“30 Năm Như Gió Thoảng” tưởng
chừng như mới viết hôm qua thế mà đã lại một năm qua rồi, dù biết: “Thời gian như thể bóng câu, vừa qua cửa sổ vụt đâu mất rồi”, nhưng ông vẫn không khỏi bàng hoàng
kinh ngạc, lẹ qúa hôm nay lại là ngày sinh nhật của ông; Phải chi ông
còn trẻ thì cũng không sao nhưng ông đã ở vào cái tuổi “Thất thập
Cổ Lai Hy” thì mỗi ngày trôi qua là một ngày đáng kể, sụn sống lưng
lại xẹp thêm một tí càng thấy mình gần đất xa trời thêm một ngày; Không
phải ông sợ chết nhưng vì còn qúa nhiều việc phải làm mà chưa làm được
và qúa nhiều điều phải nói, phải ghi. Ngày sinh nhật cũng là ngày
kỷ niệm 31 năm tình nghĩa vợ chồng, ngày sinh thì không một ai có thể
chọn lựa còn ngày thành
hôn thì ai cũng có thể chọn, và ông đã chọn nó trùng với ngày sinh
nhật của mình vì được cái may mắn nó rơi đúng vào ngày thứ bẩy dễ
bề tổ chức, chứ nếu không thì ông cũng bó tay, ông chọn hai ngày làm
một cho tiện khỏi phải nhiêu khê lích kích nhớ nhiều ngày kỷ niệm trong
năm, mặt khác cũng để phòng hờ chữ ‘lỡ’, chỉ lỡ thôi, biết đâu cái
cung số đào hoa chiếu mệnh gây hệ lụy thì sao, ở đời ai biết trước chữ
ngờ ai dám nói hay, tương lai lỡ giây phút nào đó con tim có bồng bột
‘dại dột’ trao vào tay hình bóng giai nhân nào đó, thì ông cũng không
thể nào quên được ngày sinh nhật của mình, mà tặng vợ một cánh hoa gọi
là kỷ niệm thành hôn luôn, bằng không chắc sẽ nghe đầy tai những lời
than thở với bạn bè:
Chồng tôi còn nhớ được gì
Tâm thì lú lẩn, hồn thì u mê
Đi ra không biết lối về
Làm sao nhớ nổi lời thề trao duyên”
Đấy cuộc đời cứ luôn phải
phòng bị trước sau là vậy! Nói thì nói là do ông quyết định tuy
nhiên ông cũng hỏi ý kiến của người vợ tương lai để cho có sự đồng
thuận của cả hai, “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” kẻo
không người ta lại nói là hà hiếp bắt nạt vợ; Nhưng hỏi thì cũng
bằng thừa vì “Tùy anh quyết định”, trước sau như một suốt từ buổi
ban đầu ấy cho đến ngay ngày hôm nay cũng vẫn thế, mọi việc lớn nhỏ
đều “tùy anh quyết định”, ngay cả thỉnh thoảng cuối tuần lười nấu nướng
muốn đi ra ngoài ăn, bả cũng “anh muốn đi đâu cũng được, tùy anh quyết
định” rõ chán! Nhưng đó là điều ông cảm thấy may mắn nhất trong cuộc
đời, giản dị là không có chuyện “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, cũng
không có vấn đề tranh luận, hay lý sự hành với tỏi, nhưng điều may
mắn ấy cũng lại là áp lực nặng nề nhất cho tinh thần ông bởi cuộc
đời không phải mọi việc đều suông sẻ, đơn thuần và giản dị như ý
muốn, có nhiều vấn đề nan giải gai góc cần phải có sự góp ý của
người này người nọ, chín chắn suy nghĩ trước khi quyết định thì ông
không biết san sẻ cùng ai, nhiều đêm trằn trọc thao thức một mình bên
cạnh bà vợ vẫn ngủ say sưa, âu đó cũng là luật bù trừ!
