Sunday, January 24, 2016

Những mùa Xuân vắng cuả cha tôi!


  
   

    Cũng đã trên hai mươi lăm năm qua, tôi không được nhìn hình ảnh bố tôi chuẩn bị bàn thờ tổ tiên, cho những ngày ngày giỗ tết và cuối năm, tết cuối cùng tôi về nhà là năm 1974, cuối năm ấy vì tình hình chiến sự khẩn trương, lại là nhân viên mới tân đáo, tôi không được phép về nhà trong dịp tết, ông bà cụ đã phải gởi ra Vũng Tầu cho tôi một cái bánh chưng và một gói mứt, vài tháng sau thì tôi có lệnh thuyên chuyển ra Phú Quốc, rồi miền Nam sụp đổ, tôi đành phải ra đi, Bố mẹ, anh em tôi đều kẹt lại, thế là kể từ đó tôi không còn dịp gặp lại cha tôi, ngay cả khi người qua đời vài năm sau đó. Bây giờ cứ mỗi độ xuân về tôi lại nhớ tới cha già, nhớ những ngày tháng bận rộn, bắt đầu từ giữa tháng chạp trở ra, gia đình tôi bắt đầu nhộn nhịp, vừa chuẩn bị tết cho gia đình, lại vừa gói bánh chưng đặt, bánh chưng bố mẹ tôi gói rất ngon, lại để được lâu nên ai ăn cũng thích. Thường thì năm nào cũng vậy, gói chừng trăm cặp, vừa cho con cháu, biếu họ hàng, vừa nhận gói cho bà con, bạn bè hay chòm xóm đặt. Tuy cực, nhưng bố mẹ tôi cũng kiếm thêm chút lợi tức cho gia đình, con cái lại được cái thú ngồi canh bánh chưng, mặc dù khói cay xè cả mắt, nhưng nghe tiếng cuỉ nổ lép bép, và nhìn than lưả văng tứ tung như pháo bông, nghe cũng vui tai và đẹp mắt, ban đêm ngồi canh bánh chưng, trong vòm lửa ấm áp của bếp hồng, nhìn trời cao quang đãng có trăng sao dầy đặc, và làn gió hiu hiu thổi hơi lành lạnh, lùa qua con hẻm nhỏ thấy lòng rộn ràng, mang mang cái không khí cuả ngày xuân. Chờ gần khuya,kiếm mấy củ khoai tây, khoai lang, vùi vào đống tro hồng, khoảng mươi mười lăm phút, khi mùi thơm ngon ngọt của khoai nướng bay lên xông vào mũi, bới ra chia nhau mỗi đứa một củ, khoai nóng nhưng chẳng đứa nào chịu chờ cho nguội, tay nọ thẩy qua tay kia, đứa thì lấy vạt áo hứng, lăn qua lăn lại cho mau nguội và đỡ bỏng tay, cái cảm giác ấy sao nó khoan khoái thú vị làm sao ấy, và trong dạ dày kiến bắt đầu bò rạo rực, vừa được thức khuya, vừa ăn vặt, và tha hồ mà trò chuyện.

