Thursday, November 29, 2018

Phòng Mạch Bác Sĩ Việt



        Gần đây tôi phải đưa mẹ tôi đi Bác Sĩ trong cộng đồng người Việt quận Cam. Bước chân vào phòng mạch tôi dắt mẹ tôi tới ngồi nơi ghế chờ đợi xong xuôi rồi tôi bước tới quầy ghi tên vào sổ bệnh nhân hiện diện, một nhân viên phái nữ khoảng tuổi trung tuần ngồi sau quầy ngước lên nhìn tôi cất tiếng tuy không vui vẻ niềm nở cho lắm nhưng cũng đủ lịch sự: “Chào BácBác có hẹn không”? Tôi đáp với chút nhấn mạnh hai chữ đầu “Mẹ tôi có hẹn” như một lời nhắc khéo trước “bệnh nhân là mẹ tôi” vừa chỉ tay về phía mẹ tôi ngồi cho nhân viên nhìn thấy, bà nhân viên hướng về phía mẹ tôi nói lớn “Bác ơi cho con mượn cái ID và thẻ Y tế của Bác!” Tôi vội quay mặt đi chỗ khác để che giấu nỗi thất vọng và hơi chút bực mình. Vâng! đây không phải là lần đầu tiên, cũng không chỉ ở nơi này tôi nghe cách xưng hô như vậy của các nhân viên phòng y tế người Việt, cũng không chỉ riêng những người trẻ trưởng thành trên quê hương mới này, mà kể cả những người lớn 40, 50 tuổi ngoài cũng vậy, nhiều người chỉ nhìn cử chỉ và cung cách đối xử giữa nhân viên với nhau cũng biết họ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam; chắc hẳn ở lứa tuổi này không ai có thể quên được tập tục của người Việt không cho phép xưng hô như vậy; Nếu đã gọi con là chú, bác, cô, dì thì phải kêu cha mẹ họ tối thiểu cũng là “ông hay bà” một cách thật xã giao bâng quơ, chứ không thể xưng hô ngang "cá mè một lứa" như thế được. Mặt khác trong xã hội VN nửa thế kỷ trước những người già trên 70, 80 đã được gọi là “cụ” rồi chứ ít ai gọi là ông hay bà, trong khi bà cụ tôi chỉ nhìn vóc dáng lụm khụm bề ngoài cũng nhận ra là cụ đã già lắm, mà nhân viên khi hỏi bệnh nhân để kiểm chứng lý lịch đều biết tuổi bệnh nhân, chắc hẳn hơn cả tuổi ông bà nội ngoại của chính cá nhân họ rồi, bởi thật ra có bao nhiêu người còn sống được đến cái tuổi 98 này; tôi không hiểu họ có bao giờ gọi tiếng “ông, bà” ngay trong gia đình họ! Chính vì vậy đôi khi tôi phải dùng tiếng Anh trả lời họ với ước mong họ cũng nói tiếng Anh “You and I” lại cho dễ nghe và chẳng có gì tôi phải phàn nàn, chứ ngôn ngữ kiểu gì mà con cũng Bác, mẹ cũng Bác, đúng là thứ ngôn ngữ mất gốc dùng tra tấn cái lỗ tai người nghe, chứ không phải là ngôn ngữ Việt của một nền văn hóa với một lịch sử lâu dài, và một xã hội có tôn ti trật tự mà Tổ tiên đã bao đời gìn giữ!

