Thursday, December 22, 2016

MỘT THOÁNG DĨ VÃNG


    
    
     Bây giờ là tháng 12 thông thường trời đã lập đông nhưng thời tiết năm nay vẫn chưa lạnh lắm, tôi nhớ cách đây năm (5) năm khi chưa nghỉ hưu mỗi sáng lái xe ngược lên hướng bắc trên xa lộ 55 rồi rẽ về hướng đông xa lộ 91, nhìn trên đỉnh núi phía bắc xa lộ nhiều năm mới tháng 10 đã thấy có tuyết phủ đầu non rặng San Bernadino, và trên vùng Big Bear mùa này đã nhộn nhịp người lên trượt tuyết khó khăn lắm mới đặt được phòng, nhưng năm nay tuyệt nhiên vẫn vắng lặng, trên đỉnh núi vẫn một mầu đen nắng cháy, chắc hẳn đó là ảnh hưởng của sự hâm nóng địa cầu mỗi năm thêm rõ rệt và nặng nề hơn. Chênh chếch về hướng đông, mặt trời đã lên ngọn hàng cây cọ (palm) chung quanh bãi đậu xe ở cuối chân cầu bán đảo Balboa, tôi nhìn quanh chọn chỗ đặt cái ghế xếp bằng vải bố cạnh vọng quan sát của nhân viên cứu nạn trên bãi biển, rồi thả người ngồi nghỉ xả hơi hóng gió, sau khi vừa đi ráp một vòng từ cầu Newport Beach xuống cầu Balboa nằm ở phía nam, quãng đường dài khoảng độ 3.4 dặm (5.47 Km) như bình thường mỗi tuần vài ba buổi, để giúp cho tim mạch lưu thông điều hòa trở lại, nhất là sau lần phải thông mạch tim cuối mùa xuân năm ngoái. Với tay nhấc cái bình thủy nhỏ trong túi sách đưa lên miệng chậm chạp nhấp ngụm cà phê còn nóng ấm, hương cà phê thơm thoang thoảng làm tôi cảm thấy dễ chịu nhẹ nhõm người. Một mình ngồi lặng lẽ thả hồn theo những làn sóng biển ngoài xa chạy vào vỗ ì ầm lên bờ cát trước mặt, bắn tung cao những làn bọt nước trắng xóa, và bụi nước phất phơ bay vương vào mặt lành lạnh; mờ mờ tít chân trời xa có con tầu hàng hải viễn dương âm thầm tiến về phía cuối chân trời, trong cái khoảng cách của tầm mắt, một con thuyền đánh cá lững lờ chậm chạp trôi giữa làn sóng nước bao la khiến tôi hồi tưởng về dĩ vãng, nhớ lại những con tầu cũ ngày xưa đã cho tôi một thời ngụp lặn với sóng nước đại dương. Tuy thời gian chưa đủ thoả chí tang bồng, nhưng cũng đủ ghi vào tâm khảm những kỷ niệm buồn vui, những tháng ngày huy hoàng và uất nghẹn của cuộc đời người thủy thủ trẻ làm nghiã vụ bảo vệ quê hương. Chỉ vỏn vẹn 5 năm 5 tháng tôi đã được nếm đủ mùi từ sông đến biển nhờ đó cuộc đời cũng thêm chút thi vị; Nhớ những ngày sau khi ra trường chọn đơn vị tôi chọn chiếc Hải vận hạm Hàn Giang (HVH/HQ401) thay vì Hải Đội, làm đơn vị phục vụ đầu tiên đời binh nghiệp, con tầu được sử dụng như một Y tế Hạm; Ngoài số Sĩ quan và đoàn viên chính như bất cứ một tầu HVH nào khác, nó được bổ xung thêm một Trung Úy Bác Sĩ Quân Y, vài y tá và 1 Trung Úy Nha tá, tầu chuyên làm công tác dân sự vụ như đi khám bệnh miễn phí cho đồng bào, trong các vùng sông ngòi miền hậu giang hay các thị xã dọc bờ biển nam VN, trải dài từ cửa Tùng vào tận Phú Quốc, đôi khi thực hiện công tác khác như chở phái đoàn này nọ quân dân cán chính tới vùng nào đó; Nhớ lúc lên ca hải hành mang cái cảm giác lâng lâng ngây ngất khó tả làm sao ấy, nhất là “ca cách mạng” nửa đêm, mà mọi thủy thủ đều ngán ngẩm vì trong khi người người an giấc thì mình phải đi phiên, trên đài chỉ huy thường chỉ có 2 Sĩ quan và 2 nhân viên âm thầm làm việc, con tầu bồng bềnh lầm lũi rẽ nước chầm chậm trong đêm giữa trời nước bao la đen thui thủi, nghe gió lồng lộng thổi, cái cảm giác cô đơn trống trải và nhớ nhung mang mang sầu, nếu may mắn đêm