Lão ngước mắt nhìn đồng hồ treo trên
tường đã gần bốn giờ chiều, giờ này người phát thư đã bỏ xong khu
xóm
lão ở, ngoài trời ánh
nắng trưa còn ấm áp đủ làm dịu bớt cái lạnh mùa đông, lão
vớ cái áo choàng ngắn vội khoác vào người rồi
mở cửa rảo bước ra trước nhà, mở hộp thư vơ trọn một nắm cả thư lẫn
mớ giấy lộn quảng cáo mang vào; Tuy vậy vài làn gió lạnh vẫn luồn
qua kẽ áo, len vào cổ vào người làm lão rùng mình,
mùa này ít khi lão bước ra
khỏi nhà trừ khi đi bộ mỗi ngày, hoặc có công việc hay chợ búa mới
đi, còn vườn tược cũng đành để mặc cho cỏ hoang ngập lối, nhưng có
đi bộ lão cũng phải chờ tới 9-10 giờ sáng mặt trời leo tuốt đỉnh ngọn thông mới dám mò đi. Khoảng 5, 6 năm nay cứ vào Đông là hai bàn tay và
hai bàn chân lúc nào cũng lạnh cóng, suốt ngày đêm luôn phải mang vớ
thật dầy, găng tay chạy pin mà vẫn lạnh, lão thầm phục mấy ông bạn
già đã vào tuổi “Thất thập cổ lai hy” mà vẫn còn đóng đô vùng biển
hồ Chicago, hay miền đông bắc tuyết phủ ngập đầu, chứ lão mà còn ở
lại cái “thành phố gió” ấy thì chắc đã chết cóng từ lâu.
Lật qua lật lại mớ thư toàn quảng cáo trừ một lá làm lão chú ý, gởi từ nhà xuất
bản lớn có tiếng lâu đời, phổ biến rộng rãi cỡ nào thì thật tình
lão không biết, vì thường chỉ thấy sách xuất hiện trong thư viện chứ
không thấy bán ở những nhà sách, giá cả bao nhiêu lão cũng không rành
và cũng chẳng thấy ma nào mua, họa may chỉ có những người có tên
trong đó mua mà thôi, bởi nó không phải loại tự điển thông dụng, không
phải sách cho công chúng đọc để tìm hiểu, trau dồi kiến thức hay những
loại truyện trinh thám, kiếm hiệp, hoặc tiểu thuyết mấy ông già, bà
già tìm đọc đốt thời gian cho khỏi bị lãng trí, vừa đỡ nhàn rỗi để
mấy ông khỏi chui vào khu này tạt ngang xóm nọ, tranh luận ỏm tỏi về
những chuyện đâu đâu trên trời dưới biển, ai cũng cho là mình đúng,
chẳng ai nhận mình sai.
Nhìn lá thư lão nhớ lại 25 năm về trước năm 1993-94 gì đó lão không nhớ rõ, cũng nhà xuất
bản này chẳng hiểu từ đâu moi ra tên lão có cả địa chỉ và ít lý
lịch cá nhân, yêu cầu lão xác nhận lý lịch bổ túc thiếu sót và
thành quả nếu có, nội dung cho hay là Ban Biên Tập đang duyệt và xem
xét dự án sách năm đó để có thể đưa tên lão vào ấn bản. Thú thật lão
thầm nghĩ lão chỉ là một người bình thường trong số 260 triệu công
dân Hoa Kỳ ngày ấy, cũng không phải là người có tài năng hay xảo
thuật đặc biệt, lão không hoạt động chính trị, cũng không có địa vị
trong xã hội hay chính trường, vô danh tiểu tốt ngay cả trong đám bạn
bè cùng trang lứa cùng thế hệ, thì lý do gì để lão đứng tên hay
sánh vai cùng với những nhân vật tiếng tăm, nổi danh ở mọi sinh hoạt
trong xã hội Mỹ. Một mảnh bằng bốn năm Đại học gia đình nào chả
có, một chứng từ sáng chế “Van Tự Chỉnh Áp Suất Khí Cao”, trong số trên 5 triệu bằng đã cấp đủ
