Hôm nay đã là 20 tháng 9, chỉ còn hai ngày
nữa là lập thu, vậy mà ở miền nam Cali vẫn còn nóng dễ sợ, có những ngày nóng
trên 100 độ, sáng nay cha con tôi đi sớm hơn thường lệ, vì tôi muốn thằng con
lái xe cho quen đường, để mai mốt nó tự lái đi học một mình, đỡ vất vả và đỡ
mất thì giờ cho vợ chồng tôi, hơn thế nữa lại không phải đưa đi đón về bốn lượt
đỡ tốn xăng, tuy chúng tôi ở không xa như hai bạn Truyền – Dung, nhưng cũng
không gần cho lắm, phục hai ông bà này xát đất, ở cách xa gần 100 dặm mà cuối
tuần nào cũng vẫn chịu khó lái đi học. Đã
gần hai tháng nay kể từ khi con tôi theo học lớp nhiếp ảnh nghệ thuật của Nhiếp
ảnh gia Phí văn Trung, như thường lệ mỗi sáng chủ nhật, tôi hoặc vợ tôi hay đôi
khi cả hai, phải lái xe đưa đón nó, nó đã 19 tuổi đầu, nhưng mấy năm qua nhất
định không chịu thi lấy bằng lái dù đã biết lái, chả bủ hai thằng anh và em nó,
cứ háo hức đòi thi cho bằng được khi vừa đủ tuổi, tôi phải thúc giục mãi nó mới
chịu thi tuần vừa rồi, may mắn thay nó qua ngay lần đầu. Đưa nó đi học thì hơi
cực, vì phải dậy sớm, nhưng cũng phải ráng, bởi nó thích, vả lại môn nhiếp ảnh vừa
là một nghệ thuật, vừa là thú tiêu khiển lành mạnh và sáng tạo, bù lại cũng có
cái vui là lại được gặp mấy ông bạn tri kỷ. Trong lớp nhiếp ảnh này tôi có tới
bốn người bạn thân trong cái nhóm nhỏ Ô-xi-ếch của chúng tôi, một chú em họ và
thằng con, may cũng nhờ hai bạn tôi, nhất là Dung kêu gọi, khuyến khích nhóm tham
dự ngày mãn khóa một của bộ ba Thắng, Truyền-Dung, tôi mới có cơ duyên mở tầm
mắt để khuyến khích thằng con, một công hai chuyện.
Lại thêm một ngày nóng nực, mới chưa 9 giờ
sáng, mà trời đã oi bức quá sức, nắng đã lên rực rỡ và mặt trời như đổ lửa, đứng
chờ cổng mở mới chừng mươi phút, mà tôi đã bắt đầu đổ mồ hôi; nhìn trước, nhìn
sau chưa thấy bóng dáng ông bạn nào tới, tôi lầy điện thoại gọi cho bạn Nam đùa
tí cho vui “Hello chào bạn hiền, sao giờ này chưa thấy bác nào tới, bộ mấy ông
già lại tính rủ nhau cúp-cua sang sở thú hả?”, đầu bên kia Nam cười nhanh nhẩu
“Đâu có, tụi này tới rồi, đang đứng ở góc đường uống cà phê, hút thuốc! Có ly
cà phê cho bác nè, có uống thì chạy lại đây”; “Vậy hả, thế thì tuyệt, từ sáng
tới giờ chưa có ngụm nào, tui lại liền, mà góc nào vậy?”; Nam trả lời “Góc
bên trái nè, đậu chỗ bữa hôm trước mình đứng nói chuyện đó”. Ba chân bốn cẳng
tôi chạy lại góc đường, vưà thấy mặt tôi Nam đi lại xe, mở cửa lấy ly cà phê
nóng cho tôi, tôi hỏi “Còn ly của bác đâu?” Nam trả lời “Mới uống rồi, tui và
Thắng uống cà phê đá, tụi này không uống cà phê nóng”. Gặp bạn bè là thấy mừng
rồi nên đầu óc chẳng nghĩ ngợi gì cả, tôi nhanh nhẹn đỡ ly cà phê trên tay Nam,
nhắp ngay một ngụm nhỏ, chất cà phê sữa nóng ngọt lịm và thơm phức thấm nhanh
vào từng tế bào trong miệng và lưỡi, mùi thơm tỏa ra len lỏi theo từng khe ngách
của khứu giác, lên tới tận trung tâm não bộ, vị chát đắng pha lẫn vị ngọt chảy
xuống thực quản làm tôi thấy dễ chịu cần cổ, sảng khoái tâm hồn, tỉnh hẳn người.
