Tuesday, November 6, 2018

Con cái và Cha Mẹ già



     Các cụ ngày xưa có câu “Cha mẹ nuôi con như trời như biển; Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày”, câu nói hàm chứa đầy trách móc và đắng cay của các bậc cha mẹ trong tuổi già bóng xế, câu châm ngôn đó đã có từ thời buổi xa xưa khi con người còn chưa đến nỗi phải chạy đua với thời gian và vật lộn với những nhu cầu vật chất trong cuộc sống quá nhiều như thời nay, đã cho thấy có những khó khăn lớn lao khi phải săn sóc cha mẹ già. Vì thế so sánh nuôi con và nuôi cha mẹ chẳng khác nào so sánh ban ngày và ban đêm vì nuôi con cái khi còn nhỏ là một niềm hạnh phúc tràn trề đầy phấn khởi, ngoài việc trẻ thơ mang đến cho gia đình những nụ cười tươi vui thoải mái khi cha mẹ mệt mỏi vất vả, nó còn là nụ hoa xuân chớm nở từ một tình yêu nồng thắm được ấp ủ từ khi kết hôn, hoặc nó là sợi dây liên kết ràng buộc giữa tình nghiã vợ chồng ngày thêm bền vững; Cũng chính vì thế chỉ thấy người ta tới viện mồ côi xin trẻ con về nuôi chứ có thấy ai vào viện dưỡng lão nhận nuôi mấy ông bà già bao giờ! Bởi thế không lạ lùng gì khi mà hàng ngày ta nghe chẳng thiếu những tranh chấp giữa anh chị em trong gia đình có cha mẹ già, vấn đề tranh cãi và đun đẩy cho nhau xẩy ra nhan nhản chung quanh, thậm chí còn có kẻ thiếu lương tâm ngược đãi cha mẹ già là đằng khác. Trong số những người ông quen biết cũng có hai gia đình vợ chồng họ còn đi làm cả, và hai bà là con gái út trong gia đình khá đông anh chị em, nhưng cả hai bà đều phải trông nom săn sóc mẹ gìa, vì các anh các chị không ai chịu nhận đẩy bà cụ cho cô em út viện cớ “Mẹ thương cô mẹ thích ở với cô”, chỉ tội nghiệp hai ông chồng “há miệng mắc quai” nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

     Ngay chính bản thân ông cũng vậy hiện tại vợ chồng ông cũng đang trông nom mẹ già, cụ sống với vợ chồng ông đã gần 30 năm qua từ ngày cụ sang đoàn tụ gia đình, cụ tương đối còn khỏe mạnh so với số tuổi chỉ còn non hai năm nữa là gói tròn thế kỷ, ông thương mẹ nhưng đôi lúc cũng không thể không khỏi cằn nhằn mẹ, bởi dẫu sao ông và cụ vẫn là hai cá thể riêng biệt tính tình khác hẳn nhau, và thông thường theo bản chất tự nhiên càng về già thì càng có nhiều mặc cảm, cái mặc cảm sống thừa thãi và vô dụng, phải sống nhờ vào con cái bị con cái coi thường, nên tính tình đôi khi hơi “chướng”; May mà bà cụ bản chất hiền lành và ít nói bằng không chắc ông cũng phát khùng phát điên mất; Cụ chưa phải ngồi xe lăn hay nằm một chỗ, và tinh thần cụ còn minh mẫn chưa lú lẩn, những người quen biết thường hay nói “Cụ thật có phước với từng tuổi ấy mà còn minh mẫn và khỏe mạnh”! Quả thật mẹ ông có phước vì cụ không phải vào sống trong “Viện dưỡng lão” (Nursing home) hay nằm ở  “Tịnh dưỡng viện” (Hospice); Ở nhà cụ còn thấy người thân chung quanh ra vào hàng ngày còn có chút niềm vui, không phải cô đơn giữa các cụ gìa xa lạ nói đủ thứ tiếng, dần dà trở nên mất trí là điều khó tránh như nhiều cụ khác. Nhưng thật sự cá nhân ông cũng không biết mình có phước hay không bởi chính ông cũng đang trong tuổi “Thất thập cổ lai hy” chẳng khỏe mạnh gì, ra vào nhà thương và gặp Bác Sĩ nhiều hơn gặp chính người thân thích, vợ ông thì còn phải đi làm vì chưa tới tuổi về hưu, chỉ có mẹ già và mình ông quanh quẩn trông nom ở nhà. Giả thử cụ nằm liệt một chỗ thì cụ được vào viện tịnh dưỡng, ông sẽ nhẹ gánh thoải mái, tâm hồn thư thái muốn đi đâu thì đi lúc nào cũng được nhưng cụ sẽ khổ, một hai ngày vào thăm một lần chắc chắn tình thương qua cửa miệng sẽ tăng hơn nhiều “Xa thương gần thường” là thế.

     Tuy không phải hầu hạ cụ 24 giờ một ngày nhưng mỗi ngày ba buổi chờ giờ lo cơm nước, hay phải để mắt canh chừng xem cụ đi đâu có té ngã không, hoặc hướng dẫn cụ điều gì cụ chẳng nghe cụ cứ làm theo ý cụ lối  sống ở Việt Nam, chỉ thế cũng đủ mệt và tinh thần căng thẳng nặng chiũ rồi, chưa kể nhiều khi tới giờ ăn hỏi cụ thì  cụ “còn no”, nhất là đôi khi muốn đi nghỉ hè hay đi chơi xa vài ngày là gặp khó khăn sắp xếp bởi còn tùy thuộc vào gia đình những người em có thì giờ trông nom cụ không? Ông không có chị em gái, nhưng nếu có không biết ông có đùn cho họ như những người khác hay không! Ông chỉ có mấy anh em trai đều ở Mỹ, ông chẳng là anh cả cũng không phải em út, nhưng vì gia đình những người em mỗi người đều có “lý do riêng” để tránh, vợ chồng ông ở thế chẳng đặng đừng đành phải chịu, thôi thì tự an ủi làm hết bổn phận làm con cho trọn một đời. Bởi thế ông thương vợ ông là nàng dâu mà phải đặt vào địa vị của người con gái út!!! Càng thương hơn nữa cái đức tính hiền thục và hiếu thảo hơn người, bà chưa bao giờ to tiếng hay thốt ra những lời vô lễ “của nợ” để ám chỉ mẹ chồng, hoặc bù lu bù loa cãi lộn làm gia đình xào sáo, cũng chẳng khôn ngoan lanh lợi tìm lời khôn khéo ngọt ngào trốn tránh trách nhiệm như cuộc đời ông đã chứng kiến! Qua những bài học và kinh nghiệm bản thân ông cố gắng sắp xếp để tránh cho vợ chồng ông và gia đình các con cái khỏi vào lăn vào những vết xe nghịch cảnh cuộc đời đã vẽ! Vẫn biết “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” nhưng cứ sắp xếp và hy vọng vậy.

Nuôi con cực khổ trăm điều
Chăm cha dưỡng mẹ cũng nhiều gian truân
Trẻ thơ như nụ đầu xuân
Người già cằn cỗi như cành đông khô
Người ta nuôi trẻ mồ côi
Ai vào dưỡng lão nhận nuôi bao giờ
Công lao như nước xuôi dòng
Đừng trông nước chẩy ngược dòng luân lưu

Nctd
Cali, Thu 2018

No comments:

Post a Comment