Chiếc xe dừng trước cửa nhà, hắn vừa tắt
máy thì ba thằng nhỏ đã mở cửa phóng xuống chạy như bay vào nhà, đưá nọ tị đưá
kia chẳng đưá nào chịu đứng lại, giúp bố mẹ một tay mang thức ăn vào, lần nào
cũng vậy vợ hắn gọi với theo, nhưng chúng đã biến mất dạng bên trong. Ba đứa,
lớn thì chưa lớn, mà bé thì cũng không còn bé bỏng, hay lên năm lên ba gì nữa,
tuổi sấp sỉ nhau lớn nhất 14, đứa kế 13 còn thằng út 11, không phải chúng nó hư
hỏng, nhưng chúng đang ở lưá tuổi ăn chơi và phá phách, cộng thêm ghanh tị lẫn
nhau, là hai vợ chồng hắn phải lãnh đủ. Nhìn chúng lớn dần theo năm tháng, hắn
cảm thấy sung sướng và hạnh phúc với lũ con thơ, hắn thầm cầu mong Trời Phật
cho hắn đủ sức khỏe, để hướng dẫn chúng cho tới khi trưởng thành, khôn lớn là
hắn mãn nguyện lắm rồi. Trong khi vợ hắn xếp rau bỏ thịt vào tủ lạnh, hắn ra
vườn sau xem có gì dọn dẹp, hoặc cây cỏ có cần cắt tỉa, trời đang giữa Đông,
mùa Đông Cali quả là tuyệt, ban đêm tuy lạnh, nhưng ban ngày thường vẫn ấm áp
mát mẻ thật dễ chịu, nền trời trong xanh, cao hun hút không bóng dáng một áng
mây, ánh nắng dịu dàng mơn trớn ngàn cây nội cỏ, khí hậu hệt như trời Đà Lạt,
nhưng có lẽ Đà Lạt hữu tình và thơ mộng hơn nhiều, nhắc về Đà Lạt, hắn nhớ hồi
còn trẻ có được dịp lên chơi một tuần lễ, cùng thằng bạn làm việc chung ngoài
Vũng Tầu, nhà nó trên đó, chẳng phải vì nó hứa sẽ giới thiệu cho một cô em họ,
nhưng vì hắn đã nghe nhiều về Đà Lạt, nhưng chưa bao giờ có cơ hội lên thăm,
nhất là bây giờ lại đi phi cơ chùa nữa, tội gì không đi một lần cho biết, mà
qủa thật! sau lần ấy cái thành phố sương mù nhỏ bé này, đã để lại trong lòng
hắn một cảm giác man mác còn lưu luyến mãi đến bây giờ, dù chẳng có kỷ niệm gì
đặc biệt, và chỉ có một lần mà sao hắn thấy nó gần gũi qúa.
