Sunday, January 24, 2016

CHIẾC BÓNG ÂM THẦM




     Nam tắt máy xe, tôi mở cửa bước ra, bãi đậu xe nho nhỏ trước cửa viện Dưỡng Lão, nằm chênh chếch với mặt đường. Bên ngoài bãi đậu uốn theo con đường hình cánh cung là một miếng đất dài nho nhỏ trồng hoa, những cánh hoa mầu thường được gọi vắn tắt là hoa phủ mặt đất, gồm đủ loại, hoa mười giờ, hoa dại, tím, đỏ, vàng thắm tươi đua nhau phơi sắc, dưới ánh nắng ấm áp của mùa xuân. Mầu hoa tím óng ánh tuyệt đẹp, tím như mầu hoa sim, màu của tuổi trẻ, tuổi thư sinh, tuổi của tình yêu, gợi cho tôi nhớ lại nhiều kỷ niệm xa xưa, của quãng đời mài đũng quần trên ghế nhà trường, rồi những ngày đầu đời quân ngũ, và những người bạn trẻ một thời ôm ấp giấc mộng hải hồ. Đây là dẫy nhà một tầng mái đỏ, không lớn lắm, mặt tiền hướng vào con đường vắng phía trước, mái hiên dẫn vào phòng tiếp khách chia chiều dài mặt tiền làm hai, phải và trái, mỗi bên có khoảng năm, bẩy phòng, phòng nào cũng có khung cửa sổ lớn nhìn ra đường, nơi đây khá yên tịnh vì không phải khu thị tứ, cạnh bên cũng có nhà dưỡng lão Công giáo, đối diện vài trung tâm y tế nhỏ, vài văn phòng dịch vụ cho bệnh nhân và bệnh viện, tất cả nằm chót lọt giữa khu dân cư không xa khu thị tứ Sàigòn nhỏ cho lắm, chắc cũng có nhiều bệnh nhân Việt Nam nằm điều dưỡng tại đây, vì tôi thấy có nhiều người Việt ra vào thăm nuôi. Sau những khung cửa kinh kia, các tấm màn cửa đã được kéo rộng ra hai bên, vài cặp mắt bệnh nhân thập thò nhìn ra ngoài, kẻ thì chăm chăm hướng về bãi đậu xe, ngóng chờ thân nhân tới thăm, những người “con bà phước” thì thẫn thờ hướng về khóm hoa dại ven đường, ai biết họ nghĩ gì, họ có mong mỏi được thong dong dưới trời nắng ấm như khách thăm viếng, chắc là cũng có! Con người mà! đâu ai muốn bệnh tật, để phải nằm ì một chỗ, tù túng chung quanh bốn bức tường. Hôm nay chúng tôi đến đây thăm ngườì bạn cùng khóa Hải Quân ngày xưa. Hùng chờ tới, cả ba chúng tôi theo nhau vào bên trong phòng chờ đợi ký sổ thăm viếng, cho tên bệnh nhân, rồi đi theo hướng chỉ tay của nhân viên bệnh viện, về cuối hành lang bên cánh phải, lảng vảng một vài bệnh nhân ngồi trên xe lăn nhìn bâng quơ khách vãng lai, phần lớn đều gìa cả, tôi đảo mắt một vòng, nơi đây khá sạch sẽ, cũng mừng thầm cho bạn. Tới cuối hành lang, nhìn bên tay trái một tấm bảng đề tên “Huấn Nguyễn” gắn trước cửa phòng, chúng tôi bước vào, người nằm trên giường vừa thấy chúng tôi nhận ra ngay, đó là Huấn, hắn dơ cánh tay gầy guộc khẳng khiu lên vẫy chào. Nói là bạn thân thì chưa hẳn, vì Huấn thật sự không thân với ai, mà không phải bạn thì lại càng không đúng, một người bạn quân ngũ đồng khóa, tuổi trẻ chúng tôi, nếu không là kẻ thù nghịch, hay qúa cà chớn thì đều là bạn cả. Chúng tôi và Huấn biết nhau tử ngày đầu quân ngũ, vì cùng ở trại tạm trú Bạch Đằng II, nằm ngay bến Bạch Đằng, bờ sông Sàigòn gìa non một tháng, rồi khi xuống trung tâm huấn luyện tân binh Quang Trung, lại cùng chung Đại đội 19D, Huấn to lớn hơn tôi nên được