     Một điểm khác không kém phần quan trọng là phong cách phục vụ bệnh nhân cũng như thời gian chờ đợi ở phòng mạch; khác hẳn với các phòng mạch trong tổ hợp y tế Mỹ mà tôi đã xử dụng hơn ba chục năm qua, nhân viên cũng như y tá rất niềm nở, nhã nhặn và lịch sự, không bao giờ thiếu nụ cười trên môi dù ai cũng biết đó là những nụ cười thương mại nụ cười giữ khách giữ việc, nhưng vẫn tốt hơn là những khuôn mặt khó đăm đăm hay những ánh mắt tẻ nhạt nhìn bệnh nhân, và thời gian chờ đợi ở phòng mạch trong tổ hợp bản xứ thường không qúa 15 phút, ngoại trừ các bác sĩ chuyên khoa đôi khi lâu hơn một chút, nhưng thường y tá sẽ ra báo cho bệnh nhân biết trong những trường hợp đặc biệt này; Tuy vậy không phải trong các tổ hợp này không có Bác Sĩ hay nhân viên gốc Việt, nhưng bởi vì họ được huấn luyện theo phương thức của xã hội văn minh với một cái nhìn thực tế hơn: “Tiền lương của qúy vị tùy thuộc vào số bệnh nhân mà qúy vị đang và sẽ phục vụ”! Còn mỗi lần tôi đưa mẹ tôi đi phòng mạch Bác Sĩ Việt thời gian chờ đợi thường không dưới 30 phút trở lên và một điều cũng thật lạ xảy ra đã nhiều lần ngay trước mắt tôi, rất dễ nhận là nhiều bệnh nhân vào sau chỉ chờ có 5, 10 phút là đã được gọi vào khám trước! Tôi không thể tìm được một lý do thích đáng hợp lý nào để biện minh cho những trường hợp này, nếu nói là họ có hẹn trước giờ mẹ tôi nhưng họ đến sau và đã qúa giờ hẹn của mẹ tôi thì họ phải chờ sau mẹ tôi, cớ sao nhân viên lại cho họ vào trước, lẽ cố nhiên tôi có quyền vặn hỏi nhưng tôi nghĩ chuyện không đáng để tôi phải tranh luận tay đôi với họ, thôi thì lần sau tìm BS khác cho xong. Tuy tôi cũng đã nghe nhiều người nói nhưng không dám chắc là đúng hay sai, không hiểu có phải vì họ có bảo hiểm tư tốt hơn hay là bà con thân nhân nên được ưu tiên hơn những bệnh nhân dùng thẻ trợ giúp y tế tiểu bang chăng? Chứ thật tình mỗi lần đưa mẹ tôi đi Bác Sĩ và nhìn thấy cảnh này tôi lại chợt nhớ lại vụ Xì-căng-đan y tế trong cộng đồng người Việt tỵ nạn quận Cam hồi đầu thập niên 1980, nhưng tôi hy vọng rằng sẽ không có vụ Xì-căng-đan y tế nào khác nữa trong tương lai, nhất là trên phương diện nhân quyền và bình đẳng giữa bệnh nhân!

Nctd

Đầu Đông 2018

   