có trăng sao thì cũng tuyệt, nhìn những đợt sóng lóng lánh dưới ánh trăng bàng bạc, bọt nước trắng xóa vỡ tung trước mũi tầu, các chàng có người yêu tha hồ mà mơ mộng, nhưng không phải ai cũng thích: “lênh đênh triền sóng, thấy lung linh rừng hoa” (*) ngược lại cũng có chàng chỉ thấy “Mầu hoa thật trắng, ôi hoa nở thắm, ngất ngây … buồn nôn” mà thôi; Nhớ tấm bản đồ hải hành, cái la-bàn đo góc độ, và cặp thước song song kéo qua kéo lại chấm tọa độ để định vị trí mỗi đầu giờ và chỉnh hướng con tầu cho đúng đường hải hành mà Hạm Trưởng đã chọn. Lên ca đêm nhiều khi cũng hồi hộp thần kinh căng thẳng vì nếu lỡ đi ngang vùng Phan Thiết, Phan Rang sẽ gặp cảnh thuyền chài giăng lưới đông như mắc cửi suốt từ bờ ra tận mấy hải lý ngoài xa, chắn ngang hải trình của những con tầu Hải vận hạm (LSM) trung bình, từ quan đến lính phải trống mắt mà nhìn cho kỹ những ngọn đèn bão le lói trong đêm của những con thuyền giăng đánh cá mà tránh, lạng quạng chân vịt cuốn lưới thì chỉ có nước chờ ngày sau thuê người lặn xuống cắt mới mong chạy được, đôi khi còn bị dân thưa kiện không chừng nếu như họ đọc được số tầu, những loại tầu tuần dương hay vận tải cỡ lớn như Dương-vận-hạm (LST) đi xa bờ có lẽ không bị cảnh này. Chiếc Y tế hạm HQ401 cũng cho tôi một may mắn lại thêm chuyến xuất ngoại dù chỉ là đi Guam để đại kỳ trong 3 tháng, vì có đi ra khỏi nước mới được ăn uống đầy đủ, và chút tiền lương còm để dành, bằng không cuộc đời lính tráng dù là quan quách của xứ nhược tiểu nghèo nàn cũng đói rách mồng tơi. Nói về những loại tẩu chuyên chở dân thường ít ai gọi hay biết với những danh xưng chuyên môn hải quân như Hải vận hạm hay Dương-vận-hạm mà đại đa số quen gọi với cái biệt danh “tầu há mồm”, vì kể từ sau cuộc di cư vào Nam của gần triệu người dân đất Bắc trốn chạy cộng sản sau hiệp định đình chiến Geneve 1954 chia đôi đất nước Việt, hình ảnh những con tầu này đã in đậm nét trong trí nhớ người dân Việt. Ngay trong ký ức nhỏ bé của tôi hình ảnh ngày nào ngỡ ngàng bước chân vào lòng con tầu há mồm to lớn cái cảm giác đầu đời lạ lùng và thán phục như vẫn còn nguyên vẹn, vẫn còn mới tinh, thế mà thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ, gần một đời người, tôi lại còn có được duyên kỳ ngộ là phục vụ trên nó khi trưởng thành, không biết đó có phải là con tầu mà thằng bé tôi đã ngồi im giữa sàn tầu ngước nhìn những chàng thủy thủ Pháp, Việt đứng trên boong cao vời vợi với hàng trăm người di cư khác hay không. Nhớ những ngày cuối cùng trên con tầu tuần cận duyên bé tí teo (PCF/Patrol Craft fast) vượt vịnh Thái Lan trong mùa biển động, và trong hỗn loạn bàng hoàng xen lẫn uất nghẹn của người dân miền nam tự dưng trở thành người thua cuộc, nhưng chắc hẳn những người được mệnh danh bên thắng cuộc cũng ngỡ ngàng, sửng sốt không kém vì bỗng nhiên họ đã nhận dạng được sự thật về đời sống của quân dân miền Nam hoàn toàn trái ngược những gì họ đã được đảng và nhà cầm quyền cộng sản Bắc Việt tuyên truyền dạy dỗ, học tập rỉ rả từ bao năm qua, để khơi động lòng ái quốc và thúc đẩy giới trẻ miền bắc hăng hái lên đường vào nam làm nghiã vụ “chống Mỹ cứu nước, giải phóng đồng bào ruột thịt miền Nam khỏi cảnh nô lệ lầm than”, vỡ lẻ ra là chính họ vừa được giải phóng khỏi cái hỏa mù trí tuệ, đầu óc bị nhét đầy mớ lý thuyết xã hội chủ nghĩa không tưởng.
