Sunday, January 24, 2016

NGƯỜI VỢ BÌNH DỊ




       “Bây giờ tôi mới hiểu vì sao anh lọt được vào mắt chị”, một câu nói vu vơ, vui đùa từ một người bạn, khi đọc một chuyện ngắn hắn viết, nó có thể là một lời khen, cũng có thể là lời chế diễu tùy thái độ và phong cách của người đối diện, càng làm cho hắn thấy thương vợ hắn nhiều hơn nữa, vì sự thật hoàn toàn trái ngược hẳn với những gì bạn bè thường đùa tí cho vui: “Gặp người khác thì anh ông chỉ có nước ra ngủ gara!”, bởi vốn liếng văn chương Việt nhất là văn thơ của vợ hắn thì qúa ít, qúa hạn hẹp. Nàng cũng chưa bao giờ đọc những gì hắn viết, mà có đọc chắc gì đã hiểu hết, hơn thế nữa hắn cũng đâu phải nhà thơ, nhà văn gì cho cam, hắn thương vợ hắn ở chỗ khiếm khuyêt ấy. Vi thưở thiếu thời, nàng đã không được may mắn cắp sách đến trường đều đặn như bao trẻ thơ khác, và đó cũng là nguyên nhân chính tạo nhiều cơ hội và ảnh hưởng trong sự quyết định duyên nợ giữa hắn và nàng, bởi tâm hồn hắn bình dị, tình cảm và rất dễ cảm thông với đời trong mọi hoàn cảnh. Hắn tự hỏi giá như vợ hắn có một trình độ học vấn trung trung khá, có gia đình hay thân nhân ruột thịt kề bên, thì liệu hắn và nàng có thành vợ, thành chồng hay không? Có một mái ấm hạnh phúc gia đình như hiện tại? Câu trả lời nhiều phần là “không”! Vì điều đó có nghĩa là hoàn cảnh nàng cũng bình thường, không có gì khác biệt giữa nàng và đa số thiếu nữ khác, thì chắc gì hắn đã “lọt được vào mắt xanh” của nàng, vả lại nếu nàng khôn ngoan, giỏi dang hơn, thì làm gì nàng còn độc thân, sau bao mùa “hoa-xuân” tươi thắm, để đợi chờ đến ngày hắn tới hỏi cưới, ở vào lứa tuổi sắp lỡ xuân thì! Nhất là trong những năm đầu di tản, khi mà trong các cộng đồng người Việt tỵ nạn ở khắp mọi nơi, tình trạng “trai thừa gái thiếu” đang là một vấn nạn, nó là những cơn sóng ngầm cuồng bạo cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 của thế kỷ trước, giúp cho không ít bà “xồn xồn” được dịp “Gặp thời thế, thế thời được thế”, tha hồ du dương cùng kép trẻ, trong các phòng nhẩy dã chiến vào những đêm cuối tuần, để bù lại một thời bị các đức ông chồng tác yêu tác quái bỏ bê. Khi mà những ngọn “Thìa là” hoang dại mọc bên vệ đường, còn được hái mang về nấu canh chua cá để tìm lại hương vị quê hương, và ngay cả những cuộn băng cassette cũ mèm, còn được nâng niu, sang đi sang lại cả trăm lần, mà vẫn “đẻ ra tiền”, cho những ai may mắn mang theo, thì lảm gì một cô gái mơn mởn xuân thì mà không chàng nào ngó tới!. Họa chăng chỉ có gỗ đá mới lạnh lùng làm ngơ! Hoặc giả ngược lại, có thể nàng cũng giống như mấy cô khác, cũng kênh kiệu, đài các, học đòi làm sang, và cũng quan niệm, sang đây ai cũng đi làm, ai cũng kiếm ra tiền, chẳng ai cần ai, hay xứ này ‘Đàn bà là số một”, “Nhất chó, nhì đàn bà, thứ ba con nít” đàn ông còn không được sắp hạng nữa, thì có lẽ hắn cũng chẳng dám gặp lần thứ hai, nói chi đến chuyện trăm năm, như nhìn bóng câu qua cửa, hay đại loại như những áng mây lãng đãng trên bầu trời, rồi bay về nơi vô định, mà không để lại một tí ti ấn tượng nào, thì hắn sẽ chẳng bao giờ có được người vợ bình dị, đầu ắp tay gối như vợ hắn hiện nay. Nhưng hoàn cảnh nàng, một thiếu nữ trẻ hiền dịu, thật thà, tốt nết, pha một chút “nửa thành nửa tỉnh” của một cô gái Việt chất phác vẫn còn nguyên vẹn, chẳng xứt mẻ hay thay đổi, dù đã mười ba mùa xuân trên đất Mỹ. Nàng có công ăn việc làm, mà vẫn sống chung trong một gia đình được nhận là cô chú nuôi, đông con, không có chút liên hệ họ hàng, suốt từ ngày di tản cho đến nay, thì quả là đáng thương và cần xuy nghĩ. Với kinh nghiệm cuộc đời, hắn đã từng va chạm nhiều với thực tế, hắn đã chứng kiến rất nhiều những cảnh “con cháu nuôi hờ” trong xã hội Việt Nam, nên hắn nhìn thấy được phần nào hoàn cảnh của nàng hiện tại, với hắn hầu như danh từ “nuôi” mỹ miều thật ra chỉ là lá bài ngửa trong bàn “xì-phé” của canh bạc đời; đạo đức hơn thì cũng chỉ là những danh từ rỗng tuyếch, họa hoằn và may mắn lắm mới có trường hợp “nuôi thật” trong vài gia đình giầu có