Monday, November 19, 2018

Đối thoại tiếng Việt





     Tôi chọn phòng thử máu này trước hết vì nó gần nhà chỉ cách khoảng hơn dặm hay non hai cây số để tôi có thể đi bộ tới một cách dễ dàng, thứ hai phòng thử ở trong Chẩn Y Viện mới xây cất khoảng hơn năm đẹp đẽ khang trang, nằm trong khu thương mại cũng vừa mới thành lập được ba năm, và vẫn đang tiếp tục phát triển trên những phần đất hoang còn lại; Buớc vào trong toà nhà tôi lần theo khu hành lang rộng trang hoàng đẹp mắt với nhiều quầy ngăn, tiếp đón bệnh nhân của các Bác Sĩ chuyên khoa khác nhau, đến phòng chờ đợi lấy máu của một công ty dịch vụ lớn bản xứ tôi đã chọn từ nhiều năm qua. Sau khi tự ghi tên hiện diện vào hệ thống điện toán vợ chồng tôi ngồi ghế chờ, ngước nhìn lên màn ảnh thông tin nơi góc phòng chúng tôi là bệnh nhân thứ năm và sáu sẽ đến lượt trong vòng 12 tới 15 phút, trong phòng đã có năm sáu thân chủ chờ sẵn, tôi luôn cẩn thận làm hẹn từ vài tuần trước dù văn phòng có nhận bệnh nhân đến không cần hẹn, vài phút sau một cô y tá da trắng hiện ra phía sau quầy tiếp khách gọi một bệnh nhân vào, gương mặt cô lạnh lùng không một thoáng vui tươi, tiếp đến một bà y tá người Á Đông mở cửa gọi người kế tiếp, nét mặt bà cũng giống cô trước không có gì là niềm nở. Kinh nghiệm đi thử máu nhiều lần tại nhiều địa điểm khác nhau trong những năm qua cho tôi một nhận xét tương tự là hầu hết các nhân viên phụ trách các nơi lấy máu đều không được vui theo như tiêu chuẩn phục vụ thân chủ, nếu không muốn nói là căng thẳng, không giống những Y tá ở các phòng mạch Bác Sĩ hay nhà thương họ niềm nở tươi cười, và ăn nói rất lịch sự nhã nhặn với bệnh nhân, tôi không hiểu lý do tại sao có sự khác biệt này! Sau khi ngồi chờ khoảng 10 phút đến lượt bà xã tôi được gọi vào, dăm phút trôi qua bà xã tôi trở ra ngoắc tôi và nói cô y tá gọi đến phiên tôi vào, trên màn ảnh bệnh nhân thử máu tên tôi cũng đã được lấy ra khỏi danh sách chờ đợi và người kế đun lên hàng đầu, tôi mở cửa bước vào giữa hành lang trống rỗng không thấy bóng dáng y tá nào đợi tiếp tôi, tôi cũng không biết phòng nào để vào, chợt xuất hiện cô y tá da trắng lúc nãy bước ra từ một phòng thấy tôi đứng xớ rớ cô ta hỏi trống “Ông cần gì?”; “Có một nhân viên bảo đến lượt tôi vào!” tôi đáp; Thay vì như ở các trung tâm y tế bình thường cô ta phải đi hỏi những y tá có mặt xem có ai gọi tôi không, mà vỏn vẹn chỉ có ba cô y tá làm việc sáng nay kể luôn cô, nhưng không cô vẫn đứng nguyên tại chỗ đáp ngay với giọng lạnh lùng “Không có ai gọi ông cả”! Tôi đành quay trở ra ngồi chờ tiếp, vợ tôi hỏi sao lại ra tôi nói “Có thấy ai đón đâu”? vợ tôi nói mau “Momy bảo bố vào phòng số 3 mà, có cô y tá người Việt chờ”; “Anh có nghe em nói gì đâu” tôi trả lời và tiếp “Em biết anh đâu có thính tai mà nói gió với nói hiệu thì bố ai mà nghe”! Chưa đầy phút sau cô y tá người Việt vừa lấy máu cho bà xã tôi mở cửa gọi tôi vào, cô khoảng độ ba mấy bốn mươi người thấp bé, cũng vậy vẻ mặt cô thản nhiên không một lời chào, qua khỏi cửa cô le te đi trước nói vọng lại “Chú vào phòng số ba”, tôi bước theo sau vào trong phòng, cô tới ngay máy điện toán chăm chú đánh dữ kiện vào bản chữ để mở hồ sơ tôi, chẳng cần quay mặt lại cô hỏi một câu gì đó, cô nói quá nhỏ và quá nhẹ tôi không nghe rõ, cũng chả biết cô nói tiếng Việt hay tiếng Anh, nhưng tôi chắc cô nói tiếng Việt vì cô biết tôi là người Việt, không thấy tôi trả lời cô quay đầu lại nhìn tôi hỏi lí nhí lần nữa tôi nghe tiếng còn tiếng mất không biết cô nói gì, nhưng vốn đã quen với những thủ tục đầu tiên khi bước chân vào phòng y tế các nhân viên y tá luôn hỏi lý lịch bệnh nhân để kiểm chứng với những dữ kiện trong kho lưu trữ điện toán xem có đúng hay không, tôi nói luôn một lèo họ tên cùng ngày sinh tháng đẻ, cô lại dán mắt vào màn ảnh hỏi tiếp một câu gì đó mà tôi nghe có âm “iii..” ở cuối câu, tôi vội nghĩ đã có họ có tên, có ngày sinh tháng đẻ thì kế tiếp là địa chỉ, tôi đọc luôn địa chỉ của tôi, cô cũng đánh bản chữ ghi vào máy, rồi cô quay lại chỉ tôi ngồi ghế để đo áp suất huyết, rồi lên bàn cân tôi dạ vâng rất nhã nhặn lịch sự như một lời nhắc khéo xin cô ăn nói cho dễ nghe vui vẻ một chút, làm gì mà khó đăm đăm như thế; không phải tôi thích thú gì những lời ngọt ngào chót lưỡi đầu môi bâng quơ nhưng ít ra người Y tá phải biết tôn trọng bệnh nhân thì bệnh nhân mới tôn trọng họ lại được, hơn nữa cô phải hiểu rằng cô làm việc cho quyền lợi của chính cá nhân mình trước, kế đến là công ty cô làm việc chứ không phải cô làm bố thí cho người khác, vì bệnh nhân có bảo hiểm trả tiền dịch vụ mà họ thụ hưởng.