xếp vào Trung Đội 1, tôi tạng người Giao Chỉ nên được xếp vào Trung đội 4, thường được gọi với biệt danh Trung đội “lùn”. Tuy khác trung đội, nhưng cùng học tập bên nhau, cùng điểm danh, làm vệ sinh doanh trại, và chà láng giao thông hào mỗi sáng, cùng chia xẻ những bài học hành quân chiến thuật, chen vai sát cánh chia nhau một cụm bóng mát dưới tàng cây bã đậu, ở những bãi tập nắng cháy da người, cùng chia xẻ những bữa cơm hẩm hiu của đời tân binh, nhưng chỉ một điều, không bao giờ thấy Huấn nghêu ngao những bài hát Hải quân hành khúc, bộ binh hành khúc, của người trai thời binh lửa với chúng tôi, mà ngay cả những đêm lữa trại văn nghệ chung vui của đại đội, cũng chẳng bao giờ thấy hắn mở miệng ca cùng với anh em, có hỏi thì hắn chỉ nhăn răng cười trừ: “Bấy nhiêu người hát cũng đủ rồi”. Tính tình của hắn lúc nào cũng im lặng, cứ như ông đồ nho, chẳng có tí ti máu me văn nghệ, văn gừng gì cả, vì thế bạn bè đôi khi bông đùa “Sao cụ không đi tu mà lại đi lính hả cụ!” làm lính thú thi phải bay bướm, xông xáo tung hoành ngang dọc, chứ đâu ru rú lúc nào cũng ngồi yên một chỗ như cụ vậy. Huấn chỉ nhoẻn miệng cười đáp nhát gừng “Người ta bắt đi thì phải đi chứ không đi làm sao được!”.
     Sau ba tháng thụ huấn quân sự, một số chúng tôi trở về tạm trú trên tạm trú hạm nổi (APL) ở bến Bạch Đằng, để học Anh ngữ, trong đó có Huấn, có tôi và phần đông những người bạn tôi quen, tất cả kết hợp thành liên đội B, thuộc Tiểu Đoàn Sinh Viên Sĩ Quan HQ/Trần Hưng Đạo. Khoảng hơn hai tháng sau Huấn lên đường đi thụ huấn hải nghiệp tại trường huấn luyện Sĩ Quan Trừ Bị hải Quân Hoa Kỳ, OCS, đợt 5 với Hùng, Nam, Tụng và nhiều bạn khác, tôi vốn dĩ  học chỉ làng nhàng, tuy chưa đến độ “chưa thằng nào ngu hơn thằng này”, vả lại “học tài thi phận”, nên thôi đành nhường chỗ cho bạn bè đi trước, tôi đi đợt sau. Sang tới nơi vì khác đợt nên ở khác khu, nhưng vẫn cùng mái nhà Nimitz Hall, vẫn chia chung nhà bàn Ney Hall, cùng thở chung không khí bầu trời New Port, Rhode Island bên bờ Đại tây Dương, ấy vậy mà suốt bốn tháng trời ở trường OCS, tôi cũng chỉ gặp hắn có vài lần, với lối sống cô lập của hắn, chẳng bao giờ hắn trò chuyện hay tâm sự với ai điều gì, nếu có nói cũng chỉ là những câu chuyện bang quơ xảy ra trước mắt. Nói về khóa tôi, thì toàn là những chàng tuổi trẻ tài ba “Nhất qủy, nhì ma, thứ ba học trò”, vì thế mà suýt nữa tôi cũng chẳng khác gì cụ Huấn, cũng “Đếch thèm chơi với thằng nào cả”, may cũng còn vài đứa, nhất là thằng bạn chung phòng, tính tình cũng đàng hoàng nghiêm nghị lắm, nên còn có bạn hợp “gu” để trò chuyện, chứ chưa đến nỗi làm người hùng lẻ loi như cụ Huấn. Vào những ngày cuối tuần, sinh viên tự do đi bờ, hầu hết chúng tôi tận dụng cơ hội “Ngàn năm một thưở” được xuất ngoại, nên rủ nhau đi thăm đây viếng đó, ra phố ăn cơm tầu cho đỡ thèm, đi xem xi-nê nhất là phim cấm con nít thì được anh em chiếu cố tận tình; còn cụ Huấn thì luôn luôn ở lại canh trường, suốt ngày nằm trong phòng học bài, đọc sách, nếu không thì lại lẩn quẩn xuống PX mua quà lặt vặt. Rồi kể từ khi đợt 5 vê nước, cho đến lúc phục vụ các đơn vị hải quân, tôi không hề gặp lại Huấn.  