và hiếm muộn. “Nhân nghĩa” thường chỉ là những chiếc bánh vẽ to tướng, là những cái bình phong che đậy sự thật, và nó được xử dụng, khai triển theo trào lưu thời đại, nhất là trong thời điểm của người tỵ nạn ồ ạt vượt biên đến các trại tỵ nạn vùng Đông Nam Á, hắn đã thấy có những gia đình nuôi hai ba đứa, để kiếm thêm món lợi tức phụ trả tiền nhà hàng tháng, vừa có tiếng, vừa có miếng. Cũng có gia đình nuôi con để có người giúp việc, một công hai việc, mất mát gì, chỉ thêm đũa thêm chén, xứ sở này hoạ may là triệu phú mới mong có người giúp việc trong nhà. Chính điều đó đã cho hắn một sự cảm thông, và thương nàng hơn, nàng cũng “tứ cố vô thân” như hắn. Hắn là đàn ông, có đầy đủ điều kiện để nhởn nhơ với đời, mà còn cảm thấy cô đơn, huống gì nàng, một thân một mình nơi xứ người, trình độ học vấn chẩng có là bao, thì làm sao dám xông pha vào đời, nên phải chấp nhận hoàn cảnh, để còn có nơi nương tưạ. Qua những mẫu đối thoại và nhìn sự cư xử cuả nàng với những người trong gia đình này, sau vài lần lui tới làm quen, hắn cũng hiểu trong tâm hồn non nớt thật thà, bình dị của nàng đây chính là một mái gia đình, một phần của cuộc đời rồi, vì nàng đã sống coi như cả khoảng thời niên thiếu, cũng giống như “Bà Dì quản gia” đã hiến dâng gần như trọn cuộc đời bà trong gia đình này, nàng thật sự coi như cô chú ruột của mình vậy, thì đổi lại nàng cũng có trách nhiệm và bổn phận của một đứa cháu gái lớn trong gia đình. Vì ngoài gia đình này nàng đâu còn ai, những người thân thích, mẹ và anh chị em đã mất liên lạc từ ngày di tản, nàng không biết ai còn, ai mất, và họ ở đâu? Nhưng hắn cũng hiểu tình người, cho dù có thương yêu cũng chỉ là một thứ thương xót, thương hại, không ruột thịt thì làm sao có được sự che chở và bảo bọc, của một người thân thích thật sự. Chinh vì thế mà dù đã 28 tuổi đầu, nàng vẫn còn e dè, khờ khạo, không quen xã giao, ít nói, mà hầu như cũng chẳng biết nói năng gì, hoặc không có đủ ngôn từ để diễn tả.

     “Quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn”. Tiếng sông Hương của Phạm đình Chương chỉ là một trong muôn ngàn những tác phẩm nghệ thuật trong thơ văn Việt nam. Cái cảnh nghèo của miền Trung là thế, quê hương của khô cằn sỏi đá, của thiên tai, lụt lội, bão tố. Đó là nỗi bất hạnh của người dân miền Trung, phải mang từ khi, vừa cất tiếng khóc chào đời. Gia đình nàng cũng chịu chung cảnh ngộ, quê ở một quận nhỏ, thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cha mẹ là nông dân nghèo, nàng là thứ sáu trong gia đình có chín anh chị em, bốn chị lớn đã có gia đình, người ở xa, kẻ ở gần, nhưng ai cũng có phận riêng của người nấy, anh hai lớn nhập ngũ khi vưà xong trung học. Nhưng đâu phải chỉ có nghèo mà thôi, cái thảm họa của khói lửa binh đao, tên bay vạ gió cũng không buông tha, khi nàng mới vừa 7, 8 tuổi, cái tuổi thiên thần, ngây thơ trong trắng thì phải mồ côi cha, chiến tranh cướp đi từ gia đình nàng hai nhân lực chính, người cha và người anh lớn. Thế là chỉ còn mình mẹ nuôi năm đứa con, chưa đứa nào đến tuổi trưởng thành. Ông trời, thượng đế quả là bất công,  sau cái biến cố ấy, nàng và đứa em gái kế đành phải gạt lệ rời xa vòng tay thương yêu của mẹ, bỏ xứ vảo Sàigòn, sống với bà chị ruột ở vùng ven ô gần ngã tư Hàng Xanh, chị buôn bán cũng chỉ đủ sống qua ngày, chẳng giầu có gì, tội nghiệp con bé bắt đầu cuộc sống mới, thương chị, thương em, vừa đi học, vừa phải phụ chị bán hàng ngoài chợ, hay trông con cho hàng xóm kiếm thêm tiền. Suốt thời gian sống tại quê nhà, vỏn vẹn mười bốn năm đầu của một đời người, thì phân nửa thời gian đã mất trọn vẹn tuổi thơ. Vì bất hạnh nên nàng không có những cái khôn ngoan, tinh nghịch của tuổi học trò, nàng lại còn qúa ngây thơ và chưa đủ thời gian để học được cái tinh ranh, ma mãnh của trẻ con thành thị, thì đã phải học đánh đổi sức lao động bằng hai bàn tay bé nhỏ để kiếm sống, phải học cách làm việc tốt, chăm chỉ để có được việc làm. Đầu tắt mặt tối, còn đâu thì giờ học khôn, nói chi tới học hỏi giao tế.