    Khi đo vòng bụng cô bảo tôi “vòng bụng chú nhỏ hơn vòng bụng cô” ý chỉ bà xã tôi, tôi nghĩ bụng “chắc bệnh nhân của cô toàn là những thân chủ trung thành hoặc cổ đông lớn của mấy hãng bia hơi hoặc bia ôm hay sao” chứ “bụng tôi sao sánh được với bụng gái xề”, nhưng đâu dám nói ra, tôi nói vui để cô đừng nghĩ những người tới thử máu toàn những người bệnh tật tính tình khô cằn như sỏi đá “Bụng tôi làm sao sánh được với qúy bà đã sanh vài ba lưá”! Trong khi cô làm phận sự tôi cất tiếng thăm hỏi vài câu xã giao cho không khí đỡ căng thẳng ngột ngạt, chứ thật ra cô có nói gì đi nữa tôi cũng chẳng nghe được trọn câu, tiếp theo cô hỏi tôi một câu gì đó mà tôi nghe dường như là  “Chú có làm hẹn phải không?” tôi đáp “Có tôi lấy hẹn từ vài tuần trước qua mạng điện tử”, trả lời xong tôi mới thấy hình như đó không phải là câu cô muốn hỏi bởi nó không ăn nhằm ăn nhò gì tới vấn đề cô đang làm hoặc sẽ làm; tôi nhìn cô yên lặng chờ đợi cô lập lại câu hỏi, cô vẫn một âm điệu thật nhỏ và nhanh không hề thay đổi, trái hẳn khi tôi đến các phòng mạch chỉ có nhân viên nói tiếng Anh, khi thấy tôi trả lời không đúng hoặc tôi chăm chú lắng nghe thì các cô nói chậm rãi, lớn hơn và rõ ràng cho tôi nghe dễ, cô tiếp tục hỏi tôi phải cố tâm chú ý lần này thì tôi nghe câu hỏi “Chú đã ăn sáng chưa?” tôi đáp “Ăn rồi vì thử nghiệm này không đòi hỏi ăn kiêng”, thì ra câu vừa rồi cô hỏi chính là câu lúc nãy chứ không phải cô hỏi tôi có hẹn hay không! cô nói tiếp “Chú cho con mượn ID” tôi móc ví lấy bằng lái xe đưa cho cô, lại một lần nữa tôi chợt nghĩ đây chính là câu thứ ba mà cô hỏi tôi chứ không phải hỏi địa chỉ như tôi đoán bởi chữ “ID” và “địa chỉ” mà chính tai tôi đã lầm.

    Thủ tục giấy tờ xong xuôi cô bắt đầu sửa soạn cho việc lấy máu, cô chích mũi kim vào gân máu cánh tay tôi giật nẩy mình một phản xạ tự nhiên của tôi bất cứ lúc nào dù chích ngừa hay lấy máu, và cũng rất thường tình ở các phòng mạch Bác Sĩ các y tá đều nói lời xin lỗi dù chỉ là bâng quơ vô nghiã, phải chăng “I’m sorry!” nhẹ nhàng dễ nói hơn là “Tôi xin lỗi!” vì thật ra cô có làm lỗi gì đâu mà xin! Lấy máu xong cô dán cái nhãn tên ngày sinh bệnh nhân và loại thí nghiệm vào ống máu rồi đưa trước mắt cho tôi kiểm chứng xem có đúng không, luôn cả tờ giấy chứng nhận bệnh nhân đã thử máu. Xong xuôi cô bảo tôi “Chú đã xong”, tôi nghe rõ ràng như thế và không thấy cô mấp máy đôi môi thêm câu gì nữa. Tôi chào cô không quên chúc cô một ngày vui rồi mở cửa ra về, ra tới xe chuẩn bị đề máy chợt điện thoại cầm tay reo vang, mở lên thấy số lạ định cúp nhưng thử nghe có giọng thiếu nữ nói nhanh “Chú ơi chú quên ký tên”, một chút thắc mắc chưa chắc chắn ai tôi hỏi lại “Có phải phòng thử máu không?” “Dạ phải, chú vào ký tên cho con”; Vâng tôi vào ngay! Tôi trở vào ký cho xong thủ tục.