loại nằm trong cơ quan sáng chế Hoa Kỳ và Cộng Đồng chung Châu Âu thì
có gì đáng kể! Nhưng lão nghĩ chẳng mất mát gì họ yêu cầu thì mình
nên lịch sự đáp lại cho đúng phép, lão ký tên rồi gởi; Vài tuần lễ
sau lão nhận lá thư thứ hai với lời lẽ đầu tiên chúc mừng lão được
chọn vào ấn bản, và những tin tức về phát hành năm ấy, v.v... danh
dự mà nói trong lòng lão cũng cảm thấy khoan khoái vui mừng chứ nói không thì đúng là giả
dối, đọc lần mò đến cuối thư có giòng ghi số lượng sách đặt mua. Lẽ
cố nhiên “Có thực mới vực được đạo” ai cũng vậy nói chi những cơ sở
doanh thương, họ cần phải có tiền để trả lương nhân viên và hàng vạn những phí tổn khác! Nhưng thâm tâm lão cảm thấy
hơi kỳ kỳ,
bỏ tiền đặt hàng có khác gì tự mình đăng quảng
cáo cho chính mình có gì hay ho, người hiểu biết họ sẽ chê cười cho
thúi mũi! Nếu quả thật nhà xuất bản thấy lão đáng được để tên
trong đó theo tiêu chuẩn của họ thì họ cứ việc làm, lão sẵn sàng
mua ủng hộ sau khi sách ấn hành; Lão bèn ghi con số “0” rồi gởi đi, theo
lão đó chỉ là kỹ thuật chiêu dụ khách hàng của các công ty thương
mại mà thôi, có thể họ gởi cho cả hàng ngàn hàng vạn người khác
nữa ai biết, đâu phải chỉ một số người; Họ chẳng dại gì để tên lão
vào cả, bởi trong xã hội này có rất nhiều người sẵn sàng không
những mua mà còn tặng thêm nữa là đằng khác! Vả lại thời gian ấy tinh
thần lão còn mải mê tập trung vào nỗ lực xây dựng gia đình, để mấy thằng nhỏ có một đời sống
căn bản ổn định, và dành dụm tiền bạc lo tương lai của chúng nên mọi vấn đề
khác lão bỏ qua một bên.
Thời gian tiếp
tục trôi qua, một ngày cuối tuần đẹp trời gần cuối năm, lão đưa vợ
con đi Thương xá Biển Nam (South Coast Plaza) mua qùa Giáng Sinh cho sắp
nhỏ, tình cờ gặp vợ chồng anh bạn đã lâu không gặp, tay bắt mặt
mừng chuyện trò thăm hỏi lung tung một lúc, rồi như sực nhớ ra điều
gì anh bạn hỏi “À ông Z! Năm ngoái tôi thấy có tên ông trong cuốn “Người
trên Xứ Lạ”(*), ông có thành tích gì mà họ in tên ông vào vậy”?
Lão rất đỗi ngạc
nhiên và cũng không ngờ nhà xuất
bản cho in tên lão, bởi lão nghĩ dưới con mắt của những nhà làm thương
mại không những lão vô danh lại bủn xỉn thì xin mời đi chỗ khác chơi
cho lẹ! Lão thành thật hỏi lại: “Có thật vậy không mà sao ông biết?”, anh bạn nói có thằng bạn
Luật Sư tên được đăng trong đó, chàng này có tiếng tại tòa vì biện
hộ cho những thân chủ nghèo không lấy thù lao; Người bạn tò mò hỏi
lại “Còn trường hợp của ông?” Lão đáp: “Có thành tích gì đâu, vẫn
làm công như bình thường, hãng cũ công việc cũ chẳng có gì thay đổi”;
Lão tiếp luôn “Có thể nào họ bốc thăm mỗi cộng đồng vài người để cho sách thể hiện sự hợp chủng và đa dạng chăng!”
Anh bạn không chịu quău con mắt “Ông nói chi lạ phải có cái gì chứ!?”
Lão cười “Thật mà!” rồi kể đầu đuôi lá thư cho bạn nghe lão tiếp “Chắc
là tôi may mắn trúng số đề!”.