   Bắt đầu từ ngày 23 tháng chạp, là lễ cúng tiễn đưa ông Táo về trời, cho đến hết ngày mồng 3 tháng giêng, trên bàn thờ lúc nào cũng khói hương nghi ngút, bố tôi rất thành khẩn trong vấn đề lễ bái, người tin tưởng có sự linh thiêng, huyền bí của một thế giới tâm linh, có tin có lành; Cứ đêm giao thừa, nào bàn thờ Phật, gia tiên ở trong nhà, và mâm cúng trời đất, thổ thần trước nhà. Những khi nghèo đói, ăn cơm độn ngô, khoai mắm muối sao cũng được, nhưng giỗ tết thì thế nào cũng phải có, chén cơm gạo vạy trắng thơm phưng phức, tô canh miến lòng gà, và quả trứng gà luộc bóc vỏ, chút ít hoa qủa, vì thế đến ngày giỗ tết là an hem chúng tôi mừng lắm, vì được ăn ngon hơn ngày thường; Còn khi ấm no thì hoa quả đầy mâm, cỗ tiệc đàng hoàng, và luôn luôn có con gà trống luộc, mà phải là gà giò, để bố tôi còn coi quẻ chân gà sau khi cúng, cụ cầm cái chân gà xoay qua xoay lại, nhìn ngắm những ngón chân co quắp, để coi vận hạn ra sao, xem ra cụ rất rành rõi, tôi chẳng biết nó phản ảnh điều gì, hay cái thời gian hiệu nghiệm linh ứng bao lâu, chỉ biết một điều không phải cái nào luộc chin cũng có hình dạng giống nhau, thực sự mỗi cái co quặp khác nhau, tôi cũng chẳng biết cụ học ở đâu, và từ bao giờ, vì chưa bao giờ nghe cụ nói, hay cắt nghĩa cho ai, cũng chưa thấy có sách vở nào chỉ dạy người ta coi quẻ chân gà cả, chỉ biết khi tôi sinh ra đã thấy người hành lễ như vậy rồi. Vì là con trưởng lại là trưởng tộc, cho nên những ngày giỗ, viá kỵ chính từ Tổ năm đời trở lại bố tôi phải làm hết, gia đình con cháu quây quần, họ hàng tới đông đủ, những ngày này con cháu thường không thể vắng mặt, ngoại trừ trường hợp làm xa, có lần giỗ ông nội tôi, lúc ấy tôi đã bỏ học đi làm, đang rong chơi trên Đà lạt, và tôi cũng chẳng nhờ ngày giỗ gì cả nên vắng mặt, khi về cụ chửi cho một trận, cả các chú tôi cũng mắng là thằng bất hiếu, mất gia tộc. Ngoài đức tính rất trọng đạo giáo Lão, Khổng , Nho và nền nếp gia phong, tôi còn nhớ người qua hình ảnh một người cha già khổ hạnh, suốt đời tận tụy hy sinh cho con cái; Khi còn trai trẻ cha tôi cũng ăn chơi và đào hoa ghê lắm, đi làm ăn buôn bán ở nơi nào người cũng có tình nhân, kể cả sau khi đã lấy mẹ lớn tôi, tôi nghe kể ông bà nội tôi là điền chủ, ruộng vườn nhiều, sau mỗi vụ mùa ông bà nội tôi thường mang sản phẩm ngũ cốc, như thóc gạo, ngô khoai, đậu lên mạn thượng du bán, và mua hàng hóa trên đó mang về, thuở ấy phương tiện di chuyển chính là thuyền bè, nhưng hễ bố tôi mang đi, thì thường nhiều tháng sau mới trở về với hai bàn tay trắng, chẳng biết bố tôi đã nướng bao nhiêu thuyền ngũ cốc vào cờ bạc và cô đầu, nên bà nội tôi ghét bố tôi lắm, sau này ghét lây sang cả anh em chúng tôi, cụ thường hay mắng nhiếc “Bố mày bán trời không văn tự”. Nhưng kể từ khi có anh em chúng tôi ra đời và từ khi tôi bắt đầu có trí nhớ, tôi thấy người chăm lo làm lụng, ăn tiêu rất dè xẻn, để dành dụm cho gia đình con cái, tôi chưa bao giờ thấy cụ mua sắm quần áo hay giầy dép mới bao giờ, quần áo cụ mặc toàn tự may cắt lấy, và dạy dỗ hai anh em tôi rất nghiêm khắc.

