Tôi chọn phòng thử máu này trước hết vì nó
gần nhà chỉ cách khoảng hơn dặm hay non hai cây số để tôi có thể đi bộ tới một
cách dễ dàng, thứ hai phòng thử ở trong Chẩn Y Viện mới xây cất khoảng hơn năm đẹp
đẽ khang trang, nằm trong khu thương mại cũng vừa mới thành lập được ba năm, và
vẫn đang tiếp tục phát triển trên những phần đất hoang còn lại; Buớc vào trong
toà nhà tôi lần theo khu hành lang rộng trang hoàng đẹp mắt với nhiều quầy ngăn,
tiếp đón bệnh nhân của các Bác Sĩ chuyên khoa khác nhau, đến phòng chờ đợi lấy
máu của một công ty dịch vụ lớn bản xứ tôi đã chọn từ nhiều năm qua. Sau khi tự
ghi tên hiện diện vào hệ thống điện toán vợ chồng tôi ngồi ghế chờ, ngước nhìn
lên màn ảnh thông tin nơi góc phòng chúng tôi là bệnh nhân thứ năm và sáu sẽ đến
lượt trong vòng 12 tới 15 phút, trong phòng đã có năm sáu thân chủ chờ sẵn, tôi
luôn cẩn thận làm hẹn từ vài tuần trước dù văn phòng có nhận bệnh nhân đến không
cần hẹn, vài phút sau một cô y tá da trắng hiện ra phía sau quầy tiếp khách gọi
một bệnh nhân vào, gương mặt cô lạnh lùng không một thoáng vui tươi, tiếp đến một
bà y tá người Á Đông mở cửa gọi người kế tiếp, nét mặt bà cũng giống cô trước
không có gì là niềm nở. Kinh nghiệm đi thử máu nhiều lần tại nhiều địa điểm khác nhau trong những năm qua cho tôi một
nhận xét tương tự là hầu hết các nhân viên phụ trách các nơi lấy máu đều không được
vui theo như tiêu chuẩn phục vụ thân chủ, nếu không muốn nói là căng thẳng, không
giống những Y tá ở các phòng mạch Bác Sĩ hay nhà thương họ niềm nở tươi cười, và
ăn nói rất lịch sự nhã nhặn với bệnh nhân, tôi không hiểu lý do tại sao có sự
khác biệt này! Sau khi ngồi chờ khoảng 10 phút đến lượt bà xã tôi được gọi vào,
dăm phút trôi qua bà xã tôi trở ra ngoắc tôi và nói cô y tá gọi đến phiên tôi vào,
trên màn ảnh bệnh nhân thử máu tên tôi cũng đã được lấy ra khỏi danh sách chờ đợi
và người kế đun lên hàng đầu, tôi mở cửa bước vào giữa hành lang trống rỗng không
thấy bóng dáng y tá nào đợi tiếp tôi, tôi cũng không biết phòng nào để vào, chợt
xuất hiện cô y tá da trắng lúc nãy bước ra từ một phòng thấy tôi đứng xớ rớ cô
ta hỏi trống “Ông cần gì?”; “Có một nhân viên bảo đến lượt tôi vào!” tôi đáp; Thay
vì như ở các trung tâm y tế bình thường cô ta phải đi hỏi những y tá có mặt xem
có ai gọi tôi không, mà vỏn vẹn chỉ có ba cô y tá làm việc sáng nay kể luôn cô,
nhưng không cô vẫn đứng nguyên tại chỗ đáp ngay với giọng lạnh lùng “Không có