Tuy không phải là bạn thân tình, nhưng tôi mến Huấn ở chỗ hắn it nói, đàng hoàng, thành thật, không phá phách, xấc xược hay khoe khoang, không kết bè kết đảng, không tụm năm túm ba, cũng không khen chê hay ghét bỏ ai. Huấn tính tình như vậy, tướng tá thì to lớn, nhưng thân hình thì lép kẹp, trông có vẻ yếu  đuối, đi đứng hơi lòm khòm, nên bạn bè đặt cho hắn cái tên “cụ Huấn”, từ thời ở Quang Trung là vậy, dù mới chỉ ngoài hai mươi tí ti. Mặc cho bạn bè dỡn gì thì dỡn, hắn chỉ cười, không phản đối, hay nổi quạu, cũng không trách móc, chẳng hề phàn nàn một ai bao giờ, ai gợi chuyện thì cũng vui vẻ nói bình thường, bằng không thì im lặng nhìn đời, nếu có ai gọi hắn là ông phỗng đá thì cũng chẳng sai. Khác hẳn với nhiều bạn, trong những năm quân ngũ dù không thân thiết với bạn bè cùng đơn vị, nhưng ít nhất cũng có vài người bạn tâm giao để đôi khi gặp nhau, có thể ngồi cà phê cà pháo tán gẫu, hay tâm sự, mà chẳng cần phải “chén thù, chén tạc, huynh đệ chi binh” của đời lính, còn hắn thì ngược lại, không rượu chè, không cờ bạc, không vướng víu những thứ lỉnh kỉnh của đời lính, và hình như cũng chẳng trai gái, bởi chưa người nào bắt gặp, hay rủ được hắn đi, không giống như một chàng tuổi trẻ liên đội C, gốc ở Huế vào Sè goòng thành con bà phước, hồi học Anh ngữ ở APL, một ngày cuối tuần nghe bạn rủ đi ăn kem, mừng qúa, hí hửng nhẩy phóc lên ngồi sau chiếc xe Honda, nhưng thay vì ăn kem ở LaPagot hay Boda, thì bạn lại khao hắn chầu kem ở trong “Động”, tới nơi không còn lối thoát thân, con nai vàng ngơ ngác giữa bầy ngựa hoang, thế là chẳng đưa em tìm động hoa vàng, thì em cũng đưa chàng tới động Thiên Thai!!! Huấn thì không dễ gì bị dụ như thế, không la cà, hay kết thân với ai, kể cả Hùng, là đồng môn từ thời cùng học Trung học Lê Bảo Tịnh, sau lên Khoa Học, rồi cùng đi lính, và lại là người chung phòng lúc ở OCS, thế mà cũng chỉ ở cái lằn ranh bạn đồng hành quen biết mà thôi, chẳng phải bạn cùng bè, nói chi người khác! Thời gian quân ngũ, vỏn vẹn chưa tới 6 năm, kể luôn thời gian học tập ở các quân trường, không ngờ Huấn đã từng phục vụ qua các đơn vị tác chiến như Giang đoàn Ngăn chặn ở Mộc Hoá, Gò dầu hạ, HQ228, rồi trở về Trường Sinh Ngữ Quân Đội và cuối cùng đi Giang đoàn 75 Thủy bộ, tôi chả hiểu ở các Giang đoàn tác chiến, hắn được giao phó trách nhiệm gì! có bao giờ đi phục kích, tuần tiễu hay hành quân? Có bao giờ đụng trận? Nhưng tôi nghĩ với bản chất “em hiền như maseur” của hắn, có lẽ chẳng bao giờ hắn mó tới cây súng, hay ra lệnh cho lính tác xạ nếu chẳng may đụng trận! Vì bản chất qúa hiền so với các đơn vị chiến đấu thì làm sao ra trận. Sau ngày 30-4, Huấn cũng bị đi tù 7 năm trời qua các trại tù cải tạo như Thành Ông Năm, Kà-Tum, Suối máu và Long Giao, và cuối cùng sang Mỹ định cư theo diện HO11 vào năm 1992.