     Hồi thơ ấu chúng tôi còn sống tại làng quê, cha tôi hành nghề dạy học, mẹ tôi buôn hàng vải, nhà có ruộng vườn nên cuộc sống cuả gia đình khá đầy đủ, nhưng đến cuối thập niên 40 sang đầu 50, chịu ảnh hưởng chung của đất nước, chiến tranh lan tràn khắp nơi, quê tôi cùng chung số phận, nằm trong vùng hội tề xôi đậu, ngày thì Tây càn quét, dân chúng phải chạy giặc luôn, không làm ăn buôn bán gì được, đêm thì mấy ông du kích Việt Minh về sách nhiễu, chiêu dụ, tụ tập thanh thiếu niên nam nữ và nhi đồng để tập hát và nhẩy ‘Son đố mì’, tập quân sự và luyện tập du kích chiến, và thêm cái phong trào đấu tố địa chủ, cường hào áo bá, núp dưới chiêu bài cải cách ruộng đất, các thanh niên thiếu nữ ở làng quê, từ lâu vốn sống trong khuôn khổ gò bó, của phong tục tập quán xã hội xa xưa, nay dưới chính sách gian sảo lừa bịp của Việt minh, được tự do đi ca hát, nhẩy múa thì lấy làm thích thú lắm, nhưng những người có một chút học thức, hay một chút tài sản, ruộng nương thì rất lo sợ, vì mạng sống quá bấp bênh, lúc nào cũng như cá nằm trên thớt. Có lần, tôi không nhớ rõ vào mùa nào hay tháng năm nào, chỉ biết trời đã về khuya, dưới ánh trăng mờ bàng bạc, từ trong bóng tối ma mãnh của khu vườn chuối bên hông nhà, hai ba tên du kích tay súng tay mã tấu, chạy xồng xộc vào nhà tôi, chúng bịt mắt và trói vòng tay bố tôi ra sau rồi dẫn đi, chẳng một lời cho biết lý do hay tại sao mà bị bắt, cả nhà tôi kỳ ấy lo sợ quá, vì thường hễ ai bị chúng bắt mang đi, thì gia đình chỉ có đi tìm xác mang về chôn mà thôi, chứ không mấy có hy vọng sống trở về, rất may nhờ hồng phúc Tổ Tiên còn lớn, Trời Phật phò hộ nên người được toàn mạng, mãi hai ngày cha tôi lò mò trở về, cả nhà vui mừng qúa, chưa kịp làm mâm cơm tạ ơn trời Phật, tổ tiên, thì ngay ngày hôm sau trên đồn tây nghe tin bố tôi bị Việt Minh bắt rồi được thả, chúng cũng kéo về làng bắt bố tôi lên tra vấn và hỏi cung; Sau lần đó gia đình tôi khăn gói rời bỏ làng mạc, nơi chôn nhau cắt rốn chạy về các làng quốc gia, hết nơi này đến nơi khác, và từ đó không quay trở về làng nưã.

   Cuối năm 1953 cha tôi đưa gia đình tản cư ra Hà Nội, lúc đầu tá túc ở nhà chú tôi, tôi được cho vào học Trường Tiểu học  Quang Trung, trường có một tầng xây gạch, mái ngói đỏ, sân rợp mát dưới bóng cây bang lớn, cành lá xum xoe, lá bàng to và dầy, học sinh chúng tôi thường nhặt lá bàng làm trò chơi con nghé, cũng có thể dùng làm quạt phe phẩy đủ mát những trưa hè, trái bàng không phải là thứ trái ăn, nhưng chúng tôi hay nhặt gậm bên ngoài cùi, có vị hơi chát và ngọt, trường có đâu bốn, năm phòng học, và đó là ngôi trường đầu tiên và duy nhất, được gọi là trường từ khi tôi bắt đầu cắp sách đi học, mấy năm trước còn ở quê, làng không có trường học riêng, hai gian nhà trống trong đình làng được dung để làm chỗ dạy học, thầy giáo cũng không chính thức được bổ nhiệm, mà do làng mời dạy, nên chỉ tạm bợ và thay đổi hoài, nay học mai nghỉ, chẳng có học trình hay theo hệ thống nào cả, bố tôi và chú tôi là những người đã từng dạy ở làng. Học ở trường Quang-Trung được vài ba tuần lễ hay tháng gì đó, gia đình tôi dọn về khu Khâm Thiên ngoại ô Hà Nội, thế là anh em tôi lại phải nghỉ, và học ở nhà với bố tôi; Trong những năm loạn lạc này gia đình tôi rất túng thiếu, vì cha tôi không có chỗ dạy học, người ở nhà trông nom và dạy bảo hai anh em tôi, mẹ tôi lặn lội chật vật lắm mới kiếm được bữa cơm, bữa cháo qua ngày.