Trong lòng lão
thầm cám ơn nhà xuất bản, nhưng thành tâm mà nói lão chẳng thấy gì vui
sướng hơn vì bên cạnh đã có người vợ hiền lành thật thà và mấy
thằng con kháu khỉnh. Tên có in trong sách cũng không đem đến một chút
ảnh hưởng hay danh tiếng, lợi ích thiết thực nào trong đời sống, công
việc vẫn vậy, lương lậu vẫn dậm chân tại chỗ vì nền kinh tế thế
giới đang hồi suy sụp, lão phân vân chẳng hiểu nhà xuất bản sao lại
để tên lão vào, hay “Chó ngáp phải ruồi” cái khung cuối cùng trong
khuôn còn trống, vào giây phút chót khi bản in chực chờ lên máy, người
quản lý thấy cái tên lão ngồ ngộ bèn lấy nhét đại vào cho xong kẻo
trễ giờ phát hành, e bị xếp lớn cho nghỉ việc thì nguy. Mua qùa cho
con xong, chia tay vợ chồng anh bạn, lão dẫn con lần dọc theo hành lang
thương xá ghé vào nhà sách gần đấy, cũng muốn chính mắt mình nhìn
xem họ in ra sao, và nếu giá phải chăng thì mua một cuốn ủng hộ, luôn
thể giữ làm kỷ niệm cho vui nhưng nhà sách không có; Rồi cuộc sống
bận bịu bù đầu ngày này qua tháng khác lần lượt qua nhanh, Xuân Hạ
Thu Đông bốn mùa tiếp tục nối đuôi như trẻ em rước đèn
Trung Thu, lão cũng quên
luôn chẳng hề nghĩ tới.
Sau bữa cơm
chiều lão mở lá thư ra đọc, cũng như lần trước nhà xuất bản yêu cầu
kiểm chứng và bổ túc lai lịch. Lão tự hỏi sau một phần tư thế kỷ đã
trôi qua, ngày nay dân số Hoa Kỳ lên đến 330 triệu tức 70 triệu người
hơn xưa, hằng hà sa số nhân tài sách vở nào in cho xuể. Riêng cộng
đồng người Việt nhỏ nhoi cũng đã có biết bao nhiêu Thạc Sĩ, Tiến Sĩ, Giảng sư Đại học, Bác Sĩ nhan nhản, Khoa Học gia và Sáng
chế gia cũng lắm, Tướng Tá phục vụ trong quân đội cũng nhiều, sao họ
lại liên lạc với lão, nhưng họ yêu cầu xác nhận thì cứ trả lời cho
xong, nhất là thời buổi văn minh tân tiến họ có cả chương mục điện
tử cho riêng từng cá nhân để vào đó mà cập nhật cũng tiện, lão sửa
lại lý lịch đã về hưu, không còn làm cho công ty nào nữa, sở thích thì
đủ thứ, du lịch, săn ảnh, leo núi leo đồi vẫn ham, rảnh thì viết
lách lăng nhăng!
Hai ngày sau
lão nhận được vài cú phôn số lạ, kinh nghiệm cho lão biết cứ im lặng
là vàng, nếu người quen hay những cơ sở quan trọng họ sẽ có lời
nhắn để lại, bởi trước đây nhiều lần vì lịch sự mở nghe thì phần
lớn nếu không quảng cáo chào hàng “Bác có mua nhà không bác?” thì
cũng thống kê này kiểm tra nọ hoặc gọi nhầm số, nhiều khi vừa mở
máy tiếng he-lô còn chưa kịp thoát khỏi đầu môi, đã nghe một tràng tiếng
ngoại quốc phun ra tua tủa, như súng liên thanh nhả đạn nghe mà phát sợ,
tệ hơn nữa còn gọi đòi nợ mới chết chứ, tên ma tên qủy nào không
biết mà lại lấy số lão; Lão đã phải đổi phôn mấy lần mà cũng
không tránh khỏi, nên chỉ còn mỗi cách không nhấc là xong. Mở hộp thư
nhắn tin trong điện thoại có lời nhắn từ nhà xuất bản, nhã nhặn yêu
cầu lão gọi lại hoặc cho biết giờ thuận tiện để họ gọi; Qua kinh
nghiệm những lần nói chuyện với tiếp viên của các công ty dịch vụ
như du lịch, điện thoại, truyền hình, v.v..., lão biết họ là những
chuyên viên được huấn luyện thuần thục về mọi kỹ thuật chào hàng
theo từng loại khách, ăn nói lưu loát lịch thiệp và đặc biệt kiên
nhẫn có thừa, chẳng khác mấy “Bà mai” thuở trước thay mặt “Ông Tơ Bà
Nguyệt” đi xe duyên, dù chàng có đi bán dạo cũng hái ra tiền, cứ như
tiền bọc trong trái xung không bằng! Còn cô có xấu cỡ nào thì cũng
thành duyên dáng, đẹp từ trong ra ngoài “cái nết đánh chết cái đẹp”
mà; Lão nhớ hồi nhỏ hay nghe bà hàng xóm cạnh nhà mắng con “Gớm
cái con bé này sao mà nó lèo nhèo nói dai như điả” nghĩ lại lão
thấy chưa thấm thía gì so với những chuyên viên chào hàng trên đất
Mỹ, thua xa! Lão biết thế nên chẳng dại gì gọi vào giờ nấu cơm
chiều, vì nồi thịt hay nồi cá kho sẽ cháy và nồi cơm sẽ khét, nồi canh
có cơ hội trào, lão lựa giờ xê xế trưa rảnh rang mới gọi, tinh thần cũng
chuẩn bị để ngưng khi cần thiết. Lão gọi và gặp bà tiếp viên nghe
