Nctd
Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh Đông Dương, và chia đôi đất nước, bố tôi đưa gia đình theo đoàn người di cư vào Nam, trong chiến dịch “Đường đi đến Tự Do”, vào khoảng tháng 10 năm 1954, thì cuộc đời học sinh của tôi mới bắt đầu, còn mười năm trước tôi chỉ là thằng bé thất học, ngu ngơ như hàng vạn trẻ quê miền Bắc, không phải vì gia đình tôi nghèo, mà trái lại gia đình tôi khá giả, nhưng tôi không được cắp sách tới trường là vì chiến tranh. Cuộc chiến do cộng sản quốc tế chủ xướng, núp dưới chiêu bài chiến tranh giành độc lập, và bọn thực dân tham vọng cố đấm ăn xôi. Du kích Việt Minh thường xuyên quấy nhiễu, bọn thực dân Pháp nhân cơ hội kép tới càn quyét bắt bớ, hãm hiếp và đốt phá nhà cửa. Khi tôi tròn 5 tuổi, tuổi bắt đầu ê a học chữ, cũng là lúc cộng sản Tàu đã kiểm soát toàn thể Trung hoa lục địa, và cuộc chiến tranh giành độc lập ở Việt Nam, cũng thay hình đổi dạng, miền quê mỗi ngày một mất an ninh, dần dà biến thành vùng xôi đậu, dân quê miền Bắc gọi là “vùng tề”, nửa nạc nửa mỡ “ngày quốc gia, đêm ma cộng sản”, trong đó có quê tôi. Tuổi thơ của tôi triền miên trên bước đường tản cư, và thời học sinh của tôi vì thế cũng bay theo khói lửa chiến chinh!
Từ ngày gia đình tôi di cư vào Nam, cho tới ngày tạm ổn định cuộc sống, tại hẻm chuồng bò 384/52 Lý Thái Tổ, Ngã Bẩy Sài Gòn cũng mất gần nửa năm, niên học 1954-1955 sắp sửa chấm dứt. Trong khi chờ đợi niên học tới, anh kế tôi và tôi ghi tên học tại một lớp dạy nho nhỏ, nằm ngay khu phố bùng binh ngã bẩy, gần góc đường Minh Mạng. Đó là lớp dạy kèm tại tư gia; nhà có hai tầng, tầng trên gia đình thầy ở, tầng dưới dùng làm lớp học, học trò không nhiều dăm bảy đứa, trình độ khác nhau và cùng ngồi chung lớp. Ngay ngày đầu anh em tôi vào học, đã bị hai trò miền Nam cùng cỡ tuổi, nhưng lớn xác hơn anh em tôi, nhìn chừng chừng với ánh mắt không chút thiện cảm. Những ngày sau đó chúng ngồi phía sau chọc ghẹo, chờ những lúc thầy không để ý, vò giấy ném chúng tôi, giờ ra chơi chúng khiêu khích ra mặt, chúng tôi cứ phải làm thinh vì biết mình yếu thế, rồi một hôm chúng dùng bút máy vẩy mực vào người tôi, loại bút có ống mực nước bên trong, hồi đó chưa có bút nguyên tử “Bic” mực đặc. Tôi đứng lên thưa, thầy bảo tôi ngồi xuống, rồi chỉ quở nhẹ hai học sinh kia, mà không hề hỏi han hay phạt chúng. Từ đó anh em tôi phải tránh né tối đa, có đến sớm cũng lảng vảng đằng xa, chờ gần đến giờ mới vào lớp, giờ ra chơi cũng không ra ngoài, mà ngồi ở trong học bài, tránh cơ hội cho chúng sinh sự. Không được bao lâu một ngày sau giờ tan học, hai đứa nó lẽo đẽo bám theo anh em tôi, chúng đi đằng sau giả vờ nô đùa xô đẩy nhau, chạy đâm xầm vào tôi, tiện thể xô tôi mấy lượt, nhịn mãi không xong cuối cùng tôi đứng lại nhìn chúng, sẵn sàng chờ chúng xô tới, nhưng anh tôi kéo đi, chúng nghĩ là chúng tôi sợ, nên tiếp tục làm tới tái diễn trò cũ, tôi không thể nhịn mãi quyết định phải cho nó biết tay, dù nó lớn con hơn tôi. Khi nó nhào tới tôi né qua một bên, nhanh tay xô mạnh nó theo đà về phía trước, nó té sóng soài dưới đất, chồm dậy xông vào đánh tôi, hai thằng vật nhau trước cửa tiệm bán xe đạp Nam Phát, nằm giữa hai đường Minh Mạng và Lý Thái Tổ, ngay đầu hẻm Bà Hạt; anh tôi định vào can, thì thằng kia xông tới chặn ngang trước mặt không cho can; mấy người làm trong các tiệm xe bên cạnh kéo ra coi, con nít đi học về ngang xúm lại khá đông, bít lối ra vào cửa tiệm bán xe, chủ và thợ trong tiệm chạy ra nắm cổ áo, xách đầu hai thằng lên la mắng: “Chúng mày muốn đánh nhau thì đi chỗ khác, đừng đánh nhau trước cửa tiệm, chỗ tao làm ăn nghe chưa”! Rồi xô mỗi thằng về một ngả, bấy giờ hai thằng kia mới chịu để anh em tôi yên đi về. Từ đó anh em tôi không trở lại mà đi tìm trường khác. Chúng tôi cố tìm nơi nào có cô giáo dạy, hy vọng cô giáo đối xử công bằng hơn, nhưng quanh khu vực có vài chỗ, chỉ toàn thày giáo Nam dạy. Cuối cùng cũng đành phải học chứ không thể nghỉ ở nhà, vì tôi cũng biết mình chưa bao giờ cắp sách đến trường, chẳng biết mai mốt vào lớp mấy, chương trình học ra sao! Trường kế tiếp tôi học nằm trên đường Phan Thanh Giản (PTG) gần hẻm Bà Lớn, cách ngã Bảy chừng hai ba trăm mét, Tuy thầy ở đây không kỳ thị ra mặt, nhưng cũng tỏ ra không ưa Bắc kỳ cho lắm, điển hình là năm bẩy lần tôi dơ tay, thì thầy chỉ cho hỏi một, còn cứ phớt tỉnh ăng-lê không nghe không thấy, trong khi học sinh khác dơ tay một hai lần thầy cho hỏi ngay. Cũng may lớp học này không có học sinh lớn, bằng không chắc tôi lại cũng bị u đầu bầm mắt nữa! Điều cần nhắc là trong thời gian đầu di cư, ngoài xứ đạo ra không có bao nhiêu người di cư sống rải rác bên ngoài, cả khu hẻm chuồng bò nơi gia đình tôi an cư lập nghiệp, chỉ có vài gia đình, nên mấy nơi dạy tư không có học sinh Bắc.
Hè rồi cũng qua, niên học 1955-56 hai anh em tôi chính thức cắp sánh đến trường, trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, nằm trên con đường mang cùng tên, gần ngã sáu Minh Mạng, Chợ Lớn. Đời học sinh của tôi thực sự bắt đầu từ đây, khi ấy tôi 11 tuổi sinh, 10 tuổi giấy, dựa theo tuổi tác anh em tôi được cho vào lớp Nhất. Trường có hai buổi học, học trò di cư học buổi sáng, có ban giảng huấn riêng, và danh xưng là trường Tiểu Học Ngã Sáu Di Chuyển; thực tế không có trường tiểu học nào di chuyển từ Bắc vào Nam, như vài trường bậc Trung Học hay Đại học. Còn học sinh sở tại học buổi chiểu, với ban giảng huấn như cũ từ trước. Không hiểu lý do nào có sự phân chia học sinh Bắc Nam học riêng rẽ, hay có trường nào nữa ở trong tình trạng này không? Chỉ nghe đồn là phụ huynh không muốn con em họ học chung với học sinh Bắc kỳ! Mà kể ra cũng hữu lý, vì tránh được sự va chạm có thể đưa đến ẩu đả giữa học sinh Bắc và Nam, trong giai đoạn còn qúa mới như tôi vừa trải qua mùa hè rồi.
Tôi nghĩ sở dĩ có vấn đề kỳ thị Bắc di cư trong hai ba năm đầu, bởi vì làn sóng di cư vào Nam qúa đông, gần triệu người trong một thời gian nhấp nhỉnh một năm, ngoài dự đoán của chính phủ, nên một số trường học trong vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, bị trưng dụng để làm nơi tiếp nhận người di cư, trước khi họ được phân phối tới những trại định cư chính thức; ít nhiều cũng gây xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân miền Nam, vốn dĩ an nhàn và phè phỡn. Phần khác người dân miền Nam không hiểu về cộng sản, chưa sống dưới chế độ cs, nên cứ nghĩ tại sao lại phải di cư, khi chiến tranh đã chấm dứt. Họ không hiểu đức tính cần cù, và tận tụy của người dân miền Bắc, phần lớn lo ngại người di cư vào Nam ăn bám xã hội miền Nam! Sàigòn trong thời gian này thật sự xô bồ và xáo trộn, một số đâm ra ghét và kỳ thị người di cư; thanh niên học sinh thì khỏi nói, đi đâu cũng bị chọc ghẹo, cà khịa và chế riễu: “Từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau, còn tay kia thì dắt con cày”, ám chỉ dân di cư ăn rau muống và thịt chó, trong khi ở miền Nam trước 1954, rau muống chỉ bằm nấu cám cho heo ăn. Và “Bắc kỳ ăn cá rô cây”, còn câu chuyện người Bắc dùng con cá gỗ đẽo, chấm nước mắm mút khi ăn cơm chẳng biết phát xuất từ đâu do ai, chứ điều này hoàn toàn không đúng, vì đồng bằng sông Hồng cũng có nhiều sông ngòi chứa một sản lượng tôm cua cá ốc rất lớn, và là một trong hai vựa thóc của VN, tuy không rộng hay nhiều kinh lạch bằng đồng bằng Cửu Long, nhưng dư đủ thực phẩm cung cấp nuôi cả số dân miền Bắc.
Nỗi vui mừng vì đời học sinh của tôi thực sự bắt đầu, chưa kịp khai hoa nở nhụy, thì tôi đã chạm vào một thực tế phũ phàng, vô cùng bi đát, đó là trình độ học vấn và khả năng của tôi, không đủ để theo học lớp Nhất. Tôi hoàn toàn không hiểu tí ti gì về toán động tử, còn tiếng tây tiếng u thì chẳng có lấy một chữ làm vốn, chữ “E” chữ “F” cắn không gẫy, tôi chưa bao giờ học Pháp Văn ngoài mấy tiếng loáng thoáng nghe trên đường phố, mấy thằng tây mắt xanh mũi lõ thỉnh thoảng xổ ra “mẹc-xì bố-cu”, hay mấy bà bán chợ Đồng Xuân chửi đổng mấy thằng tây con mua hàng trả giá, “Mẹc-xà-lù nhà chúng mày lũ keo kiệt”! Thực tế những gì bố tôi dạy trong thời thơ ấu không có là bao, người dạy theo sự hiểu biết cá nhân, khi nào rảnh thì dạy còn không thì thôi; và chỉ dạy làm toán đố đơn giản, hay đôi khi viết chính tả, làm luận văn, đề tài rất giản dị tả cảnh, tả người, tả vật, v.v... và cũng chẳng theo sách vở nào cả, bởi bố tôi là một ông đồ Nho, chứ không phải là thầy giáo. Người có học chữ quốc ngữ, nhưng không biết đã hết bậc tiểu học hay chưa? Còn về Sử cha tôi thường kể những mẩu chuyện dã sử, huyền sử, cổ tích, mục đích nhắc nhở anh em tôi về tình yêu quê hương dân tộc, bảo vệ giang sơn, đất nước, như chuyện cậu bé Thánh Gióng ở làng Phù Đổng, cưỡi ngựa sắt đánh giặc Ân; chuyện Nguyễn Trãi nghe tiếng đền làng Đa Hòa quê tôi linh thiêng, ghé vào cúng lễ và xin quẻ thẻ, giúp phương kế đánh giặc Minh, đêm ngủ ông thấy thần hiện về báo mộng, mách bảo hai câu “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”. Khi vào Lam Sơn yết kiến Lê Lợi, ông dâng kế xin cho quân lính gần ngày tết, dùng mỡ viết trên lá giong hai câu trên, chờ cho kiến ăn lũng cắt thả trôi sông, dân chúng những vùng quê dọc theo sông, vớt lá về gói bánh thấy thế cho là điềm trời đã định, truyền tai nhau hưởng ứng rất đông, giúp Lê Lợi thành công trong công cuộc đánh đuổi quân Minh, bình định bờ cõi; vân vân, ...