    Vốn đã có kinh nghiệm đau thương, từ nhiều năm qua với Việt minh, nên dù phải xa lìa quê cha đất tổ, mồ mả tổ tiên, và sản nghiệp mà bao đời ông cha khó nhọc dựng lên, bố tôi phải chọn lựa con đường di cư vào Nam; Tháng 8 năm 1954, gia đình tôi lên tàu  chiếc Hải Vận Hạm há mồm của hải quân Pháp, tại cảng Hải Phòng để ra khơi, sau đó chuyển sang tàu Mỹ để đi vào Nam, lần đầu tiên được đi tàu biển, lại là tàu Mỹ, dưới con mắt bé nhỏ của tôi con tàu vĩ đại qúa, ngồi trên boong con tầu thênh thang, nhìn lên đài chỉ huy cao vời vợi, đếm cả thảy sáu tầng cưả sổ, nên mọi người gọi là tầu sáu tầng, con tàu to lớn thế mà nhẹ nhàng rẽ sóng thật êm đềm, chả bù với chiếc tàu há mồm đã khiến bao mhiêu người ‘cho cá ăn chè’, mà nào có cho cá ăn đâu vì ngồi trong sàn tàu sâu, hai bên thành cao hun hút, không đi đâu được nên cứ việc ói mửa tại chỗ, khiến bà con chung quanh tha hồ mà quạt gió. Đến Vũng Tầu, tàu bỏ neo ở ngoài khơi xa, và người di cư được chuyển sang tàu đổ bộ nhỏ để vào bờ; Nơi tạm cư đầu tiên là một khu rừng đất đỏ mới ủi có lẽ thuộc khu Rạch Dừa hay Cát Lở ngày nay. Chúng tôi được xếp đặt ở trong những dãy bạt mầu xanh cứt ngựa mới dựng, và lãnh bữa cơm chiều với cá hộp đầu tiên của cuộc đời di cư, chúng tôi chia nhau công việc, tôi và anh tôi xách thùng ra xếp hàng lấy nước, còn mẹ tôi bồng em trai kế tôi, lúc này mới hơn 1 tuổi  đi lãnh cơm, mẹ nhìn chúng tôi rồi khóc, có lẽ phần thương con cái khổ cực, phần khác nhớ Ông Bà ngoại tôi còn ở ngoài Bắc, cha tôi thì lên phòng quản lý làm giấy tờ. Ở đây được khoảng một tháng, gia đình tôi nhận giấy di chuyển vào trại tiếp cư trong Sài gòn, thay vì đến trại Nguyễn Tri Phương, nơi chú út tôi đang làm việc, cho Phủ Tổng Ủy Di Cư như dự trù, thì xe lại đưa chúng tôi tới trại tạm trú trường tiểu học Tôn Thọ Tường, người qúa đông, chen chúc chật ních mọi nơi, từ phòng học, hành lang cho tới sân, không còn một chỗ trống, quang cảnh thật là hỗn độn, ồn ào và dơ bẩn, cuối cùng đành phải trải một manh chiếu nơi cầu thang, làm chỗ ngủ cho cả gia đình năm người. Sau khi tạm có chỗ nghỉ chân, sáng hôm sau bố tôi đi tìm chú, trước khi đi cũng đã hỏi thăm những người làm việc trong trại về đường xá, nhưng chỉ qua loa vì không ai biết rành rẽ, bố tôi cầm đủ tiền để đi xe buýt, yên chí chỉ sang xe hai lượt là tới trại, không ngờ thành phố Sàigòn rộng lớn qúa, lại chưa từng đi xe buýt, cha tôi lên lầm xe và đi lạc đường, chẳng kiếm được chỗ chú tôi, cũng chẳng biết đường về, tiền đi xe đã hết không còn một xu dính túi, cha tôi phải đi bộ lang thang tìm đường về, hỏi thăm thì có người không biết, có người không thèm chỉ vì không thích tụi Bắc kỳ di cư, ngày  đầu đói cũng không dám xin ăn, vì mặc cảm và xấu hổ, tối ngủ ngoài sạp chợ, ngày sau bố tôi lần mò các chợ xin rửa chén cho mấy sạp bán đồ ăn, và gồng ghánh mướn để kiếm tiền ăn, ba ngày sau mới lần mò được đường trở về trại, trông cụ gìa ốm thấy rõ, mỗi lần nhớ tới những ngày này, tôi thấy thương và xót xa cho bố tôi qúa. Rồi mấy ngày sau thì chú và anh cả tôi tìm được gia đình tôi, chúng tôi lại di chuyển sang trại định cư Xóm Củi, nơi chú tôi làm việc. Sau ba tháng tạm trú ở đây, gia đình tôi dời đi khu định cư Suối Lồ Ồ, nằm giữa Thủ Đức và Biên Hòa, một vùng đồng không mông quạnh, hoang vu và màu mỡ, nhưng rất nhiều Bò Cạp, loại này rất độc, chích heo cũng chết, lạng quạng nhặt củi mục, hay những đồ vật để dưới đất, mà không để ý là thế nào cũng bị chích, vài tiếng đồng hồ sau là lên cơn sốt rất nguy hiểm nếu không được chữa trị. Tuy mầu mỡ nhưng không thể buôn bán, hay kiếm sống được vì xa thành phố, bố mẹ tôi lại không quen khai khẩn và canh tác đất hoang, nên vài tháng sau dọn về thuê nhà trong khu hẻm chuồng bò, ngã bẩy Sàigòn, cạnh nơi gia đình các chú tôi ở; Gọi là chuồng bò vì khu này có vài gia đình người Chà Và, tức người Ấn Độ lập nghiệp, họ nuôi nhiều bò sưã, thành ra con hẻm đó được mang tên là hẻm chuồng bò, tảng sáng khoảng bốn năm giờ người thanh niên hai giòng máu Ấn-Việt, con chủ nhân đánh đàn bò khoảng vài chục con, tử khu Ngã bẩy dọc theo đường Lý-Thái-Tổ, xuống tận cánh đồng cỏ Phú Thọ chăn nuôi, và chiều tối lại dẫn về, khu Phú Thọ hồi đó còn là những cánh rừng cao su, và đồng cỏ hoang vu. Ngoài đầu con hẻm chuồng bò, bên phải là tiệm tạp phô nho nhỏ của vợ chồng chú khách già người tầu, sừng sững ở giữa hẻm là đống rác to tướng, thực ra có một thùng rác, nhưng thùng rác qúa nhỏ so với số dân ngày một gia tăng, nên người ta vứt bừa bãi chung quanh, dần dà đống rác càng ngày càng to như cái núi nhỏ, chiếm hết cả bề ngang con hẻm, mùi xú uế xông lên nồng nực, bên trái là nhà máy cưa gỗ, xe be kéo những cây gỗ khổng lồ về, vứt ngổn ngang đầy ngõ, những ngày nắng ráo trẻ con trong xóm ùa ra, leo lên các thân gỗ khô tách vỏ mang về làm củi chụm bếp, còn vào mùa mưa sình lầy dơ bẩn không thể tả. Nói về căn nhà bố mẹ tôi mướn, thì có vợ chồng chú Quýnh, bạn chú tôi ở ngăn ngoài, chú tôi ở ngăn giữa, còn gia đình tôi gồm bố mẹ và bốn anh em tôi ở phía trong, chỉ kê được duy nhất một cái giường, dưới gầm giường là hầm cầu, hầm đã sụp một bên, bốc mùi hôi không thể tả, vậy mà gia đình tôi cũng phải ở đấy gần cả năm trời. Thời gian này mẹ tôi nấu xôi bán, nào xôi đậu xanh, đậu đen, xôi đậu phộng và còn làm tương Bắc nưã, tương nấu ở trên trại định cư Suối Lồ Ồ, vì trên đó đất rộng tiện cho việc phơi tương, và có Bà nội tôi ở đó trông nom. Hơn năm sau mẹ tôi đổi nghề bán xôi sang tráng bánh cuốn ở chợ ngã bẩy, mỗi chiều sau khi đi học về, hai anh em tôi thay phiên nhau xay mấy kilô gạo để làm bột tráng bánh cuốn, bố mẹ tôi thái hành, phi hành, và băm thịt để làm nhân,  thái hành đúng là một cực hình, hành khô hơi cay xông lên làm ưá cả nước mằt, ngày nào cũng đến tối mịt mới xong, 4 giờ sáng hôm sau, mẹ tôi đã phải thức dậy gồng gánh xoong nồi ra chợ, bánh cuốn mẹ tôi tráng ngon, bán rẻ cho nên khách đông nườm nượp, tráng không kịp tay, phải mướn thêm người phụ rưả chén điã, và chỉ vào khoảng 10 giờ sáng là hết sạch sành sanh; Mỗi sáng khi đi học tôi ghé qua xin mẹ một điã bánh cuốn và 50 xu để ăn quà vặt, có điểm đáng lưu ý là nếu không có bạc cắc, người ta cứ việc xé đôi đồng bạc ra mà xài, thật là giản dị, chẳng phải mất công đi đổi tiền, đó là cái đặc thù lạ nhất cuả dân miền Nam, mà tôi chưa hề thấy ở đâu cả. Bánh cuốn nóng tráng mỏng, với nhân thịt xào hành  tỏi và mộc nhĩ, trên rắc hành phi vàng dòn, chấm nước mắm ớt pha Cà Cuống ăn no, ăn hoài mà không hề chán, bây giờ mỗi khi nhắc lại vẫn còn thấy thèm lạ lùng.