    Sang tới Mỹ, may mắn thay lại được cắp sách đến trường, tạ ơn đất nước này, đã tạo điều kiện cho những đứa trẻ, những gia đình nghèo, dù già hay trẻ những nhu cầu tài chánh tối thiểu và cần thiết, cũng như bắt buộc mọi thanh thiếu niên nam nữ phải hoàn tất bậc Trung Học, để ít ra cũng còn có khoảng thời gian được gọi là “học sinh”, một chút gì để nhớ về sau, tuy ngắn ngủi và qúa muộn màng. Tiếc rằng ở đây không có những cành hoa Phượng nở, không nghe tiếng ve kêu gọi hè, không có những cánh hoa Ti-gôn ép vào trang vở học trò, cũng chẳng có mẹ cha để nũng nịu vòi qùa. “Đi đến nơi về đến chốn” đó là những giáo điều của hầu hết các gia đình Viêt nam giáo dục con cái, đúng ra nó là một điều tốt, nhưng con cái hay thânnhân ruột thịt, thì về nhà được mẹ cha, cô chú dành cho thì giờ học hành, làm bài vở, không thích cũng phải học, mọi việc lặt vặt trong nhà có người lớn lo, còn không phải ruột thịt thì hơi sức đâu, làm cho xong việc trước đã, càng khuya học càng yên tịnh, hoặc giả vẫn là câu người đời đùa cợt: “Học cho lắm, tắm cũng ở truồng” hay “Muốn ăn thì phải lăn vào bếp”, đùa thí ít, mà cột thì nhiều. Không làm cũng không được, nhà đông người, hai ông bà cô chú đỡ đầu cũng phải đi làm, đầu tắt mặt tối, chỉ mỗi một bà cụ già trên 70 tuổi ở nhà và 5 đứa trẻ, nên cho dù nếu không bị giao việc, nàng cũng không đành lòng ngồi nhìn bà cụ làm mọi việc, nên về tới nhà cô bé phải bắt tay phụ lo dọn dẹp nhà cửa, phòng ốc, quần áo, cơm nước cùng với bà cụ. Năm đầu còn ở bên miền Đông Bắc, còn có gia đình người Mỹ bảo trợ, hàng ngày họ còn hướng dẩn, dạy kèm tiếng Anh, nhưng từ ngày về Cali, chẳng còn ai giúp đỡ, nên chuyện học càng khó khăn hơn, bởi cái học vốn đã không có căn bản từ nhỏ, nhưng nàng cũng phải cố gắng, ít nhất cũng phải ráng về Anh ngữ, để mai mốt còn phải đi làm, kiếm miếng cơm manh áo, thức khuya dậy sớm sau khi mọi việc đã xong xuôi, học được chữ nào hay chữ ấy. Nhưng thời gian qúa vô tình, nó đâu có lý trí để xuy nghĩ, cảm thông cùng nàng, hay biết dừng lại đợi chờ, bốn năm tuổi vị thành niên trôi qua nhanh, cô bé đã thành một thiếu nữ 18 tuổi, cũng gọi là xong trung học, mặc dù trong thời gian bốn năm đó, việc học luôn bị đứt đoạn, vì phải di chuyển, theo gia đình cô chú đi tìm đất hứa, “đất lành chim đậu”, từ nơi này đến nơi nọ, từ Iowa về đến Cali, đó là hoàn cảnh chung của mọi người “tỵ nạn 75” trong buổi ban đầu, biết làm sao hơn. Xong trung học có nghiã là đã ra khỏi cái dù học vấn che chở của chính phủ, chữ đực, chữ cái, vốn liếng Anh ngữ vừa đủ để sinh nhai, nàng phải học nghề và vừa phải đi may khoán kiếm tiền.