Mỗi buổi sáng mặc đồng phục quần xanh áo sơ mi trắng, cắp cặp đi học lòng tôi rất sung sướng, đến trường nhìn mấy học trò đánh đinh đánh đáo ăn tiền, những đứa nghèo không có tiền như tôi đứng vây quanh cổ võ hoặc chơi đánh khăng, thằng thua cõng thằng thắng từ chỗ cây khăng rơi, về lỗ khăng đặt rất là vui; nhưng khi nghe ba hồi trống thùng thùng, giục vào lớp lòng tôi lại ngập đầy nỗi lo âu hồi hộp, chỉ sợ hôm nay lại bị thầy gọi lên trả bài thì khốn. Các môn Sử, Địa hay Công dân giáo dục tôi còn chịu khó học được, chứ hai môn Pháp và toán, cho dù cố học đến đâu tôi cũng không hiểu, cũng không theo kịp lớp, có cố gắng đến mấy thì cũng đội sổ, không ngóc đầu lên nổi. Bởi theo chương trình đang học, tôi đã mất một năm Pháp văn rồi, và lớp nhất bắt đầu phải viết luận văn tiếng Pháp, trong khi tôi chưa biết một chữ, còn môn toán thì hỡi ơi, xe chạy ngược, xe chạy xuôi, xe chạy nhanh, xe chạy chậm, rồi hỏi gặp nhau ở đâu, lúc nào thì tôi chịu thua. Mấy tháng học hè cũng không thầy nào đụng tới, có lẽ mấy ông thấy trình độ tôi còn qúa thấp nên không dạy. Bài tập nào tôi cũng được thày cho ăn hai ba trái hột vịt lộn, và lại bị gọi lên phết cho vài thước kẻ bằm tay.
Tôi học với thày Kim mà tôi nhớ mãi vì hai đặc điểm: Thứ nhất thầy là một nhà sư, thứ hai thầy rất dữ đòn; nét mặt thầy xương xương rất nghiêm nghị, nước da ngăm đen. Mấy thằng học dốt như tôi, thì thầy lại hay gọi lên trả bài, thế mới chết chứ! Dù tôi cố tình tránh né chẳng nhìn thầy, cứ cắm đầu giả vờ chăm chú vào sách, cũng bị gọi lên bảng, và ... lại phải chìa bàn tay ra trước, mỗi cái thước vụt xuống đau thấu trời xanh, tôi co gập người rút nhanh bàn tay về xoa bóp, nghĩ bụng điệu này chắc chỉ vài ngày, mấy khúc xương trong lòng bàn tay nhỏ bé của tôi sẽ bị dập nát. Mà đâu phải chỉ một, thày bắt chìa tay ra lại, tôi phải đưa bàn tay khác, ít nhất cũng là hai cái thước kẻ, thầy mới tha cho về chỗ ngồi. Mà thày không bao giờ xem xét hay tìm hiểu lý do, cũng chẳng tìm cách giúp đỡ, hay hướng dẫn cho nó tiến. Mặt khác tôi cảm thấy xấu hổ với bạn bè, vì chẳng có mấy đứa bị ăn đòn như tôi.
Trong lớp tôi có hai thằng cùng họ Nguyễn lót chữ Trường, một là thằng em họ con chú tôi tên S, thằng kia tên Y, sau này khi vào Hải quân gặp lại thằng Y nó đã mang lon Đại Úy rồi, chắc xong Tú Tài là nó đi lính ngay, còn tôi hoãn dịch đến đường cùng, nhập ngũ muộn nên mới mang lon Thiếu Úy, gặp nhìn rồi quay đi, không dám hỏi vì HQ là một binh chủng thủ cựu, quan liêu và câu nệ số một, biết nó có nhớ mình là bạn học cùng lớp hồi xưa hay không? Hay nó lên mặt coi thường mình. Thằng nữa tên NN Chấn, mập mạp lớn con trắng trẻo, tôi ghét thằng này nhất, vì nó ỷ to con cũng bắt nạt tôi hoài; còn thằng ở cùng xóm với tôi, nhà chênh chếch đối diện tên Nhự, nó lớn tuổi nhất lớp, hơn chúng tôi phải vài tuổi, nên rất ít khi tôi nói chuyện với nó, vì nói chuyện phải gọi nó bằng anh. Ở cái thời tôi nó vậy, thằng nào lớn tuổi hơn hoặc học trên, là phải gọi bằng anh, chứ không có mày tao. Tất cả tụi nó đều là dân thành thị hay ít ra cũng chốn thanh bình, được ăn học đến nơi đến chốn, chứ không như anh em tôi. Chàng Nhự luôn luôn đứng đầu lớp, còn tôi cũng đứng đầu, nhưng đầu đối diện từ dưới đếm lên. Còn nữa cuối tháng phải mang sổ học bạ về nhà cho phụ huynh ký, thế là lại được ăn vài cuống chổi phất trần của bố (chổi lông gà bằng cây mây dùng phủi bụi). Vắng bố thì nghe mẹ xỉ vả mắng nhiếc, mà bà mẹ nào cũng vậy, hễ mắng con là cứ lôi thằng này thằng nọ ra mà so sánh; chỉ vì cái mặc cảm xấu hổ là có thằng con học dốt, mà không hiểu là con mình mới bắt đầu đi học, được xếp vào ngay lớp Nhất.
Vài tháng sau anh em tôi được gọi lên phòng thầy Hiệu trưởng (thầy Tuân?) cho tụt xuống lớp Nhì. Qúa xấu hổ với bạn bè nhưng bụng bảo dạ, thế cũng tốt để tôi có dịp học lại từ đầu, những gì tôi thiếu sót cho có căn bản. Chứ cái đà này chỉ vài tháng nữa hai bàn tay tôi chắc phải bó bột mất. Thời gian này chính phủ đang phát động phong trào chống nạn mù chữ, qua chương trình “Bình Dân Học Vụ”, dạy buổi tối cho người lớn tuổi, luôn cả các lớp học bổ túc cho tráng niên, anh em tôi ghi tên học thêm buổi tối, để cuối năm thi cho biết, cũng để cầu may, biết đâu vì cung “Tài” của tôi có sao “Thiên qúy, Thiên tài” chiếu mệnh, gặp lúc thầy Giám Khảo mệt mỏi ngủ gật, ghi hay cộng điểm lộn thí sinh khác cho tôi thì sao? Học tài thi phận mà! Điều thú vị nữa là trong xóm tôi, có người con gái mà tôi rất có cảm tình, nàng tên Đào cũng đi học đêm, Đào có lẽ khoảng tuổi tròn trăng, phơi phới như hoa buổi sáng; nàng có đôi mắt gợi cảm và đa tình, cộng thêm sức hấp dẫn và quyến rũ của một cô gái tuổi xuân thì, còn tôi tuy mới 11 tuổi đầu, nhưng vốn có sẵn sao “Đào Hoa, Hồng Loan” chiếu, nên cũng mê gái lắm. Học thì tôi còn kém chứ gái gẫm thì khỏi lo. Đào biết tôi thích nàng, vì tôi hay đứng trước cửa nhà chờ đợi nàng, mỗi buổi chiều nàng gánh nước đi ngang. Cả khu hẻm chuồng bò chỉ có một chỗ lấy nước công cộng, nên phải chờ khá lâu, và nàng phải gánh nhiều lần mới đủ cho cả nhà dùng, tôi cằm quyển sách vừa học vừa chờ cho đến khi nàng xong bổn phận. Tôi không biết nàng nghĩ gì, nhưng hình như nàng cũng muốn nhìn thấy tôi đón, nên mỗi lần ngang qua nhà, nàng đều nhìn vào cửa tìm kiếm tôi, bốn ánh mắt gặp nhau hai đứa lại trao nhau những nụ cười thật tươi. Buổi tối đi học tôi đạp xe kè kè bên nàng trò chuyện, cũng vì thế hai lần tôi không để ý nhìn cảnh sát, nên bị phạt vì tội đi đêm xe không đèn. Mà không phải chỉ đóng tiền phạt là xong, xe còn bị giam giữ một tuần lễ mới được lấy ra, tiền phạt rất nặng nếu tôi nhớ không lầm khoảng hai chục, đó là một số tiền tương đối lớn đối với những gia đình nghèo. Nơi giam giữ xe là khu sòng bạc và nhà thổ của nhóm Bình Xuyên thời Pháp, còn gọi là khu Bình Khang, trên đường Petrus Ký có bến xe đò đi miền Tây, ngược bên hướng ra Viện Hóa Đạo. Khu vực này còn có rạp hát Thành Chung, chuyên môn chiếu phim tình cảm Ấn Độ. Sau hai lần tôi bị cảnh sát giam xe, có lẽ Đào thấy tội nghiệp hay hối hận, vì cảm thấy một phần trách nhiệm, nên từ đó tan học về nàng lẻn về mất biệt. Dù đó chưa phải là tình yêu, nhưng tôi biết đó là tình cảm đầu đời tôi dành cho một người con gái!