   Ít lâu sau bố mẹ tôi gom góp tiền bạc, và hùn với anh chị cả tôi, vừa đủ mua một căn nhà ở đầu dẫy, cách đó vài căn. Bố tôi xin được việc làm cán bộ Công dân vụ, dưới miền Lục Tỉnh, mà thời đệ nhị Cộng Hòa, đặt ra một hình thức tương tự gọi là cán bộ Xây dựng nông thôn , vài tháng bố tôi mới về một lần, tiền lương công nhật tuy ít ỏi nhưng người rất tần tiện, nấu cơm lấy, không tiêu pha gì cả, không cờ bạc rượu chè, cũng không cà phê, thuốc lá người có hút, loại thuốc rẻ tiền Gouloa, nhưng hút rất dè xẻn, mỗi điếu người chỉ hút vài ba hơi, hoặc phân nửa dụi tắt, rồi để dành sau hút tiếp, người cố dành dụm để có đủ tiền nuôi anh em chúng tôi ăn học, một người bạn trẻ cùng làm việc, nhận bố tôi là cha nuôi kể lại, mỗi bữa cơm của bố tôi thường chỉ có một con khô sặt nướng, hoặc một điã dưa muối chua mà thôi, không hề có một miếng thịt.  Tiền bạc người dành dụm, hai ba tháng một mang về đưa mẹ tôi giữ, sau hơn hai năm làm việc, nhận thấy tình hình an ninh ở xã ấp ngày càng tệ, sự an toàn không bảo đảm, nhất là ban đêm, du kích Việt cộng càng ngày càng xâm nhập và hoạt động mạnh, trong khi cán bộ Công Dân vụ không được vũ trang đầy đủ, cả đoàn hoạt động trong một xã, mà chì có hai ba cây súng Cạc-bin, cho nên bố tôi đành phải nghỉ việc, về nhà phụ mẹ tôi buôn bán. Sau hơn bốn năm làm việc vất vả, đầu tắt mặt tối và tằn tiện tối đa, bố mẹ tôi dành dụm được môt số tiền, mua thêm cái sân nhỏ của người hàng xóm bên cạnh, để mở tiệm tạp phô, từ đó ông bà cụ buôn bán ở nhà, nên đỡ phần vất vả, và kinh tế gia đình cũng được khấm khá hơn. Mấy năm sau này khi chợ cá Trần Quốc Toản mở ra, khu chợ Ngã Bẩy ngoài đường Lý Thái Tổ bị giải toả, bà con bạn hàng ngại đi xa, và phần lớn những người buôn thúng bán bưng, không có tiền để sang sạp, họ kéo nhau vào họp chợ trong con hẻm chuồng bò, chính quyền lúc đầu cố gắng dẹp, nhưng không sao dẹp được, vì hễ thấy xe cảnh sát đến đầu đường, là bạn hàng vội vàng quang ghánh chạy tụt vào sâu trong mấy con hẻm nhỏ, rồi khi xe bỏ đi lại gồng gánh uà ra, chính quyền đành bó tay, con hẻm trước cưả nhà tôi từ đó biến thành chợ Chuồng Bò, và vẫn còn họp cho đến ngày nay. Trong thời Đệ nhất Cộng Hoà, con hẻm chuồng bò được sưả sang, làm lớn ra đôi chút và thẳng thắn hơn, nhà máy cưa bị buộc đóng cưả, và dời đi qua bên kia cầu chữ Y, các gia đình Ấn Độ bán đất đai và dời bò ra ngoại ô thành phố, cố Tổng Thống họ Ngô có đến ‘kinh lý’ con hẻm chuồng bò một lần vào khoảng 1961. Đến khi kinh tế suy thoái, chiến tranh leo thang, cưả hàng mẹ tôi ế ẩm, lợi dụng mặt tiền chợ, mẹ tôi quay ra nấu mì bò kho bán buổi sang, kiếm thêm lợi tức cho gia đình, cho đến ngày miền Nam sụp đổ.