Nói là mùa Đông nhưng Cali không có tuyết,
trừ mấy đỉnh cao của rặng núi San Bernadino, cũng chẳng có những cánh rừng lá
vàng óng ả, ngoài một vài cây như Mapple, Cherry, hay cây ăn trái như Táo, Hồng
(Persimmon) rụng lá, hầu hết cây cối vẫn một mầu xanh rì. Hắn thẫn thờ nhìn cây
mãng cầu (Cherimoya), tàn xanh thẳm rậm rạp che cả một góc sân, nhà hắn có hai
cây ươm từ hạt lên cũng đến 7, 8 năm rồi, một ở phía trước, một ở vườn sau, hai
cây mỗi mùa cho vài chục trái, mùa này mà vẫn còn trái lủng lẳng trên cành, nhỏ
to đủ cỡ, vỏ ngoài trông giống mãng cầu xiêm Việt Nam, nhưng nhỏ hơn nhiều,
ruột thì lại bở như trái Na miền Bắc, trong khi hắn mải mê ngắm những trái xanh
nhỏ to đủ cỡ, vợ hắn mở cửa bước ra với ly sữa đậu nành nóng hổi trên tay đưa
hắn, tay kia cầm cuốn sách vừa nói: ‘Để má mì coi tuổi năm tới cho bố nhe’. Hắn
thoáng nhìn cuốn sách nhỏ có ghi hàng chữ
‘Lịch sách Tử Vi năm Giáp Thân’ thoáng giật mình tự nhủ thầm năm sinh
của mình đã trở về, lẹ thật mới đây mà đã qua năm vòng con giáp nhỏ, tròn một chu
kỳ con giáp chính, chỉ còn vài tháng nữa là hắn đã 60; cái tuổi này ở Việt Nam
đã được gọi là cụ rồi, nhưng ở xứ Mỹ thì không mấy ai gọi như vậy cả, ngay
trong sở hắn làm có khoảng chục người Việt họ đều gọi hắn là anh, kể cả những
cậu trai vừa lớn trên dưới ba mươi một chút, điều này chẳng gây cho hắn mảy may
thắc mắc hay khó chịu, ngược lại hắn thấy thích thú vì nó hợp với tâm hồn của
hắn, hắn nghĩ thầm, chứng tỏ tính tình hắn còn cởi mở, chứ không đến nỗi cằn
cỗi già nua, để cho người ta phải ngại ngùng khi gọi hắn là anh. Hơn nữa quan niệm
hắn cũng giản dị, nếu chẳng phải họ hàng thân thuộc thì muốn gọi thế nào cũng
được, miễn đừng có hỗn hào hay xấc xược, tại sao phải câu nệ muốn người ta gọi
mình là chú là bác. Hắn còn nhớ cách đây chừng khoảng hơn 10 năm, một cô bạn
trẻ học cùng trường có lần đã viết: ‘Lão ngoan đồng Nctd luôn có bộ mã của
người đàn ông đứng tuổi, nhưng lại mang bộ ruột của một thanh niên 20’. Thật
tình con người của hắn là vậy bây giờ vẫn thế, nghĩ sao nói vậy, không dấu diếm
hay che đậy sự thật, hắn nóng tính nhưng cũng nhã nhặn, thẳng thắn nhưng cũng
cả nể, chưa bao giờ hắn nghĩ hắn đã già, vài năm nay tuy sức khỏe có yếu kém
sau cơn trị liệu xạ tuyến, nhưng hắn vẫn làm việc hăng hái, và ưa thích hoạt
động. Ngẫm nghĩ lại các cụ ngày trước bước vào tuổi 50 là đã thấy cuộc sống
thay đổi hẳn, bề ngoài lúc nào cũng phải đóng bộ dạng chững chạc, đạo mạo, ăn
nói đi đứng khoan thai nhàn hạ, cho có vẻ già nua một chút, hắn còn nhớ Tổng
Thống của thời Đệ Nhất Cộng Hòa cũng vậy, mới ngoài năm mươi một tí thôi, mà cả
nước một tiếng cụ hai tiếng cụ; bây giờ những bạn hắn đều đã gần sáu mươi cả,
nhiều người đã là ông nội ông ngoại, nhưng gặp nhau vẫn mày tao tí tớ ỏm tỏi.