Cuối năm đó tôi anh em tôi vác lều chõng đi thi, trường thi là trường tiểu học Đỗ Hữu Phương. Từ nhà tôi đạp xe theo đường Minh Mạng hướng vào Chợ Lớn, qua ngã sáu thẳng tới đường Hồng Bàng, quẹo mặt qua Viện Bài Lao Hồng Bàng, Bảo sanh viện Hùng Vương là tới trường thi. Bước chân qua cổng trường thi lòng tôi hồi hộp vô cùng, sân trường khá rộng, cây cối um tùm, với cả năm bẩy dãy nhà dọc ngang xây trên bệ cao, mái ngói đỏ đã ngả thẫm mầu vì bụi thời gian. Từ các gốc cây đến bệ chân nhà, đều được quyét vôi trắng, giống như ở các cơ quan công quyền hay trại lính. Dưới những hàng cây Me, cây Điệp, cây Ô-Môi, to lớn um tùm lá, ước chừng có đến mấy trăm, hay có thể cả ngàn thí sinh, trong bộ đồng phục quần xanh dương, áo sơ-mi trắng ngắn tay bỏ trong, chân giầy Bata, săng đan, tụm năm túm ba, từng nhóm bàn thảo, đứa ôn bài, kẻ đánh cá đề thi oang oang như đàn ong vỡ tổ. Trong sân có hai bảng niêm yết lớn, dán kín hai mặt bằng những tờ giấy đánh máy có ghi đầy đủ lý lịch: Tên họ tuổi thí sinh, phiếu báo danh, số dãy nhà và số phòng thi. Thí sinh vây kín chung quanh tìm phòng của mình. Trên những khuôn mặt còn non nớt, nhiều khi trông dường như còn phảng phất mùi sữa mẹ, ấp ủ nét thơ ngây, nhưng người ta có thể đọc được tâm trạng của từng đứa, có em vui tươi hớn hở, có em sắc mặt lo âu rõ rệt, buồn vui lẫn lộn. Riêng tôi chỉ một nỗi buồn! buồn vì ngưỡng cửa đời học sinh vừa mở, tôi đã thấy và đã gặp đầy dẫy những chông gai trắc trở, mà tuổi đời thì không còn nhỏ. Buồn bởi tôi biết cái xác xuất đậu của tôi chỉ là con số không, tôi như thằng bé ngồi gốc xung chờ trái rụng; mà không đậu thì là một điều xấu hổ cho gia đình, và xấu hổ với bạn bè cùng lớp cùng xóm. Ba hồi trống giục vang lên, hai thày Giám Thị mở cửa phòng thi, tôi nối đuôi những đứa khác, vào tìm chỗ ngồi của mình đã có ghi danh số sẵn, những bàn trên đầu lớp thường có ba thí sinh, những bàn cuối lớp chỉ có hai, mỗi thí sinh ngồi một đầu. Đợi cho học sinh ngồi vào chỗ một thầy nói: “Các em để thẻ học sinh và phiếu báo danh ra trước mặt!” rồi hai thầy lần lượt đi từng bàn, coi thẻ và số báo danh của mỗi em và nhìn từng khuôn mặt. Một lát sau có thày mang đề thi tới trao cho Giám thị trong lớp, thí sinh ngồi im phăng phắc chờ đợi giờ thi, tất cả rõi mắt theo từng cử chỉ của các thầy ở bên trong cũng như bên ngoài phòng thi. Một hồi trống vang lên báo giờ thi đã điểm, hai thầy Giám thị xé phong bì dày cộm lôi đề thi ra phát cho thí sinh. Tôi bắt đầu hồi hộp không biết đề thi dễ hay khó; những buổi thi các môn Sử, Địa tôi cố làm hết theo trí nhớ và hiểu biết của tôi, môn Việt văn có bài thi viết luận, tôi chưa kinh nghiệm không tính toán giờ giấc nên chưa kịp kết luận thì đã hết giờ. Còn môn Toán có năm câu hỏi và một bài toán đố ... toán động tử. Nỗi thất vọng dâng lên, tôi cố trấn tỉnh đọc đi đọc lại bài toán, hy vọng xem có giống bài tập nào tôi đã làm trong lớp, nhưng không, thế là hết đường “chó ngáp phải ruồi”. Để tranh thủ thời gian tôi bắt đầu làm năm câu hỏi trước, tuy vẫn biết cho dù có trả lời hoàn toàn đúng cũng khó bù điểm cho bài toán. Bốn mươi phút trôi qua tôi làm xong năm câu hỏi, bắt đầu sang bài toán, đọc hoài nhưng tôi không hiểu không biết phải bắt đầu ra sao, từ đâu!? Không khí phòng thi thật im lặng, nặng nề đến ngộp thở, đầu óc tôi căng thẳng tột cùng, tôi liếc nhìn xung quanh, tất cả mọi thí sinh đang cặm cụi làm bài, vài thí sinh tẩy đi tẩy lại, tiếng xột xoạt của bàn tay quyét trên tờ giấy vang lên nghe rõ mồn một; hai thầy Giám thị đi tới đi lui, đi lên đi xuống, thỉnh thoảng nhìn tờ vào giấy thi của tôi, trang ba vẫn còn trắng xóa, có thể các thày đang nghĩ “Ai bảo lười biếng không chịu học”, hay “lêu lổng chơi bời cho lắm đến giờ thi ngồi cắn bút”? Nhưng tôi biết tôi không lười biếng, không dốt nát, khả năng tôi kém chỉ vì hoàn cảnh, không cho tôi cơ hội thu thập những căn bản cần phải có! Tiếng tích tắc của cái kim gió chiếc đồng hồ tròn treo tường, vẫn đều đều gõ nhịp mau, như hối thúc tôi phải cố làm, làm nhanh lên kẻo hết giờ. Tôi nhớ lại mấy thầy cô lớp đêm, luôn nhắc nhở học sinh khi đi thi “Các em nhớ bất kể môn nào, các em không được để giấy trắng, đọc rồi suy nghĩ cho kỹ; hay, dở, đúng, sai cũng cứ làm, cứ viết theo khả năng của mình!”, nên tôi cũng làm, tính toán đại dù ngay cả chính tôi cũng không biết tại sao, và cứ sau một hai lần cộng trừ nhân chia thì lại bế tắc; mà càng bí thì thời gian đi càng lẹ. Một chặp sau thày Giám thị nhắc nhở thí sinh “Còn 30 phút nữa em nào đã làm xong, xem xét lại bài, em nào chưa xong cố gắng nhanh lên”, tôi tiếp tục dù không biết đáp số là cái nào! Đúng hay sai! Cuối cùng tiếng trống tàn canh vang lên, tôi thở ra nhẹ nhõm thế cũng xong một kỳ thi, và một niên học đầu tiên trong cuộc đời học trò. Tôi xếp bài thi mang nộp rồi đi ra khỏi lớp, trong lòng tôi đầy những chán chường hướng về tương lai. Năm đó hai anh em tôi đều đạp vỏ chuối; thằng em họ đậu, rồi đậu luôn vào trường Trung học công lập Nguyễn Trãi, trên đường Phan Đình Phùng gần Đinh Tiên Hoàng. Còn thằng Nhự nhà đối diện đậu hạng khá cao, và hình như học Chu Văn An.
Vừa thi xong kỳ hai thì cũng sắp hết hè, chỉ còn hơn ba tuần là tới ngày khai giảng niên học 1956-57, hai anh em tôi lại học lớp Nhất như dự liệu. Vẫn con đường cũ, vẫn mái trường xưa, trường Tiểu học Ngã Sáu di chuyển, sau cổng trường bên gốc cây me lớn xum xuê cành lá, lỗ khăng còn nguyên đó, sao tôi bỗng cảm thấy buồn xa vắng, bước vào lớp học chỉ còn loáng thoáng dăm ba học sinh cũ, mà năm ngoái tôi chưa có dịp làm quen đã phải xuống lớp. Năm rồi tôi không biết trong lớp có bao nhiêu đứa đậu; bao nhiêu đứa thi được vào trường công? Bao nhiêu đứa có điều kiện học tư? Và bao nhiêu đứa phải nghỉ học ở nhà? Thày Kim không còn dạy, thầy đã nghỉ hay thầy đã thuyên chuyển đi trường khác; thế là tôi không còn dịp chứng tỏ “Năm nay hột vịt lộn của thầy chắc là ế rồi”, vì khả năng của tôi đã tiến hơn năm trước, tôi có thể chưa khá lắm nhưng cũng không tệ, nhờ một năm học làm quen đời học sinh vừa qua. Mùa hè vừa qua gia đình tôi có vài thay đổi, bố tôi xin được việc làm cán bộ Công Dân Vụ, địa bàn hoạt động ở tận miền lục tỉnh, Vĩnh Long hay Sa Đéc gì đó; dân chúng gọi là cán bộ áo bà ba đen, đây là những cán bộ tiền thân của cán bộ Biệt Chính, và Xây Dựng Nông Thôn thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Lương cán bộ ít ỏi, chỉ bằng lương lính “đơ dèm cùi bắp”, nhưng bố tôi tằn tiện tối đa, vài tháng gởi người mang về một lần, phụ mẹ tôi nuôi anh em tôi ăn học. Còn mẹ tôi sau hơn năm gánh xôi, chắt chiu dành dụm, đủ tiền sang được một cái sạp nhỏ ở đầu chợ Ngã Bẩy, chợ này thuộc loại chợ phiên, chợ chồm hổm của những người buôn thúng bán bưng, chỉ họp nửa ngày từ 5 giờ sáng tới 1, 2 giờ chiều là tan, chợ chạy dọc theo lề đường Lý Thái Tổ, bên phía hướng về đường Bà Hạt, trải dài từ đầu Ngã Bẩy kéo tới đường Sư Vạn Hạnh. Mẹ tôi tráng bánh cuốn nhân thịt kiểu người Bắc, bà tráng khéo tay bánh ngon dẻo, bán rẻ lấy công làm lời, khách mỗi ngày một đông. Nhưng để chuẩn bị cho buổi chợ sáng hôm sau; hai anh em tôi đi học về ăn bữa cơm trưa xong, là phải lao đầu vào phụ mẹ ngay, vì một mình mẹ làm không xuể, bởi công việc rất nhiều. Anh tôi giã tôm khô thì tôi bóc rửa hành, cả kilô hành hương chứ không phải một vài củ, rồi thái hành; thái hành khỏi nói mắt cay xè còn hơn ngồi canh nồi bánh chưng ngày tết, gặp củi chưa khô khói bay mù mịt, nước mắt chảy ròng ròng, như người khóc mướn đám ma. Người thành thị chắc không thấy cảnh này, và có lẽ ít có nghề này, chứ ở thôn quê miền Bắc thưở đó, thì hầu như đám ma nào cũng có người khóc mướn, gia đình nào muốn ỉ ôi, nức nở, thảm thiết có ngay, họ kêu gào còn hơn cả thân nhân người qúa vãng. Anh em tôi phải thay phiên nhau, chứ một người chịu không thấu, mắt sưng vù chiều hết thấy đường mà học. Hành thái chiên làm “hành phi”, còn tôm giã chiên làm “tôm cháy” rắc trên đĩa bánh cuốn, công việc này là của mẹ tôi, chứ chúng tôi mà chiên thì chỉ có thành than. Sau việc giã tôm thái hành, đến xay gạo để làm bột tráng bánh cuốn, anh em cũng lại thay phiên nhau xay, trong khi mẹ tôi sào thịt làm nhân. Xong xuôi đâu đó thì cũng đã năm sáu giờ chiều, sau cơm chiều đến giờ học bài, và làm bài vở. Mọi công việc xong xuôi thì cũng đến giờ đi ngủ.
