Sunday, January 24, 2016

MIỀN ĐẤT HỨA


             

      Hắn đặt chân vào trại tiếp cư Fort Indiantown Gap khoảng cuối tháng mười, khi trời đất đã vào giữa Thu, cũng là lúc có tin trại được lệnh chuẩn bị đóng cưả, đây là chuyến cuối cùng từ trại tị nạn Sattahip, nằm ở miền đông nam nước Thái, nên số người không đông lắm, khoảng vài chục người. Sau khi làm thủ tục nhập trại, và giấy tờ tùy thân cần thiết, như thẻ An sinh xã hội, thẻ thường trú nhân, các gia đình được phân chia tới các căn trại tạm cư, cũng đến hơn chục dẫy nhà ván hai tầng lầu, nằm song song với nhau, đầu nhà hướng về cùng một con đường. Hắn được đưa tới dãy nhà cuối nằm giữa lưng chừng đồi, bên trong chia từng gian lớn nhỏ, bằng những tấm ván ép đóng hở hang, lơ lửng không sơn phết, màn che là những tấm khăn trải giường trắng, cho những gia đình đông người, nhất là những gia đình có phụ nữ, gọi là một chút riêng tư, khỏi đụng chạm với những thanh niên độc thân, đầu trong cùng là khu nhà tắm và vệ sinh, dãy nhà thật rộng nhưng lèo tèo chỉ ba ngăn có người ở, hai ba cái ghế bố rải rác, mà tất cả lớn bé giờ này đâu đó bên ngoài, hay tụ nhau đấu hót ở một căn nào đó, chỉ có người đàn ông khoảng ngoài năm mươi đang ngồi đọc sách, hắn bước lại gần chào xã giao qua loa vài câu, rồi chọn một gian trống nằm gần cửa ra vào làm nơi trú ngụ, bên trong có một chiếc giường sắt nhà binh hai tầng đã cũ, có nệm hẳn hoi, hắn để cái sách tay và mớ chăn gối vừa lãnh vào tầng dưới rồi quay ra, cũng vừa lúc một người đàn bà trạc ngoài ba mươi, bế đưá con nhỏ chắc mới sanh chừng vài tháng bước vào, thấy người mới chị vồn vã hỏi thăm, và chỉ cho hắn những nơi cần thiết phải lui tới, như phòng thông tin, nhà ăn, hội Hồng thập tự, hội thiện nguyện, v.v.., sau dăm phút chuyện trò hắn cảm ơn rồi bước ra ngoài, nhìn quanh quẩn làm quen với nơi tạm trú mới. Đây là trại huấn luyện Vệ Binh Quốc Gia, nằm về phía đông thành phố Harrisburg khoảng 23 dặm, thuộc miền nam tiểu bang Philadelphia, giữa một vùng núi rừng trùng trùng điệp điệp, trại nằm kế xa lộ 81, trên một ngọn đồi lớn thoai thoải, chung quanh chẳng có lấy một hàng rào kẽm gai ngăn chia với bên ngoài, từ nơi cổng vào có một chòi gác cao xây bằng gạch, nhìn lối kiến trúc có lẽ cũng phải hơn nưả thế kỷ, và một trạm gác nhỏ để Quân cảnh đứng gác, trại rộng mông mênh, chia từng khu riêng biệt, mỗi khu gồm cả mấy chục dẫy nhà gỗ hai tầng cao khang trang, cất song song, mỗi dẫy cách nhau hàng trăm mét, trong khu này chỉ thấy bóng dáng một số Quân Cảnh Mỹ giữ gìn an ninh trật tự, còn các đơn vị quân đội khác nằm tuốt những khu xa bên trong. Sau ngày Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, trại được dùng làm nơi chuyển tiếp cho người tỵ nạn Dông Dương, trong thời gian chờ đợi được bảo lãnh về nơi định cư mới, hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ, hiện nay số người tỵ nạn còn lại không đông lắm, khác với hình ảnh đông đúc của những ngày đầu di tản từ Guam sang. Vì bây giờ là giai đoạn cuối của cuộc di tản tỵ nạn, Quốc Hội Mỹ sắp chấm dứt chương trình tài trợ, nên vấn đề bảo trợ và định cư nghe nói được thi hành nhanh chóng, và ít có sự chọn lựa không như trước đây.