Hớp một ngụm sữa
đậu nành nóng, hắn cảm thấy ấm áp toàn thân, nghe thoang thoáng bên tai tiếng
vợ hắn chậm rãi: ‘Tuổi Giáp Thân, 61, qúy ông tuổi này là người tài hoa thích
bay nhẩy, năm nay có nhiều thay đổi tốt, bổng lộc dồi dào, công việc làm ăn có
nhiều phát đạt hoặc có cơ hội được thăng thưởng.’ Hắn khẽ mỉm cười nhủ thầm:
‘Mẹ kiếp! Mong có sức khỏe để đi làm bình thường là tốt rồi, nó chưa cho về hưu
sớm đã là may, ngồi đó mà mong thăng thưởng, còn khuya’! Ừ! Nhưng sao lại sáu
mốt, hắn thầm nghĩ và không mấy thích thú, cái kiểu tính tuổi của người Việt
Nam mình, có lẽ thời xa xưa dân số Việt Nam ít ỏi, mà đồng ruộng thì mênh mông,
cho nên để mau có thêm người làm việc, các cụ ta đã tính một tuổi ngay từ lúc
sơ sinh, chứ chẳng đợi đến thôi nôi rồi mới tính, hắn nghĩ vậy, chứ còn bây
giờ, nhất là đã ly hương mà mấy vị bói toán còn tính tuổi kiểu này, thì qủa thật
không hợp tình hợp cảnh chút nào. Nhưng dù 60 hay 61 đi nữa cũng chả sao, thời
gian qua mau qúa, đời người ngắn ngủi thật, thảo nào mà các cụ xưa chả ví ‘Ba
vạn sáu ngàn ngày là mấy’, đấy là tính trăm năm, chứ thực ra đã mấy ai sống
được tới đó, cả triệu may có được dăm người, bình thường khoảng bẩy tám chục đã
là thọ lắm rồi, như vậy thời gian còn lại của hắn đâu có là bao! Theo năm sinh,
thì hắn sẽ về hưu năm 66, nói nôm na là thể chất này chỉ còn hữu dụng có sáu
năm nữa thôi, nhưng hắn thì không nghĩ vậy, hắn vẫn luôn cố gắng tạo cho mình
một đời sống có năng xuất, vẫn làm việc tích cực, làm sao để là người hữu dụng.
Dẫu sao hắn cũng mừng thầm vì tuổi giấy tờ của hắn lại nhỏ hơn hai năm, như vậy
hắn còn được làm việc tổng cộng gần 8 năm nữa, tuy vậy năm năm hay mười năm rồi
cũng sẽ qua nhanh, hắn không muốn nghĩ đến lúc cuộc đời sẽ giống như những thân
cây đang ở cuối Thu, tuy nó vẫn sống vẫn còn hoa qủa, nhưng là những qủa trái
mùa, không no tròn, nung núc căng đầy nhựa sống như trong mùa hoa trái, như những
cây Lê, Táo, cây Hồng trước mặt, toàn thân đã gần như trụi lá, trơ ra những
cành gầy guộc khẳng khiu, lác đác còn vài cánh lá đang cố bám víu trên cành,
thật ra chúng đã chết từ lâu vì bất cứ lúc nào cũng có thể lìa cành, khi cuống
lá không còn đủ sức mang trọng lượng của chính nó, hay chỉ cần một làn gió nhẹ
thổi ngang đủ đưa chúng trở về đất cát. Dưới gốc đám lá vàng ửng vẫn còn vãi
đầy trên thảm cỏ xanh, sự sống và cõi chết liền kề trong gang tấc, màu sắc
tương phản phơi bầy dưới ánh nắng vàng vọt giữa đông, cuộc đời sắc sắc không
không tất cả chỉ là phù du, có sinh thì có tử, sao con người vẫn sầu não, buồn
thảm, vẫn bon chen giành giật, tị hiềm ganh ghét lẫn nhau. Nhưng khác với con
người, càng về già thì càng như món đồ phế thải, nhưng những loài thảo mộc thì
khác, rừng thu lại đẹp tuyệt vời, đẹp từ mầu sắc tới cảnh trí, chỉ chiếc lá thu
rơi cũng mang một trời lãng mạng; Nhiệm mầu hơn nữa cái đẹp từ ngoài không
gian, thấm vào tận trong hồn người lai vãng, cho dù có chai đá dãi dầu đến đâu
cũng phải trùng lòng.
