả
              Để được em thương nũng nụi vòi quà
              Và em buồn, em giận lúc anh xa
              Tôi sẽ mãi thương người em gái nhỏ (*)

   Sau gần hai thập niên dâng hiến cho đời, nàng vẫn đó, vẫn tiếp tục những công việc vô thưởng, vô lợi riêng tư, vẫn thản nhiên dửng dưng nhìn những mùa xuân trôi qua, nhìn bạn bè xa dần như những cánh chim bỏ đàn đi về chân trời mới. Điều mà hắn không biết từ lâu là nàng đã rời Việt Nam trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến, và đặt chân trên đất nước này ngay trong thời gian đầu cuộc di tản 1975, khi đó nàng còn nhỏ dại, và mới bước vào ngưỡng cửa Trung Học chỉ có vài năm, hắn nghĩ với số tuổi ấy nàng đâu đã đủ khôn lớn để có thể hiểu tường tận và chia xẻ cái khổ đau chung của dân tộc, chưa sống trong cái cùng cực của xã hội nhược tiểu nghèo nàn. Trái lại nàng đã trưởng thành trong nền giáo dụcTây phương, nặng về khoa học kỹ thuật. Trong một xã hội mà nhu cầu vật chất là cứu cánh, là trọng tâm giá trị của cuộc sống. Sự thành công được đo bằng địa vị, nghề nghiệp và tiền tài, sao nàng không chọn một đời sống hưởng thụ, với vật chất dư thừa sẵn có nơi đây. Bằng vào kiến thức, khả năng và việc làm vững vàng, với sắc đẹp có đủ, nàng thừa điều kiện để tạo cho mình một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Hoặc giả nếu như nàng chọn con đường văn nghệ vui và hoạt động hơn, hắn nghĩ chắc có lẽ nàng cũng thành công, nàng sẽ dễ đạt được sự ái mộ của khán giả bằng giọng ca truyền cảm, và đức tính khả aí nhu mì của mình. Nhưng nàng lại chọn con đường mà người ta thường nói: ‘Ăn cơm nhà vác ngà voi’, âm thầm hy sinh cho đời, cho người cho tương lai của các em nhỏ, luôn luôn sợ rằng sau này các em sẽ quên nguồn gốc, quên tiếng mẹ cha, còn hơn cả chính những người có bổn phận làm cha làm mẹ. Ngoài công việc chính phải làm để hỗ trợ cho cuộc sống đã đòi hỏi nhiều thời giờ, mệt phờ người, ít thời gian còn lại trong ngày thay vì nghỉ ngơi dưỡng sức, nàng không quản ngại đêm hôm tăm tối, những ngày cuối tuần để gánh vác việc không công thứ hai, trăm phần vất vả, nào đến chùa dạy các em học tiếng Việt, vài lần gởi quà tặng vật về cho các cô nhi mỗi năm. Nào hội họp, soạn thảo kế hoạch này, chương trình nọ nhiều khi đến qúa nửa đêm, đôi khi bỏ ăn bỏ ngủ. Ngay cả khi mệt mỏi, chới với vì không đủ tài chánh, phải bỏ tiền túi để lo cho công việc được hoàn thành. Biết bao lúc cô đơn nhìn quanh, nhìn quẩn chẳng thấy mấy bạn đồng hành, lèo tèo chỉ vài ba người đếm trên đầu ngón tay ngay giữa lòng trung tâm Sàigòn nhỏ, thủ đô tỵ nạn. Nhưng gặp ai nàng vẫn luôn có nụ cười, không một mảy may ý nghĩ bỏ cuộc, vẫn hiến dâng mà không hề đòi hỏi. Ngược lại lúc nào cũng sẵn sàng đến tham dự, ủng hộ cổ võ tinh thần các em Sinh viên, học sinh trong những hoạt động giáo dục, xã hội. Nàng đem ưu tư ngoài đời vào chính cuộc sống bản thân, nàng đã sống trọn vẹn với lý tưởng của mình, chẳng màng danh lợi xa vời. Bây giờ hắn đã có thể nhìn thấy một sự kết hợp hài hòa linh động, một sự hỗ trợ nhẹ nhàng uyển chuyển giữa hai thái cực tưởng như tương phản trên khuôn mặt nàng. Giữa nụ cười tươi thắm rạng rỡ đầy năng động và sinh lực, bên cạnh đôi mắt buồn vời vợi như chứa cả trời Thu, nhưng cũng nhiều nghị lực. Phải chăng ở nàng là một kết hợp của hai cái đẹp Đông Tây, một tâm hồn Việt Nam và một tinh thần phục vụ xã hội của người Tây phương. Cho dù trên mọi nẻo đời vẫn có nhiều người làm việc bác ái từ thiện, nhưng những người sẵn sàng xả thân cho đời như nàng hoạ chăng chỉ có thể tìm thấy trong các tu viện, chứ có được bao nhiêu giữa cuộc đời ô trọc. Khác với những loài hoa thật chỉ nở có mùa, họ là những đóa hoa nở cả bốn mùa, những đóa hồng tô thắm cuộc đời, hiếm hoi chẳng khác gì những ‘Cánh Hồng trên Sa Mạc’!

(*) Thơ Thạch-Thủy Nctd

Từ Linh Nctd, 5-2002

(Viết tặng những tâm hồn luôn nghĩ về tha nhân)

No comments:

Post a Comment