   Mãi đến năm 2005 chúng tôi được tin Huấn ở vùng Orange do bạn Vũ Vàn biết trong một dịp tình cờ. Hùng, Thắng và tôi có tìm lại thăm, hắn chuyện trò rất vui vẻ, theo tôi nhận xét có phần nhanh nhẹn hơn ngày xưa, nói năng hoạt bát hơn, trông cũng khỏe mạnh hơn nhiều, Huấn vẫn nhớ rành rõi nhiều chi tiết khoảng thời gian ngắn ngủi đời quân ngũ, nhưng tính tình thì vẫn thế, không thay đổi, vẫn ‘cục đá’ bên đường. Còn nói về cuộc sống và gia cảnh, thì chàng vẫn độc thân, vui tính một mình, Huấn sống rất là đạm bạc, đơn sơ, ta có thể định nghĩa theo bất cứ góc cạnh nào từ vật chất đến tinh thần thì cũng đều đúng cả. Gặp Huấn tôi lại nhớ một người bạn khác cùng thời đó, cũng rất đơn chiếc như Huấn, đó là Tụng, còn được gọi là Tụng cà lăm, cùng liên đội B, cùng khóa OCS với Huấn, chỉ khác chăng, Tụng có cuộc sống bình thường như mọi bạn bè, nhưng mấy năm nay mất tin tức, chả biết bây giờ ra sao, lần cuối gặp Tụng ở San Diego khoảng 2004 lẻ 5 gì đó. Bốn chúng tôi, Hùng, Nam, Thắng thỉnh thoảng muốn rủ Huấn đi gặp gỡ bạn bè để cùng nhau ôn lại dĩ vãng cho đời thêm vui, nhưng Huấn luôn từ chối, không ai hiểu vì sao, hắn vẫn rất vui vẻ với bạn bè nếu gặp, nhưng bảo hắn đi hay tìm tới bạn bè thì hắn không bao giờ làm. Chúng tôi có ghi số điện thoại để Huấn liên lạc nếu có thay đổi chỗ ở, nhưng Huấn chẳng bao giờ gọi, sau đó ít lâu tôi gọi lại thì số điện thoại đã cắt, và Huấn đã đi nơi khác, thế là lại mất tăm mất tích!
     Thời gian lặng lẽ trôi, mọi vật biến đổi theo định luật tự nhiên của tạo hóa, đá thạch cũng thay đổi, huống chi con người, trong cái đại gia đình HQ huấn nghiệp tại Hoa Kỳ, chúng tôi đều trên dưới lục tuần cả rồi, sắp sửa vào tuổi “Thất thập cổ lai hy” lúc nào không biết. Dù có gỉa điếc làm ngơ cũng không được, phải chấp nhận sự thật, nay có tin người này vào bệnh viện, mai bạn khác thông tim, thỉnh thoảng lại một hải âu gẫy cánh. Ai cũng biết, Sinh, Lão, Bệnh, Tử, là chuyện thường tình của con người, nhưng con người à, không thể không đau buồn khi thấy bạn bè, hay thân nhân lâm bệnh hoặc qua đời. Đôi khi cũng có những tin vui như người này con cái thành tài, người kia dựng vợ gả chồng cho con, mừng thay! gần đây nhất lại mới liên lạc được với  vài bạn đã lâu không gặp, bạn bè chia xẻ buồn vui, có lúc từng nhóm nhỏ, có lúc tràn ngập diễn đàn, mọi tin tức đều được truyền đi nhanh nhẹn và cập nhật nóng hổi đều đặn, dù bạn ở nơi nào trên trái đất! Tình bạn luôn cao đẹp! Nhất là lúc tuổi gìa bóng xế, người ta sống cho qúa khứ nhiều hơn hiện tại, và tương lai, nhớ về lúc tuổi trẻ, tình bạn quân ngũ, thật đẹp biết bao, đó là những tia nắng hoàng hôn rực rỡ! Rồi tin về Huấn do bạn Vàn tung ra trong lúc có qúa nhiều tin vui, Huấn đang nằm bệnh viện ngay giữa lòng thủ đô tị nạn, bệnh trạng đã vào thời kỳ cuối, cô đơn, không vợ con, cha mẹ, anh em. Người thân duy nhất có, là người chị dâu và đứa cháu trai. Nhưng! cuộc đời vẫn chỉ chữ ‘nhưng’ vô duyên, lạnh lẽo, vô tình, hay vô cớ. Cái tin về Huấn. âm thầm tan loãng, như sợi khói lam chiều mong manh trong không trung bao la, lồng lộng gió, lặng lẽ như viên sỏi rơi vào giữa lòng biển cả mênh mông, mịt mùng hoang vắng, không một dư âm vọng về, vì phần lớn bạn bè không ai biết Huấn, không biết an ủi thăm hỏi bằng cách nào. Có còn chăng là một thoáng bàng hoàng, lác đác như chiếc lá cuối đông nuối tiếc một giọt nhựa khô đọng ở cuối cành “Huấn nào?” Buồn thay!