‘Em thơ ngây đuổi nắng vàng
vương trên má,
‘Anh cuối đường vụng dại nhặt
cánh Thu rơi’
Nghĩ đi nghĩ lại thế hệ hắn cũng như bản
thân hắn, cuộc đời có qúa nhiều thay đổi, khởi đầu hơn nửa thế kỷ qua, từ một
ngôi làng nhỏ bé miền Bắc Việt Nam, cạnh giòng sông Hồng Hà, nơi mang huyền
thoại ‘Chử Đồng Tử và Tam Vị Thánh Tiên’, cho tới bây giờ sống ở xứ Mỹ nửa vòng
trái đất xa xôi, hai xã hội hai nền văn hoá trái ngược, từ một xứ cựu thuộc điạ
nghèo nàn chậm tiến, tới một nước văn minh tân tiến vào bậc nhất thế giới,
những hình ảnh thời thơ ấu như vẫn hiển hiện trong trí óc hắn, cho dù đã sáu
mươi năm trôi qua. Cái tuổi thơ của hắn với những trò chơi rất thiên nhiên và
giản dị, chọi gạch, đánh khăng, nặn đất đã kéo dài từ hàng bao năm trước, những
đứa bé quê mùa chơi chán thì kéo nhau ra ruộng lạc, bắt những con cồ cộ đen,
một loại dế cơm mầu đen, và thằn lằn đem nướng, cả những con nhện có cái bụng
tròn to tướng, thường ôm theo cái bịch trứng mầu trắng dẹp, to bằng đồng 25 xu,
trong chứa hàng trăm con nhện nhỏ cũng không thoát, mùi thơm của thịt nướng
ngầy ngậy, làm cho cả đám trẻ chẩy nước miếng, bẻ chân lặt cánh, vặt đầu bỏ vào
miệng nhai ngấu nghiến ngon đáo để, thật tình không phải vì đói không có ăn,
nhưng cuộc sống quê miền Bắc không bao giờ có được ăn no, nhất là thịt thì qúa
hiếm, năm thì mười họa, ngày giỗ ngày tết may ra mới có một hai lát mỏng mà ăn.
Hắn vẫn nhớ những mùa Đông đi học, buổi trưa ngồi dưới gốc cây đa, cây hoa gạo
với miếng cơm nắm và tí muối vừng, hay miếng cá khô nướng nhỏ, sao cũng thấy
ngon đáo để. Ăn vụng dưa hành cũng là một thú vị khác, nhà nào cũng sẵn một vại
dưa muối to, dưa muối thì phải có củ hành đỏ mới thơm, nghoảnh đi nghoảnh lại
không thấy bóng người lớn chung quanh, là hắn bám vào thành lu leo lên, thò tay
vào nhón một củ hành muối ăn vụng, vị mặn, vị chua cộng với cái mùi the the,
ngai ngái quyện vào nhau, ôi sao ngon qúa là ngon. Ngoài những thay đổi tính
tình đôi chút, hắn cũng đã trải qua qúa nhiều đổi thay trong cuộc đời, hắn đã
chứng kiến tận mắt những lằn roi từ tay tên lính viễn chinh Pháp, hằn trên da
thịt người thiếu nữ quê ngây thơ, yếu đuối, lằn roi ấy như những con dấu máu,
in trên trang giấy trắng đầu đời tuổi học trò, tuy nhỏ hắn đã thấm sự tủi nhục
của người dân thuộc địa, hắn đã biết thế nào là căm thù, nếu hắn đủ lớn khôn,
chắc hắn cũng đã theo vào chiến khu kháng chiến rồi, tiếp theo cảnh đấu tố điạ
chủ miền Bắc, cha mẹ hắn đã phải chốn chạy bôn ba ra ngoài thành phố, từ điền
chủ ngoài Bắc, đến tay trắng vào Nam, từ cuộc đời thư sinh thành kẻ huấn luyện
người ta cầm súng giết người, từ đời sống tự do dân sự, thành người của biển cả
rồi ra người tỵ nạn, và cuối cùng cũng được đứng vào hạng trung lưu nho nhỏ
trong xã hội này. Từ quê hương mịt mù khói súng, hắn đã thấy những thanh niên
còn qúa trẻ, chắc chưa bao giờ biết cuộc đời, bên ngoài mái ấm gia đình của cha
mẹ là gì, đã bị đẩy làm nghĩa vụ ‘sinh Bắc tử Nam’, bỏ thây nơi chiến trường
miền Nam, mà nắm xương tàn cũng không được trở về nguyên quán; Trên bước đường
đời hắn đã đi qua, biết bao người thiếu phụ còn quá trẻ, nhiều khi chưa có được
tuần trăng mật, đã vội vã quấn chiếc khăn sô, những em bé thơ chưa sinh ra đời