Thật ra những ly cà phê sữa này có thể mua ở bất kỳ quán nào ở khu Sàigòn nhỏ
này, nhưng lạ thay sao tôi cảm thấy nó đậm đà hơn cả những ly expresso hay capuccino
supremo ở các tiệm starbuck, hình như những ly cà phê uống cùng các bạn, dù ở
nhà hay bất cứ chốn nào, nó cũng có thêm cái hưong vị đậm đà, ngọt ngào của
tình bằng hữu. Ba thằng đứng bên lề đường dưới bóng mát của tàng cây Magnolia nhâm
nhi cà phê, hàn huyên tâm sư, chia xẻ
kinh nghiệm chuyện gia đình, con cái, rồi lái qua chuyện đời quân ngũ, chuyện
tù cải tạo, về chuyện tù cải tạo, tôi luôn lặng thinh nghe các bạn kể, trong
lòng thầm khâm phục sức chịu đựng của các bạn, cũng như để chia xẻ những gian
khổ mà một thời các bạn đã phải gánh chịu, riêng tôi chẳng biết do số trời, hay
nhờ hồng phúc Tổ tiên tôi dọt được nên không bị đi tù. Những câu chuyện tưởng
chừng như kéo dài vô tận nếu có thì giờ, chuyển mục lúc nào cũng không ai biết,
cứ như con tầu tốc hành, chuyển từ đường rầy này sang đường rầy khác, không cần
ngừng nghỉ, chẳng ai biết nếu không để ý quan sát. Tôi thầm ao ước mãi mãi có
được những thì giờ cuối tuần nhàn rỗi, để gặp nhau như thế này thường xuyên
hơn; vài phút sau thì Truyền lái xe chờ tới đậu sau xe Nam, Truyền và Dung (phu
nhân Truyền) xuống xe tiến lại phía chúng tôi, Dung nhanh nhẩu “Lại gặp ba ông
anh vui qúa, các anh có khỏe không?” tôi trả lời “Cám ơn chị, cũng bình thường,
chị thấy đó hễ cứ khi nào gặp nhau là
chúng tôi thầy khỏe hẳn ra, tụi tôi chờ anh chị nửa tiếng đồng hồ rồi đó”. Bốn
người chúng tôi bắt tay nhau, liú lo chào hỏi, Nam lên tîếng mời Dung Truyền “Ăn
donut đã rồi hãy vào lớp” Truyền cười đáp “Tụi này uống cà phê và ăn sáng ở nhà
trước khi đi rồi”. Bất chợt tôi thầm nghĩ “Ồ có thể ly cà phê tôi đang uống
đúng ra là phần của Truyền hay Dung, chứ làm gì có cà phê sẵn dữ vậy cho tôi; Cho
dù các bạn tôi đều là những người hào hoa phong nhã, qúy mến bạn bè, nhưng đâu
ai biết sáng nay tôi đi sớm, nấn ná chần chờ ở đây làm gì, để mà mua thêm một
ly, vì thường mọi chủ nhật khác chúng tôi cũng gặp nhưng không có dư thì giờ để
mà trò chuyện, cà phê, cà pháo, chỉ có vừa đủ vài phút chào hỏi, bắt tay nhau
là các bạn phải vào lớp, và tôi ra về. Trong khi đó thì chủ nhật nào cũng có cả
bốn Thắng , Nam , Truyền và Dung gặp nhau ở lớp
này, đúng rồi! không thể sai vào đâu được, đúng là tôi được hưởng ly cà phê cuả
Truyền. Cái nhóm nhỏ sáu gia đình tri kỷ của chúng tôi là thế, cũng chẳng khác
gì các nhóm bè bạn khác ở rải rác khắp đó đây, sống thật lòng với nhau, coi
nhau như anh em một nhà, không ai hơn ai kém, mỗi lúc gặp nhau ở tại nhà của
một trong các gia đình chúng tôi, hay ở quán, các chị luôn nhường phần ngon cho
các đấng phu quân dùng trước, còn các anh thì cũng không kém phần lịch duyệt, nhường
nhịn chia xẻ nhau từng miếng ngon vật lạ, đó là chuyện thường tình, nhưng bây
giờ ở giữa đường giưã chợ, đâu có ly tách sẵn sàng để mà chia với sớt, nên Nam
đưa cho tôi ly cà phê ngay là vì vậy, ưu tiên tới trước “First come, first
serve” mà.