   Năm hai mươi tuổi, sau hơn một năm học nghề thợ điện tử, một buổi sáng tình cờ được một bà già Mỹ, bạn đường xe buýt giới thiệu xin việc tại hãng bà ta đang làm, nàng tới xin và được nhận ngay, có lẽ vì thấy nàng trẻ, hiền lành, tiếng Anh cũng dễ nghe, dễ hiểu, và lại có nhân viên của hãng giới thiệu. Đây là hãng chế tạo các sản phẩm tiếp liệu cho bệnh viện, chả ăn nhập gì đến công việc nàng đang học cả, nhưng thây kệ! việc nào cũng là việc, miễn kiếm ra tiền lương thiện, đồng lương tối thiểu, nhưng vẫn còn sướng hơn đi may rất nhiều, ngồi đạp mờ cả mắt suốt ngày, mà chỉ kiếm được khoảng chục bạc. Hãng này lại có đông người Việt làm chung, phần lớn đều lớn tuổi, toàn các cô chú bác cả rồi, nhiều cô chú trước đây cũng là những ông này bà nọ nữa, vậy cũng tốt, lại có thêm nhiều người quen biết, hy vọng học hỏi được thêm nhiều điều hay ở họ. Nàng sung sướng, từ nay có thể tự kiếm sống cho bản thân, đỡ một phần gánh nặng bất đắc dĩ cho ông bà cô chú. Bây giờ đi làm bên ngoài, thoải mái và dễ chịu hơn, nhưng cuộc sống trong “gia đình muôi” vẫn không có gì thay đổi, có chăng bây giờ nàng cũng đi làm nên công việc nhà bớt thì giờ hơn, mấy đứa con cô chú càng ngày càng lớn, nhà cửa càng bề bộn, càng có nhiều việc thêm, chẳng phải riêng cho cha mẹ, mà cho cả mọi người. Sống chung đã lâu, nàng trưởng thành cùng với tuổi lớn khôn của chúng, nên nàng cũng yêu thương chúng như em mình, có đứa ngoan, xem nàng như “chị nuôi”, nhưng cũng có đứa chỉ coi nàng như một “chị vú em” không hơn không kém, đành vậy!  vì thật ra mình thì cũng có chung máu mủ, ruột thịt gì đâu. Cuối tuần chủ nhật bây giờ nàng có thêm nhiệm vụ mới, cùng đi sinh hoạt “Gia đình Phật Tử” chung với mấy đứa nhỏ cũng vui. Ông bà ấy trước đây ở Việt Nam cũng thuộc thành phần giai cấp trung lưu trong xã hội, quen biết nhiều, lịch thiệp, đặc biệt bà ấy làm món ăn chay và nấu món Huế ngon, nên nhiều người thích, bà ấy lại hay nhận nấu nướng cho bạn bè những ngày cuối tuần, tiệc tùng, chùa chiền, nàng là cháu gái lớn trong nhà, lẽ đương nhiên là phải phụ giúp cả hai tay, đã bận lại càng bận bịu hơn, nhưng nàng nghĩ, đây cũng là một hình thức đền ơn cưu mang. Tuy sống trên mảnh đất tự do đã trên mười năm, nhưng nhiều người vẫn còn mang nặng những thành kiến giai cấp cũ, không phải ai cũng nhìn nhau bằng tình thương và ánh mắt bình đẳng, không ít người đánh giá người khác qua bằng cấp, tiền bạc và địa vi, coi thường những người kém may mắn hay thấp hơn họ, người tốt nhiều, nhưng kẻ xấu cũng không ít, họ coi rẻ người kém hơn họ chỉ để thỏa mãn cái tự ái cá nhân. Trường hợp của cô bé cũng không thoát khỏi ngoại lệ, vài người quen biết gia đình này, họ nhìn nàng như một tầng lớp thứ hai trong xả hội. Trong con mắt họ, con bé bất hạnh chỉ là một kẻ làm công, mặc dù họ được học đến nơi đến chốn, có đầy đủ bằng cấp cao, nhưng họ không bao giờ biết nghĩ rộng hơn một chút “con bé cháu nuôi” đó đâu có làm điều gì gian lận, phi pháp! đâu có làm tai tiếng cho cộng đồng như nhiều ông to bà lớn! Nghèo đi làm để kiếm sống, không học cao phải làm việc lao động, phải chăng là cái nhục, hay cái tội? Không những thế nàng vẫn giúp làm mọi công việc, cho người khác mà không nhận một xu thù lao, không một tiếng than van, thì thử hỏi con bé ấy đáng coi thường, hay đáng qúy mến. Ngay kể cả sau này vợ chồng hắn đã lấy nhau, thỉnh thoảng trong những dịp đám cưới hỏi quen thuộc của gia đình cô chú nuôi, vẫn có vài người bà con, bạn hữu, nhắc khéo “Đấy hồi xưa lúc các em còn bé, chị tắm rửa, thay tã, đút cơm, cho các em đấy!”, hay có những người không hơn tuổi hắn, mở miệng kêu hắn là con là cháu, không phải hắn không đủ trình độ để hiểu đâu là những lời nói thân tình, bông đùa hay là những lời châm biếm, nhắc nhở khéo về thân phận của vợ hắn ngày xưa. Hắn thừa biết thói đời là thế, nếu họ dèm được người khác là họ hãnh diện lắm, họ coi thường nhân vị của những người bất hạnh hơn họ, cho dù đó chỉ là một đứa nhỏ, nhưng với hắn những lời nói đó chỉ là lời tự thú “Cái tôi vô ý thức” do chính họ nói ra, họ không hiểu rằng những điều họ nghĩ là những nguyên động lực chính để hắn nên duyên với nàng, và mỗi lần như thế càng làm tăng tình thương yêu của hắn dành cho vợ, và hạnh phúc hơn nữa, mà nàng thì vẫn tỉnh bơ tươi cười. Quả thật nàng không có bằng cấp cao dán trước ngực, nhưng trong tâm hồn nàng là một trái tim Bồ Tát. Đôi khi hắn giảng giải những khúc mắc của cuộc đời cho nàng hiểu, không phải để xúi nàng vô ơn với đời, với những người đã cho nàng cơ hội đánh đổi sức lao động nhỏ nhoi lấy miếng cơm manh áo, nhưng cần biết để hiểu những người chung quanh, ai đáng kính, đáng trọng, ai nên tránh xa, nhưng nàng vẫn nói “Thật tình ngày ấy nếu ông bà ây không kéo theo đi, thì bây giờ cuộc đời không biết như thế nào nhỉ!”, hắn âu yếm nói đùa với vợ thì bây giờ em và ai đó sẽ phải “Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” chứ sao!, nàng mỉm cười vì câu nói nghe khôi hài ngộ nghĩnh, chứ đâu biết xuất xứ là bài thơ trào phúng của cụ Tú Xương thưở trước.