đã phải mồ côi cha, hắn đã thấy tận mắt những gia đình người lính Địa Phương
Quân, chen chúc tử thủ dưới gầm cầu, để bảo vệ những sinh lộ huyết mạch miền
Nam, ở những vùng hẻo lánh xa xôi, trong khi đó thì những lãnh tụ của cả hai
miền Nam Bắc, vẫn hả hê vui cười, chè chén tiệc tùng, bên trong những cao ốc
huy hoàng có máy lạnh máy nóng, được phòng vệ cẩn mật, những buổi tiệc thâu đêm
suốt sáng, bên những ly rượu ngoại quốc Vodka, XO thượng hạng và những điếu xì
gà Cuba trứ danh. Hắn đã thấy những người dân nghèo thì bị bắt bỏ tù chỉ vì bán
chui một vài cân thịt, nhưng những vụ buôn lậu gộc như ‘Còi hụ Long An’, và
những con tầu buôn thuốc bị bắt ngoài khơi Vũng Tầu, thì những kẻ chủ mưu vẫn
thong dong trên Đại Lộ Sài gòn; Vâng! trong suốt cuộc đời trước khi bị thành
người tỵ nạn, chưa bao giờ hắn thấy được cảnh thanh bình thật sự.
Gia đình hắn đã là một trong số nạn nhân
của đại họa 1954, bây giờ một lần nữa lại là nạn nhân thảm họa 1975, hắn hốt
hoảng bỏ nước, bỏ cả cha mẹ anh em ra đi tìm tự do; Thế hệ cha anh và thế hệ
hắn, đã chẳng giữ được tự do cho quê hương, cho dân tộc, hắn có đổ mồ hôi trong
vài năm đời lính, nhưng chưa đổ máu, công lao đó xin dâng lên những anh hùng vô
danh đã nằm xuống. Cái đại hoạ đã qua, bây giờ ngồi hướng nhìn về tương lai,
ngẫm nghĩ cho cùng biết đâu chừng, từ cái tang thương nhất thời đó, vô hình
chung không chừng lại là sự may mắn cho đất nước Việt, vì bây giờ đã có hàng
triệu người Việt sống rải rác trên khắp thế giới, ai có thể biết được sau này
một ngày nào đó, Việt Nam thoát khỏi ách độc tài cộng sản, có thể sẽ trở thành
một nước hùng mạnh trên thế giới, như Nhật Bản, Triều Tiên, nếu như người Việt
Nam biết đoàn kết, và xây dựng một nước Việt Tự Do Dân Chủ. Đôi lúc hắn cảm
thấy nuối tiếc thời gian, mới hôm nào đặt chân vào trại tỵ nạn Indiantowngap,
thế mà đã 29 năm trôi qua, nhớ lại tâm khảm của ngày đầu tiên, trong cơn hụt
hững và khủng hoảng từ thực chất lẫn tinh thần, mọi người đều dễ dàng đón nhận,
đất nước này làm quê hương thứ hai, riêng hắn cho đến bây giờ cũng vậy, nơi đây
không còn là đất tạm dung, vì chính nơi quê hương này hắn đã lập nghiệp, vun
sới và đóng góp, vạn lần nhiều hơn quê hương hắn đã được sinh ra và khôn lớn,
hắn đã sống nửa đời người nhiều hơn, và chắc chắn sau này nắm xương tàn cũng sẽ
gởi lại nơi đây. Không như ngày còn nhỏ chỉ biết học thuộc lòng mà không có cơ
hội áp dụng, bây giờ hắn mới hiểu thấm thía những câu ca dao tục ngữ như: ‘Cây
có cội, nước có nguồn’ và ‘Một miếng khi đói bằng gói khi no’. Hắn thấy cái bổn
phận hướng dẫn con cái, thế hệ mai sau không những phải gìn giữ cái cội nguồn
Việt Nam, vì làm sao mà quên được, khi mỗi sáng soi gương, vẫn thấy mầu da vàng
của giòng Lạc Việt, mà còn phải gìn giữ và bảo vệ quê hương này, vì chính nơi
đây là quê hương của chúng, hắn ghi nhận và tạ ơn nhân dân và đất nước này, vì
chỉ có phần đất này, không phải chỉ những người dân bản xứ mới có cơ hội vươn
lên, mà thực tế đã chứng minh biết bao nhiêu người dù là người tỵ nạn, cũng có
thể trở thành chủ nhân ông, những nhà lãnh đạo, hoặc những chuyên viên nồng cốt
trên tất cả mọi lãnh vực.