Buổi sáng đi học tôi ghé hàng mẹ xin một đĩa bánh cuốn, bánh cuốn nóng rắc hành phi và tôm cháy, chấm nước mắm nhĩ ớt cay, pha vài giọt cà cuống, ăn thật đã cái miệng. Hôm nào khách đông tráng không kịp, thì tôi đành nhịn, hoặc ăn bánh vụn vỡ không cuốn được, rồi xin mẹ 50 xu (5 hào) đi học ăn qùa vặt, hoặc đi xe buýt nếu lười đi bộ. Không biết cái tục lệ tờ giấy một đồng xé làm hai, xài thay tiền cắc có từ bao giờ, nhưng thời gian đầu thập niên 1950 rất thịnh hành. Bắt chước mấy thằng học sinh ma mãnh đi xe buýt cọp, tôi cũng thử xem có dễ dàng hay không, nếu dễ thì khỏi phải đi bộ, được đoạn nào đỡ đoạn đó. Muốn đi cọp thì chui vào khu tài xế, ngồi nép giữa cái đầu máy to, và cái ghế khách bên tay phải; nếu không còn chỗ trong buồng máy, thì canh bác kiểm soát vé đã qua cửa nào, trạm ngừng kế nhẩy xuống, rồi leo lên cửa phía sau lưng bác may ra thoát nạn, bằng không cũng đành móc túi lấy tiền trả. Nhưng dù có khôn lỏi tới đâu, cũng không qua mắt được mấy bác kiểm soát, gặp bác nào dễ tính thương học trò nghèo bác bỏ qua, còn gặp bác nào khó tính, thì đừng có hòng qua mặt, dù đông khách đến mấy, bác cũng lách mình chui vào, nắm lỗ tai từng thằng kéo ra, đá đít tống cổ xuống đường. Nếu may thì có 50 xu, chẳng dại gì bắt chước mấy thằng đánh đinh đánh đáo, tôi ra ngoài cổng trường kiếm xe bán qùa của mấy chú ba (Tào), hay mấy bà bán hàng rong bên lề đường, tệ lắm cũng mua được năm cái lõi dứa (trái thơm), tròn to chừng ngón tay cái và dài độ 15 cm (6 inches), chấm muối ớt ăn cũng ngon đáo để, nghe mấy bà bán hàng nói lõi thơm lấy từ nhà máy làm bia, sản xuất những chai bia đặc biệt. Thường mỗi két bia 24 chai, chỉ có một hai chai bia trái khóm thôi, những chai này trên nhãn hiệu có thêm hình trái thơm, mấy ông nhậu rất khoái. Hoặc hai anh em hùn mua một đĩa bánh bột chiên xì dầu, giá đồng bạc ăn cũng đã. Năm học này âm thầm trôi, tôi không còn đội sổ như năm đầu, không còn phải ăn hột vịt lộn, cũng không bị quất thước kẻ vào lòng bàn tay, hay roi vào đít; tuy không đứng đầu lớp, nhưng cũng trên trung bình; gái gẫm cũng không còn, vì Đào đã đi lấy chồng, bạn của anh nàng làm Hiến Binh, tức lính quân cảnh thời Pháp, họ mang quân phục khaki vàng, mũ kết bi mầu đỏ. Cuối năm đó tôi thi bằng Tiểu Học năm thứ nhì, trường thi vẫn là trường Tiểu Học Đỗ Hữu Phương, không khí và khung cảnh trường thi vẫn như cũ, nếu có thay đổi thì đó là thí sinh năm này trẻ hơn năm trước, và tôi tự tin hơn nhưng vẫn hồi hộp lẫn lo lắng, vì học sinh nào đi thi mà không mong đề thi vừa trình độ, đừng khó qúa có thể làm sai hoặc không kịp giờ, và lẽ cố nhiên tôi cũng mong đậu để còn thi vào trường công. Chương trình toán lớp nhất căn bản là động tử, vì thế cho nên đề thi toán luôn là bài toán về động tử. Kinh nghiệm năm trước tôi chú tâm giải bài toán trước, vì bi toán được nhiều điểm. Khi xong bài toán thì tôi đã không còn đủ giờ hoàn tất năm câu hỏi. Tuy vậy tôi vẫn nghĩ tôi làm không tệ, nếu không dư thì cũng đủ điểm để đậu. Nhưng hình như cái xui vẫn còn đeo đuổi, ngày công bố kết qủa tôi háo hức đi coi, chen chân vào cạnh bảng niêm yết, dò tên từ đầu chí cuối, anh tôi đậu còn tôi không thấy đâu cả, mò xuống danh sách đậu vớt cũng không, rớt cả hai kỳ. Thế là hy vọng nộp đơn thi vào trường công cho đỡ tốn tiền tan thành mây khói, tôi chỉ còn nước than trời “Xe cộ ơi là xe với cộ! Chạy làm sao mà lúc thì cán đinh, lúc lọt ổ gà”. Năm này bố tôi làm xa không về, mẹ thay bố phết cho tôi vài cuống chổi phất trần quắn đít. Đấy là lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời, mẹ tôi đánh con.
Sau hai năm thi rớt bằng tiểu học, tôi suy nghĩ thật nhiều có nên học lại lớp nhất thêm năm nữa hay không, cũng chưa chắc đã thi đậu, bởi cái hên thì ít cái xui thì nhiều, vả lại cho dù có đậu Tiểu học, nó cũng chẳng giúp gì cho con đường học vấn của tôi nữa, mà chỉ càng trì trệ thêm, tôi không thể thi vào trường công lập vì đã qúa 12 tuổi, tôi trình bày và năn nỉ bố mẹ, cho tôi lên Đệ Thất cùng với anh, như vậy đỡ phí thêm một năm học, bố mẹ tôi nghe thấy hữu lý, đồng ý cho tôi lên trung học. Một điều may mắn cho anh em tôi, là sạp bán bánh cuốn của mẹ càng ngày càng đông khách, mẹ tôi tráng tăng lên hai nồi bột thay vì một nồi, và phải mướn thêm một bà phụ rửa chén đĩa, để rảnh tay tráng và cuốn bánh cho kịp khách ăn, lẽ cố nhiên anh em tôi cũng phải phụ việc nhiều hơn trước, nhưng nhờ vậy mà anh em tôi được ăn học.
Trường trung học tư thục gần nhà nhất là trường Hàn Thuyên, nhỏ tí nằm góc Phan Thanh Giản và Cao Thắng. Trường cùng chung địa điểm với trung tâm dạy Anh ngữ, đã có sẵn của hai Giáo Sư Nguyễn trọng Bình và Nguyễn trọng Bằng. Trường chỉ có bốn phòng, nằm theo chiều dọc sâu vào trong, trông như một con hẻm nhỏ, đối diện rạp xinê Đại Đồng đường Cao Thắng, quận Ba, Sàigòn. Các lớp Anh văn học buổi chiều tối, còn các lớp Trung học học ban ngày, trường chỉ dạy có hai lớp thường niên đệ Thất và đệ Lục, và thêm một hai lớp luyện thi Trung học đệ Nhất cấp. Hai anh em tôi ghi học đệ Thất ở đây niên học 1957-58. Các Giáo sư có: GS Nguyễn trọng Triều dạy đại số, lượng giác; GS Nguyễn trọng Nghĩa dạy hình học; Lý Hoá do GS Nguyễn Minh Quân; Pháp Văn có GS Nguyễn Cư Trinh; Anh Văn với GS Lê Viên; Việt Văn do GS Bằng Phong Nguyễn Thanh Đạm. Giữa năm học trường dời tới địa điểm mới, cùng trên đường Cao Thắng nhưng nằm phía đầu gần đường Hồng Thập Tự, qua khỏi xinê Việt Long và ngã ba Trần Qúy Cáp. Cơ sở mới cũng nhỏ gồm ba phòng trệt; nguyên là dãy nhà kho nằm phía cuối sân sau một ngôi biệt thự thời Pháp thuộc. Điểm đặc biệt là các lớp học có gắn máy lạnh, có lẽ dùng cho các lớp luyện thi để thu hút học trò, chúng tôi được dùng ké, trời Sàigòn nóng nực mà được học phòng lạnh thú kể gì! Nhưng ké được vài tháng thì nhà trường cúp máy lạnh luôn. Lớp có khoảng hơn ba mươi học sinh vừa nam vừa nữ, nữ sinh chiếm chừng 1/3, đa số các cô lớn tuổi hơn nam sinh, ở vào lứa tuổi cặp kê cả rồi, cô nào cũng ăn diện theo thời trang, áo dài đủ màu sắc; trong khi nam sinh chúng tôi còn quần soọc, áo bỏ ngoài, nghịch phá như giặc. Được cái trường nhỏ học sinh nam nữ trò chuyện rất thân mật, tôi còn nhớ các nàng tiên thuở đó có: Phan T Kim Dung, Nguyễn T Phú, hai người này lớn tuổi nhất chúng tôi thường lịch sự gọi bằng chị; còn bốn nữ sinh nữa là NT Kim Nghĩa, N Thục Quyên, BT Cẩm Vân, NT Bích-Xuân. Vài cô khác ít trò chuyện nên không nhớ tên. Thục Quyên trông rất mặn mà, khuôn mặt thật tươi sáng, với đôi mắt đen tinh anh và cặp lông mày đen sắc nét, Quyên là nữ sinh tôi mến nhất, nàng ăn mặc giản dị ngày nào cũng tà áo dài trắng eo thon, tóc xõa ngang lưng. Tôi cố gạ chuyện làm thân, nhưng với con mắt hướng thượng, nhìn cao của các cô sẵn sàng bước lên xe hoa, nam sinh cùng lớp chỉ là những cậu học trò non nớt. Đệ Thất chương trình toán học hoàn toàn khác, học đâu hiểu đó, tôi không phải chật vật như năm lớp Nhất, nên có thì giờ ôn bài để cuối năm thi lại bằng Tiểu học; dù biết có đậu cũng như không, bởi nó không còn giúp được gì cho con đường học vấn của tôi nữa, nhưng tôi không chịu thua, nhất định nộp đơn thi để xem tôi có làm nổi, mấy đề thi toán của các thầy Giám Khảo hay không? Năm đó tôi đậu khóa đầu (tháng 6, 1958), vẫn thi ở trường Tiểu Học Đỗ Hữu Phương, và đề thi toán vẫn một tiêu chuẩn “Động tử”. Đúng là “qúa tăm ba bận”, vị chi là ba năm tức năm khóa thi, tôi mới đậu nổi cái mảnh bằng Tiểu Học. Chắc cả nước chỉ có mình tôi kiên nhẫn, dai dẳng và dốt đến thế là cùng, tiếc là không có cơ quan nào lập bảng phá kỷ lục thi rớt bằng không thì bảng “hổ danh” đã có tên tôi!
Hồi di cư vào Nam, đa số người ở vùng thôn quê ra đi hai bàn tay trắng, không có giấy tờ tùy thân, hay chứng minh khai sanh, nên chính phủ cho phép người di cư làm lại “Thế vì Khai Sanh”, để sử dụng cho đồng nhất, những giấy tờ ngoài Bắc trước đây sẽ vô hiệu lực vì không thể kiểm chứng. Vì thế cho nên làm Thế vì Khai Sanh, không cần phải có khai sinh cũ, chỉ cần ba người làm chứng. Hai tháng sau ngày tôi thi văn bằng Tiểu Học, bố mẹ tôi nhờ ba người hàng xóm, đưa anh em tôi tới tòa Hòa Giải Rộng Quyền Sàigòn, ở đường Nguyễn Huệ làm lại. Tôi không biết lúc ra tòa khai báo làm sao hay đánh máy sai, mà khi đi lấy tờ thế vì khai sinh mới, tôi bỗng thấy mình mất đi một tuổi. Thế là “công toi” (công dã tràng) cái mảnh bằng Tiểu Học, mà tôi đã khổ sở vất vả, vật lộn với nó ròng rã trong ba năm trời, nay trở thành vô giá trị. Chưa kể sau này qua Mỹ tỵ nạn, tôi phải cày bù thêm hai năm để trả giá cho cái lỗi lầm sụt tuổi đó!
Hết đệ Thất tôi tiếp tục lên đệ Lục (1958-59), cũng trong năm này Bộ Quốc Gia Giáo Dục ấn định, học sinh chỉ phải học một trong hai sinh ngữ, hoặc Anh hoặc Pháp. Tôi đang học Pháp văn với thầy Nguyễn Cư Trinh, thầy Trinh tướng tá phương phi, cao lớn trắng trẻo, trông cũng Tây lắm, thầy Trinh cũng thường hay phết roi trò nào lười biếng, nói chuyện, không thuộc bài, tuy không đến độ như thầy Kim lớp Nhất; đôi khi tôi cũng bị ăn roi chỉ vì ham vui, thỉnh thoảng giờ Pháp văn vài thằng rủ nhau cúp cua, chui vào rạp xinê Đại Đồng, cạnh rạp ĐĐ có mấy xe bán bò bía, phá lấu rất đông khách, hoặc vào vườn Bờ-rô ... tán gái, nên sợ thầy Trinh vì thế tôi đã chọn Anh văn. Hồi đó vườn Bờ-rô cây cối um tùm, mấy cô cậu sinh viên, học sinh lớn hay chui vào đây hú hí, kín đáo hơn Thảo Cầm Viên nhiểu, (vườn Bờ-rô về sau đổi là vườn Tao Đàn)! Chương trình đệ Lục không khó khăn lắm. Về Hình học thầy NT Nghĩa ghi cho một bài thơ về công thức tam giác vuông, chỉ cần học thuộc bài thơ (*) là yên chí, không cần phải nhớ những công thức phức tạp làm gì cho mệt óc. Khác với toán và vật lý đòi hỏi một chút thông minh, hoá học chính học sinh phải học thuộc và phải ghi nhớ trong đầu, môn này do GS Quân dạy, ông còn trẻ chắc chưa tới ba mươi, người nhỏ bé ốm tong và cái mũi cao nhọn hoắt, ông đi chiếc Lambretta màu xanh nhạt. Tôi không có kỷ niệm gì đặc biệt về ông, ngoại trừ một lần tôi đi ra cổng thì gặp ông đi vào, tôi chưa kịp cúi đầu chào, thì đã nghe ông cất tiếng “Sắp tới giờ vào học mày còn đi đâu đây”? Nghe tiếng “mày” tôi thấy bất mãn, cúi đầu đi thẳng một lèo không thèm chào nữa, từ đó tôi né ông. Năm này những khuôn mặt bạn bè năm trước, nam nữ quay về đầy đủ không thay đổi, hay có mà tôi không để ý. Vì tôi chỉ cần có vài người bạn thân, và nhất là sự hiện diện của Thục Quyên là đủ vui.
