Thursday, November 29, 2018

Phòng Mạch Bác Sĩ Việt



        Gần đây tôi phải đưa mẹ tôi đi Bác Sĩ trong cộng đồng người Việt quận Cam. Bước chân vào phòng mạch tôi dắt mẹ tôi tới ngồi nơi ghế chờ đợi xong xuôi rồi tôi bước tới quầy ghi tên vào sổ bệnh nhân hiện diện, một nhân viên phái nữ khoảng tuổi trung tuần ngồi sau quầy ngước lên nhìn tôi cất tiếng tuy không vui vẻ niềm nở cho lắm nhưng cũng đủ lịch sự: “Chào BácBác có hẹn không”? Tôi đáp với chút nhấn mạnh hai chữ đầu “Mẹ tôi có hẹn” như một lời nhắc khéo trước “bệnh nhân là mẹ tôi” vừa chỉ tay về phía mẹ tôi ngồi cho nhân viên nhìn thấy, bà nhân viên hướng về phía mẹ tôi nói lớn “Bác ơi cho con mượn cái ID và thẻ Y tế của Bác!” Tôi vội quay mặt đi chỗ khác để che giấu nỗi thất vọng và hơi chút bực mình. Vâng! đây không phải là lần đầu tiên, cũng không chỉ ở nơi này tôi nghe cách xưng hô như vậy của các nhân viên phòng y tế người Việt, cũng không chỉ riêng những người trẻ trưởng thành trên quê hương mới này, mà kể cả những người lớn 40, 50 tuổi ngoài cũng vậy, nhiều người chỉ nhìn cử chỉ và cung cách đối xử giữa nhân viên với nhau cũng biết họ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam; chắc hẳn ở lứa tuổi này không ai có thể quên được tập tục của người Việt không cho phép xưng hô như vậy; Nếu đã gọi con là chú, bác, cô, dì thì phải kêu cha mẹ họ tối thiểu cũng là “ông hay bà” một cách thật xã giao bâng quơ, chứ không thể xưng hô ngang "cá mè một lứa" như thế được. Mặt khác trong xã hội VN nửa thế kỷ trước những người già trên 70, 80 đã được gọi là “cụ” rồi chứ ít ai gọi là ông hay bà, trong khi bà cụ tôi chỉ nhìn vóc dáng lụm khụm bề ngoài cũng nhận ra là cụ đã già lắm, mà nhân viên khi hỏi bệnh nhân để kiểm chứng lý lịch đều biết tuổi bệnh nhân, chắc hẳn hơn cả tuổi ông bà nội ngoại của chính cá nhân họ rồi, bởi thật ra có bao nhiêu người còn sống được đến cái tuổi 98 này; tôi không hiểu họ có bao giờ gọi tiếng “ông, bà” ngay trong gia đình họ! Chính vì vậy đôi khi tôi phải dùng tiếng Anh trả lời họ với ước mong họ cũng nói tiếng Anh “You and I” lại cho dễ nghe và chẳng có gì tôi phải phàn nàn, chứ ngôn ngữ kiểu gì mà con cũng Bác, mẹ cũng Bác, đúng là thứ ngôn ngữ mất gốc dùng tra tấn cái lỗ tai người nghe, chứ không phải là ngôn ngữ Việt của một nền văn hóa với một lịch sử lâu dài, và một xã hội có tôn ti trật tự mà Tổ tiên đã bao đời gìn giữ!

     Một điểm khác không kém phần quan trọng là phong cách phục vụ bệnh nhân cũng như thời gian chờ đợi ở phòng mạch; khác hẳn với các phòng mạch trong tổ hợp y tế Mỹ mà tôi đã xử dụng hơn ba chục năm qua, nhân viên cũng như y tá rất niềm nở, nhã nhặn và lịch sự, không bao giờ thiếu nụ cười trên môi dù ai cũng biết đó là những nụ cười thương mại nụ cười giữ khách giữ việc, nhưng vẫn tốt hơn là những khuôn mặt khó đăm đăm hay những ánh mắt tẻ nhạt nhìn bệnh nhân, và thời gian chờ đợi ở phòng mạch trong tổ hợp bản xứ thường không qúa 15 phút, ngoại trừ các bác sĩ chuyên khoa đôi khi lâu hơn một chút, nhưng thường y tá sẽ ra báo cho bệnh nhân biết trong những trường hợp đặc biệt này; Tuy vậy không phải trong các tổ hợp này không có Bác Sĩ hay nhân viên gốc Việt, nhưng bởi vì họ được huấn luyện theo phương thức của xã hội văn minh với một cái nhìn thực tế hơn: “Tiền lương của qúy vị tùy thuộc vào số bệnh nhân mà qúy vị đang và sẽ phục vụ”! Còn mỗi lần tôi đưa mẹ tôi đi phòng mạch Bác Sĩ Việt thời gian chờ đợi thường không dưới 30 phút trở lên và một điều cũng thật lạ xảy ra đã nhiều lần ngay trước mắt tôi, rất dễ nhận là nhiều bệnh nhân vào sau chỉ chờ có 5, 10 phút là đã được gọi vào khám trước! Tôi không thể tìm được một lý do thích đáng hợp lý nào để biện minh cho những trường hợp này, nếu nói là họ có hẹn trước giờ mẹ tôi nhưng họ đến sau và đã qúa giờ hẹn của mẹ tôi thì họ phải chờ sau mẹ tôi, cớ sao nhân viên lại cho họ vào trước, lẽ cố nhiên tôi có quyền vặn hỏi nhưng tôi nghĩ chuyện không đáng để tôi phải tranh luận tay đôi với họ, thôi thì lần sau tìm BS khác cho xong. Tuy tôi cũng đã nghe nhiều người nói nhưng không dám chắc là đúng hay sai, không hiểu có phải vì họ có bảo hiểm tư tốt hơn hay là bà con thân nhân nên được ưu tiên hơn những bệnh nhân dùng thẻ trợ giúp y tế tiểu bang chăng? Chứ thật tình mỗi lần đưa mẹ tôi đi Bác Sĩ và nhìn thấy cảnh này tôi lại chợt nhớ lại vụ Xì-căng-đan y tế trong cộng đồng người Việt tỵ nạn quận Cam hồi đầu thập niên 1980, nhưng tôi hy vọng rằng sẽ không có vụ Xì-căng-đan y tế nào khác nữa trong tương lai, nhất là trên phương diện nhân quyền và bình đẳng giữa bệnh nhân!

Nctd

Đầu Đông 2018

   

No comments:

Post a Comment