Sáu mươi năm sao lẹ qúa, hắn còn qúa nhiều
mơ ước chưa thực hiện, hắn vẫn chờ cơ hội để bắt đầu một công việc mới, xã hội
này chẳng phải là trăm hoa đua nở trên đầu môi, chót lưỡi theo kiểu “vẹm”, mà
thực sự là xã hội của “Tự do đua nở”, lãnh vực nào cũng có cả hàng ngàn, hàng
vạn người thành công lớn, nhưng khổ nỗi hắn không dám tự ý bỏ việc đang kiếm
sống, để bắt tay vào một cuộc phiêu lưu, vì e dè và sợ sệt, vì trách nhiệm với
gia đình con cái, tuy công việc làm không mang lại sự giầu có hay phong lưu,
nhưng cũng tạm ổn, hắn than thầm qủa là con người có số mạng. Đúng là cầm tinh
con khỉ có khác, cuộc đời hắn không thất bại, nhưng cũng chẳng thành công,
không lên voi, cũng chẳng xuống chó, không có điều gì đáng nói, những mảnh đời
từng khúc ngắn ngủi, rời rạc và không liên tục. Đôi khi ngẫm nghĩ, trong suốt
quãng đời từ khi rời mái trường Trung học, cho đến khi sang Mỹ, hắn đã bỏ quên
tuổi thanh xuân, đứng bên ngoài cuộc sống phiêu bạt, hải hồ của đởi quân ngũ,
bỏ quên bè bạn, để ngụp lặn trong những cuộc tình trái mùa, “già nhân ngãi non
vợ chồng”, nhìn chung quanh bè bạn, hắn chẳng biết có điều gì hối tiếc hay
không, nhưng có điều thực sự, hắn đang rất hạnh phúc bên người vợ hiền và đàn
con dại. Đang lang thang trên những con đường cũ, thả hồn trong những mái
trường xưa, hắn chợt tỉnh khi nghe mấy đứa con xúm lại kéo tay, nhõng nhẹo gọi
“bố” vào ăn trưa, nhìn hộp gà chiên “Kentucky” đầy ắp, nóng hổi, hắn nửa vui
mừng cho con cái, nửa thầm buồn cho tuổi thơ của chính mình, và những đứa trẻ
đang còn ở Việt nam, bữa ăn này bằng cả gia đình người ta ăn trong vài ngày.