Bố tôi năm này cũng đã nghỉ làm cán bộ Công Dân Vụ, vì bọn du kích Cộng Sản được bí mật gài lại ở miền Nam sau hiệp định Genève đã bắt đầu hoạt động mạnh. Cả hai nhóm thù nghịch cùng sống chung với nhân dân, du kích VC thì mình không biết là ai, và cúng có võ trang, trong khi cán bộ CDV thì Việt cộng nhìn rõ mặt, mà lại không được trang bị võ khí đầy đủ, một tổ ba người chỉ có một cây súng carbine; vì chủ trương cán bộ CDV là người đi tranh thủ nhân tâm, một chính sách tâm lý chiến của chính phủ, chứ không phải là lực lượng vĩ trang chiến đấu. Nhận thấy tính mạng không được bảo đảm, bố tôi đành phải nghỉ việc. Có bố ở nhà công việc phụ mẹ tôi chuẩn bị những nhu liệu, cho buổi bán hàng ăn buổi sáng cũng nhanh hơn, vì thế tôi có nhiều thì giờ học hành và cũng thêm thì giờ rong chơi, tôi thường tới sân vận động Phan Đình Phùng tập thể dục thể thao, học Nhu đạo tuần ba ngày, do võ sư Hồ Cẩm Ngạc hướng dẫn. Tôi nhớ mỗi lần TT Diệm đi đâu, là võ sinh các võ đường thuộc Ty Thanh Niên Đô Thành Sài Gòn, phải ra phi trường, hoặc dàn thành hàng ngang dài, dọc hai bên đường Công Lý chào đón. Người ta thường nói ngày vui qua mau, mà qủa vậy mới đó mà Phượng đã bắt đầu đơm bông! Ba tháng hè trước mặt xa thầy xa bạn, tôi buồn và nhớ không biết sau mùa hè còn bao nhiêu học sinh trở lại mái trường xưa? Tôi cầu chúc bạn bè được nhiều may mắn và mong mỏi sẽ được gặp nhau vào niên học tới, nhất là Thục Quyên! Xong được cái mảnh bằng Tiểu Học tôi không còn phải lo lắng gì về thi với cử, chỉ lo ăn học. Đây là năm đầu tiên sau ba năm kể từ ngày được cắp sách đến trường, tôi cảm thấy thoải mái, nhàn hạ và vui thú.
Trưa hè oi ả, nóng đổ mồ hôi, mỗi ngày như dài vô tận, nghe tiếng ve rền rĩ đuổi nhau từ con đường này qua con đường nọ, tưởng chừng như không bao giờ dứt, cuối cùng rồi cũng qua đi, Phượng cũng úa tàn. Tôi vui mừng khôn tả chuẩn bị bước vào niên học mới, những mong đợi để gặp lại bạn bè cũ, cùng ôm hy vọng lại thấy bóng Thục Quyên. Ngày khai giảng niên học 1959-60 đệ Ngũ, trường Hàn Thuyên mở cửa ở cơ sở vừa mới xây cất ba tầng lầu, khang trang rộng lớn, toạ lạc tại số 53-55 đường Cao Thắng, gần góc đường Phan Đình Phùng, trường nằm phía sau một ngôi biệt thự, năm này lớp chúng tôi có vài thay đổi, vắng bóng dăm ba bạn cũ, thêm vài khuôn mặt mới. Kim Dung và người tôi chờ đợi từng ngày không trở lại, nghe mấy cô nói Thục Quyên đã lấy chồng! Nếu qủa thật vậy, tôi cầu mong nàng lấy được người chồng mình yêu, đừng bị gia đình ép buộc như Đào ba năm trước, vì các bậc phụ huynh thời xưa hay lo sợ “Nữ thập tam, nam thập lục”, con gái tới tuổi dậy thì, như trái bom sẵn sàng nổ. Đúng hay sai không biết, chỉ biết tôi thấy buồn và nhớ.
Âm thầm ba tháng hè xa
Từng ngày ve gọi sầu da diết buồn
Những mong nước sẽ tụ nguồn
Ngờ đâu Quyên đã theo chồng biệt tăm
Phái nam có vài học sinh mới Lê Cường, Chỉnh và một hai bạn ngồi phía cuối lớp. Được cái tuổi trẻ mau quên nhất là có sự hiện diện của một ngôi sao mới, đẹp lộng lẫy và ăn diện cũng rất mốt thời trang, phụ nữ ba vòng hấp dẫn nóng bỏng, không thua gì minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng; nàng là một Marilyn Monroe, một Liz Taylor, một Gina Lollobrigida của trường, mà rất nhiều thanh niên hằng mơ ước. Tên nàng cũng đẹp không kém “Phan Ngọc Kiều Dung”, sự có mặt của nàng khiến bao chàng thư sinh trong trường hớn hở xôn xao, nhất là mấy anh chàng đệ nhị cấp, mà kể cả tôi cũng rạo rực con tim, dù vẫn biết đó chỉ là giấc mơ, của mấy cậu học trò trong lứa tuổi dậy thì, háo hức và mơ mộng. Giờ ra chơi mấy anh chàng đệ Nhị trên lầu ba dồn xuống hành lang lầu hai trổ tài tán gái, có anh cố tình làm quen với chúng tôi, để mong vào lớp trò chuyện cho gần, may ra có dịp tán tỉnh nàng chứ đứng ngoài hành lang xa qúa. Nàng cũng biết nhưng cứ lờ đi chẳng để ý “Thôi nhé các anh đừng mất thì giờ vô ích; Sinh viên Y, Dược, Kỹ Sư, GS xếp hàng dài lắm rồi”, đứng xa xa mơ cho mộng đẹp!
Các bạn nam thân của tôi cho tới năm này có Lê Cường, Chỉnh, NV Hòa, NV Khôi và NX Quang. Anh tôi không chơi với nhóm tôi, vì anh tôi tính tình trầm lặng ít nô đùa, còn tôi tinh nghịch, ma mãnh và nhất là mê gái. Những thằng bạn thân của tôi mỗi đứa có một điểm đặc biệt, Lê Cường dân Nam kỳ trẻ nhất lớp, nhỏ con đẹp trai có vẻ con nhà giầu, da trắng như trứng gà bóc, ăn mặc bảnh bao, nói năng nhã nhặn lịch thiệp, không mày tao tí tớ, nó là thằng bí mật nhất không hề hé lộ tông tích, cũng như gia đình thân thế cho ai hay. Ngược với Cường là Chỉnh, dân Bắc kỳ nhà ở Phú Thọ cạnh trường đua (ngựa), nghe nói Chỉnh cũng có tiếng ở khu vực này, tuy vậy trong lớp nó rất tử tế không ăn hiếp bắt nạt ai, nó thân với chúng tôi. Một hôm chẳng hiểu thù oán gì, một học sinh đệ Tam giờ ra chơi dẫn vài thằng du đãng, bên cư xá Đô Thành (phiá sau chùa Tam Tông Miếu) xồng xộc chạy lên lầu, dí đánh thằng Chỉnh ngay hành lang, bọn chúng tôi cũng chết nhát đứng ngoài nhìn, chẳng thằng nào dám xông vào cứu bồ. Ngày hôm sau Chỉnh dẫn anh nó tới, anh nó trông đứng đắn, có vẻ ăn học chứ không cao bồi như nó, nhưng có lẽ là tay võ nghệ thứ thiệt, đến hỗ trợ cho thằng em trả thù, thằng kia thấy động tĩnh định trốn, Chỉnh chặn nó tại cầu thang nện cho một trận sặc máu mũi. Chuyện tưởng chừng sẽ êm, ai dè ngày hôm sau, thằng kia lại kéo bọn du đãng qua, đón Chỉnh trước cổng trường vào giờ tan học, chúng dùng gậy sắt, xích sắt, khóa xe xông lại đánh túi bụi, nhưng nhờ giờ tan học, học sinh ùa ra cổng trường đông qúa, hoảng sợ bỏ xe ngổn ngang chạy tán loạn, Chỉnh nhờ vậy thoát thân chạy được, không biết nó có bị ăn dây xích hay gậy sắt nào không? Nhà trường sợ liên lụy và nguy hiểm đến sự an toàn của học sinh, cấm cả hai không cho trở lại. Điều đáng chú ý thời điểm này tệ nạn cao bồi du đãng, băng đảng lộng hành ở Sài Gòn gia tăng kinh khủng, cảnh sát hầu như không kiểm soát nổi. Về sau chính phủ đã ra hình luật trừng phạt rất gắt gao, nhưng cũng phải mất một thời gian dài mới dẹp yên. Bạn kế tiếp của tôi NV Hòa, người Nam nhà khá giả tính tình hơi cọc và hay sổ tiếng “Đan Mạch”. Tôi với nó ngồi cùng bàn, vậy mà cũng có lần hai thằng đánh nhau chí mạng, không nhớ vì lý do gì, ngay trong lớp vào giờ chơi, nó bị bằm tím một con mắt, tôi vêu mỏ, ngày hôm sau văn phòng gọi hai đứa xuống, ra ngoài hành lang nó bảo tôi đừng nói đánh lộn nghe, nói là chơi đùa rỡn lỡ tay thôi. Nghe nó nói vậy tôi thấy hối hận vô cùng, tôi và nó bắt tay nhau làm hòa từ đấy lại thân thiết. Thằng bạn nồi bàn sau tôi là NV Khôi, người Bắc tướng tá mập mạp, to lớn nhưng nước da tái mét xanh như tàu lá chuối, không hiểu nó có bệnh tật gì không? Chúng tôi gọi nó là Khôi gà mái. Còn NX Quang bạn rất thân, cái hàm răng của nó trông giống mấy bà già trầu nên chúng tôi cho nó biệt danh “Quang móm”, người miền Nam tướng tá trung bình, tính tình vui vẻ nhưng cũng cọc, hình như người miền Nam đều vậy, thật thà nhưng cọc tính, dù là bạn bè nhưng hễ không vừa ý, là nó nổi sùng như sẵn sàng đánh lộn liền, ông già nó là Đông Y Sĩ làm cho nhà thuốc Bắc Kim Tân đường Hai Bà Trưng, trước mặt chợ Tân Định. Nhà nó cũng gần đó, trong con ngõ cụt nhỏ đường Nguyễn Minh Chiếu, trông xéo cổng trường Trần Lục.