       “Vợ chồng là duyên số” các cụ vẫn thường nói như vậy, cá nhân hắn dù không hoàn toàn đồng ý, nhưng nghĩ cũng có một phần nào đúng, dù là phần rất nhỏ, như trường hợp vợ chồng hắn lấy nhau, thành thật mà nói chẳng phải do ở tình yêu, bởi hắn và nàng không hề quen biết, hay gặp nhau dù chỉ một lần, hai người hai khung trời xa lạ, hoàn cảnh và lối sống hoàn toàn khác biệt, nếu không có duyên nợ thì khó mà có cơ hội gặp nhau, chứ đừng nói đến là thành vợ chồng. Cái duyên số vì tình cờ được một người quen, của một người bạn thân hắn giới thiệu, tuy nhiên có cơ duyên gặp nhau, không có nghĩa là sẽ nên vợ thành chồng, nếu không phải còn tùy thuộc vào quan niệm sống, và sự chọn lưạ của hắn và nàng, về đối tác để tạo dựng một mái ấm gia đình như thế nào cho phù hợp!. Nếu cả hai cũng “kén cá chọn canh” như một số người đời. Chỉ cần nàng kén chọn một người đàn ông trẻ, ngang tuổi hay đừng lớn hơn nhiều qúa, thì kể như hắn cũng bị lọt ra ngoài sổ, vì ngay cả tuổi giấy tờ đã khai bớt hai năm, hắn cũng còn lớn hơn nàng tới 14 tuổi. Dĩ nhiên sẽ có người bảo “Thiếu gì cặp hơn nhau hai ba chục tuổi, họ vẫn lấy nhau như thường, có sao đâu!”. Đúng thế, chuyện đó có xẩy ra, nhưng phần nhiều xảy ra trong giới có tiền tài danh vọng, hay với những người ít nhiều dang dở, chứ cũng ít xảy ra đối với một cô gái, một thiếu nữ Việt mới lập gia đình lần đầu, còn hắn chẳng phải là kẻ giầu sang. Hoặc giả hắn cũng học đòi bầy đặt “môn đăng hộ đối”, cũng phải tìm một người có trình độ học vấn trung bình, hay kiến thức vừa đủ tương xứng, thì chẳng bao giờ họ có thể lầy nhau được. Nhưng cái quan điểm sống của vợ chồng hắn thì rất bình thường, với nàng, thật giản dị, chỉ cần một người đàn ông chưa vợ con, biết xây dựng gia đình và chịu khó làm ăn thế là đủ, về ba điểm này thì hắn tự tin mình đứng đầu sổ; Cố nhiên cũng có những người trẻ hơn hắn, nhưng chưa vợ con và chín chắn lo xây dựng gia đình thì chưa chắc, tìm được cũng không phải là dễ! Thiên hạ nhiều người nói dối như “cuội”, nhất là để chinh phục trái tim người thiếu nữ, chả ai biết đâu mà rờ. Hơn nữa, hắn cũng không phải là người đầu tiên tới coi mắt nàng, nghe nói trước đây cũng đã có hai, ba người, nhưng chuyện chẳng đi đến đâu vì nhiều nguyên cớ. Vả lại hắn có đôi chút hiểu biết, tí ti kinh nghiệm đời, thẳng như ruột ngựa, thật thà như đếm, cũng có công việc làm đàng hoàng. Ngay cả khi được hỏi về vợ con, hắn cũng thành thật trình bầy, chẳng dấu diếm: Nếu nói về vợ con thì chưa bao giờ có, nhưng “Già nhân ngãi, non vợ chồng” thì ít nhất cũng đã hai lần, đàn ông độc thân mà, sống gần gũi để tìm hiểu, hợp thì tới, không hợp thì chia tay, đó cũng chính là lý do khiến hắn tìm vợ muộn. Còn quan niệm về gia đình thì hắn cũng dễ dãi không kém, hắn nói lấy vợ, chứ đâu phải tuyển mộ nhân viên làm việc mà cần bằng này cấp nọ. Lẽ tất nhiên có thì càng hay, mà không có cũng không thành vấn đề, chỉ cần một người hiểu biết, thành thật, thương yêu nhau, để cùng nhau hướng về một mục đích chung, xây dựng một gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Người chồng không là chủ, nhưng là rường cột, và phải là người chịu đựng trách nhiệm chính, giống như căn nhà phải có khung và mái để chống đỡ và che nắng che mưa; còn người vợ cũng phải biết hỗ trợ vun sới và giữ gìn, là động lực cần thiết không thể thiếu để làm đẹp gia đình, giống như những đồ trang trí trong căn nhà vậy. Chỉ cần một người đàn bà biết chăm sóc gia đình, không kênh kiệu đua đòi, và nhất là đừng qúa khô khan về thể chất, mấy điểm này thì hắn thấy nàng hội đủ một cách dễ dàng, thứ nhất việc quán xuyến gia đình thì khỏi phải tra vấn, vì nàng xa gia đình từ lúc còn nhỏ, không cha mẹ anh em, không họ hàng thân thích, phấn đấu để sống còn, và làm vưà lòng những người kề cận chung quanh chắc không phải là dễ, thì việc chăm lo gia đình hắn nghĩ là điều không cần đặt ra. Điều thừ hai trên xứ sở này, trừ mấy cô người mẫu thời trang, kiêng ăn cữ uống giữ thân hình ốm cho có eo có ếch, còn thì đa số các bà các cô đều có da, dư thịt, có khi phải kiêng ăn cữ uống là khác, khỏi lo; về điểm thứ ba thì cũng là điểm sẵn có bất đắc dĩ, trời ban và bắt gánh chịu, vì từ bé tới giờ này nàng có