Dư
âm mới hôm nào sáu gia đình chúng tôi cùng nhau đi nghỉ mát ở Yosemity vẫn còn
đó, hình ảnh các chị Chinh, Lan, Oanh, Nguyệt, Dung và hiền thê của tôi chung
vui bên bếp hồng, sửa soạn những bữa ăn chiều thịnh soạn và thật ngon như ở tại
nhà, cho cả nhóm, khiến cho tôi cảm thấy sung sường, hạnh phúc và cảm động vô
cùng. Những hinh ảnh đẹp của ba ngày vui bên nhau tuy ngắn ngủi, nhưng thật khó
quên, những chân tình ấy rất tiếc tôi không có đủ ngôn từ để diễn tả, chỉ mong
ước sao sẽ tiếp tục có được những dịp vui, sống bên nhau trong tương lai trước
khi mặt trời bóng ngả về tây. Chúng tôi từ từ thả bộ trở lại lớp nhiếp ảnh tạm
trú trong thiền viện Sùng Nghiêm, vừa đi vừa chuyện trò vang như pháo nổ ngày
xuân, rồi chia tay các bạn vào lớp, tôi ra về. Trên đường về vừa lái xe, vừa
nhấm nháp từng chút cà phê, cố giữ cho hết chặng đường về nhà, nuốt những ngọt
bùi tình bạn. Sorry bạn Truyền nhe! Chỉ là sự tình cờ tôi đến trước bạn mươi phút,
cũng chỉ tại sáng nay vội đi, nên bà xã chưa kịp pha cà phê; Bây giờ nhờ chị
Dung hôm nay canh chừng đánh thức phu quân khi thấy chàng ngủ gục nhe, hì hì
!!! vì tôi nghe nói có một giảng viên, giọng nói rất trầm đều, khiến cho cả nửa
lớp ngủ gục trong giờ của ông ta, nhất là qúy ông đứng tuổi, trong đó có cả ba
ông bạn tôi, bây giờ lại thêm thằng cháu, nó nghe tiếng Việt không rành, được một
chữ đực, thì đến ba chữ cái có hiểu gì đâu, nên nó cứ phải nhai kẹo chewing gum
liên tục cho khỏi ngủ gục!!
Kể từ ngày ba trong số sáu
người bạn chúng tôi tham gia lớp học cuối tuần, chúng tôi càng ít rủ nhau ra
quán ngồi tán gẫu vào sáng chủ nhật vì không đủ bạn, rảnh rang thì chỉ còn
Hùng, Quốc và tôi. Ngày thứ bẩy thì có vài bạn còn phải đi làm, bắt đầu từ tuần
sau tôi lại càng ít gặp hơn, vì con tôi sẽ tự lái xe đi. Bình thường một ly cà
phê hay một ly rượu không có gì đặc biệt, cà phê nào thì cũng giống nhau, rượu
mua ở đâu thì cũng thế, nhưng ngồi uống cùng bạn bè sao nó thơm ngon, đậm đà và
thi vi hơn nhiều, chả thế mà ông Tú Xương khi xưa đã than “Rượu ngon không có
bạn hiền, không mua không phải không tiền không mua”, đành rằng ông viết chỉ là
trào phúng cho cảnh nghêo của các nhà nho lúc bấy giờ, nhưng quả có nhiều phần
đúng sự thật, không có bạn hiền, ngồi uống một mình, thì rượu có ngon cách mấy
cũng thành nhạt nhẽo, vô vị, không có bạn hiền thì cho dù có giầu có đến đâu, đời
sống cũng kém đi phần nào sinh động và lý thú, nhất là cuộc sống chạy đua trên
xứ Mỹ, xứ sở của vật chất, của mọi thứ tiện ích, cái gì cũng có, cũng dư thừa,
vật chất lẫn tiền bạc, nhưng lại kém về tình người, và nhất là thiếu một thứ mà
hầu như không ai có thể tìm được, cho dù đó là người lao công, hay một nhà tỷ
phú cũng vậy, chỉ hai chữ nhỏ bé và đơn giản “thời gian”, thế mà qúa hiếm, mà
luật tạo hóa từ lúc khai thiên lập địa cho đến nay, có gì thắng nổi thời gian?