ai gọi ông cả”! Tôi đành quay trở ra ngồi chờ tiếp, vợ tôi hỏi sao lại ra tôi nói
“Có thấy ai đón đâu”? vợ tôi nói mau “Momy bảo bố vào phòng số 3 mà, có cô y tá
người Việt chờ”; “Anh có nghe em nói gì đâu” tôi trả lời và tiếp “Em biết anh đâu
có thính tai mà nói gió với nói hiệu thì bố ai mà nghe”! Chưa đầy phút sau cô y
tá người Việt vừa lấy máu cho bà xã tôi mở cửa gọi tôi vào, cô khoảng độ ba mấy
bốn mươi người thấp bé, cũng vậy vẻ mặt cô thản nhiên không một lời chào, qua
khỏi cửa cô le te đi trước nói vọng lại “Chú vào phòng số ba”, tôi bước theo
sau vào trong phòng, cô tới ngay máy điện toán chăm chú đánh dữ kiện vào bản chữ
để mở hồ sơ tôi, chẳng cần quay mặt lại cô hỏi một câu gì đó, cô nói quá nhỏ và
quá nhẹ tôi không nghe rõ, cũng chả biết cô nói tiếng Việt hay tiếng Anh, nhưng
tôi chắc cô nói tiếng Việt vì cô biết tôi là người Việt, không thấy tôi trả lời
cô quay đầu lại nhìn tôi hỏi lí nhí lần nữa tôi nghe tiếng còn tiếng mất không
biết cô nói gì, nhưng vốn đã quen với những thủ tục đầu tiên khi bước chân vào
phòng y tế các nhân viên y tá luôn hỏi lý lịch bệnh nhân để kiểm chứng với những
dữ kiện trong kho lưu trữ điện toán xem có đúng hay không, tôi nói luôn một lèo
họ tên cùng ngày sinh tháng đẻ, cô lại dán mắt vào màn ảnh hỏi tiếp một câu gì đó
mà tôi nghe có âm “iii..” ở cuối câu, tôi vội nghĩ đã có họ có tên, có ngày
sinh tháng đẻ thì kế tiếp là địa chỉ, tôi đọc luôn địa chỉ của tôi, cô cũng đánh
bản chữ ghi vào máy, rồi cô quay lại chỉ tôi ngồi ghế để đo áp suất huyết, rồi lên
bàn cân tôi dạ vâng rất nhã nhặn lịch sự như một lời nhắc khéo xin cô ăn nói cho
dễ nghe vui vẻ một chút, làm gì mà khó đăm đăm như thế; không phải tôi thích thú
gì những lời ngọt ngào chót lưỡi đầu môi bâng quơ nhưng ít ra người Y tá phải
biết tôn trọng bệnh nhân thì bệnh nhân mới tôn trọng họ lại được, hơn nữa cô phải
hiểu rằng cô làm việc cho quyền lợi của chính cá nhân mình trước, kế đến là công
ty cô làm việc chứ không phải cô làm bố thí cho người khác, vì bệnh nhân có bảo
hiểm trả tiền dịch vụ mà họ thụ hưởng.
Khi đo vòng bụng cô bảo tôi “vòng bụng chú
nhỏ hơn vòng bụng cô” ý chỉ bà xã tôi, tôi nghĩ bụng “chắc bệnh nhân của cô toàn
là những thân chủ trung thành hoặc cổ đông lớn của mấy hãng bia hơi hoặc bia ôm
hay sao” chứ “bụng tôi sao sánh được với bụng gái xề”, nhưng đâu dám nói ra, tôi
nói vui để cô đừng nghĩ những người tới thử máu toàn những người bệnh tật tính
tình khô cằn như sỏi đá “Bụng tôi làm sao sánh được với qúy bà đã sanh vài ba lưá”!