được hưởng gì đâu, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối thì còn đua đòi và kênh kiệu với ai! Hơn thế nữa nàng còn nhiều điểm phụ trội, không trẻ mà cũng chưa già, 28 tuổi, tuổi lý tưởng phù hợp với hắn, về sắc đẹp nàng cũng dễ coi, trên trung bình, có nụ cười cởi mở biểu lộ đức tính rộng rãi, và khuôn mặt sáng sủa, hiền hòa, trông cũng mát da, mát thịt, mát mẻ trong mùa hè, và đủ ấm qua mùa đông, hắn cảm thấy nàng thừa mọi yếu tố căn bản của một người vợ hiền ngoan, người sẽ mang hạnh phúc đến cho bất cứ ai muốn một mái ấm gia đình, bảo đảm hơn nhiều cô mà hắn đã gặp. Hắn cảm thấy nàng xứng đáng được hưởng một tổ ấm của riêng mình. nàng cần được hướng dẫn và bảo bọc, hắn nghĩ hắn có đầy đủ khả năng làm điều đó, và hắn đã cùng nàng quyêt định đi tìm một chân trời mới, chỉ trong vòng sáu tháng từ ngày bắt đầu được người giới thiệu. Cho dù cả hắn và nàng đều không có thân nhân ruột thịt, họ hàng sống ở Mỹ, nhưng hắn hiểu đời người con gái chỉ có một lần lên xe hoa, nên hắn đã làm mọi nghi thức cưới hỏi cần thiết và thật đầy đủ vì nàng và cho nàng.
    
     Đã 21 năm sau ngày cưới, ngoài cặp nhẫn cưới nho nhỏ 5 ly, hắn chưa bao giờ mua tặng vợ hắn một cái nhẫn hột mới nào khác, mặc dù hắn cũng biết đó là món qùa mà đại đa số các bà ưa chuộng nhất. Dù thỉnh thoảng nàng cũng thấy các bà các cô bạn trong sở khoe nhau hột to, hột nhỏ, lâu lâu lại thay đổi hột mới, hoặc những lần đi ăn cưới ăn hỏi, tiệc tùng, thấy các bà chưng diện, nào nhẫn, nào vòng, nào bông tai, dây chuyền, cái nào cũng óng a óng ánh những viên đá qúy to tướng, gấp mấy lần cái nhẫn cưới trên ngón tay nàng, dưới ánh đèn nhìn lóng lánh như những vì sao chói lọi trên bầu trời trong đêm trăng rằm, trông rất ư là hấp dẫn, hắn là đàn ông mà còn thấy đẹp huống chi các bà, nhưng ngược lại vợ hắn thì vẫn dửng dưng, chẳng hề biểu lộ tí ti ham muốn hay thèm thuồng, nàng chưa bao giờ đòi hỏi, hay nói hắn dẫn đi mua, nàng vẫn luôn vui vẻ và sung sướng với chiếc nhẫn cưới nhỏ nhoi. Hắn tự hiểu đó cũng là một khiếm khuyết lớn của hắn đối với vợ. Kkông phải hắn là người đàn ông không hào hoa, không biết chiều vợ, nhưng hắn không biết phải mua ở đâu để khỏi bị lầm lẫn, sơ hở. Nhiều lần hắn muốn mua tặng nàng một hột mới, nhưng hễ cứ mỗi lần vào một cửa hàng nào đó, cả hai lại nơm nớp lo sợ không biết coi, mua phải hàng giả, không được tốt, có bọt hay nước không trong, lại không biết giá cả sợ mua hớ, thôi thì đủ thứ nghi vấn trong đầu, nên lại bỏ ra về tay không. Mỗi lần như thế, vợ hắn cũng không hề cằn nhằn, kỳ kèo, hay tỏ vẻ không hài lòng, và cũng chẳng hờn dỗi, đôi co, nàng vẫn vui vẻ bình thường, có thì cũng thích, mà không cũng chẳng sao, mua thì đeo, không mua được coi như để dành tiền, khỏi sợ lỗ lã; Nhiều lần nàng còn ngăn chồng viện cớ, “Lâu lâu có đám cưới đám hỏi mới đeo, chứ có khi nào dùng đâu, mua làm chi cho uổng tiền, đeo cái nhẫn cưới cũng được rồi”, những lời lẽ mộc mạc, chân thành không thêu hoa dệt gấm, nhưng hắn yêu thích, vì đó là những lời trung thực từ trái tim nàng nói ra, hắn biết rõ điều đó, chính vì điểm này mà hắn càng thương vợ nhiều hơn. Nói về kim cương, hột soàn hắn là đàn ông không biết dã đành, mà nàng cũng chẳng hơn gì, hoàn toàn mù tịt vì cả đời chỉ có một lần duy nhất; lần hai vợ chồng đi mua nhẫn cưới. Hắn gợi ý nhờ bạn bè dẫn đi, nhưng nàng luôn gạt đi vì sợ làm phiền, mất thì giờ của bạn, và nàng thấy kỳ làm sao ấy, sợ bị hiểu lầm là bầy đặt khoe khoang. Kể từ ngày lấy nhau ngoài nhà cửa xe cộ là việc cần thiết phai có, hai vợ chồng hắn chả mua sắm gì mấy, nhất là nàng, chẳng ăn tiêu xa hoa, không son phấn, cũng chẳng đua đòi, bon chen, không quần này áo nọ, chi tiêu tằn tiện, nên tuy không giầu, nhưng cũng không đến nỗi thiếu hụt. Công việc ở sở đòi hỏi nàng phải làm 10 tiếng một ngày, đôi khi 12 tiếng, kể luôn ngày thứ bẩy, ngày nào cũng bắt đầu từ 6 giờ sáng, nên nàng phải dậy đi rất sớm, hắn cố thức giấc vào giờ ấy, để tiễn nàng bằng một nụ hôn nhẹ, hoặc những buổi chiều đi làm về, hắn vui vẻ, đón chờ vợ với tất cả sự ân cần “Hôm nay em đi làm có vui không, có mệt không?” Vì hắn biết với nàng đó mới chính là những hạt kim cương đẹp nhất mà nàng mong đợi.