     Đã bao năm qua bạn ở ngay trong lòng quận Cam, nơi có rất đông bạn hữu quân ngũ, thế nhưng bạn lại chọn lối sống âm thầm, lặng lẽ một mình, chẳng chia vui, cũng chẳng xẻ buồn với bất cứ một ai, ban đầu tôi nghĩ có lẽ bạn có nhiều mặc cảm, nhưng bây giờ sau khi đến thăm bạn trong bệnh viện, thì tôi hiểu rõ hơn, đó là lối sống của bạn, nếu bạn muốn sống như mọi người, thì chắc cũng không có gì khó khăn lắm, bạn đã sống đời quân ngũ, đã vượt qua được đời tù trong các trại cải tạo, thì bạn cũng dư khả năng làm lại cuộc đời như bao người, nhưng không! Bạn đã chọn lối sống cuộn mình trong ốc đảo nhỏ nhoi của riêng bạn. Nhớ lại ngay từ lúc ban đầu bước chân vào đời lính, lúc đó mọi chúng ta đều là những chàng trai trẻ hăng say, tràn đầy nhựa sống và nhiệt huyết, chẳng ai hơn ai kém, thế nhưng bạn đã sống đơn thân độc mã, là cụm bèo trôi dạt ở ven sông, chứ không nhập cuộc theo giòng phù du. Sinh hoạt tập thể là điều bắt buộc không thể tránh né, làm để mà làm, chứ không phải do ý chí thúc đẩy, thế cho nên ở trong tình trạng thập tử nhất sinh như bây giờ, chắc chắn bạn lại càng không muốn liên lụy hay nhờ cậy bạn bè, phiền hà đến ai, cũng không nhận qùa cáp, “Anh em nghĩ đến nhau vào thăm thế là qúy lắm rồi, đừng mang qùa cáp làm gì, trong này họ cũng cho ăn đầy đủ rồi!” đó là Huấn, bạn sống bình thản, chẳng a dua, chẳng cầu kỳ, chấp nhận số mạng mà Chúa đã định như chính bạn nói. Đó là quan niệm và lối sống cá nhân bạn, mỗi người mỗi ý nghĩ và đối tượng sống khác nhau, không ai giống ai, nhưng sống giữa cuộc đời mà gạt bỏ đựợc mọi thứ tham, sân, si, không màng danh lợi, điều đó qủa cũng hiếm thấy và khó hiểu, đó là cá biệt của bạn!