    Đang ngồi nghĩ ngợi lung tung chợt thấy một bóng người đổ dài đi về hướng mình rồi dừng lại bên cạnh, tôi ngước nhìn sang bên một người Mỹ già tóc bạc trắng phau cũng độ tuổi thế hệ “Trẻ thơ đua nở” (Baby boomer) đâu đó, người đàn ông Mỹ cất tiếng chào xã giao, tôi chào lại trong lúc ông tiếp tục ngay:
-  Có phải ông là người ViệtNam?
- “Phải!” tôi đáp; ông ta liền buông một câu tiếng Việt: “Chào ông, mạnh giỏi!” Tôi chào lại cũng bằng tiếng Việt và đứng lên bắt tay, trong bụng thấy vui vui nghĩ thầm “Lại một cựu chiến binh Hoa Kỳ của cuộc chiến VN!” Người Mỹ già giới thiệu tên John và thản nhiên ngồi phệt xuống cát cùng lúc cất tiếng “Ông cứ ngồi tự nhiên!” tôi ngồi xuống và hỏi “Chắc ông cũng từng tham chiến ở VN”? người đàn ông Mỹ gật gù “Phải” và bắt đầu kể chuyện cuộc đời ông tham gia chiến trận VN vào những năm 1967-1969 lúc đó ông 23 tuổi, trong nhiệm vụ một phi công trực thăng Thủy quân Lục chiến, phi đoàn ông đóng ở phi trường Đà Nẵng, ông nhanh nhẩu khoe là ông đã lãnh hai viên đạn AK trong một phi vụ đổ quân ngoài bìa làng, trận này bọn VC đã bố trí những tay súng bắn sẻ núp trên ngọn cây dừa để chờ trực thăng đổ quân tới thì nã súng, rất may là không một chiếc nào bị nạn, chỉ mình trực thăng của ông lãnh vài viên nhưng không bị bất khiển dụng và ông đã đáp được xuống hậu cứ hành quân an toàn, sau đó ông được bốc về bệnh viện dã chiến HK điều trị, may mắn ông không bị mang thương tích nặng, chỉ mất hai tuần nằm bệnh viện, ông nghe nói ngay sau đó thì đoàn trực thăng hộ tống Cobra (Rắn hổ) đã đốn ngang tất cả những ngọn dừa quanh khu vực đổ quân, nói rồi ông vén tay áo cho tôi coi vết thẹo ở phần trên cánh tay trái còn 1 viên trúng đùi; Ngưng một chút ông hỏi tôi có phải nhập ngũ không vì ông nghe những người bạn phi công VN nói thanh niên đến tuổi đều bị gọi động viên. Tôi trả lời có, tôi cũng phải đi lính như mọi người và tôi đã tình nguyện vào binh chủng Hải quân, cũng rất may mắn tôi không bị thương tích gì cả cho đến khi tàn cuộc chiến. Trẩm ngâm chút ông nói: “Đúng ra là tôi đã không bị những viên đạn này nếu tôi không tình nguyện gia hạn ở lại!” Tôi hơi ngạc nhiên hỏi tại sao vậy! Ông kể là ngay trước khi lên đường sang chiến đấu ở VN thì cô bạn gái đã cực lực phản đối, bởi cô theo phe phản chiến chống chiến tranh, cô khuyên ông chống lệnh nhưng là  một quân nhân nhất lại là Sĩ quan ông không thể nghe theo cô, nên sau khi ông sang VN vài tháng thì cô đã quyết định hủy bỏ dự tính cưới nhau khi ông mãn nhiệm kỳ 1 năm, vài tháng sau đó cô ta đi lấy chồng, khiến ông buồn nên đã ký gia hạn ở lại.