   Mặt trời đã ngả bóng về chiều, ánh nắng thu bàng bạc êm dịu trải trên ngàn cây ngọn cỏ, từ trong trại có thể nhìn thấy những cánh rừng bao la bát ngát đã ngả màu vàng đỏ chung quanh, thật là một bức tranh tuyệt đẹp, sau bữa cơm chiều, người ta bắt đầu đổ về tụ tập ở những nơi công cộng, hầu hết các ông già bà cả tụ hội vể những khu chiếu phim ngoài trời, và những khu đặt máy truyền hình công cộng, những người trẻ hơn và thanh thiếu niên nam nữ tụ tập reo hò cổ võ quanh mấy sân bóng rổ, bóng chuyền. Hắn thả bộ dọc theo con đuờng dẫn lên trên đồi, những con chim nho nhỏ, cùng vài con sóc lăng xăng kiếm ăn trên những thảm cỏ, thấy bóng hắn gần tới, tung cánh bay lên những cành cây chung quanh, vài chú sóc chạy ra xa rồi dừng lại dương đôi mắt to ngơ ngác nhìn, hắn tự nhủ cảnh vật và đời sống nơi đây thanh bình quá, dù là ngay giữa trại lính, cả những con vật nhỏ bé cũng được hưởng sự an bình, chẳng bù ở quê hương hắn, con người đôi khi cũng còn bị tước đoạt quyền sống, nói chi con vật, thật là tội nghiệp!... Những cơn gió thổi nhè nhẹ làm hắn cảm thấy hơi lành lạnh, mặc dù vẫn còn ánh nắng mặt trời, hắn thò tay vào trong túi áo lấy tấm sơ đồ chỉ dẫn từng văn phòng làm việc trong trại, nhận định vị trí rồi rảo bước tới căn nhà phát đồ cũ, tìm một cái áo choàng mặc cho đỡ lạnh. Với cái khổ người rất khiêm tốn của hắn, thì việc kiếm một cái áo khoác không phải là dễ dàng, bởi không những mặc vừa, mà còn phải trông ra vẻ người lớn một tý mới được, chứ không thì ban đêm mấy chàng MP, mắt xanh mũi lõ lại tưởng trẻ em đi lạc, bắt đưa về trạm đòi bố mẹ đến lãnh thì phiền, lục lạo một hồi lâu may mắn cũng tìm được một cái, vừa đủ nhỏ màu xám tro, khoác vào nguời hắn nhìn hắn trong gương rồi lẩm bẩm: ‘Chẳng giống ai, nhưng vừa và ấm chán, còn hơn những cái rộng thùng thà thùng thình, hai người như hắn chui vào cũng vưà’. Thọc hai tay vào túi áo, hắn tiếp tục lang thang tìm xem có ai quen không, bầu trời xế chiều trong sáng, màu xanh lơ và dường như cao hơn, từng cụm mây trắng lững lờ trôi, mùi thơm cỏ dại, hoa lá thiên nhiên, hòa cùng núi rừng tạo thành một mùi ngai ngái tinh khiết, hắn hít một hơi dài cho đầy ắp hai lá phổi, rồi từ từ thở ra nhẹ nhàng, cảnh thu trên đất Mỹ nơi nào cũng đẹp, đẹp tuyệt vời, nó không mang màu sắc ảm đạm của chia ly, như thường đọc trong tiểu thuyết, mà ngược lại màu sắc trước mắt thật tương phản và tươi sáng, có những ngọn đồi phủ toàn màu vàng màu đỏ chói lọi, nằm giữa những cánh rừng tùng, thông xanh ngát, phải nói là qúa đẹp. Lòng hắn lâng lâng một cảm giác man mác khó tả, buồn, vui, hòa chung niềm xúc động, đang dạt dào trôi nổi. Thế là hết, cả một thời son trẻ với đầy hoài bão tương lai, đang lùi vào dĩ vãng, nửa đời xuân thật sự đã trôi qua, giờ thì hắn vĩnh viễn lìa xa quê cha đất tổ, bỏ lại cha mẹ, anh em, bạn bè người thân, nơi quê hương yêu dấu ngàn trùng xa cách. Quê hương đã thật quá xa, không những cách cả một đại dương, mà còn cộng thêm một đại lục, mảnh đất thân yêu buồn nhiều hơn vui, nơi hắn mang tuổi thơ chạy giặc từ lúc chào đời, và đến khi trưởng thành, chưa rời ghế nhà trường lại phải lao đầu vào khói lửa chiến tranh. Chẳng thể nào ngờ được bây giờ hắn phải tha hương, sống cuộc đời còn lại trên đất nước này, nơi mà ngày xưa nhỏ dại trên chiếc tầu há mồm rời cảng Hải Phòng để ra khơi, rồi lại được chuyển sang chiếc thương thuyền Mỹ, chở người di cư từ Bắc vào Nam, hắn đã khờ khạo mơ ước, phải chi được sinh ra làm công dân Mỹ thì sướng biết bao.

