Sunday, October 28, 2018

Tản Mạn về cái Tên Ba Họ




   Con người hắn thật ra không có điểm gì đặc biệt, vóc dáng nhỏ bé không tài cán chẳng công danh cũng chẳng giầu sang phú qúy, cuộc sống thật giản dị không ồn ào, chẳng a dua nịnh bợ vì thế ít ai để ý, ngoại trừ một điểm đặc biệt là cái tên bốn chữ dài lòng thòng mà lại mang tới ba họ. Đàn ông con trai tên bốn chữ cũng đã ít còn cộng thêm ba họ thì quả là hiếm, bởi thường nếu có người ta chỉ mang hai họ cha và mẹ; Nhưng chính nhờ cái tên kỳ cục ấy mà người ta nhớ dai nên hễ nhắc đến tên thì bạn bè dù thân hay sơ, xa hay gần từ thời còn cắp sách đến khi vào lính phần lớn đều nhận ra ngay. Đôi lần có người tò mò hỏi về cái tên ba họ của hắn, hắn cũng không biết trả lời ra sao vì chính hắn cũng tự hỏi mà không có ra câu trả lời, đến khi muốn tìm thì đã qúa muộn bởi thế hệ cha chú những người có thể trả lời đều đã khuất bóng từ lâu, chỉ còn bà cụ thân sinh hắn, cụ năm nay nghít ngót 100 tuổi hạc, trí nhớ còn tương đối tỉnh táo nhưng hoàn toàn không biết vì thời buổi đó trong gia tộc hắn đàn bà không được hỏi ý vào việc đặt tên cho con cái, tất cả con cháu sinh ra đều do ông nội hắn đặt cho hết. Hắn xem lại gia phả thì dòng tộc hắn đổi họ chỉ có một lần từ bốn thế kỷ trước và cũng không thấy ai có cái họ thứ ba đó. Theo lời cụ bà kể thì hắn sinh ngày 20 tháng 5 năm Giáp Thân, Âm lịch (tức ngày 10 tháng 7 năm 1944, Dương lịch) vào khoảng “canh năm” trời còn lờ mờ tranh tối tranh sáng ở ngôi làng nơi tổ tiên hắn lập nghiệp tự bao đời, một vùng thôn quê miền Bắc đang trong bối cảnh khói lửa chiến tranh, giữa cơn sốt của cao trào tranh đấu giành độc lập đến hồi sôi động. Nơi hắn “chôn nhau cắt rốn” nằm trong vùng sôi đậu được gọi là “vùng tề”, một cổ ba tròng nên người dân quê luôn phải sống trong cảnh dầu sôi lửa bỏng chạy giặc triền miên vào những tháng năm cuối cùng của trận đệ nhị thế chiến; Hắn chào đời bên những tiếng thở dài lo âu của mọi người hơn là nỗi vui mừng gia đình có thêm một thằng con trai nối dõi tông đường. Suốt thời thơ ấu của hắn là một chuỗi mục du vì thế hắn sinh ra chẳng có một tờ giấy khai sinh hay hộ tịch cũng như đại đa số trẻ con cùng lứa trong làng, cho mãi tới năm 1952 hắn mới có tờ khai sinh đầu tiên do chú út hắn đứng khai, ngày tháng và năm sinh hoàn toàn mới, sụt đi một tuổi đúng năm nạn đói Ất Dậu kinh khủng nhất trong lịch sử Việt Nam (1945), và chẳng biết sao hắn được mang ba giòng họ không giống bất cứ một ai trong đại gia tộc chỉ có hai họ; Thưở nhỏ hắn chưa bao giờ được biết đến cái tên cúng cơm đầy đủ họ tên, nếu có chỉ nghe gọi tên riêng hoặc cái tên truyền miệng gọi cho vui là thằng bị thịt. Theo gia phả dòng tộc ngược về vài thế kỷ từ các cụ Bành Đại Thủy Tổ 20 đời trước xa lắc xa lơ, dòng tộc hắn khởi đầu mang họ Chu gồm 12 đời từ cuối đời nhà Trần (1400), cho đến cuối đời Lê Trung Hưng (1789) thì đổi sang họ Nguyễn lót Huy nhằm đời Tổ khảo thứ 13, mãi tới đời Tổ khảo thứ 17 thì chính thức mang họ Nguyễn đệm Chu, tuyệt nhiên không một ai bên nội cũng như bên ngoại mang cái họ thứ ba ấy. Căn cứ theo lá số tử vi phụ thân hắn lập cho hắn sau khi di cư vào Nam thấy người đề tên Trường Dực; Tưởng cũng cần nhắc về phụ thân hắn hồi trẻ tuổi cụ là một nhà nho tinh thông Hán học, tử vi, tướng số và thuốc Bắc, có lẽ cụ đã thấy qua lá số tử vi cái mạng rong ruổi bay xa của đời hắn nên đặt tên hắn là Trường Dực, có nghĩa là đôi cánh dài bay xa ngàn trùng, mà đúng thế kể từ khi khôn lớn trước cũng như sau khi đi vào quân ngũ họa hoằn lắm hắn mới có mặt ở nhà, liên tiếp trong nhiều năm sau đó  