       Hắn không dám nói vợ chồng hắn là người có hạnh phúc nhất, bởi cái hạnh phúc khó có thể đem ra mà so sánh giữa người này với người khác, vì nó rất tương đối, tùy thuộc vào từng đối tượng, hoàn cảnh và cái lăng kính mà người ta xử dụng, nhưng với vợ chồng hắn, hắn cảm thấy rất hạnh phúc dù hai mươi mốt năm qua nàng chưa hề hé môi nói một tiếng “Yêu” trên chót lưỡi đầu môi, vì hình như danh từ đó không đủ để diễn tả tình yêu của nàng cho hắn, hay vì nàng sợ nói ra sau một thanh âm ngắn ngủi, nó sẽ tan biến nhanh như những sợi mây khói mỏng manh trong không gian, nàng muốn ấp ủ ở trong tim tất cả tình yêu thương nàng dành cho hắn, vĩnh viễn tồn tại trong tâm hồn nàng, giữ lại trong thân xác nàng. Hắn cũng cảm nhận cái hạnh phúc của nàng không kém, dù chưa bao giờ nàng nói bằng lời, nhưng hắn đọc được từ trong ánh mắt, trong thâm sâu ở đáy lòng nàng. “Xuất giá tòng phu” nàng không thể cắt nghĩa được từng chữ câu nói đó có ý nghĩa gì, nhưng nàng diễn tả nó thật trọn vẹn qua từng cử chỉ, qua cung cách hành xử và hoạt động thường ngày, dù nhỏ nhặt đến đâu, chẳng bị ràng buộc bởi không gian và thời gian. Ở nàng, cái hạnh phúc là tất cả những gì, nàng có thể làm được cho chồng, cho con dù khó nhọc đến đâu, nhất là kể từ sau khi hắn thoát khỏi căn bệnh hiểm nghèo, và được Diêm Vương ký cho tờ “Hoãn dịch dài hạn”. Chính vì cái tình yêu thương qúa chân thật ấy, mà nàng không hề cảm thấy một mảy may ngượng ngùng, cho mình, cho chồng dù ở bất cứ chỗ nào, từ những cử chỉ nhỏ nhặt nhất, như từng miếng ăn thức uống, hay tới những công vîệc nặng nề hơn, như mỗi lần đi chơi xa, nàng lo thu xếp, gói ghém mọi thứ cho chồng, dành phần mang những cái vali nặng, cồng kềnh, để chồng xách những cái túi nhẹ, gọn gàng, dù nàng biết hắn không muốn nàng làm vậy, nhưng đó là hạnh phúc của nàng, hắn biết vậy nên càng cố chia xẻ cùng vợ mọi việc, kể cả việc nhà bếp. Hôm nào thấy vợ phải làm thêm giờ về trễ, ở nhà hắn lo chuẩn bị cơm chiều, nhưng về tới nhà hễ thấy chồng làm bếp núc là nàng lại lăn xả vào ngay tức khắc, sợ hắn đứng lâu lại đau lưng, chẳng hề than van, phàn nàn hay càu nhàu một tiếng, cho dù công việc gia đình là trách nhiệm chung của cả hai, vì nàng luôn nghĩ hắn cũng phải làm việc, công việc đầu óc nhiều khi còn mệt hơn cả tay chân nữa. Hạnh phúc hơn nữa là sau khi cưới, vợ chồng hắn tìm lại được mẹ và anh chị em nàng ở Việt nam, để bà cụ có được niềm vui trong tuổi già, biết con gái mình còn sống và đang có hạnh phúc bên chồng và ba thằng cháu ngoại yêu thương, đó là niềm hạnh phúc to lớn nhất, công ơn này một phần là ở bà cô nuôi và người bạn của cô đã giúp tìm cho địa chỉ.