    Cái ấn tượng của nước Mỹ năm năm về trước, hắn có dịp đặt chân trên phần đất này của thế giới, vẫn còn rõ ràng trong trí óc, nhưng ngày ấy sang đây với niềm hãnh diện, tự hào của những chàng sinh viên Sĩ Quan trẻ, xuất ngoại học hải nghiệp, để rồi trở về phục vụ quê hương đất nước, còn lần này tới đây, mang thân phận của một người tỵ nạn, lưu vong đầy buồn tủi, ra đi không ngày trở về. Chính vì ý nghĩ mang thân phận lưu vong đó, hắn đã không một phút giây do dự, khi quyết định không lên chiếc thương thuyền American Challenger ngoài khơi Phú Quốc, ngay chiều 30-4 để quay trở vào bờ, và rồi sau đó, lại một lần nữa hắn cố trì hoãn sự ra đi, kéo dài những tháng ngày buồn bã cô đơn, khổ cực ở lại Thái Lan cho gần gũi quê hương, được ngày nào hay ngày ấy, dẫu sao ở đó cái bối cảnh xã hội, tình người và khí hậu, cũng giống Việt Nam hơn. Nhưng đã năm tháng trôi qua, tình trạng hỗn loạn bề ngoài, của những tháng đầu đổi đời, rồi cũng tạm thời lắng dịu, và gông cùm đỏ đã bắt đầu xiết chặt, số người trốn khỏi Việt Nam dần dà thưa thớt. Hắn đành phải đi, vì không muốn trở về sống trong lao tù cộng sản, lại càng không thể đốt thêm tuổi đời son trẻ, qua những chuỗi ngày hoang vắng, vô vị trong trại tỵ nạn mãi, nơi những người Việt tỵ nạn càng ngày càng ít, nhường chỗ cho những người tỵ nạn Căm Bốt càng lúc càng đông.

     Kể từ khi hắn rời khỏi con tàu nho nhỏ, khoác lên người chiếc áo tị nạn, đây là đêm đầu tiên hắn được nằm trên giường êm nệm ấm đàng hoàng, không như những tháng ngày dài trong trại tỵ nạn Sattahip, nằm bên ven rừng ở miền Đông Nam nước Thái, không cách xa ranh giới Căm Bốt bao xa, cộng thêm hai ngày hành trình mệt mỏi, dù đôi mắt đã nặng triũ, nhưng hắn vẫn trằn trọc không tài nào ngủ được, đêm đã thật khuya, tâm trí hắn vẫn đang mò mẫm lục lọi, tìm kiếm từng quãng qúa khứ, những gì mà chính hắn cũng không biết, không khác nào ánh trăng vàng vằng vặc ngoài kia, đêm từng đêm dõi tìm ảo ảnh, nhưng hình như niềm mất mát quá to lớn, nên không có hình hài, cũng không rõ nét, như những mảnh gương vỡ vụn, mất mát từ bản thân đến gia đình. Lẫn lộn trong niềm khắc khoải khôn nguôi, khởi đầu từ sự giải thể miền Nam quá đột ngột, sự tan biến qúa nhanh chóng của cả một quân đội hùng mạnh, và ước mơ tự do cuả dân tộc đã tiêu tan, là những hoang mang lo ngại, từ nay hắn sẽ phải dấn thân đương đầu với cuộc sống mới, tương lai thật mơ hồ mù mịt, đầy thử thách lẫn cam go, hưá hẹn nhiều ngạc nhiên mà hắn sẽ phải chịu đựng, phấn đấu bằng chính khả năng, và sự sinh tồn của hắn. Như một đưá bé bắt đầu cuộc đời từ con số không, nhưng con số không ở lưá tuổi ba mươi vạn lần khó khăn! không nơi nương tưạ, tinh thần nhiều ám ảnh lẫn ưu tư, thành kiến xen đố kỵ, giưã một xã hội không cùng tiếng nói, màu da, vóc dáng, mà ngay cả người mù cũng có thể cảm nhận được sự khác biệt. Nhưng hắn tự an ủi chính hắn, đổi lại những mất mát đó, là hắn được hít thở không khí tự do, và quyền làm người được tôn trọng bảo vệ, điều mà triệu triệu người trên thế giới hằng mong ước, cái giá mà hai mươi mốt năm về trước, chính gia đình cha mẹ hắn đã phải trả khi di cư vào Nam.