giọng nói lão đoán bà cũng lớn tuổi, mở đầu cũng là lời chúc
mừng lão đã được Ban Biên Tập chọn lựa để in vào sách, và những
lời ca ngợi thành tựu trong cuộc đời của lão, thổi cho lão bay cao tới
tận chín tầng mây xanh, giống như ta bơm khí Helium vào qủa bong bóng thả
cho bay, lão im lặng lắng nghe lòng cười thầm, thỉnh thoảng chêm vào
tiếng “Cảm ơn” hoặc “Bà quá khen” để bà khỏi cảm thấy ngượng như
đang nói với khoảng không; Tiếp theo là phần trình bầy ấn bản năm nay
không những in thành sách mà còn được duy trì trên mạng điện tử, mọi
người khắp nơi trên thế giới đều có thể vào tìm hiểu, tên ông sẽ
đứng chung với hơn một triệu rưỡi nhân vật nổi tiếng, và nằm vĩnh
viễn trong đó qua nhiều thế hệ, từ đời con đến cháu kể cả chắt ông
sẽ thấy chúng sẽ hãnh diện biết về giá trị cuộc đời của ông mà theo
gương, lão chỉ ừ hử cho qua. Có đến mười phút với những lời chúc
mừng và ca ngợi, tựu chung chỉ nhằm vào mục đích cuối cùng là thu
hút khách đặt hàng, mà bà hay bất cứ nhân viên giao dịch nào cũng phải
cố gắng chu toàn nhiệm vụ, bà trình bầy những phí tổn không những
chỉ ấn loát mà còn duy trì và bổ túc trang mạng mãi mãi về sau, và
để duy trì tên ông trong đó thế hệ này qua thế hệ khác, ông chỉ phải
trả có một lần lệ phí gần ngàn đô mà thôi.
Hàng ngày
nếu ai chịu khó theo dõi tin tức truyền thông thì đều biết các cơ sở
thương mại, các công ty xí nghiệp tư muốn sử dụng tên tuổi những danh
nhân, những nhân vật nổi tiếng trong chính trường hoặc mời họ tham gia
một sinh hoạt nào thường phải trả cho họ mộtlệ phí khoảng từ vài
chục ngàn đô trở lên, tùy theo địa vị cao thấp của từng cá nhân; Nên
theo lão nghĩ để bù đắp vào khoản chi phí dùng tên những nhân vật
này cho tăng phần giá trị của cuốn sách, thì nhà xuất bản phải tìm
kiếm những người bình thường như lão, mà lại muốn được đăng tên hầu
mong có một chút danh ảo tưởng trả phụ. Nghe bà trình bầy và cho
giá bây giờ tới lượt lão phải tìm cách từ chối khéo cho đỡ sống
sượng, lão nhẹ nhàng nói cho bà ta hiểu những suy nghĩ của lão về cuộc
sống, và lão chưa làm được gì vẻ vang hay thành công để phô trương
với đời, lão không xứng đáng để đứng tên trong ấn bản lớn của nhà
xuất bản, xin hãy dành cho người khác xứng đáng hơn; Cố nhiên trong
lãnh vực nghề nghiệp bà đâu dễ dàng chịu thua nhanh như vậy, bà bắt đầu
hạ giá xuống còn ba phần tư số ban đầu như để “đít-cao” (discount) đặc
biệt cho lão, nghe tới “đít-cao” lão thích lắm, nhưng cũng đành phải gạt tính tham danh hay
mơ mộng của mấy tay "Yamaha" mà chối từ, nại cớ không cảm thấy thoải mái với lương tâm. Chưa
thuyết phục được khách hàng trả tiền trọn gói, bà thay đổi chiến thuật
chiêu hàng trong siêu thị lớn, trọn bộ nhiều qúa nên giá cao, bà bèn giảm
số lượng bộ hàng cho giá hạ hơn, ... lão vẫn một mực chối từ: “Tôi
hiểu mua bất cứ gì thì cũng phải có giá của nó, nhưng thât sự vấn
đề này hoàn toàn nằm ngoài dự liệu và ngược với lối
sống của tôi”; Vẫn chưa chiêu dụ được người khách keo kiệt cứng đầu này,
bà đưa ra chiêu cuối cùng đại để đặt cọc một số nhỏ để giữ tên trên mạng, sau ba tháng nếu thích thì
trả nốt bằng không thì lấy tiền lại không mất xu nào; Lão
nhìn đồng hồ thấy thời gian đã kéo dài qúa lâu
và cuộc phỏng vấn chỉ còn là màn kèo nài mua bán, hệt như bà bán
hàng trong buổi chợ chiều muốn bán cho nốt bó rau còn lại, đã đến
lúc lão thấy cần phải kết thúc cuộc phỏng vấn cho nhanh, thâm ý cũng
muốn cho bà biết lão không phải hạng người mặc cả bán mua danh vọng,
nhưng ngại miệng và không lỡ nhẫn tâm mà chỉ ngỏ lời cảm ơn và trấn
an bà rằng có cả vạn người khác xứng đáng hơn lão, lão nghĩ họ
sẵn sàng đăng tên trong sách để bà ta khỏi buồn lòng rồi cúp máy; Dù vậy lão cũng cảm thấy đôi chút áy
náy trong lòng vì đã làm bà nản chí và thất vọng, tiếc thay lão không
thể làm gì khác hơn!