Trong khi cô làm phận sự tôi cất tiếng thăm hỏi vài câu xã giao cho không khí đỡ
căng thẳng ngột ngạt, chứ thật ra cô có nói gì đi nữa tôi cũng chẳng nghe được
trọn câu, tiếp theo cô hỏi tôi một câu gì đó mà tôi nghe dường như là “Chú có làm hẹn phải không?” tôi đáp “Có tôi lấy
hẹn từ vài tuần trước qua mạng điện tử”, trả lời xong tôi mới thấy hình như đó
không phải là câu cô muốn hỏi bởi nó không ăn nhằm ăn nhò gì tới vấn đề cô đang
làm hoặc sẽ làm; tôi nhìn cô yên lặng chờ đợi cô lập lại câu hỏi, cô vẫn một âm
điệu thật nhỏ và nhanh không hề thay đổi, trái hẳn khi tôi đến các phòng mạch
chỉ có nhân viên nói tiếng Anh, khi thấy tôi trả lời không đúng hoặc tôi chăm
chú lắng nghe thì các cô nói chậm rãi, lớn hơn và rõ ràng cho tôi nghe dễ, cô
tiếp tục hỏi tôi phải cố tâm chú ý lần này thì tôi nghe câu hỏi “Chú đã ăn sáng
chưa?” tôi đáp “Ăn rồi vì thử nghiệm này không đòi hỏi ăn kiêng”, thì ra câu vừa
rồi cô hỏi chính là câu lúc nãy chứ không phải cô hỏi tôi có hẹn hay không! cô nói
tiếp “Chú cho con mượn ID” tôi móc ví lấy bằng lái xe đưa cho cô, lại một lần nữa tôi chợt nghĩ đây chính là câu thứ ba mà
cô hỏi tôi chứ không phải hỏi địa chỉ như tôi đoán bởi chữ “ID” và “địa chỉ” mà
chính tai tôi đã lầm.
Thủ tục giấy tờ xong xuôi cô bắt đầu
sửa soạn cho việc lấy máu, cô chích mũi kim vào gân máu cánh tay tôi giật nẩy mình
một phản xạ tự nhiên của tôi bất cứ lúc nào dù chích ngừa hay lấy máu, và cũng
rất thường tình ở các phòng mạch Bác Sĩ các y tá đều nói lời xin lỗi dù chỉ là
bâng quơ vô nghiã, phải chăng “I’m sorry!” nhẹ nhàng dễ nói hơn là “Tôi xin lỗi!”
vì thật ra cô có làm lỗi gì đâu mà xin! Lấy máu xong cô dán cái nhãn tên ngày
sinh bệnh nhân và loại thí nghiệm vào ống máu rồi đưa trước mắt cho tôi kiểm chứng
xem có đúng không, luôn cả tờ giấy chứng nhận bệnh nhân đã thử máu. Xong xuôi cô
bảo tôi “Chú đã xong”, tôi nghe rõ ràng như thế và không thấy cô mấp máy đôi môi
thêm câu gì nữa. Tôi chào cô không quên chúc cô một ngày vui rồi mở cửa ra về,
ra tới xe chuẩn bị đề máy chợt điện thoại cầm tay reo vang, mở lên thấy số lạ định
cúp nhưng thử nghe có giọng thiếu nữ nói
nhanh “Chú ơi chú quên ký tên”, một chút thắc mắc chưa chắc chắn là ai tôi hỏi lại “Có phải phòng thử máu không?”
“Dạ phải, chú vào ký tên cho con”; Vâng tôi vào
ngay! Tôi trở vào ký cho xong thủ tục.
Bình
thường tôi không có trở ngại gì với các nhân viên Mỹ hay ngoại quốc vì với họ
khi tiếp chuyện thì mặt đối mặt, mắt nhìn mắt dễ hiểu
dễ nghe, gặp bệnh nhân lớn tuổi họ nói chậm rãi và chú ý lắng nghe nhưng nhân
viên người Việt mỉnh thì không! Tôi không giận hay trách móc gì cô bởi đây không phải lần đầu tôi gặp nhân viên thử máu cùng
nói chung một thứ tiếng mà chỉ tự nhủ thầm đối thoại bằng tiếng mẹ đẻ mà
cũng khó khăn ghê nhỉ và càng thắc mắc hơn nữa là công việc ở phòng thử máu trông
đâu có gì khó khăn hay nặng nhọc mà sao những nụ cười biến mất trên đôi môi!
Nctd
Tháng 11, 2018
No comments:
Post a Comment