      Khác với thời gian tự nguyện, ở lại trên đất Thái cho được gần gũi quê hương, hằng ngày phải trốn vào rừng hái rau sam, rau muống, mót mấy củ khoai mì để ăn cho đỡ đói, ở đây có đầy đủ và dư thưà qúa, người ta vừa ăn vưà đổ đi, trông mà xót dạ, trong khi đó quê hương hắn đói khổ, biết bao người vất vưởng, ngay giưã lòng thủ đô, xin từng miếng cơm qua ngày, rải rác trong rừng sâu là trại cải tạo, vùng kinh tế mới đói khát triền miên, hắn cảm thấy buồn cho thân phận con người, trách ông trời sao qúa bất công, nhưng hắn lại thấy chính con người, cũng quá ích kỷ và tự bất công, ngay cả một số người đã từng trải qua hoạn nạn, có người đã vội quên những khổ hạnh cuả ngày hôm qua. Cuộc sống trong trại nhàn hạ qúa, khiến cho ngày dài thêm, chẳng có gì làm hơn là đi quanh đi quẩn, nào là tới hội Hồng Thập Tự, văn phòng thiện nguyện, để hỏi thăm tin tức thân nhân, và nghe tình hình bảo trợ, chán thì ghé phòng thông tin đọc những bản tin Anh Ngữ, do chính phủ Hoa Kỳ ấn hành, hướng dẫn người tỵ nạn học hỏi về đời sống trên đất Mỹ, về cách thức hội nhập vào ‘Xã Hội hoà đồng’ (melting pot) và quê hương mới này. Hắn nôn nóng muốn được bảo lãnh ra định cư càng sớm càng tốt, nhưng người bảo trợ dần dà ít đi, những nhà thờ hay hội đoàn phần lớn dành ưu tiên các gia đình có con cái, độc thân như hắn rất khó có sự chọn lựa, nhất là ý định của hắn muốn về thành phố Chicago, nơi có gia đình người bạn gái định cư, thì lại càng khó khăn. Lợi dụng một chút vốn liếng dăm ba chữ tiếng Anh, hắn tình nguyện làm thông dịch viên, cho hội IRC tên gọi tắt của “International Rescue Committee”, với mục đích họ sẽ cảm thông, và giúp kiếm dùm người bảo trợ, phần nào dễ dàng nhanh chóng hơn.
    Rồi những mong đợi cũng đến, hôm nay hắn sẽ bay về Chicago, nơi có nhà thờ Lutheran nhận bảo trợ hắn, chiếc xe buýt từ từ lăn bánh qua khỏi cổng trại tiếp cư, đưa người ra phi trường Harrisburg để về nơi định cư mới, người ở lại ra tận cổng tiễn đưa, nhiều người chẳng có người thân, chỉ mới biết nhau qua vài ngày tháng ở chung, họ vẫy tay chào nhau, hình như đây là lần đầu, và cũng là lần cuối! Tuy thời gian quen nhau thật ngắn ngủi, nhưng dù chỉ biết nhau sơ sơ cũng cảm thấy qúy mến, có những gia đình đông người quá lại chia đôi chia ba, chia năm xẻ bẩy, vì không nơi nào bảo trợ hết cả được, sự chia tay nào cũng bùi ngùi, những giọt lệ nhẹ nhàng tuôn rơi, mừng mừng tủi tuỉ, vì không biết có còn gặp lại nhau lần nữa hay không, biết có bao giờ còn được nghe tiếng nói Việt nam, người ra đi nửa mừng nửa lo, vì không biết có gặp được người bảo trợ tốt, hay gặp cảnh kỳ thị, mục đích bảo trợ để thay thế người gíup việc nhà, giống như một số người tháng trước ra đi, tháng sau đã phải lần mò trốn trở về trại, vì bị bóc lột và lợi dụng, nếu may mắn gặp được người tốt sẽ được an cư lạc nghiệp, rồi đây sẽ không còn là tỵ nạn, và ‘xin nhận nơi này làm quê hương’, điều mà ai ai cũng được nghe, hàng ngày trong suốt thời gian ở trại.