“Hữu xạ tự
nhiên hương” vẫn đúng trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời gian và môi
trường nào, một người có thực tài thì tự nhiên sẽ được người biết
đến, nhất là vào thời đại của App (Ép), Facebook (Phết-búc), Tweeter
(Tuýt-tơ) ngày nay, không cần phải chờ một đồn mười, mười đồn trăm mà
chỉ cần vài tiếng đồng hồ, danh sẽ lan tràn trên khắp thế giới đâu cần
phải bỏ tiền ra mua, mà mua sao được vì con đường đưa đến công danh
không phải tự nhiên mà có, cũng không dễ để ai cũng có thể đạt
được, nó đòi hỏi thời gian công sức và tài lực thật sự. Có tài mà
đốt giai đoạn còn phải trả giá huống hồ là không, cái giá thật vô
lường tùy thuộc bản tính cùng lối sống của mỗi cá nhân, mức thang
danh vọng cao thấp cũng tùy thuộc khả năng, bằng không chỉ mang tủi
nhục hay ôm hận suốt đời cho dù đã bước được lên đỉnh đài danh vọng.
Không phải người đời không hiểu, nhưng có người vẫn vì tham vọng mà
lu mờ lý trí. Trên đời ai chẳng thích danh, lão cũng không ngoại lệ, nhưng danh phải do thực tài tạo lên mới đáng qúy
đáng trọng, chứ mua thì có khác gì kẻ mua tấm vé để chụp hình
đứng bên Tổng Thống trong những bữa ăn gây qũy mùa tranh cử. Cá nhân
lão cho đến giờ phút này gần cuối cuộc đời lão vẫn chưa làm được
một cái gì đáng kể ngay cả cho bản thân, gia đình thì nói gì đến
xã hội hay chuyện “Đội đá vá trời” làm chi, cái thú của lão là
viết lách lăng nhăng mà viết vẫn chưa ra hồn, người đời đôi khi còn chê
bai chế diễu, văn chương chữ nghiã trả lại thầy hết thì tìm danh
vọng sao ra? Chỉ một điều làm lão cảm thấy vui sướng và không
hổ thẹn với lương tâm, là cuộc đời lão lúc nào cũng sống
ngay thẳng, không khoe khoang không luồn cúi, chẳng a dua bợ đỡ, trung
thực với mình với người, qúy trọng bạn bè
trên căn bản tương kính tựu kính, ai cùng quan
điểm nhân sinh thì tới, chẳng tới để cầu thân cầu vinh, hay kết bè
kết phái.
Mùa Đông tuy
lạnh lẽo nhưng bầu trời vẫn đẹp và vẫn trong xanh, dù mưa có rơi lác
đác nhưng sau cơn mưa trời lại sáng, tuyết vẫn trắng ngần trên đỉnh
núi và không hoen ố bụi trần, ngày ngày hạnh phúc thanh thản bên gia
đình vợ con cần gì phải cầu lợi mua danh. Xem ra độ rày mỗi chiều
nấu nướng thay vợ đang còn bận bịu đi làm, lão bỗng trở thành “Đầu bếp giỏi” lúc nào không hay, thú
vị và vui sướng thay!!!
Nctd
Cuối Đông, February 2019
(*) Tên tượng trưng
No comments:
Post a Comment