Vì ngày sinh nhật của ông
nhằm ngày thứ ba trong tuần nên các con ông đã làm kỷ niệm mừng vào ngày
thứ bẩy cuối tuần ba ngày trước, thằng út nó biết tính ông cái gì
cũng ham, cái gì cũng thích và cái gì cũng biết chỉ vừa đủ, chẳng
có cái gì nên trò nên trống đến nơi đến chốn, đủ cả từ võ thuật,
âm nhạc, hội họa, thể thao đến tứ đổ tường đều có, nó cũng biết
tính ông đơn giản không thích cái gì cầu kỳ câu nệ, cho dù nhà hàng
có ngon, có sang trọng cách mấy mà phải đặt chỗ trước hay xếp hàng
chờ đợi thì không có ông, năm nay để mừng sinh nhật ông nó muốn cho cả
‘bố’ và gia đình được vui nên nó ghi cho cả nhà tham dự một buổi
hướng dẫn vẽ tranh cọ sơn, lại có cả rượu để nhâm nhi cho bức tranh ẩn
hiện được cái nét đặc thù của Picasso đôi chút, sau lớp vẽ kéo nhau vào
quán “In-N-Out” Burger bình dân đầy thoải mái và dễ chịu thế là xong.
Ai cũng biết khi chiếc xe
xuống dốc thì dù không đạp ga nó cũng cứ lao vùn vụt, càng lúc
càng nhanh, thắng gấp thì coi chừng xe sẽ lộn tùng phèo, ông cũng
biết vậy, nên mọi việc từ ăn uống thể thao đến thuốc thang ông rất
thận trọng, tuy vậy khoảng hai ba tháng nay không hiểu sao sức khỏe ông
xuống tệ hại, ông cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn, không đi bộ xa vài ba
dặm hay liên tục cả tiếng như trước được nữa, chỉ mươi mười lăm phút
là đầu óc choáng váng và mắt mờ hẳn đi, ông đã đi Bác Sĩ khám tim họ
thử đủ mọi cách nào chụp hình siêu âm, đo tâm động đồ, chạy bộ trên
máy, đeo máy theo dõi hoạt động tim liên tục bốn ngày, tất cả đều
cho thấy tim hoạt động bình thường, không có triệu chứng gì khác lạ
đáng chú ý thể theo lời Bác Sĩ, nhưng thậm tệ nhất là vài lần
trong hai tuần rồi vợ chồng ông leo núi ở mấy công viên bảo tồn hoang
dã quanh vùng, núi đồi không cao lắm nhưng đi lên cứ khoảng mỗi năm
phút là đầu óc choáng váng, mặt mày xây xẩm muốn xỉu rồi, lại
phải dừng nghỉ dăm ba phút cứ thế tái diễn suốt chặng đường mòn,
khoảng độ non dặm (hơn cây số) ông thấy không thể tiếp tục được nữa
đành quay trở xuống.
Hôm nay mới đúng là ngày sinh
nhật của ông, vợ con đi làm cả, không anh em cũng chẳng bạn bè tụ
tập quán cà phê tán gẫu như những năm qua, ông muốn đón ngày sinh
nhật của mình trong thầm lặng riêng tư, ngồi ôn lại cuộc đời từ thuở
nhỏ nơi thôn quê miền Bắc tới bây giờ, từ những mùa đông lạnh giá cóng
da chân nứt nẻ rướm máu, nhớ chiếc áo tơi che mưa đan bằng lá dứa choàng
qua vai quanh người, nhớ cái ‘tăng-xê’ trú ẩn cạnh gốc cây ‘doi’ ngoài
ngõ nhà ông nội, mỗi khi nghe tiếng máy bay khu trục của Pháp hướng về
phía làng là chui xuống hầm trú ẩn tránh bom, nhớ cả những lúc lên
năm lên sáu bắc ghế đẩu leo ăn vụng dưa và củ hành muối, trong mấy
cái ‘chum’ to tướng đầy dưa với hành củ muối trên hành lang cao trước
nhà, cái vị mặn, ngọt, chua cộng tí cay ngai ngải mùi củ hành lá
nó ngon làm sao ấy. Nhớ lần di cư vào Nam leo lên cái bửng sắt của
con tầu há mồm, phải nhắm mắt lại cho mấy chàng lính tây xịt thuốc
DDT vào đầu, tới trại tiếp cư Rạch Dừa, Vũng Tầu; sau đó di chuyển