    Chiếc xe chạy nhanh trên xa lộ 81 vắng vẻ, uốn khúc quanh co lên xuống qua đồi núi bạt ngàn, hắn thầm nghĩ điạ thế phong cảnh thật là đẹp, và cũng qúa hiểm trở vậy mà khi xưa, từ đầu thế kỷ 17, chính ở vùng này, những người da trắng tiên phong, đã hy sinh và chịu đựng, sự tấn công dữ dội của các bộ lạc da đỏ Iroquois và Susquehannocks giòng giã bao nhiêu năm trời, hắn thầm cảm ơn những người nằm xuống, vì nhờ họ mà ngày hôm nay hắn được đặt chân tới đây, hắn cảm ơn nhân dân Mỹ, những người luôn rộng mở cánh tay, không những đón nhận, mà còn gíúp đỡ cho kẻ xa cơ thất thế, không mảnh đất dung thân, thật ra họ chẳng có bổn phận đối với những người dân xứ khác, nhưng họ đã làm từ khi lập quốc, và vẫn đang làm hôm nay, tình thương của họ qúa bao la, còn hơn cả những người cùng một chủng tộc, phải chăng vì cha ông họ đã từng là những người di dân, và trời phú cho đất nước họ giàu có nên tấm lòng cũng quảng đại hơn chăng? Trong đời đây là lần thứ hai, hắn trở thành người tỵ nạn cộng sản, hai hoàn cảnh hai kết cục hoàn toàn khác biệt, sau cơn xúc động tiễn đưa, những người trên xe bắt đầu hỏi thăm nhau đi về đâu, nhưng mỗi lời nói ra, là mỗi địa danh nghe lạ qúa chẳng ai giống ai, những ánh mắt tuy chứa chan hy vọng, nhưng không giấu nổi âu lo, nhất là những gia đình đông con nhỏ, một khoảng đời ngắn gọn lại đi qua, mỗi lần là một sự thay đổi, lần đổi thay này càng lớn hơn, và ai cũng cầu mong đây sẽ là lần thay đổi cuối. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ba tuần ở trại tiếp cư, hắn đã ước mơ sau này khi ra khỏi trại, có được một công việc làm thông dịch viên, giống như người bạn lính Hải quân ngày xưa vào trại Bạch Đằng II một thời với hắn, anh ta cũng ở đây, sau khi xuất trại quay trở lại làm thông dịch viên, cho mấy lớp học Anh ngữ, hay như một người khác cuối tuần nấu nồi sôi nếp, và con gà luộc mang vào cho người thân, và bạn bè còn trong trại ăn đỡ thèm, đã sung sướng kể việc làm cuả anh ta, chuyên cắt cổ gà ở một siêu thị thành phố gần đây, với đồng lương hai đô la rưỡi một giờ, không chỉ riêng hắn mà hầu như tất cả mọi người, hắn đã có dịp tiếp xúc ai cũng thế, một điều mơ ước thật nhỏ nhoi giản dị, chỉ một công việc, bất cứ việc gì, miễn sao có thể tự túc nuôi gia đình để sống còn.
    Nơi hắn sẽ tới là thành phố biển hồ Chicago, với những cơn gió lạnh cắt da xẻ thịt, và những trận bão tuyết chỉ qua một đêm là phủ ngập cả xe, hắn cũng biết nhưng vẫn nuôi hy vọng, thỉnh thoảng gặp gia đình người bạn gái cũng bớt đi phần nào nỗi nhớ nhà, bớt chút cô đơn. Và cũng không đến nỗi kém may mắn, như vài gia đình được bảo lãnh về những trại chăn nuôi bò, ở miền hoang vu Tếch-Xịt, để rồi ít tháng sau phải lặn lội trốn trở về trại. Bây giờ hắn mới thấy thấm thía, những câu chuyện trong các phim Cowboy, mà khi còn nhỏ hắn thường cùng bạn bè trốn học đi coi, chỉ thích có sự ngang tàng hào hiệp, bắn súng và mê những cô đào trẻ đẹp, khêu gơi khoe những đôi gò bồng đào căng phồng, với đôi chân dài và cái mông tròn trịa. Hắn khẽ mỉm cười khi nghĩ rằng sau này con cháu hắn sẽ biết, hắn chính là người khai sáng giòng họ trên miền đất Hiệp Chủng Quốc xa lạ, cách xa Việt Nam nửa quả điạ cầu này, cái bổn phận của hắn qủa là to lớn. Hắn tự hứa bắng mọi cách, sẽ cố tâm học hỏi và phấn đấu, để làm gương cho con cháu mai sau, và nhớ những câu chuyện thành công, của bao người di dân đã đến miền đất hứa này, như một món quà hứa cho ngày mai!

April / 2001


Ghi chú: Fort Indiantown Gap đón nhận đợt di tản đầu tiên vào ngày 28 May 1975, và đóng cửa ngày 15 December 1975 với tổng số 22,228 người tị nạn Đông Dương đặt chân tới, trong đó 90% là người tỵ nạn Việt Nam.

No comments:

Post a Comment