bà nội hắn mất, đến mẹ gìa hắn và bố hắn qua đời, rồi anh cả, anh hai cũng theo gót đi về với Tổ tiên, hắn đều ở xa không có mặt, không những thế đến những ngày vui trong gia tộc như cưới hỏi hắn cũng vắng mặt nên hắn nghĩ “Trường Dực” chắc là ngụ ý của phụ thân hắn chăng, khiến đôi khi hắn tự nhủ thầm mình giống như thằng con ngoại tộc. Và rồi sau đó khi làm đơn xin hộ tịch khai sinh cho hắn chú hắn hay người thư ký ghi hộ tịch đã quên không bỏ dấu huyền vào chữ Trường nên hắn ngẫu nhiên có thêm họ Trương chăng! Theo hắn có lẽ lý giải này đúng hơn cả!
   Trong những năm thơ ấu thỉnh thoảng hắn cũng có nghe các cụ nựng con cái thường hay mắng yêu “cái thằng con rơi, thằng con nhặt ngoài đường” hay “con bé nuôi này”, v.v.. và cái thằng bé con “bị thịt” hắn cũng không ngoại lệ, bởi thế đôi khi tâm trí hắn cũng dạo gót lang thang thử lồng cho cái họ thứ  ba của mình  một chút hình tượng tuy có vẻ hoang đường: “Biết đâu chừng hắn cũng là một trong những trẻ thơ nạn nhân của trận đói năm Ất Dậu được bố mẹ hắn nhận về nuôi làm con! và họ Trương chính là một phần nguồn gốc khác cuộc đời hắn chăng? Phải nói trong những năm tháng đó gia đình bố và hai mẹ rất hiếm hoi mà ông bà nội thì lúc nào cũng mong đông con đông cháu, vì các cụ sẵn mang quan niệm nhà đông con là nhà có phước; Bố hắn có hai bà vợ, bà  thứ nhất mà hắn gọi là mẹ già sinh tổng cộng 12 lần, nhưng chỉ nuôi được có mình người con trai lớn hắn gọi là anh trai cả năm đó cũng đã 18 tuổi rồi, còn lại 11 đứa bé sau đều mất khi còn nhỏ vì thiên tai bệnh tật, kế đến mẹ đẻ trước khi có hắn đã sinh hai lần, nhưng cũng chỉ có một là vượt qua được tai ương dịch bệnh trong tuổi ấu thơ, năm đó mới ba tuổi đầu, vấn đề nuôi được tới lớn khôn cũng rất mong manh! Nên giả thử hắn có là con nuôi thì cũng là chuyện dễ hiểu; hơn thế nữa trong những năm thế chiến ấy thực dân Pháp qúa kiệt quệ xuy yếu chấp thuận để quân phiệt Nhật vào chiếm đóng, người dân miền Bắc đã phải chịu bao cảnh lầm than tang tóc, chuyện cho con hay bán con là chuyện xảy ra hàng ngày vì cho người ta nuôi để con sống sót còn hơn giữ để chết đói. Nhưng thật ra con nuôi hay con ruột với hắn không thành vấn đề, bởi hắn nghĩ có nhiều mẹ càng có phước càng hạnh phúc, hắn đã có hai mẹ, mẹ già mẹ đẻ nếu  có thêm mẹ thứ ba để tưởng nhớ lại càng qúy, mẹ nào hắn cũng kính yêu và thương mến. Nhưng nghẫm nghĩ cho cùng thì người Việt Nam hay người Á Đông ít khi nào thương con nuôi bằng con ruột, gia đình bố mẹ hắn cũng có ba người con gái nuôi, nhưng hắn thấy các chị nuôi cũng đâu có được thương yêu chiều chuộng bằng hai anh em hắn, hắn còn được cả hai mẹ chiều chuộng, mỗi khi buôn bán chợ búa về ngày nào hai mẹ cũng mua qùa cho hai thằng con, đôi khi hắn còn được chia phần nhiều hơn là đằng khác mà hai anh em chỉ cách nhau có hai tuổi thôi. Riêng hắn được cha mẹ thương yêu chiều chuộng nhiều hơn cả, hắn còn nhớ hồi nhỏ cha mẹ hắn đôi lần mua cả loong sữa “cao Ba Long” một thứ cao nấu bằng xương khỉ cho hắn ăn nên hắn béo phì là vậy, cả nhà từ lớn tới bé đều chêu chọc gọi hắn là “thằng bị thịt”. Bố hắn thì đi đâu cũng hai tay dắt hai thằng con theo, dạy dỗ nghiêm nghị  như  nhau, ngay cả trong lớp bố dạy học đôi khi muốn làm gương cho những trò khác ông phạt hay đánh đòn cả hai thằng con y chang nhau. Viết cho vui để giải tỏa tính hiếu kỳ về cái tên ba họ và cũng để chia sẻ cùng các con cháu sau này cho chúng hiểu lỡ có tò mò về cái tên khác lạ của người đầu tiên trong dòng họ Nguyễn-Chu đã xây cái đầu cầu trên quê hương mới mẻ này!!!

Nctd
Cali, 2018

No comments:

Post a Comment