      Sinh năm 1905, là con trưởng trong một gia đình khá giả giầu có, nhờ sự chịu khó làm lụng, và cần cù tiết kiệm của ông bà nội tôi, nhất là bà nội tôi, cụ hết sức siêng năng và cần cù, nhờ vậy mà ông bà nội tôi đã tạo dựng được một sự nghiệp khá to lớn, đứng vào hàng nhất Tổng vào thời bấy giờ, nhưng vào thời kỳ đó, nền Tây học chưa phát triển mạnh đến các quận huyện, nhất là các vùng thôn quê ở ngoài Bắc, nên bố tôi phải học Hán văn, khảo khóa đỗ Khóa Sinh, vì thế dân trong làng trong Tổng gọi là ông Khóa, cha tôi có theo học nghề thuốc Bắc, cụ nghiên cứu và hiểu biết sâu xa về các khoa tử vi, chiêm tinh, bấm độn, nhưng không hành nghề này, vì cụ cho rằng những nghề đó không có hậu vận, ‘Thiên Cơ bất khả lậu’, cụ chỉ xem giúp cho bạn bè quen biết, và không hề nhận thù lao của ai cả. Sau đệ nhất thế chiến, người học thêm chữ quốc ngữ và đỗ bằng Sơ học yếu lược, tức bằng Tiểu Học, cụ bắt đầu dạy chữ quốc ngữ cho dân trong làng, huyện từ đó. Tuy giàu có, nhưng tài sản của ông bà nội tôi, rất tiếc không người con nào được hưởng, ruộng nương chia cho con cái đủ để làm ăn, nhưng cấm không cho bán, vì cụ nghĩ rằng bán đi sẽ tiêu hết, mà không mua lại được, đến khi đất nước bị chia đôi, không những tất cả đều mất sạch, mà suýt nữa mất mạng, vì bị gán tội là ‘điạ chủ’.