Hắn đã sống non một nửa phần đầu đời trên quê hương nghèo khó vì chiến tranh,
ăn bữa nay nhưng chẳng biết bữa mai, trong khi đó nơi đây lúc nào cũng dư thừa,
và người ta phí phạm qúa. Bây giờ hắn lại thèm thuồng cuộc sống gấn guĩ thiên
nhiên thưở nhỏ, hắn thèm đạp xe từ Sàigòn lên những vườn cây đầy trái Lái
Thiêu, hắn muốn sống lại những ngày thơ ấu, lâu lâu mới có vài viên kẹo lạc bọc
đường, hoặc mấy viên Sô-cô-La tròn xoe đủ mầu sắc xanh đỏ tím vàng, trông đẹp
quá cứ muốn giữ hoài để ngắm, sao mà ngon thế, ăn dè sẻn từng viên, chứ không
bốc từng nắm bỏ miệng nhai ngấu nghiến như trẻ con bây giờ, hắn cảm thấy thương
cho con hắn, thương không phải vì chúng không có ăn, không có mặc, nhưng vì
chúng nhai mà không tận hưởng tận cùng cái ngon những gì chúng ăn, chúng không
có ấn tượng giá trị về những gì chúng có, chẳng bù với những cái hộp kem đánh
răng bằng nhôm tròn, hay cái hộp thuốc lá sắt dẹp 555 cũng được bọn trẻ hắn gìn
giữ kỹ lưỡng, có được là qúy lắm và rất hữu dụng. Hắn thấy thèm những chén canh
hoa Thiên Lý, những bát canh rau muống nấu cà chua suông, có được bữa cơm ăn
với châu chấu hay nhộng rang, cũng đã thấy qúa tuyệt vời và ngon miệng lắm. Còn
đời học sinh may lắm có được cái cặp da bò màu vàng nâu hai ngăn đã là thuộc
loại sang, dùng đến cả năm mười năm, từ anh chị lớn truyền tới tận đứa em út
thua cả hơn chục tuổi không chừng, cuối năm lãnh phần thưởng nếu học khá điểm
cao, phần thưởng chỉ một vài cuốn vở học trò, vài cây viết chì mầu, mà thấy
thật thích thú hãnh diện làm sao! Hắn vẫn còn nhớ cái mùi cao su ngâm dầu, của
đôi dép sandal đế kếp mầu vàng nâu mới, mà họa hoằn mới được bố mẹ mua cho vào
dịp tết nhất, chẳng biết cơ thể thiếu cái gì mà ngửu cái mùi cao su cũng thấy
thơm qúa, để dành lâu lâu mới dùng chứ không dám đi thường xuyên. Bây giờ mỗi
ngày nhìn lũ học trò đứa nào cũng khoác một túi đầy sách vở, đủ mọi thứ phụ
tùng, nặng chình chịch có đến 15-20 lbs, chứ không ít, sao thấy tội qúa, vậy mà
báo chí vẫn kêu ầm lên là chúng học qúa kém. Hắn cảm thấy nuối tiếc thời trai
trẻ qua nhanh, mà không được hưởng trọn vẹn sự hồn nhiên của tuổi thanh xuân,
thế hệ hắn sinh ra trong loạn lạc điêu linh, lớn lên trong đổ nát điêu tàn và
trưởng thành trong khói lửa tang tóc; Chiến tranh đã cướp đi tất cả, cướp đi
bạn bè, cướp đi người con, người chồng, và cả người cha. Giờ hắn thấy nuối tiếc
phần đầu đời đã qua, nuối tiếc những cuộc tình thơ mộng đã vuột khỏi tầm tay,
nhớ bạn nhớ bè, hắn mong ước có được phép thần thông để làm lại từ đầu, muốn
sống lại đời lính để tìm đến bạn bè, nhưng đã qúa muộn, điều đó chỉ có trong
chuyện hoang đường, tuổi trẻ mà còn chẳng có được vài người bạn thân tri kỷ,
thì làm sao bây giờ tuổi già năm, mười năm có thể kết được những người bạn nối
khố xa xưa; Nhưng hắn vẫn đi, vẫn đến mỗi khi có dịp, để cố tìm lại những bóng
dáng, cho dù mờ ảo hững hờ, của một qúa khứ không thể chối từ. Bóng cây Mapple
trước cửa vươn những cành khẳng khiu đổ dài trên mặt đường như cố chụp bắt
những bóng xe vụt chạy qua nhanh, mặt trời đã ngả về chiều.
Từ Linh Nctd 2002
No comments:
Post a Comment