Ngoại trừ năm đệ Thất tôi phải ôn bài vở để thi lại bằng Tiểu học, hai năm Lục, Ngũ tương đối nhàn hạ hơn, chương trình học không đến nỗi khó hiểu, chịu khó học là có thể thông suốt được ngay. Năm này chợ chồm hổm trên lề đường Lý Thái Tổ, Ngã Bẩy bị giải tỏa, mẹ tôi ngưng tráng bánh cuốn và mở tiệm tạp hoá (tạp phô) nho nhỏ tại nhà, nhờ đó tôi đỡ vất vả có nhiều thì giờ học bài, xong xuôi là tôi nhẩy phóc lên chiếc xe đạp cũ kỹ gò lưng đạp tới sân vận động tập thể dục. Trước cửa sân vận động cũng có vài xe bán hàng ăn và nước mía ép, hôm nào có tiền, tập xong ra về làm một ly nước mía đá lạnh vắt kim quất đã kể gì. Đôi khi cuối tuần rủ nhau đi bơi, khi thì lên hồ bơi Nguyễn Bỉnh Khiêm lúc thì tới hồ bơi Cộng Hòa đường Lê V Duyệt. Tới mùa trái cây rủ nhau đi Lái Thiêu, vào vườn cây hùn hạp mua: Măng cụt, vú sữa, chôm chôm hái ăn tại chỗ sướng ơi là sướng; cho dù có phải chở nhau trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, đạp gần hai tiếng mới tới, mệt bở hơi tai nhưng thật thú vị. Tính tôi năng động, không bao giờ thích ngồi yên một chỗ, nhất là Sài Gòn cũng lắm cao bồi du đãng, tôi cũng phải lo phòng thân, tôi học đủ thứ: Judo, Bình Định, Vôvinam và TaeKwonDo (Võ Sư Ng. Mười Nho trong hẻm Viện Đại Học Vạn Hạnh), nhưng thú thật không thứ nào ra hồn, chỉ đủ vài đường múa may ra oai, để mở đường cho “Thượng mã chẩu”, leo lên ngựa mà chạy thoát thân, ngựa hai bánh không phải ngựa bốn chân.
Sau hai năm học nhẹ nhàng không thi cử, tôi đã đủ thời gian xả hơi chuẩn bị cho năm đệ Tứ (1960-61) phải thi bằng Tr.H. đệ nhất cấp. Năm học này xuất hiện thêm một nữ sinh mới tên NT Xuân-Lan, Lan nhỏ tuổi nhất, có lẽ tuổi đời ngang tuổi học (14T), xinh đẹp có má lúm đồng tiền, trông còn vương vấn nét thơ ngây của cô học trò nhỏ. Nhà Lan ở ngay mặt tiền đường PĐP kế cạnh trường, tôi chẳng cần phải theo dõi cũng biết, vì sau giờ tan học đạp xe tới góc đường, là thấy nàng mở cửa bước vào nhà. Noel năm ấy lần đầu tiên tôi mua thiệp Giáng Sinh tặng gái. Đạp xe đến nhà nàng bấm chuông, một bà cụ khoảng sáu-bẩy mươi, tóc hoa râm ra mở cửa tôi cúi đầu chào lễ phép hỏi, cụ bước vào trong gọi với lên lầu; Lan nhanh chân chạy xuống nhìn thấy tôi trước cửa, nàng đi ra mỉm cười hỏi tôi rất hồn nhiên không gọi tên “Đi đâu vậy?” Tôi chìa tấm thiệp ra trước cười nói nhỏ “Chúc Mừng Giáng Sinh Lan”, nàng nhận thiệp nói “Cám ơn D.” Trong lòng tôi rất vui, vì cử chỉ hồn niên thân mật của Lan, nhìn Lan mỉm cười tôi không biết nói gì hơn, mà cũng chẳng còn gì để nói, tôi dơ tay vẫy chào “Hẹn gặp Lan sau tết tây”; Lan đứng yên bên cửa mỉm cười và dơ tay vẫy chào lại. Vốn tính đam mê tôi cũng rất mến X-Lan, nhưng vẫn chỉ là một giấc mơ gối đầu. Giữa niên học cỏ thêm MT Thẩm, nó là học sinh trường Tr. Học công lập Nguyễn Trãi, bị đuổi học tạm thời hết niên khóa vì tội cãi lại thày Giám thị; Thẩm dễ tính và cũng ham vui, từ đó Quang, Thẩm và tôi hợp thành bộ ba thân thiết.
Năm học cuối cùng bậc Tr.H đệ nhất cấp rồi cũng qua nhanh, như thường lệ chúng tôi chuẩn bị hình ảnh để dán lưu bút tặng nhau. Lưu bút học sinh tự trình bầy lấy cho riêng mình, rồi trao đổi nhau viết giới hạn trong phạm vi bạn bè của mình mà thôi, không giống như sách lưu niệm hàng năm “Year Book” toàn trường ngày nay. Thời đó học sinh chúng tôi không có máy chụp hình, nên khi cần thì phải đi tiệm chụp. Bạn bè viết cho nhau những giòng chữ kỷ niệm, chúc nhau thật nhiều may mắn thi đậu năm này. Ngày chia tay nhìn nhau lưu luyến, bùi ngùi, như để ghi lại hình ảnh những chuỗi ngày học bên nhau bốn năm ngắn ngủi, bịn rịn không muốn rời, vì không biết có bao giờ còn gặp lại! Tạm biệt các cô bạn học, những người đẹp đã cho tôi vào cõi đam mê, tình yêu học trò thầm lặng. Dù không phải là bạn trai bạn gái, nhưng hình ảnh các cô sẽ trong trí nhớ tôi mãi mãi không phai.
Kỳ thi lấy bằng Tr.Học đệ nhất cấp rất quan trọng với tất cả học sinh chúng tôi, vì nó đánh dấu một nấc thang tiến lên, hay một khúc rẽ đầu đời. Nếu đậu có thể thi vào đệ Tam trường công lập, biết đâu chừng lọt qua cửa ải, khỏi phải bỏ học nửa chừng, nếu như gia đình không có khả năng cho học trường tư. Và nhất là với nam sinh mai này 18 tuổi, theo lệnh động viên thanh niên không có bằng Tú Tài I để vào trường Sĩ Quan, thì cũng được vào trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế, học 6 tháng ra Trung Sĩ, bằng không có Tr.Học đệ nhất cấp sẽ phải nhập ngũ vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, học ba tháng ra binh nhì. Bốn năm Tr.H. Đệ Nhất Cấp, tôi không nhất lớp nhưng cũng thuộc loại khá, tôi ham chơi nhưng cũng ham học. Tôi đã làm đi làm lại nhiều lần, những bài tập trong các sách luyện thi Toán, Lý, Hóa. Tôi tự tin vào khả năng của mình, tôi đã thu thập đủ căn bản từ đệ Thất tới đệ Tứ. Không như năm thi Tiểu học tôi như kẻ mù mò mẫm tìm đường, như thằng mán về thành thị, đầy hoang mang và sợ sệt giữa ngã ba đường, thì năm thi này tôi đã có những bước đi vững vàng như hàng vạn thí sinh tỉnh thành khác! Vấn đề còn lại ở chỗ nó không phải là cuộc thi xát hạch khả năng, của mỗi cá nhân với chương trình học, như ở các quốc gia tiền tiến, nhưng là để so sánh mỗi cá nhân trong một tập thể, gạn lọc chọn ra một giới hạn nào đó, cho nấc thang học trình kế tiếp, để có sự cân bằng giữa hệ thống giáo dục, và sự phát triển xã hội, vì xã hội Việt Nam không có môi trường, thu nhận hết những học sinh sinh viên nếu như không gạn lọc. Bởi thế cho nên có rủi có may, nhiều ít tùy theo nấc thang giáo dục.
Mấy năm trước thi Tiểu học thỉnh thoảng có nghe tin báo chí đăng về việc tiết lộ đề thi, nhưng sinh hoạt của học sinh thì rất yên lặng, không thấy chuyện đứa này đứa nọ tìm hay mua đề thi, chắc vì tuổi còn qúa nhỏ. Nhưng từ Tr.H. đệ Nhấp Cấp trở lên trong giới học sinh, tôi thấy càng kề ngày thi càng nhộn nhịp đã nghe bạn bè bàn tán nhiều về việc học sinh con nhà giầu mua đề thi, hay đứa nọ quen con ông Giám Khảo lựa chọn đề thi, v.v..., xóm tôi cũng có vài thằng nhớn nhác đi tìm, chúng thức suốt đêm chong đèn chờ đợi đề thi, tụi nó nói đề thi chỉ được biết vài tiếng trước giờ thi mà thôi. Sự thật thì cũng có, nhưng tôi nghĩ giới học sinh bình dân thì làm sao mó vào được; có chăng chỉ có lừa bịp. Rồi ngày thi tới, tôi tập trung trí nhớ và theo sự hướng dẫn và dặn dò của các thầy, đọc thật kỹ câu hỏi, đầu đề, dùng sự hiểu biết và suy nghĩ về câu trả lời hay phương pháp giải, tôi làm đầy đủ theo sự hiểu biết, trí nhớ và chính khả năng của mình. Thi xong cũng phải chờ khoảng ba tuần mới có kết qủa, tôi hồi hộp chờ đợi ngày công bố kết qủa, với đầy hy vọng tôi sẽ đậu. Trớ trêu thay trong nhóm bạn bè tôi chỉ có hai thằng đậu, đó là Quang và Thẩm; còn kỳ hai không biết có ai nữa không? Tôi tự hỏi và cầu mong cho những cô bạn học đậu cả! Còn tôi rớt cả hai kỳ! Thế mới đau!
Năm sau (1961-62) tôi trở lại trường Hàn Thuyên để xin giảm học phí, vì là học sinh cũ học lại. Được khoảng vài tháng, tôi nhận thấy không có điều gì bổ ích thêm mà chỉ tốn tiền. Chưa kể tới trường vắng bóng bạn cũ, tôi cảm thấy bơ vơ lạc lõng, nên tôi nghỉ ở nhà tự ôn bài vở lấy cho yên. Những lúc buồn nhớ bạn bè mở lưu bút ra xem cho an ủi và bớt cô đơn. Hầu như đứa nào cũng chúc vui vẻ trong mùa hè, và thành công kỳ thi này, ngoại trừ một thằng tên Ngọc, tướng tá phốp pháp, lúc nào cũng quần soọc, áo polo ngắn tay bỏ trong quần, trông như một tay quần vợt có hạng, và đặc biệt ở vào cái tuổi mười lăm, mười sáu nó đã đeo cặp kính cận dầy cộm, viết một câu “Nếu anh đi nghe tiếng chó sủa mà không ngoảnh nhìn, thì anh sẽ được vẻ vang trên đường thành công!” Thú thật ở cái tuổi học sinh vô tư, chỉ biết ăn học và nhìn về tương lai, đầu óc chưa vướng bụi đời; tôi đọc mà không hiểu khỉ khô gì cả, tư tưởng cao siêu qúa, ngoài sự hiểu biết của tôi! Tôi cũng không biết tự nó viết hay moi ở đâu ra? Nhưng tôi nghĩ chắc là của một triết gia hay nhà thông thái nào đó? Chứ không phải do nó nghĩ ra, vì nó không liên quan gì đến cái tuổi học sinh chúng tôi cả. Tôi nghĩ bụng ở trong xóm lao động, đi đâu mà chả nghe chó sủa rần rần, có thấy thành công gì đâu, thi Tiểu học năm kỳ mới đậu đó thôi. Sau này ra đời, nhìn thiên hạ sâu xé lẫn nhau, đạp lên nhau mà đi, chỉ vì đôi chút bả danh, tôi mới hiểu ý nghiã của câu này, và càng va chạm nhiều, càng già, lại càng thấy cái thâm ý của cao nhân này, kinh thiệt! Năm này tôi chỉ còn liên lạc với Quang và Thẩm, những người bạn khác lưu lạc khắp bốn phương trời không biết về đâu. Thẩm học đệ Tam Nguyễn Trãi, Quang hình như trường Lê Bảo Tịnh, hay đâu đó tôi không nhớ rõ. Còn Sơn em họ tôi học đệ Nhị Nguyễn Trãi nếu đậu Tú Tài I năm này, sẽ lên đệ Nhất năm tới. Tôi nhận thấy mình thua kém bạn bè nhiều, nếu không cố gắng, không chừng khoảng cách sẽ càng xa hơn, nên tôi quyết tâm học, tự hứa chính mình nhất định phải đậu, không thể đi theo dấu chân Tiểu học. Tôi không dám sao lãng việc học, không đi sân vận động, ở nhà đóng cửa giam mình trên lầu học, bởi thời gian không còn nhiều, chỉ hai năm nữa là tôi tới tuổi quân dịch, lạng quạng đi binh nhì thì kể như đời bế mạc.