   Bố tôi trọng về Khổng, Lão, và Mạnh Tử, người tin đạo lý Thánh Hiền, thờ cúng ông bà Tổ Tiên rất mực kính cẩn, nhưng cực lực phản đối những mê tín, dị đoan như đồng bóng. Cụ tính tình bộc trực, nóng tính, hay nói thẳng, giàu lòng thương người, và nhất là thương yêu loài vật, những con vật bé nhỏ, yếu đuối như ếch nhái, mỗi khi đi mà nghe thấy tiếng nhái kêu chóe chóe ở dưới ruộng, thì dù bận bịu hay vội vã đến đâu cụ cũng không bao giờ bỏ qua, vì cụ biết chú nhái nhỏ bé đang bị rắn bắt, cho dù ở dưới ruộng, bờ ao hay trong bụi tre, cụ cũng cố tìm cách cứu con nhái. Dạy con cái rất mực nghiêm minh, mỗi khi ra đường hai tay dắt hai anh em tôi, hễ gặp bất cứ ai, sang hay hèn, đàn ông hay đàn bà, cụ cũng bắt chúng tôi vòng tay cúi đầu thi lễ. Vào cái thế hệ của cụ với quan niệm ‘yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi, nhất là ở cương vị nhà nho, nhà giáo, cụ thường nghĩ mình phải làm gương cho kẻ khác, lại thêm nóng tính cho nên hễ con cái có lỗi lầm, là cụ cho trận đòn ngay bất kể ra sao, nhiều khi chúng tôi cũng bị đòn oan ức, vì đánh để làm gương trong lớp học; Thậm chí chúng tôi còn bị cấm không được đánh đinh, đánh đáo, thả diều hay những trò chơi khác, dù đó là thú vui mà trẻ em đồng lứa đang hưởng. Cuộc đời cha tôi bôn ba và thăng trầm theo cái vận mạng của đất nước, cụ trải qua đủ thứ nghề, từ nghề nông, đến dạy học, công chức và buôn bán. Tổ tôm, tài bàn cò com là thứ giải trí, thỉnh thoảng vui với các cụ bạn già, rượu uống đôi chút thường chỉ một ly là đi ngủ, và rất đơn sơ chỉ cần một nhúm lạc rang, hay nưả bià đậu nóng với tí muối, bưã cơm lại càng thanh đạm hơn, thịt cá thường dành cho con cái, cụ chỉ chan một ít nước dưa chua, nước rau muống luộc vắt chanh hay một chút canh, cụ và xùm xụp vài miếng là hết chén, xong hai chén là đứng dậy. Mặc dù mang tiếng dữ đòn nhưng lại rất thương con và hay lo xa, ngay cả khi chúng tôi trưởng thành và đã bước chân vào đời, hễ xa nhà thì thôi, còn nếu về thăm nhà là tối nào cụ cũng ngồi chờ cưả, cho dù có phải thức đến 2, 3 giờ sáng, cụ đi ra đi vào đứng ngồi không yên, tính hay lo xa vì cụ chỉ sợ chuyện gì xảy ra, và khi thấy con về, cụ mắng vài ba câu cho có lệ ‘Gớm đi đâu mà khỏe đi, không biết giờ giấc là gì cả?’ rồi cụ đi ngủ, riêng tôi chứng nào tật nấy, đôi khi còn khó chiụ nưã, vì cảm thấy mất tự do, thanh niên mà thương cha mẹ thì thương, nhưng tình yêu gái mãnh liệt hơn, nên mỗi lần về phép, bước vào nhà chỉ kịp chào bố mẹ, xong là tôi hấp tấp đi chơi với đào ngay, và rất thông thường là đi qua đêm, kẹt lắm thì cũng đi  cà phê với bạn bè mất mặt. Riêng về vấn đề gái gẫm tôi là đứa con gây nhiều sóng gió, vì tính lãng mạn đa tình, đa cảm lại còn tật hay đâm vào những chỗ “nạ giòng” đúng là “Đường quang không đi, mà hay đâm quàng bụi rậm” để tìm thú thương đau, đã làm cho cha mẹ tôi nhiều lo buồn nhất, bây giờ hối hận tiếc thương thì đã muộn quá rồi.