   Hai mươi mốt năm chưa phải là dài, nhưng cũng không phải là ngắn, hai vợ chồng không hề một lần cãi vả hay to tiếng, ngày nào cũng “Cơm lành canh ngọt”, công lao đó là nhờ ở nàng. “Nhân vô thập toàn”, chắc chắn ai cũng có lỗi lầm, nhất là hắn cũng nóng tính, thỉnh thoảng vợ làm điều gì không vừa ý, đôi khi hắn cũng cằn nhằn, nhưng vợ hắn biết đó là những lời nói chứa chấp yêu thương và hướng dẫn, nên hoặc sửa đổi cho chồng hài lòng, hoặc cười vã lả, thế là hắn tịt ngòi, chẳng có lời qua tiếng lại. Hắn yêu thương vợ vì biết rõ những ưu khuyết điểm của vợ, yếu điểm là ở chỗ qúa thật thà nên ăn nói không văn hoa bóng bẩy, không mầu mè khách sáo, hiền lành nên ít khôn ngoan, đôi khi đâm ra khờ khạo, nàng không nổi như nhiều phu nhân khác, nhất là giữa đám đông, nếu không muốn nói là chìm lỉm, vì vậy hắn biết bổn phận phải hướng dẫn và che chở, hướng dẫn để nàng khôn ngoan hơn, biết xử thế với đời, che chở bảo bọc để nàng khỏi bị đời hà hiếp, chèn ép, kề cận bên để nàng khỏi lẻ loi, cô đơn. Còn các ưu điểm là tính tình hiền lành, nhẫn nại, không lý sự, không hoang phí, cũng không bủn xỉn chắt chiu, chịu khó học hỏi, và đặc biệt nhất là việc giữ gìn và tạo dựng hạnh phúc gia đình. Nàng cũng khá thông minh và nhanh nhẹn, nhờ thế mà công việc làm ở sở rất được tin dùng, học hỏi lẹ và có nhiều sáng kiến, thường thì ai cũng muốn được cân nhắc lên bậc thang cao hơn, nhưng nàng thì lại không, vì bản chất e dè, nhút nhát nên đâm ra sợ sệt, nể trọng những người lớn tuổi, nhất là trong đó có nhiều người Việt, nên nàng luôn tìm cách chối từ, cho dù chỉ là hợp thức hóa công việc mà nàng đã và đang làm, thôi thì “có miếng hơn có tiếng” được trả lương theo việc làm là được rồi. Bởi thế mà mọi người làm chung ai cũng thương mến, cộng thêm với may mắn, nàng vẫn tồn tại cho đến nay đã 29 năm tại một hãng, dù nền kinh tế đã trải qua bao thăng trầm và xuy thoái.

     Đôi khi hắn thấy vợ thua thiệt vì hắn không đến với nàng bằng một tình yêu trai gái như khi còn trẻ, nên hắn càng thấy phải đền bù bằng sự che chởvà hướng dẫn. Hắn biết ở cái xã hội này khó mà có thể tìm được người vợ lo lắng cho chồng nhiều hơn nàng, miếng ngon miếng ngọt nàng luôn luôn nghĩ đến chồng trước nhất, nàng quan tâm đến chồng nhiều hơn cả cho con cái, nàng qủa là người vợ tuyệt vời. Đối với nàng mỗi bước chân ra khỏi nhà, nàng luôn luôn tỏ ra rất sung sướng nếu có chồng cùng đi, hay được đi cùng chồng, ngay kể cả đôi lúc chàng đi uống cà phê cùng bạn bè nàng cũng muốn đi theo, dù chỉ ngồi chờ ở ngoài xe mà nàng cũng vui, mỗi lần ra xe, nàng chuẩn bị từng ly nước, từng miếng bánh sẵn sàng cho chồng. Không phải nghi chồng có ý lăng nhăng, bậy bạ, nàng hiểu tính chồng là người rất thủy chung, nên nàng chẳng bao giờ tỏ ý ghen tương, trái lại mỗi khi ra đường thấy cô nào xinh đẹp hấp dẫn, nàng còn chỉ cho chồng nhìn nữa, vì hình như nàng nghe đâu ai nói rằng cứ để cho “nhìn thoải mái, nhìn cho no luôn”, mà no thì không còn thèm thuồng đòi ăn, còn càng cấm đoán bao nhiêu thì càng lén lút bấy nhiêu, đó là điều ít thấy ở những người đàn bà khác.

     Cái hạnh phúc của vợ chồng hắn có được ngày hôm nay, hắn nghĩ phải chăng là kết qủa cuả sự hồn nhiên, thật thà chất phác trong một tâm hồn bình dị của vợ hắn. Hắn mong ước nàng mãi mãi được sống trong cái hạnh phúc mà nàng đang có, một khung trời xanh nho nhỏ, có mặt hồ bình yên đang vào Thu. Chẳng cần thiết nàng phải đọc những gì hắn viết, dù đó là những tình cảm, tâm tư hay những kinh nghiệm cuộc sống hắn gói ghém gửi vào, vì biết đâu điều đó lại chẳng làm nàng buồn hơn cho tuổi thơ không có mùa xuân của đời mình. Phải chăng cuộc đời bao công sức học hành, phấn đấu, bao nỗ lực lo tiền bạc, lợi danh cũng chỉ để mưu cầu đạt được cái ước nguyện cuối cùng là hạnh phúc, điều mà vợ chồng hắn đã và đang có, còn mong ước gì hơn nữa. Hắn biết hắn phải có bổn phận cùng nàng gìn giữ, xây dựng và sưởi ấm nó để cùng nhau đi cho hết mùa đông cuộc đời.


Nctd

Thu 2009

No comments:

Post a Comment