Cuối cùng những cố gắng của tôi đã có kết qủa, kỳ thi đó tôi đậu khóa đầu, tháng 4 năm 1962. Tôi mừng vì đã leo lên được bậc thang Trung Sĩ, nếu như sau này tôi phải đi lính mà không có Tú Tài I. Bước kế tiếp sẽ là kỳ thi Tú Tài I, tôi chưa biết sẽ thi vào năm tới, hay hai năm sau, đó là điều tôi phải cân nhắc kỹ lưỡng, và quyết định vào mùa hè này. Thấy thằng con có chí và kiên nhẫn, bố mẹ tôi cho tôi mua chiếc Velo Solex cũ để đi học, coi như một phần thưởng cho tôi cố gắng hơn, kỳ thi Tú Tài những năm sau sẽ còn khó khăn gấp bội. Điều cần ghi lại vào thời tôi đi học, gia đình nào có con thi đậu thường tổ chức ăn mừng, kể cả bằng Tiểu Học, vì hệ thống giáo dục và thi cử thời đó qúa khó khăn, đòi hỏi học sinh phải học hành chăm chỉ, và phải giỏi mới mong vượt qua được những kỳ thi này.
Còn bốn tháng hè trước khi leo lên nấc thang cao hơn trong đời học sinh, bậc Tr.Học đệ nhị cấp. Tôi dự định nộp đơn thi vào đệ Tam trường công, nếu may mắn đậu thì đỡ phải đóng học phí, nhẹ gánh cho cha mẹ. Nhưng suy đi tính lại thấy học kiểu này thì không bao giờ bắt kịp bạn bè. Muốn bắt kịp thì phải nhẩy lớp, bỏ đệ Tam để bù cho năm rồi học đúp; tôi tìm hiểu chương trình học của lớp đệ Tứ và đệ Nhị, nhận thấy môn toán có sự nối tiếp chặt chẽ. Mà toán là môn chính của ban B, hệ số 4 cao nhất, tôi thầm nghĩ tôi có nhiều hy vọng thành công, nếu vào thẳng đệ Nhị, như vậy có nghĩa là tôi vẫn phải học trường tư. Tôi suy nghĩ về vấn đề kinh tế tài chánh của gia đình, vì học phí đệ nhị cấp tốn kém hơn. Tôi có năm anh em, anh tôi và tôi phải học tư, còn ba thằng em tôi nhỏ, hai đứa đang học tiểu học không tốn kém, và cả gia đình trông vào cửa tiệm tạp hóa của mẹ. Nhờ Trời thương Phật độ, cửa hàng tạp hóa của mẹ mỗi ngày một thêm đông khách, nên cuộc sống gia đìh cũng dễ thở. Khi nghe tôi trình bầy bố mẹ tôi chấp thuận, và tôi tự hứa lòng sẽ quyết chí học hành để khỏi phụ lòng cha mẹ, vất vả thức khuya dậy sớm buôn bán, tằn tiện chi tiêu để có tiền cho anh em tôi ăn học.
Tôi không muốn trở lại trường Hàn Thuyên, dù trường có lớp đệ Nhị, vì e nhà trường có thể khó dễ không cho tôi nhẩy lớp; hơn nữa mỗi ngày tới trường cũ vắng bóng bạn bè, có thể làm tôi sao lãng học hành. Sàigòn lúc này có vài trường khá nổi tiếng như trường Hưng Đạo ở đường Cống Quỳnh; trường Nguyễn Khuyến đường Trần Qúy Cáp, trường Văn Học đường Phan Thanh Giản gần nhà; v.v.... Nhưng tôi chọn một trường mới mở chừng hai ba năm, trường Tr.Học tư thục Lê Qúy Đôn, cũng là trung tâm Anh Ngữ của hai vợ chồng GS Nguyễn Ngọc Linh và bà Phạm Thị Thu, số 216 đường Phan Đình Phùng, Sài Gòn, (khoảng giữa đường Bà Huyện Thanh Quan và Công Lý) do bà PT Thu làm Hiệu Trưởng. Niên học này (1962-63) tôi có người bạn mới Ng. Hùng Sơn học cùng lớp đệ Nhị B, Sơn tạng người to lớn mập mạp, con của GS Anh văn NV Giai, qua Sơn biết thêm hai bạn Trúc và Lộc, học ban A không nhớ họ; Trúc tướng tá cao ráo, rất đẹp trai, đầu tóc chải theo kiểu Elvis Presley, nhà ở hẻm bên cạnh trường tiểu học Bàn Cờ (trường cũ), Trúc thường nói mỗi lần vào xinê, đặc biệt là rạp Vĩnh Lợi, hễ thấy thằng nào lại ngồi gần bên, là nó phải chạy vì sợ bị ... mò, Trúc nói đã bị một hai lần nên hãi. Còn Lộc nhà ở hẻm đối diện kề bên trường tiểu học PĐ Phùng (trường mới), hai trường đối mặt nhau trên con đường Bàn Cờ; khúc này đi vào hẻm khu xóm lao động, xe cộ vào được nhưng không thông thương; trông qua bên kia đường PĐ Phùng là chùa Ấn Độ “Kỳ Viên Tự”. Năm đệ Nhị tôi học trung bình, toán cũng khá. Đặc biệt đệ Nhị trở lại học cả hai sinh ngữ, và Anh văn vẫn là sinh ngữ chính, năm này Pháp văn tôi khá, thứ hạng trên trung bình, không như hồi lớp Nhất tối ngày ăn hột vịt lộn với ốc bươu. Tuy đã bắt kịp bạn bè, nhưng biết khả năng của mình còn thua kém hàng vạn học sinh khác, nhất là cái tội khăn gói qủa mướp đến trường thi, mà hay ngoảnh mặt nhìn gái, đạp vỏ chuối trượt chân rớt hoài là vậy. Tôi cũng không say mê cô nào cả, mà nói cho ngay phần đông các cô thích hoa lá cành (ban A: Vạn vật), hoặc ra thơ vào thẩn (ban C: Văn Chương), chứ có mấy cô thích ban B (toán), mở miệng nói ra là toàn những phương trình bậc, căn số với lũy thừa, khô khan qúa! Trong lớp Nhị B tôi học chỉ có ba bốn cô, trên tổng số hơn sáu mươi học sinh, mà người đứng đầu lớp về toán lại là một cô, các cô còn lại cũng thuộc loại trung bình cả, các cô học như vậy thì còn thì giờ đâu mà săn sóc vườn hồng? Chứ có bướm ong nào chê mật, mèo nào chê cá rán bao giờ, nhất là cái thằng tôi đâu thiếu máu đam mê.
Năm đệ Nhị cũng là năm mà tất cả bạn bè tôi ở vào lứa tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự, tuổi 18; nên kỳ thi này tối ư quan trọng, vì nó quyết định xem chúng tôi có còn được tiếp tục học lên hay phải bỏ ngang. Nếu đậu coi như được hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự cho đến 21 tuổi; còn không thì phải trình diện nhập ngũ, hạn chót ngày cuối năm. Bởi thế cho nên mọi người phải học tối đa, tôi phải luôn cố gắng học không thể thờ ơ, học ngày học đêm. Chính vì quan trọng như vậy nên càng kề ngày thi, các cô cậu càng nhốn nháo rỉ tai nhau tìm ... chẳng phải gái mà tìm “đề”. Trong xóm tôi cũng có mấy thằng đi thi, chúng nó đồn thằng này thằng nọ có bạn con nhà giầu mua đề cần người giải, hay nó quen con thầy Giám Khảo chọn đề thi, v.v và v.v.... Thấy tôi học hành vất vả bố tôi thỉnh thoảng nhét cho ít tiền còm tiêu vặt, nhờ vậy học khuya tôi cũng được ăn càri Ấn vài lần trong tháng cho có sức khỏe. Sát cạnh nhà tôi có ông Ấn Độ, ông ở VN lâu năm lấy vợ Việt, nói tiếng Việt rất sõi, sinh sống bằng nghề bán cơm càrinị, càri dê, càri gà (gà nòi hay gà trống). Càri ông nấu chính gốc Ấn Độ, không phải càri “lagu’ như người Việt mình. Cay! rất cay! nhưng ăn thì tuyệt vời, gia vị càri vợ chồng ông tự cà hàng ngày, một người cà không cà chung hay cà đôi!! Ớt, tiêu, gừng, tỏi, tất cả đều nguyên trái và củ, dụng cụ cà là chày đá và thớt đá dày, vừa lăn vừa cà cho tới khi các nhu liệu quyện vào nhau thật nhiễn, đặc sền sệt mới ngưng. Ông có quầy bán cơm trước cửa tiệm cà phê hủ tiếu, góc đường Hiền Vương và Trần Quang Khải, một hai căn cách tiệm thạch chè Hiển Khánh, kế đến là rạp xinê Đa Kao. Mỗi tối tôi thường học tới một hai giờ khuya, cũng là giờ ông về. Nghe tiếng xích lô máy xình xịch trước cửa nhà, tôi chạy vào bếp lấy tô ra, ông vét nồi múc cho tôi được khoảng nửa tô, lấy vài đồng tùy nhiều ít, thế là tôi có chén cơm nguội càri tuyệt cú mèo. Ăn càri cay vã mồ hôi hột, nhưng nhờ vậy đầu óc tỉnh táo hơn để học.
Tôi mua sách toán, lý, hóa về làm, cuối tuần chui vào thư viện ngồi gạo cho đỡ nóng. Kỳ thi năm đó trong số những bạn bè của tôi, chỉ có bốn đậu là NX Quang, NH Sơn, MT Thẩm và tôi, nhưng tôi cũng phải ... rớt kỳ đầu, kỳ hai mới đậu, tháng 7-1963. Tôi còn nhớ vào thi vấn đáp tại trường Gia Long, ngay tầng chệt, phòng đầu tiên bên tay phải từ cổng trường nhìn vào. Đậu Tú Tài I tôi đương nhiên được hoãn dịch đến năm 21 tuổi. Còn những người bạn kém may mắn phải trình diện nhập ngũ. Có ở hoàn cảnh của bạn bè tôi, mới thấy thấm thía cuộc đời và cái gía trị của mảnh bằng Tú Tài I ở mức độ nào! Chả thế mà Phạm Duy đã phải cho vào nhạc: “Ta hỏng Tú Tài, ta vuột tình yêu, Thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi”.... nhập ngũ!
Năm này tôi được bố mẹ cho đổi chiếc Velo Solex lấy chiếc xe gắn máy “Mobylette Vàng”. Đi được vài năm bị kẻ gian cuỗm mất ở hồ bơi Ng. Bỉnh Khiêm. Thời bấy giờ nạn ăn cắp xe lan tràn khủng khiếp, xểnh mắt một chút là mất toi, có thưa cảnh sát cũng bằng thừa, vô phương tìm lại.
Qua được mảnh bằng Tú Tài I, là một thành công thứ hai trong đời học sinh, đó là từ Trung Sĩ đã lên được Chuẩn Úy. Vì theo lệnh động viên, những ai có văn bằng Tú Tài I trở lên khi nhập ngũ sẽ được vào trường Sĩ quan Trừ Bị Bộ Binh Thủ Đức, học một năm ra trường mang cấp bậc Chuẩn Úy. Ngoại trừ những thanh niên hội đủ điều kiện vào các binh chủng khác như Hải quân, Không quân, hay vào trường Võ Bị Quốc Gia VN (Đà Lạt). Và từ đây người thanh niên cũng có thể bước chân vào đời, dùng nó để xin việc làm ở các công tư sở, nếu không có điều kiện hoặc không muốn tiếp tục học. Cũng có thể thi vào Cao Đẳng Sư Phạm ra trường Giáo Viên Tiểu Học; hay vào ngành Thẩm Sát Viên Cảnh Sát, v.v... Nhưng ước vọng của tôi muốn tiếp tục học lên Đại học; bởi tôi quan niệm quốc gia muốn tồn tại không phải chỉ cần mạnh về quân sự, mà phải mạnh cả về kinh tế lẫn xã hội. Thử nghĩ nếu tất cả mọi người thanh niên vào lính cả, thì còn ai xây dựng quốc gia trên lãnh vực dân sự? Xã hội có phát triển thì dân mới có công ăn việc làm, và Quốc gia mới cường thịnh nên tôi muốn tiếp tục học. Năm học này cũng là năm đánh dấu cuộc tình đầu đời của tôi, không biết tôi có bị ảnh hưởng hay trừu tượng hóa, lời nói dí dỏm của người đời “Gái một con trông mòn con mắt” hay không? Nhưng tôi biết tôi yêu chân thành và tha thiết người sương phụ một con!