     Bình thường tôi không có trở ngại gì với các nhân viên Mỹ hay ngoại quốc vì với họ khi tiếp chuyện thì mặt đối mặt, mắt nhìn mắt dễ hiểu dễ nghe, gặp bệnh nhân lớn tuổi họ nói chậm rãi và chú ý lắng nghe nhưng nhân viên người Việt mỉnh thì không! Tôi không giận hay trách móc gì cô bởi đây không phải lần đầu tôi gặp nhân viên thử máu cùng nói chung một thứ tiếng mà chỉ tự nhủ thầm đối thoại bằng tiếng mẹ đẻ mà cũng khó khăn ghê nhỉ và càng thắc mắc hơn nữa là công việc ở phòng thử máu trông đâu có gì khó khăn hay nặng nhọc mà sao những nụ cười biến mất trên đôi môi!

Nctd
Tháng 11, 2018

Tuesday, November 6, 2018

Con cái và Cha Mẹ già



     Các cụ ngày xưa có câu “Cha mẹ nuôi con như trời như biển; Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”, câu nói hàm chứa đầy trách móc và đắng cay của các bậc cha mẹ trong tuổi già bóng xế, câu châm ngôn đó đã có từ thời buổi xa xưa khi con người còn chưa đến nỗi phải chạy đua với thời gian và vật lộn với những nhu cầu vật chất trong cuộc sống quá nhiều như thời nay, đã cho thấy có những khó khăn lớn lao khi phải săn sóc cha mẹ già. Vì thế so sánh nuôi con và nuôi cha mẹ chẳng khác nào so sánh ban ngày và ban đêm vì nuôi con cái khi còn nhỏ là một niềm hạnh phúc tràn trề đầy phấn khởi, ngoài việc trẻ thơ mang đến cho gia đình những nụ cười tươi vui thoải mái khi cha mẹ mệt mỏi vất vả, nó còn là nụ hoa xuân chớm nở từ một tình yêu nồng thắm được ấp ủ từ khi kết hôn, hoặc nó là sợi dây liên kết ràng buộc giữa tình nghiã vợ chồng ngày thêm bền vững; Cũng chính vì thế chỉ thấy người ta tới viện mồ côi xin trẻ con về nuôi chứ có thấy ai vào viện dưỡng lão nhận nuôi mấy ông bà già bao giờ! Bởi thế không lạ lùng gì khi mà hàng ngày ta nghe chẳng thiếu những tranh chấp giữa anh chị em trong gia đình có cha mẹ già, vấn đề tranh cãi và đun đẩy cho nhau xẩy ra nhan nhản chung quanh, thậm chí còn có kẻ thiếu lương tâm ngược đãi cha mẹ già là đằng khác. Trong số những người ông quen biết cũng có hai gia đình vợ chồng họ còn đi làm cả, và hai bà là con gái út trong gia đình khá đông anh chị em, nhưng cả hai bà đều phải trông nom săn sóc mẹ gìa, vì các anh các chị không ai chịu nhận đẩy bà cụ cho cô em út viện cớ “Mẹ thương cô mẹ thích ở với cô”, chỉ tội nghiệp hai ông chồng “há miệng mắc quai” nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