     Ai bảo là Huấn không vui mừng khi có bạn bè tới thăm (?), riêng tôi thấy Huấn cũng qúy mến bạn bè nhiều đấy chứ, điều đó thể hiện qua những cái bắt tay, qua vài chi tiết nhỏ của đống kỷ niệm rối bời, hắn vẫn nhớ dù đã 40 năm qua, chẳng có sự liên hệ với ai. Chỉ một vài câu nói, một vải kỷ niệm nho nhỏ, đủ thấy Huấn cũng suy nghĩ  nhiều về qúa khứ, về tuổi trẻ, nếu không thì làm sao còn nhớ rành mạch, tên tuổi của nhiều bạn bè, những người mà bây giờ nghe Huấn nhắc tôi mới sực nhớ ra. Cái tình cảm đó thể hiện khi chúng tôi bước chân vào phòng, Huấn nhận ra ngay từng người, cố gắng nhỏm dậy đón chào, mà tôi nghĩ mọi cử động dù nhỏ nhặt, cũng có thể làm Huấn đau đớn, khó chịu lắm. “Đoạn đường ai có qua cầu mới hay” chỉ những người đã trải qua mới thấu hiểu và thông cảm, vậy mà tinh thần của hắn vẫn tỉnh táo sáng suốt, không hề kêu than. Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện thì có mấy hội viên của hội nhà thờ vào làm thánh lễ Chủ nhật cho Huấn, hắn nhắm mắt nằm im không nhúc nhích, cũng không lộ vẻ đau đớn, sắc thái rất bình thản, yên lặng trôi theo lời khấn nguyện, thỉnh thoảng mấp máy đôi môi khấn theo, hay làm dấu thánh gía. Tôi chợt thấy lòng mình trùng xuống, buồn diệu vợi. Huấn nằm in lìm, như đã sẵn sàng chắp cánh tung bay.
     Nhìn Huấn xa xút thấy rõ, ốm hơn nhiều so với cách đây vài tuần, khi chúng tôi đến thăm Huấn tại bệnh viện, ảnh hưởng hóa xạ trị liệu, sức tàn phá của căn bệnh, gò má mé mắt phải xưng vù hẳn lên và đổi thành mầu tím, đôi mắt tuy còn nhìn thấy, nhưng mắt phải cũng xưng đỏ quạch, và hình như không còn di động được, tuy vẫn nói nhưng tiếng nói rời rạc, vụng về theo đôi môi bị kéo xệch về bên trái, hậu qủa của lần tai biến trước, cái đầu cũng đã đổi thay, mái tóc mỏng manh dính sát vào da đầu, không còn tua tủa như xưa. Huấn cũng biết bệnh tình của mình đã ở vào thời kỳ cuối, nghe kể Huấn từ chối mổ vì sợ cái rủi nhiều hơn cái may, hắn nói “Thà sống vẹn toàn ngày nào hay ngày ấy, còn hơn phải sống mù lòa hay tàn phế những ngày còn lại”, bởi không ai biết chắc những gì sẽ xảy ra sau khi mổ. Có một điều mừng và an ủi cho Huấn là, cuối cùng nếu nay mai có được Chúa gọi về, thì Huấn cũng thanh thản, chẳng còn lo sợ làm liên lụy, hay trao gánh nặng cho thân nhân còn lại. Tôi ngước mặt nhìn lên trần nhà để tránh giọt nước mắt cứ trực tuôn trào, cũng một đời người, mới hôm nào đó bạn cùng tôi khoác cùng mầu áo chinh y, tay ôm súng, lưng ba-lô tập bò hỏa lực, cùng nhau đổ mồ hôi, khua tung bụi đỏ quân trường, tay cầm cà-men sáng loáng xếp hàng lãnh cơm, những điếu thuốc khẩu phần “ra-xiông C” trong ngày di hành chiến thuật bạn chia với ai, vì bạn không hút thuốc? hay cùng nhau thi đua thể thao giữa các đại đội trong nhà Gym ở trường OCS, mà giờ đây có người đã ra đi vội vã, và bạn nằm yên trên giường bệnh, còn chúng tôi cũng vóc hạc da mồi, chúng ta đã bỏ lại tuổi trẻ sau lưng qúa nhanh, cuộc đời thoảng như một giấc chiêm bao.
     Thôi cũng đã đến lúc để bạn nghỉ ngơi, từ biệt bạn, trả lại bạn căn phòng nhỏ bé này với chiếc bóng của riêng mình, từ lâu cái bắt tay nào cũng luôn là cái bắt tay cuối cùng đối với bạn. Ngoài kia trời vẫn nắng, hoa vẫn tươi và mây vẫn bay, từng đàn hải âu vẫn nhởn nhơ tung cánh ở các bãi biển, hay ở hải đảo nào đó xa xôi, xin khấn nguyện ơn trên ban phước lành cho bạn, những ngày còn lại trong khung trời riêng tư của bạn, như bạn đã từng bước, những bước chân âm thầm đơn độc trong cuộc hành trình bên cạnh chúng tôi.

Tưởng nhớ NGH, OCS5

Nctd
April 20, 2010


No comments:

Post a Comment