Mấy tháng hè Sàigòn sôi sục biểu tình chống kỳ thị tôn giáo, lúc đầu chỉ có Phật Tử sau kéo theo chính trị gia, sinh viên, học sinh vào cuộc; trường nọ xô xát trường kia. Rồi một số cộng đồng Công giáo phụ cận thủ đô, ủng hộ chính phủ kéo về chống lại biểu tình. Sàigòn trở thành rối loạn, trên đường phố những ngã tư dẫn tới các khu vực quan trọng, chỗ nào cũng đầy dẫy Cảnh Sát Dã Chiến. Lẽ cố nhiên cộng sản không bao giờ bỏ lỡ cơ hội, đổ xăng vào lửa, gài người vào biểu tình làm lũng đoạn hậu phương, để cho chúng dễ dàng gia tăng áp lực quân sự ngoài tiền tuyến. Tôi cảm thấy thất vọng và chán nản vô cùng! Vì cuộc đời thư sinh từ đây không còn giữ được sự vô tư, yên tâm ngồi học và hướng về tương lai nữa, mà nhiều sinh viên học sinh đã bị lôi cuốn vào cơn lốc chính trị của miền Nam. Rồi ngày mồng 1 tháng 11 năm 1963, nền đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ. Những tưởng tình hình chính trị xã hội miền Nam, sau cơn biến động sẽ được ổn định, và sinh hoạt sẽ trở lại bình thường. Nào ngờ chỉ hai tháng sau, nhóm Tướng lãnh đảo chánh ông NĐ Diệm, cũng bị chỉnh lý và thay thế bằng nhóm Tướng lãnh khác. Sàigòn từ đó rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị và lãnh đạo trầm trọng do một số nhóm tướng lãnh quân sự phe phái khác nhau cầm đầu. Họ không lo thi hành nhiệm vụ quân sự của mình, mà chỉ lo tranh giành chức vụ và quyền lực ở Sàigòn, kết bè chia phái, tạo điều bất lợi cho các chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Cộng sản lợi dụng tối đa bất ổn, xúi giục và cài người vào các tổ chức đoàn thể dân sự ở hậu phương, đồng thời gia tăng họat động quân sự. Chiến sự ngày một leo thang khốc liệt và lan rộng. Sàigòn và các tỉnh thành lớn, đặc công Việt cộng cũng gia tăng phá hoại và khủng bố. Rốt cuộc sau hàng loạt những cuộc chỉnh lý, đảo chánh do các Tướng Tá tranh quyền, liên tục xẩy ra ở Sàigòn thời đó, chỉ có một kẻ được hưởng lợi đó là cộng sản.
Chỉ nội trong năm đệ Nhất này (1963-64), tôi đã đổi bốn trường từ Văn Lang ở Tân Định, qua Văn Học đường Phan Thanh Giản, nhẩy sang Hưng Đạo đường Cống Quỳnh, rồi Bồ Đề gần chợ cầu Ông Lãnh. Nhưng cuối cùng thì tôi học ở nhà, mua sách tự học lấy, để khỏi bị quấy rầy, khỏi thấy cảnh học sinh kéo bàn ghế chồng chất chặn cổng trường. Cá nhân tôi không thích tham dự vào những hỗn loạn này, bởi vì hậu phương càng rối loạn bao nhiêu, thì càng dễ tạo cơ hội cho cộng sản lợi dụng bấy nhiêu, và ngoài tiền tuyến các chiến sĩ VNCH càng bất lợi bấy nhiêu. Tôi có bạn bè cả Công giáo lẫn Phật giáo. Với tôi Tổ Quốc Dân Tộc trên hết, tôi chỉ muốn một miền Nam Tự Do Dân Chủ, trên nền tảng bình đẳng và tình thương dân tộc. Không độc tài dù quân phiệt hay phong kiến, không Dân chủ giả tạo sửa đổi hiến pháp để làm Tổng Thống muôn đời, không độc tôn và không Cộng sản.
Đệ Nhất là năm học cuối cùng bậc Trung học, cũng là năm cuối cùng lứa tuổi học sinh, tôi lại ... Rớt!
“Bắc thang lên hỏi ông
trời,
“Ai quăng vỏ chuối cổng trường tôi thi,
“Trượt chân tôi té bao kỳ!
“Học tài thi phận hay vì tôi ngu?”
Tôi thấy chính mình học không tệ, so sánh các lớp từ trước tới nay về toán lý hóa tôi luôn xếp hạng từ trên trung bình đến khá, không lười biếng, mà sao con đường khoa bảng của tôi, lận đận đến thế là cùng! Rồi tôi cũng đậu nhưng đã hết tuổi vị thành niên. Sau đó tôi lên Đại học, không nộp đơn thi vào trường nào, dù tôi cũng rất muốn trở thành Bác sĩ, Kỹ sư chỉ vì sợ ... RỚT, đành chọn trường Đại Học Khoa Học, lẽo đẽo theo đuôi bạn bè, để rồi cuối cùng cũng ... phải đi lính, năm năm sau ngày hầu hết bạn bè tôi đã nhập ngũ.
Trong số những người bạn của tôi bước chân vào đời, ngay sau khi tuổi học sinh vừa chấm dứt, có MT Thẩm thi vào trường Sư Phạm hai năm ra Giáo Viên Tiểu Học. Còn lại tất cả đều đi lính; Quang nhập ngũ trường Sĩ Quan Bộ Binh Thủ Đức, ra trường về Thiết Giáp; NH Sơn vào sĩ quan Không Quân, có thể còn những bạn khác tôi không biết. Số còn lại người Hạ Sĩ Quan Đồng Đế; kẻ vào Trung tâm Huấn Luyện Quang Trung. Trúc và Lộc gia nhập Hải Quân, Hạ Sĩ Quan ngành y tá không biết đơn vị nào, mà hơn năm năm hải nghiệp tôi không hề gặp mặt; anh tôi cũng nhập ngũ. Chiến tranh ngày một khốc liệt, bạn bè tôi ngày một biệt tăm, ai còn, ai mất có ai hay?! Ngoại trừ Quang thằng bạn thân nhất mà tôi biết, tử trận sau bốn năm thi hành nghĩa vụ người trai thời loạn, để lại vợ và một bé trai hai tuổi.
Cá nhân tôi không có gì hãnh diện, chẳng có gì khoe khoang, tôi viết để nhớ lại một quãng đời học sinh của chính tôi, của những bạn bè cùng lớp cùng trường, đặc biệt cho những học sinh không may mắn được vào trường công, và một thế hệ thanh thiếu niên đã thăng trầm trong chính cuộc đời mình, đã chứng kiến một giai đoạn nhiễu nhương của xã hội miền Nam. Đã chiến đấu, đã hy sinh, cùng nổi trôi theo vận mạng đất nước. Những người bạn thuở học sinh xa xưa đó, nếu còn hiện diện trên cõi đời tôi cầu xin Trời, Phật, Chúa ban ơn cho các bạn được mọi điều hạnh phúc, vui cùng con, cháu, chắt nội ngoại. Nếu đã trốn bỏ cuộc trần xin các bạn hãy ngủ yên! Riêng tôi sau hơn 60 mùa thu thay lá, qua bao cuộc bể dâu, giờ này vẫn còn thao thức nghĩ về các bạn, ôn về những kỷ niệm một thời học sinh, bốn năm ngắn ngủi dưới mái trường “Trung Học Tư Thục Hàn Thuyên; tôi vẫn còn hình dung được từng khuôn mặt, từng nụ cười, những ánh mắt tràn đầy mộng ước của lứa tuổi học trò! Và lẽ cố nhiên chẳng thể quên Thục Quyên, Kiều Dung, Xuân Lan. Ôi cuộc đời học sinh của chúng mình sao trăm ngàn vất vả!!!
Những
tưởng thời gian sẽ xóa nhòa
Rồi
hình bóng cũ cũng phôi pha
Nhưng
đã bao mùa thu thay lá
Đã
bấy đông dài vẫn thiết tha!
Nguyễn-Chu Trương Dực
Nam California, Hè 2022
“Thương nhớ về những
người bạn Tr. Học Tư Thục Hàn Thuyên, Sài Gòn đầu thập niên 1960”
(1) Công Thức Tam Giác
Vuông
Bình phương một cạnh góc
vuông
Bằng hình chiếu nó nhân
luôn cạnh huyền
Còn
bình phương của đường huyền
Bình phương hai cạnh cộng liền ra
ngay
Nhắc ai hãy nhớ câu này
Hai cạnh thẳng góc bằng
huyền nhân cao
Tìm bình phương của đường cao
Hai
đoạn chân nó nhân vào thấy luôn
(Không rõ tác giả)
Phụ Chú
Dưới
thời chính phủ VNCH, hệ thống giáo dục bậc Tiểu Học và Trung Học,
bao gồm 12 năm học như ngày nay, nhưng
danh số thứ tự lớp được chia riêng cho mỗi bậc, đảo ngược với sự
sắp xếp thời nay. Bậc Tiểu Học sau lớp mẫu giáo là lớp Năm (cấp 1 bây giờ), rồi lên tư, ba, nhì, nhất (cấp 5). Cuối năm lớp Nhất
thi bằng Tiểu Học. Lên bậc Trung Học lại chia hai là Tr.H đệ I cấp và Tr.H đệ
II cấp. Tr.H đệ I cấp có bốn lớp từ đệ Thất (cấp 6) lên đệ Lục, đệ Ngũ và đệ Tứ (cấp 9). Cuối năm đệ Tứ thi bằng
Tr.H đệ I cấp. Kế tiếp là Tr.H đệ II cấp gồm ba lớp: Đệ Tam (cấp
10), đệ Nhị (cấp 11).
Cuối năm đệ Nhị thi bằng Tú Tài I và đệ Nhất
(cấp 12). Cuối năm đệ Nhất thi
bằng Tú Tài II. Như vậy từ tiểu học đến hết trung học, học sinh phải
qua bốn kỳ thi gạn lọc toàn quốc. Tính ra tổng số học sinh bắt đầu
vào mẫu giáo cho đến khi hoàn tất xong bậc Trung Học, với cấp bằng
Tú Tài II, chỉ có khoảng 10-15%. Nhận thấy những khó khăn và trì trệ số học
sinh ra trường bậc Tr. Học; thập niên 1960 chính phủ VNCH có vài cải cách về thi cử, hủy bỏ kỳ thi bằng Tiểu Học khoảng năm 1960; bỏ thi bằng Tr. Học Đệ I Cấp giữa thập niên 1960. Học sinh chỉ phải thi lên lớp mỗi cuối niên học
và thi tại lớp như học sinh thời nay. Đến năm 1973, hủy bỏ luôn bằng Tú Tài I; chỉ còn lại bằng Tú Tài duy nhất thi sau
năm đệ Nhất. 1974 kỳ thi bằng Tú Tài không còn phải viết và làm bài như trước,
mà thi theo kiểu ABC khoanh, chấm và cộng điểm bằng máy, không bằng
tay như xưa. Và đó cũng là mùa thi cử cuối cùng của VNCH.
Nctd