     Ngay chính bản thân ông cũng vậy hiện tại vợ chồng ông cũng đang trông nom mẹ già, cụ sống với vợ chồng ông đã gần 30 năm qua từ ngày cụ sang đoàn tụ gia đình, cụ tương đối còn khỏe mạnh so với số tuổi chỉ còn non hai năm nữa là gói tròn thế kỷ, ông thương mẹ nhưng đôi lúc cũng không thể không khỏi cằn nhằn mẹ, bởi dẫu sao ông và cụ vẫn là hai cá thể riêng biệt tính tình khác hẳn nhau, và thông thường theo bản chất tự nhiên càng về già thì càng có nhiều mặc cảm, cái mặc cảm sống thừa thãi và vô dụng, phải sống nhờ vào con cái bị con cái coi thường, nên tính tình đôi khi hơi “chướng”; May mà bà cụ bản chất hiền lành và ít nói bằng không chắc ông cũng phát khùng phát điên mất; Cụ chưa phải ngồi xe lăn hay nằm một chỗ, và tinh thần cụ còn minh mẫn chưa lú lẩn, những người quen biết thường hay nói “Cụ thật có phước với từng tuổi ấy mà còn minh mẫn và khỏe mạnh”! Quả thật mẹ ông có phước vì cụ không phải vào sống trong “Viện dưỡng lão” (Nursing home) hay nằm ở  “Tịnh dưỡng viện” (Hospice); Ở nhà cụ còn thấy người thân chung quanh ra vào hàng ngày còn có chút niềm vui, không phải cô đơn giữa các cụ gìa xa lạ nói đủ thứ tiếng, dần dà trở nên mất trí là điều khó tránh như nhiều cụ khác. Nhưng thật sự cá nhân ông cũng không biết mình có phước hay không bởi chính ông cũng đang trong tuổi “Thất thập cổ lai hy” chẳng khỏe mạnh gì, ra vào nhà thương và gặp Bác Sĩ nhiều hơn gặp chính người thân thích, vợ ông thì còn phải đi làm vì chưa tới tuổi về hưu, chỉ có mẹ già và mình ông quanh quẩn trông nom ở nhà. Giả thử cụ nằm liệt một chỗ thì cụ được vào viện tịnh dưỡng, ông sẽ nhẹ gánh thoải mái, tâm hồn thư thái muốn đi đâu thì đi lúc nào cũng được nhưng cụ sẽ khổ, một hai ngày vào thăm một lần chắc chắn tình thương qua cửa miệng sẽ tăng hơn nhiều “Xa thương gần thường” là thế.

     Tuy không phải hầu hạ cụ 24 giờ một ngày nhưng mỗi ngày ba buổi chờ giờ lo cơm nước, hay phải để mắt canh chừng xem cụ đi đâu có té ngã không, hoặc hướng dẫn cụ điều gì cụ chẳng nghe cụ cứ làm theo ý cụ lối  sống ở Việt Nam, chỉ thế cũng đủ mệt và tinh thần căng thẳng nặng chiũ rồi, chưa kể nhiều khi tới giờ ăn hỏi cụ thì  cụ “còn no”, nhất là đôi khi muốn đi nghỉ hè hay đi chơi xa vài ngày là gặp khó khăn sắp xếp bởi còn tùy thuộc vào gia đình những người em có thì giờ trông nom cụ không? Ông không có chị em gái, nhưng nếu có không biết ông có đùn cho họ như những người khác hay không! Ông chỉ có mấy anh em trai đều ở Mỹ, ông chẳng là anh cả cũng không phải em út, nhưng vì gia đình những người em mỗi người đều có “lý do riêng” để tránh, vợ chồng ông ở thế chẳng đặng đừng đành phải chịu, thôi thì tự an ủi làm hết bổn phận làm con cho trọn một đời. Bởi thế ông thương vợ ông là nàng dâu mà phải đặt vào địa vị của người con gái út!!! Càng thương hơn nữa cái đức tính hiền thục và hiếu thảo hơn người, bà chưa bao giờ to tiếng hay thốt ra những lời vô lễ “của nợ” để ám chỉ mẹ chồng, hoặc bù lu bù loa cãi lộn làm gia đình xào sáo, cũng chẳng khôn ngoan lanh lợi tìm lời khôn khéo ngọt ngào trốn tránh trách nhiệm như cuộc đời ông đã chứng kiến! Qua những bài học và kinh nghiệm bản thân ông cố gắng sắp xếp để tránh cho vợ chồng ông và gia đình các con cái khỏi vào lăn vào những vết xe nghịch cảnh cuộc đời đã vẽ! Vẫn biết “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” nhưng cứ sắp xếp và hy vọng vậy.

Nuôi con cực khổ trăm điều
Chăm cha dưỡng mẹ cũng nhiều gian truân
Trẻ thơ như nụ đầu xuân
Người già cằn cỗi như cành đông khô
Người ta nuôi trẻ mồ côi
Ai vào dưỡng lão nhận nuôi bao giờ
Công lao như nước xuôi dòng
Đừng trông nước chẩy ngược dòng luân lưu

Nctd
Cali, Thu 2018