- Tôi nói vài câu như để chia sẻ cùng ông “Cuối năm 1970 khi được đến Hoa Kỳ học hải nghiệp chúng tôi cũng được thấy và nghe nhiều tin tức về phong trào phản chiến tại Mỹ, và nhất là sau khi chiến tranh chấm dứt đặt chân đến Hoa Kỳ, tôi càng biết nhiều hơn về những cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại VN khi trở về đã bị xã hội ngược đãi như thế nào, nỗi khổ của các anh chẳng thua gì niềm đau của những người chiến sĩ VNCH chúng tôi là mấy”.
- Người cựu chiến binh Hoa Kỳ nói “Dĩ nhiên trong tập thể lớn như quân lực Hoa Kỳ thì thế nào cũng có một vài cá nhân làm bậy, tuy nhiên không thể lấy đó để chỉ trích chung cho tập thể, nên tôi không quan tâm đến những phê phán của dư luận và tôi vẫn hãnh diện cho những gì tôi đã làm khi phục vụ trong quân đội. Tôi cũng có những người bạn Không quân VN rất tốt và can đảm”.
- Tôi tiếp lời ông: “Tuy nhiên bây giờ tôi thấy công luận và dân chúng Mỹ đã trả lại sự công bình và phục hồi danh dự cho các anh, còn chúng tôi những người quân cán chính VNCH vẫn còn bị đảng và nhà cầm quyền csVN xỉ nhục, họ không dạy cho giới trẻ VN học sự thật của lịch sử, họ luôn che đậy và tiếp tục bôi nhọ chính quyền VNCH cũ, không biết đến bao giờ thì công bằng và sự thật mới được trả lại cho chúng tôi!”.
- “Tôi nghe nói vẫn còn nhiều quân nhân VNCH ghét chính phủ Mỹ vì đã bỏ rơi miền nam VN để họ bị cs thôn tính, ý kiến của anh thế nào khi phải buông súng đầu hàng!”
  Suy nghĩ vài giây tôi nói: “Trước đây tôi cũng nghĩ như vậy, nhưng bây giờ là công dân HK tôi thấy chính phủ HK cũng phải đặt quyền lợi quốc gia HK và nguyện vọng của nhân dân lên trên, cho dù nguyện vọng đó đã bị hướng dẫn và lèo lái sai lệch bởi truyền thông một chiều, tôi không trách cứ họ. Cá nhân tôi cũng chẳng hổ thẹn khi phải buông súng đầu hàng, vì ai cũng biết một VNCH nhỏ bé và kiệt quệ trong chiến tranh thì không thể đối đầu với cả khối cs quốc tế khổng lồ, cùng kho vũ khí tối tân vô giới hạn được đưa vào VN để giúp nhà cầm quyền cs miền Bắc, tôi rất hãnh diện đã được chiến đấu để bảo vệ lý tưởng Tự do Dân chủ của nhân dân miền Nam VN”.
 Người Mỹ gìa mỉm cười tiếp “Chúng ta đều là những người thua cuộc trong trò chơi chính trị giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh”; Tôi xen vào “Để cuối cùng thì Tự do Dân Chủ mà Hoa Kỳ chủ xướng đã mất về tay CS ở Đông Nam Á chỉ vì người Mỹ không bao giờ dám cứng rắn đối đầu với những mưu mô qủy quyệt và thâm độc của những con cáo già thành tinh cộng sản, dù là cs Nga, Tầu hay Việt”.
 Người Mỹ gìa vừa nói vừa đứng lên “Anh nói đúng!” Tôi cũng đứng dậy, chúng tôi bắt tay từ gĩa với nụ cười thông cảm.

Nctd, Dec. 2016

(*) Trích lời bài “Hoa biển của Trần Thiện Thanh & Anh Thy”