Thời gian làm tàn phai mọi thứ, xóa hết mọi dấu tích, biến đổi mọi hình dạng,
vũ trụ còn thay đổi, huống hồ gì con người, làm sao thắng được thời gian! thời
gian là liều thuốc an thần, nhưng cũng là định mệnh khắt khe nhất, một trăm năm
của một đời người tưởng dài, nhưng thực sự không là gì cả với thời gian, bởi
thế người ta thích tìm lại gần nhau, nhiều người bỏ rất nhiều thì giờ để sinh
hoạt, tham gia hội đoàn này, tập thể nọ mong tim được những giây phút chia xẻ,
cảm thông, cho quên đi những mệt nhọc, đè nén, trăn trở hàng ngày; nhưng tìm
đến nhau là một chuyện; thông cảm, tâm đầu ý hiệp lại là chuyện khác, vô cùng
khó khăn. Hội đoàn nào thì cũng có nhiều nhóm, trong từng nhóm lại có những nhóm
nhỏ hơn, cái nhóm nho nhỏ đó vậy mà khó kiếm, tạo dựng; Nhưng nếu đã hình
thành, nó là cái nôi rất gắn bó và gần gũi, ở đó người ta tìm được nguồn yêu
thương, an ủi, chia xẻ và khuyến khích, ở đó không có ghanh tỵ, ghen ghét hay
chia rẽ. cũng không có khinh khi hay kỳ thị, mà là che chở, nhường nhịn, bảo
bọc và tha thứ. Tôi may mắn có được cái nhóm nhỏ đó, cái nhóm “tri kỷ” sáu gia
đình, mới khoảng gần 10 năm nay sau 34 năm dài trên đất Mỹ.
Nói về bạn bè tôi cũng có khá nhiều, đủ
mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần, ở nhiều ngõ ngách khác nhau trong xã hội, từ
những người bạn lính chiến ngày xưa, những người bạn trong trại tỵ nạn ngày
trước, tới những người bạn học mới, nhưng bạn thân như những bạn trong nhóm nhỏ
này chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn phần lớn chỉ là bạn xã giao, cho dù nhiều
người tôi đã quen biết cả hơn 20 năm, gặp thì chào hỏi, uống với nhau 1 ly cà
phê, 1 ly rượu, tụ họp ăn uống, tán gẫu, nhưng phần lớn nghe chuyện trời ơi đất
hỡi, tiền bạc, công danh, nhà cửa, khoe khoang, chê bai, dèm pha, thôi thì đủ
thứ ‘hầm bà lằng, tả pi’ lù’, xong rồi là hết, lâu không gặp cũng chẳng sao,
mạnh ai nấy sống, nhà ai nấy ở, chẳng có gì bận tâm. Những người bạn như vầy dù
có “cụng ly” trăm lần, uống với nhau ngàn ly cũng thế thôi, chẳng có gì lạ. Nói
ra mang tiếng hồ đồ, nhưng qủa thật cũng có thể ví như “Cơm hàng cháo chợ”, không
hơn không kém; không thể nào so sánh với bữa cơm gia đình được, cho dù có thể cơm
gia đình không ngon bằng cơm tiệm, nhưng trong bữa cơm gia đình, nó gói ghém
phần tình cảm bao la, chan chứa những trìu mến, thương yêu, và ý nghĩa của tình
bạn tri kỷ cũng không khác gì một mái gia đình vươn rộng.
Nhóm
nhỏ chúng tôi nằm trong một tập thể tương đối khá lớn, của những người vô hình
chung không hẹn mà gặp, không rủ mà tới, vì thời cuộc run rủi đẩy lên chung một
con tàu, con tàu OCS, cùng chịu chung những vinh nhục và định mệnh trong thời
chiến, nên chúng tôi cùng mang chung một mẫu số. Tuy nhiên tập thể nào thì cũng
có người thế này, kẻ thế nọ, và cũng không thể nào có thể kết hợp một khối to
lớn thường xuyên cùng một lúc được, nhất là ở vào lứa tuổi nhìn tương lai không
còn thấy mộng mơ, mà bắt đầu hoài niệm, nuối tiếc hay quay tìm về dĩ vãng, thì
chuyện tụ thành những nhóm nhỏ là điều tất yếu, tự động những tần số thích hợp
rà tìm đến nhau, như những hấp lực của từ trường, để thỉnh thoảng ngồi bên nhau
chén tạc chén thù, ôn lại những “Ngày xưa Hoàng Thị”, “Nưả đêm ngoài phố”, “Hoa
Biển”, “Đêm Đông”, vân vân và vân vân. Vì chúng tôi hầu hết đã biết nhau kể từ
khi bước chân vào đời quân ngũ, 40 năm trước, ngày ấy chúng tôi đều là những
chàng sinh viên trẻ, chưa hết tuổi học trò đã phải nhập ngũ tòng quân, tám
phương bốn hướng tụ về một mái, một tháng tạm trú, bày tám tháng quân trường, tuổi
trẻ xa nhà, thiếu tình thương gia đình nên dễ cảm thông, tâm đầu ý hợp dễ kết
thân, nhưng lại cũng vô tâm, dễ quên theo giòng thời gian. Nhất là sau khi ra
trường, mỗi người mỗi ngả, đi theo tiếng gọi chẳng phải của con tim, của tình
yêu, nhưng tiếng gọi của chiến trường, lệnh chỉ định trám chỗ nào thì khăn gói
lên đương trám chỗ đó; chiến tranh nào cũng nghiệt ngã, tang tóc, đau thương, sống
nay chết mai, chẳng ai còn có thì giờ để nghĩ đến nhau. Nhưng rồi vỏn vẹn năm
năm sau, cuộc chiến đột ngột kết thúc, bất ngờ!!! Với tôi đó là định mệnh, bạn
bè lại ly tán, nhiều hơn, xa hơn, nhiều người còn sống sót nhưng cũng biệt vô
âm tín từ đó, nhiều bạn bè vĩnh viễn ra đi từ đây.