vào trại tiếp cư Tôn thọ Tường, Sàigòn lúc xế chiều dưới cơn mưa
tầm tã, ở đó ba đêm lại sang trại tạm cư Xóm Củi, Chợ Lớn. Sau khi
an cư lạc nghiệp Sàigòn trở thành quê mới thay thế nơi chôn nhau cắt
rốn xa vời nơi đất Bắc, Sàigòn ôm ấp cả một giấc mơ huy hoàng của lứa
tuổi thanh xuân, với những mối tình học trò tinh khiết dễ thương; Sàigòn
dệt mối tình đầu tha thiết ngất ngây nhưng đầy ngang trái; Sàigòn cho
cuộc tình thứ hai nóng bỏng rực lửa ái ân. Sàigòn tưởng chừng vĩnh
viễn ai dè sau hai mươi mốt năm tròn lại phải ra đi lần nữa, lần này
chỉ có một thân một mình chắp cánh tung bay xa nửa vòng trái đất sang
định cư ở Mỹ, nhận nơi này làm quê hương thứ hai, tất cả còn in rõ
mồn một trong đầu óc ông, rõ hơn cả những tấm hình phim 35mm cũ. Cuộc
đời ông còn qúa nhiều mơ ước vẫn chưa thực hiện được mà đã gần hết
một đời người, ông cảm thấy tiếc nuối cuộc đời mình vô cùng dù suốt
khoảng đường đó đầy ắp những cơ hàn, gian truân và lưu lạc. Để mừng
ngày sinh nhât lần thứ 75 này, ông hứa với thâm tâm mình ông sẽ sống
trọn quãng đường còn lại chắt chiu từng giây từng phút, tận dụng từng
giờ cố gắng hoàn thành những gì còn dang dở; Ở nhà chỉ có ông với
một mẹ già, vẫn ngày ba bữa lo ăn cho mẹ, vừa xong bữa sáng lại sàng
bữa trưa, tuy mẹ ông không đòi hỏi cũng chẳng yêu cầu món này món nọ,
lúc nào hỏi cụ cũng nói “có gì thì ăn nấy” nhưng điều đó không có
nghĩa là giản dị dễ dàng, ông biết tính mẹ những món ăn dọn lần
thứ ba bất đẳc dĩ lắm cụ phải ăn, bằng không cụ không đụng đũa đến nếu
có món gì mới nấu dù chỉ là rau luộc chấm sì dầu. Giá như mọi
ngày mỗi sáng sau chén lúa mạch (Oat meal) điểm tâm xong là ông chuẩn
bị đi bộ, nhưng hôm nay ngày sinh nhật ông nhớ hơn bẩy thập niên trước mẹ
cho con bước vào đời, thì hôm nay ông cũng muốn cố gắng thử lại sức
khỏe của mình xem có thể đi bộ như hai ba tháng trước được không, ông
quyết định thay vì đi ở gần nhà ông sẽ đi tới quán bán cơm phần
Việt Nam cách đây 1.5 dặm (2.4 km) mua thức ăn nóng về cho mẹ già ăn buổi
trưa, dù cả buổi sáng nay ông cảm thấy cái đầu nó ngầy ngật ‘ngất
ngư con tầu đi’ thật khó chịu. Ông thay đồ lấy túi xách bỏ bình thủy
nhỏ nước ấm vào và lấy thỏi kẹo cốm hạt điều nhét túi phòng hờ nhâm
nhi khi cần năng lực, ông cắm cúi bước không suy nghĩ để cho đầu óc
thảnh thơi, xe cộ chạy vùn vụt hai bên đường cuốn theo cát bụi thời
gian và từng phút cuộc đời bay vèo vèo bỏ lại sau lưng, cuốn theo cả
đoạn đường trước mặt cuộn dưới gót chân, ông tới lúc nào không hay, nhìn
đồng hồ đúng 30 phút tuy có mệt và tim đập nhanh đôi chút, nhưng không
thấy xây xẩm mặt mày ông mừng thầm, mua thức ăn xong ngồi nghỉ thêm
dăm bẩy phút rồi lại cất bước trở về nhà. Bữa cơm trưa nhìn mẹ già
xúc từng muỗng nhỏ chóp chép ngon miệng nuốt, ông cảm thấy chút vui
và thoải mái, một công hai việc, hôm nay ông đã đi được ba dặm trong
vòng một tiếng cũng không đến nỗi tệ, đó là món quà sinh nhật của ông
năm nay.
NguyễnChu Trương Dực
April 2019