     Số bố tôi suốt đời vất vả không được nhờ con cái. Cụ có sáu người con trai, anh cả con duy nhất cuả mẹ lớn tôi, anh đã lớn và có gia đình riêng, anh chị cũng đông con, còn mẹ đẻ tôi có 5 anh em tôi, trong những năm chinh chiến, trừ hai em út đang đi học, tôi, anh và em kế tôi chẳng thoát khỏi cái lưới chụp của chiến tranh, cho nên đã không làm được gì, để giúp đỡ bố mẹ tôi về mặt tài chánh, mà còn gây cho người những lo lắng khôn nguôi. Hai mươi mấy năm đã qua, nhưng tôi vẫn hình dung được khuôn mặt của người, với bao âu lo qua nhiều năm tháng, xếp thành những vết nhăn hằn trên vầng trán rộng độ lượng, tôi vẫn có thể đọc được trong trái tim se thắt của người, những nỗi băn khoăn về số phận của đất nước, và con cái trong thời binh lưả, nhất là trong cảnh hỗn loạn cuả miền Nam ở giờ thứ 25 đó, và cả những năm kế tiếp, cho đến khi người về với tổ tiên, vẫn không thấy được một muà xuân rạng rỡ.  Nghe các em tôi kể lại, khi nhìn thấy bóng dáng chiếc T54 tiến vào thành phố và khẩu AK thấp thoáng trước cửa nhà, bố tôi đã thốt lên, ‘Khổ chưa tôi đã trốn nó từ Bắc vào Nam, bây giờ nó lại theo vào đến đây’. Tôi biết cha tôi lại muốn đưa gia đình di cư một lần nưã, nhưng tiếc thay vận nước oan khiên và tuổi người lại đã qúa cao, nên người đã không còn cơ hội, mà tôi cũng đành bó tay không làm tròn được bổn phận đưa gia đình thoát được bàn tay ma qủy tanh hôi của cộng sản.
   Xuân sắp về, con viết những giòng này kính dâng về bố, nguyện cầu Trời Phật cứu độ linh hồn cha, được thênh thang nơi chốn Cửu Tuyền; Chúng con đã không thành danh để làm rạng rỡ công đức tổ tiên, nhưng các con đã trưởng thành trong tinh thần cha giáo dục Nhân, Nghĩa, Lễ, Chí, Tín.

Từ Linh
Kính dâng về bố

Calif. Thu cuối Niên Kỷ, 1999

No comments:

Post a Comment