Những năm đầu sống trên đất Mỹ, thỉnh
thoảng tình cờ gặp nhau trong thoáng chốc, nơi góc phố, trong tiệm ăn, hay chung
một khóa học nào đó, rồi lại biến mất giữa cái xã hội xa lạ và xô bồ này, có
bạn đã lập gia đình, có người độc thân tại chỗ, có bạn vẫn độc thân vui tính, trong
đó có tôi, mỗi người mỗi cuộc sống cá biệt khác nhau trong xã hội mới nhiều trớ
trêu, oai uăm không ít, nói theo danh từ tiếu thì “mạnh ai nấy giữ phần hồn”,
nên thôi hãy để các bạn đã có gia đình được sống trọn vẹn trong cái nôi hạnh
phúc của họ! còn tôi tiếp tục trôi theo giòng thủy triều ca bài “Con thuyền
không bến” cho đến khi tìm được bến vắng yên lành. Rồi sau 20 năm cũng qua
nhanh, phần lớn cuộc sống đã ổn định, những chàng thư sinh ngày nào bắt đầu
bước vào tuổi trung niên, tóc đã pha tiêu, da bắt đầu xếp nếp, may mắn thay cũng
vào thời gian này, văn minh khoa học bước sang một kỷ nguyên mới, thời đại điện
tử, chỉ trong một khoảng thời gian hai thập niên, cuối thế kỷ 20 đã làm thay
đổi hoàn toàn bộ mặt của thế giới, nhân loại đi những đôi hia ngàn dậm, khoa
học điện tử tiếp tục tiến triển không ngừng nghỉ, và nhờ vậy chúng tôi đã tìm
đến bên nhau thật dễ dàng, chỉ trong vòng vài năm, những chàng thủy thủ của con
tầu OCS năm nao, dù rải rác khắp nơi trên thế giới đã có thể liên lạc với nhau,
từng giây từng phút qua những “mạng điện tử”. Tôi quay trở lại nhập đoàn thủy
thủ của con tầu này vào mùa hè 1999 khi tầu ghé bến Hui-Tân, sau những năm dài
vắng bóng. Tuy cùng chung sóng nước, nhưng cũng vẫn cô đơn, vì chưa bắt được
tần số, nên tìm không ra bến, rồi cũng phải trải qua một thời gian nhiều năm nữa
để bạn bè kiểm đîểm trí nhớ, bới moi ký ức, tìm tòi lại những hình ảnh của những
ngày trai trẻ dấu yêu, cuối cùng thì tôi may mắn ghé được bến nhỏ ấm cúng này. Bên
ngoài trời càng lúc càng nắng gắt, xa lộ vắng hẳn xe, phần vì là ngày cuối
tuần, nhưng có lẽ phần lớn là vì bà con hôm nay thi nhau đổ xô ra biển, tôi mở
máy lạnh lớn hơn, những giòng hơi lạnh thổi phất vào người, vào mặt làm tôi cảm
thấy dễ chịu, mát rượi, thả xe chạy vừa đủ tốc độ, để đầu óc bớt căng thẳng,
thảnh thơi hơn, nâng ly cà phê còn hơi ấm nhắp một ngụm nhỏ, hãm lại ở cuối
lưỡi, để nó từ từ thấm xuống, vừa đủ để cảm nhận một giòng thơm dịu ngọt, phảng
phất chất đắng cà phê quanh quánh phết trong vành thực quản, bất chợt tôi mỉm
cười tự nhủ thầm, không biết giờ này trong giấc ngủ chập chờn, các bạn tôi đã “chụp”
được bao nhiêu tấm hình những nàng tiên kiều diễm rồi nhỉ!!
Nctd
Ngày lập thu, 9-2009
No comments:
Post a Comment